Không nên đặt áp lực học trước cho trẻ khi bước vào lớp 1.
Việc học trước của trẻ sẽ dẫn đến tâm lý chủ quan, không chú ý khi cô giáo giảng bài, tạo thói quen mất tập trung. Đặc biệt, trẻ học trước còn gây khó khăn cho giáo viên dạy lớp 1, bởi trước đó đã học không đúng phương pháp, quy trình từ cách cầm bút, đặt bút, tư thế ngồi khiến giáo viên rất mất công để chỉnh sửa…
Bắt đầu từ tháng 5, nhiều lớp luyện chữ, làm toán cho trẻ mầm non chuẩn bị bước vào lớp một ở Hà Nội ồ ạt chiêu sinh. Không những dạy trước chương trình, nhiều lớp còn kiêm luôn việc trông nom bán trú như ở trường tiểu học. Việc đổ xô tìm cô giáo giỏi, có uy tín để luyện trước cho con khiến cuộc chạy đua vào lớp 1 của các cháu thiếu nhi diễn ra căng thẳng.
Trào lưu "đọc thông, viết thạo" trước khi vào lớp 1
Nếu như trẻ bước vào lớp 1 mới được cô giáo dạy cách cầm bút chuẩn, mới học viết các nét móc, nét khuyết, thì nay nhiều trẻ vào lớp 1 đã "đọc thông, viết thạo" như trẻ đã học xong học kỳ đầu của lớp 1. Trong khi các học sinh đang được hưởng kỳ nghỉ hè bổ ích thì nhiều trẻ em chuẩn bị bước vào lớp 1 phải "bò" ra học chữ.
Thấy nhiều phụ huynh cảnh báo không cho con học trước sẽ trở thành "cá biệt" trong lớp, chị Phạm Thị Phương Linh ở quận Tây Hồ đã cho con nghỉ học lớp mẫu giáo lớn để đi học chữ. Ngày đầu đưa con đến lớp, chị bị "choáng" bởi lớp thì chật nhưng có tới hơn 30 cháu ở độ tuổi lên 5 đang hí hoáy tập viết. Qua 2 ngày đầu đi học, con gái chị về nhà đã đọc thuộc gần hết bảng chữ cái khiến chị Linh rất vui. Mỗi tháng tiền học, tiền bán trú chị phải đóng cho con xấp xỉ 1,5 triệu đồng.
"Đến hè này, con mình đã đọc thông, viết thạo, làm toán đến phép cộng trừ trong phạm vi 100" - chị Linh khoe. Chương trình toán hết lớp 1 mới chỉ cộng trừ không nhớ trong phạm vi 100, thế mà con chị Linh chưa đi học đã "làm toán thạo" khiến nhiều phụ huynh khác cũng nháo nhào xin cho con đi học trước.
Không quá sốt sắng như chị Linh, nhiều phụ huynh ở Hà Nội thường cho con nghỉ học mầm non khi mới hết học kỳ I để đi học chữ. Nơi các bậc phụ huynh thường chọn để gửi gắm con là các "bà giáo" (giáo viên tiểu học đã nghỉ hưu). Hoặc có phụ huynh vẫn cho con học hết bậc mầm non, nhưng khi vừa nghỉ hè là đã lao vào cuộc chạy đua nước rút, tìm "lò" luyện cho con.
Anh Bùi Văn Đông, ở tập thể Ngọc Khánh, Ba Đình sốt ruột cho biết: "Mấy hôm nay, vợ chồng tôi vắt chân lên cổ tìm chỗ cho con học mà chưa ưng chỗ nào. Hôm trước tôi cho cháu học thử ở một lớp nhưng phải cho dừng ngay vì lớp này đại trà, đông đúc như "lò" luyện thi đại học".
Chính vì sự lo lắng của nhiều bậc phụ huynh nên việc trẻ phải đi học sớm, vật vã ở các "lò" luyện giữa tiết trời hè nóng nực diễn ra khá nhiều ở Hà Nội. Và khi bước vào lớp 1, việc trong một lớp có nhiều học sinh đã đọc thông, viết thạo không còn là chuyện lạ.
Bùng nổ "lò" luyện vào lớp 1
Việc dạy chữ trước khi trẻ vào lớp 1 ở ngoài xã hội hiện không cấm, thế nên ở Hà Nội đã xuất hiện nhiều nhóm lớp, nhóm trẻ học chữ, học viết, học làm toán. Chưa kể, một số trường lại còn thi vào lớp 1, nên việc không cho con học trước thì quả là… lạc hậu. Chị Thu Trang, ở khu đô thị Mỹ Đình phàn nàn: "Ai cũng cho con học trước, mình không cho thì con mình sẽ nằm trong tốp cá biệt của lớp vì thua kém các bạn".
Đánh vào tâm lý này, ở Hà Nội bung ra nhiều "lò" luyện lớp 1 cho các cháu ngay từ khi 5 tuổi. Có "lò" chiêu sinh các cháu 5 tuổi từ hè năm 2009, học đến nay đã được 1 năm. Các cháu sáng vào lớp 8h, trưa ăn nghỉ bán trú, chiều lại học đến 17h như học sinh tiểu học. Hè 2010, ở nhiều cổng trường mầm non luôn có một nhóm người phát tờ rơi quảng cáo các lớp luyện cấp tốc cho trẻ vào lớp 1 rất hấp dẫn như: "sau 2 tháng, các cháu sẽ biết đọc, biết viết, biết làm toán, có hành trang vững chắc vào lớp 1"…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá học phí cho trẻ trước khi vào lớp 1 đắt ngang ngửa với các "lò" luyện thi đại học. Có nơi học 2giờ/buổi, giá từ 50-60 nghìn đồng. Nếu học bán trú thì mềm hơn, từ 80 đến 100 nghìn đồng/buổi. Sở dĩ học phí đắt như vậy bởi nguồn cung ít hơn cầu. Có phụ huynh chạy ngang chạy ngửa cả tuần lễ cũng không xin học được cho con vì lớp quá tải. Sự quá tải cộng với thời tiết nóng bức, áp lực học lớn khiến nhiều trẻ em bị quá sức, không có ngày hè vui chơi theo đúng lứa tuổi.
Theo ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Hà Nội thì hiện nay nhà trường và giáo viên không được dạy thêm cho trẻ trước khi vào lớp 1, nếu giáo viên có dạy thêm thì phải xin phép và được cấp phép mới được dạy. Còn việc dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1 ở ngoài xã hội thì chưa có quy định cấm mà đó là do nhu cầu của thị trường.
Theo Báo CAND
(HBĐT) - Chúng tôi có dịp về thăm trường THPT Yên Thuỷ A vào buổi chào cờ đầu tuần, được dự buổi nói chuyện truyền thống giữa Hội CCB nhà trường với toàn thể học sinh, chúng tôi phần nào cũng hiểu được công tác giáo dục truyền thống là một phần không thể thiếu trong việc hình thành và phát triển đạo đức, nhân cách cho học sinh
Đề án “Dạy và học ngoại ngữ” trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2008. Đặc biệt, trong đề án, dạy và học tiếng Anh có vị trí vô cùng quan trọng, nhất là việc dạy và học cho thiếu nhi. Có 6 nguyên tắc vàng trong dạy tiếng Anh cho thiếu nhi để việc dạy và học có hiệu quả
Bổ nhiệm hiệu trưởng trái quy định của Thủ tướng Chính phủ, thông báo tuyển sinh chui là hai sai phạm nghiêm trọng của Trường ĐH Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương).
Lần đầu tiên, các trường đại học trong nước có một lớp học dành riêng cho người khiếm thị. Đó là lớp Tin học văn phòng cho người khiếm thị, thuộc Trường ĐH Văn Lang TPHCM, do thầy Trần Bá Thiện đảm nhiệm.
Theo báo cáo nhanh của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), tổng hợp số liệu sau ngày thi thứ nhất, tổng số thí sinh bỏ thi là 4.663 em, chiếm tỷ lệ hơn 0,4% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi.
(HBĐT) - Trường THCS Phú Cường, huyện Tân lạc có 39 cán bộ giáo viên, trong đó có 19 đảng viên , 413 học sinh, có 97% là học sinh dân tộc, 14 phòng học kiên cố bảo đảm học 2 buổi/ngày.