Thí sinh chỉ mới đang thi tuyển vào các trường ĐH-CĐ đã có rất nhiều nơi mạo danh các trường ĐH lớn, đứng ra xét tuyển vào học với những điều kiện hết sức dễ dàng.
Nơi “tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh” hiện nay của Viện NCGD-CT là bàn bảo vệ của nhà C3, khu nhà C làng Quốc tế - Thăng Long Ảnh: V.T |
Trong những ngày thi đợt 1 vừa qua, nhiều thí sinh (TS) nhận được tờ thông báo tuyển sinh vào những trường ĐH, CĐ lớn của Hà Nội chỉ cần tốt nghiệp phổ thông hoặc đạt từ 8-13 điểm trong kỳ thi ĐH.
Bảo đảm được xét tuyển!
Một tờ rơi có nội dung: Viện Nghiên cứu giáo dục và trường Công thương (viết tắt: NCGD-CT) liên kết với một số trường ĐH, CĐ, trung học chuyên nghiệp để mở các lớp đào tạo hệ chính quy. TS dự thi ĐH năm 2011 chỉ cần đạt 13 điểm là chắc chắn được xét tuyển vào bậc ĐH, CĐ của các trường, ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Tài chính, ĐH Thương mại, ĐH Điện lực, ĐH Y Hà Nội, ĐH Công đoàn, ĐH Nông nghiệp… Tờ rơi này còn nêu rõ: TS sẽ học hệ ĐH chính quy nhưng đào tạo ngoài ngân sách với mức học phí chỉ hơn hệ đào tạo có chỉ tiêu là 100.000 đồng/tháng. Để xét tuyển vào các trường CĐ, viện này còn mạnh mẽ tuyên bố: TS dự thi ĐH, CĐ bất kỳ trường nào năm học 2011 đạt từ 8 điểm trở lên chắc chắn sẽ được xét vào các trường CĐ Y Hà Nội, CĐ Y Phú Thọ, CĐ Xây dựng trung ương…
Những tờ rơi khác cũng có nội dung tương tự, chỉ khác tên đơn vị tuyển sinh. Khi thì Viện NCGD-CT, lúc thì Viện Khoa học và đào tạo... Đáng lưu ý là tên người liên hệ và số điện thoại trên một số tờ rơi khác nhau nhưng văn phòng tuyển sinh đều cùng một địa chỉ là nhà C3 làng Quốc tế Thăng Long - Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội.
Lệ phí vào trường đến 20 triệu đồng
Bộ GD-ĐT không có những đơn vị nào như trong thông báo. Đặc biệt, năm nay Bộ GD-ĐT không cấp chỉ tiêu đào tạo ngoài ngân sách cho bất kỳ đơn vị nào, TS không nên tin vào những trò lừa bịp này |
||
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga | ||
Trong vai người đi nộp hồ sơ tuyển sinh, chúng tôi đã tìm đến làng Quốc tế Thăng Long, hỏi thăm Viện NCGD-CT thì không ai biết và khẳng định chưa một lần nghe tên dù đã sinh sống ở đây khá lâu. Chỉ đến khi chúng tôi hỏi một người đàn ông chừng hơn 30 tuổi, mặc đồng phục bảo vệ ngồi trông xe ở sân nhà C3, thuộc khu C của làng Quốc tế Thăng Long mới biết đến người có tên Quang Ly in trên tờ rơi.
Ngay lúc đó, một người đàn ông khác, cùng trong tổ bảo vệ, chừng hơn 40 tuổi tên Mít xuất hiện, tự xưng là người tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh hộ Quang Ly. “Thỉnh thoảng Quang Ly mới qua đây thôi, lâu lắm rồi không thấy ghé qua”. Theo người tên Mít, nếu muốn nộp hồ sơ tuyển sinh thì cứ đến liên hệ và nộp cho tổ bảo vệ (gặp trực tiếp ông Mít) vì văn phòng đã chuyển đi nơi khác mà không biết là đi đâu. Ông Mít cho biết: “Trong kia đã có hơn 30 bộ rồi, nếu không nhanh sẽ hết chỉ tiêu. Nộp ở đây thì yên tâm, văn phòng của Quang Ly có nhiều người nộp lắm, làm được hai ba năm rồi”.
Liên hệ với văn phòng tại tầng trệt nhà C3, nơi được ông Mít giới thiệu trước là văn phòng của Quang Ly, chúng tôi được một người phụ nữ tên Lý cho biết đây là văn phòng của một công ty chuyên về sản xuất và kinh doanh đá xây dựng, không hề liên quan đến văn phòng gì đó của Quang Ly. “Anh Quang Ly là cháu của sếp nên trước đây được cho nhờ địa điểm một thời gian, giờ bị đuổi đi rồi”, chị Lý nói.
Sau đó chúng tôi liên hệ với số điện thoại 0915.059.xxx được in trên tờ rơi, một người tự xưng là Quang Ly, giọng nói còn khá trẻ cho biết hiện không có mặt ở văn phòng và hẹn chúng tôi khi hết kỳ thi ĐH đợt 2 sẽ gặp mặt và nói chuyện cụ thể hơn. Tuy nhiên, anh này cho biết lệ phí “phần mềm” vào trường ít nhất là trên 10 triệu đồng, tối đa là 20 triệu đồng, tùy trường. Quang Ly cũng lưu ý chúng tôi là nếu được đi học thì chỉ được vào hệ B. “Tức là vẫn học chính quy và cấp bằng chính quy nhưng phải đóng học phí cao hơn từ 100.000 - 150.000 đồng/tháng so với hệ bình thường”, Ly nói.
Để trấn an, Quang Ly khẳng định thêm: “Em cứ yên tâm nộp hồ sơ, nếu được nhận thì chắc chắn được đi học, nếu điểm thi ĐH đạt trên 13 điểm. Bọn anh không phải là môi giới mà việc này đã được Nhà nước và Bộ GD-ĐT cho phép mới dám làm”.
Trong một cuộc điện thoại khác chúng tôi bày tỏ nguyện vọng muốn học ĐH Công đoàn, lập tức được Quang Ly cho biết: “Năm nay ĐH Công đoàn có 600 chỉ tiêu đào tạo ngoài ngân sách với mức điểm chỉ cần điểm sàn nhưng phải nộp hồ sơ ngay để “xí chỗ” và chỉ mất khoảng vài trăm ngàn đồng lệ phí xét tuyển”. Ly còn khẳng định: “Vì là Viện Nghiên cứu giáo dục của Bộ GD-ĐT nên làm ăn đàng hoàng chứ không phải là môi giới vớ vẩn!”.
Chỉ là lừa đảo
Hầu hết những trường ĐH, CĐ có tên trong thông báo tuyển sinh của Viện NCGD-CT đều khẳng định không hề liên kết đào tạo với những đơn vị này.
Ông Vũ Quang Thọ - Phó hiệu trưởng trường ĐH Công đoàn - khẳng định: “Nhà trường không liên kết đào tạo với đơn vị nào như vậy và cũng không có chỉ tiêu đào tạo như vậy”. Ông Đinh Văn Sơn - Hiệu trưởng trường ĐH Thương mại - cho biết: “Đây chỉ là những thông tin lừa đảo vì trường chưa bao giờ có chỉ tiêu đào tạo ngoài ngân sách (hệ B) và cũng không liên kết đào tạo với đơn vị nào theo kiểu đó”.
Đáng lưu ý, một số trường trong danh sách này như ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Y Hà Nội chưa bao giờ tuyển sinh nguyện vọng 2 vì điểm nguyện vọng 1 vào trường luôn ở mức cao (trên 20) nên cũng không có chuyện đạt 13 điểm là có thể vào học! Hơn nữa, theo quy định của Bộ GD-ĐT thì lệ phí xét tuyển vào các trường chỉ vài chục ngàn đồng chứ không phải vài trăm ngàn đồng.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Bộ GD-ĐT không có những đơn vị nào như trong thông báo. Đặc biệt, năm nay Bộ GD-ĐT không cấp chỉ tiêu đào tạo ngoài ngân sách cho bất kỳ đơn vị nào. Tất cả chỉ có một chỉ tiêu chung đã được công bố trong cuốn những điều cần biết. Vì vậy, TS không nên tin vào những trò lừa bịp này”.
Năm nay, Bộ GD-ĐT cho phép rút hồ sơ và công khai thông tin xét tuyển nên cơ hội trúng tuyển của TS sẽ rất cao. Những TS đạt điểm sàn gần như chắc chắn có cơ hội trúng tuyển. Nếu nộp qua những “cò lừa” này, khi trúng tuyển, TS sẽ phải mất phí “mềm” từ 10-20 triệu đồng như thỏa thuận với họ. Đối với những TS không đạt điểm sàn, hoặc không trúng tuyển, họ sẽ nộp hồ sơ vào các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, hoặc một số chương trình liên kết đào tạo trái phép.
Điều đáng nói là dù thế nào thì những “cò lừa” này vẫn cầm chắc phần “thắng”, trong khi TS sẽ có rất nhiều thiệt thòi. Nếu trúng tuyển (một cách đàng hoàng), thì TS cũng bị mất một khoản tiền “oan” với họ. Hơn nữa giấy chứng nhận kết quả thi của TS chỉ được cấp có một lần và chỉ có một tờ tương ứng với một đợt xét tuyển. Vì thế, nếu đã đưa cho họ chắc chắn TS sẽ phải theo đến cùng vì không còn cơ hội khác để xét tuyển.
Theo Dantri
Chính quyền thành phố Chandigarh, Ấn Độ đang thí điểm sử dụng hệ thống nhận dạng sinh học tại các cửa hàng bán thực phẩm trợ giá theo chương trình thực phẩm cho người nghèo, để hạn chế tình trạng thực phẩm có ưu đãi giá không đến đúng đối tượng.
(HBĐT) - TP Hòa Bình hiện có 19 trường mầm non công lập. Bắt đầu từ ngày 4/7, tất cả các trường cùng đồng loạt bán hồ sơ dự tuyển năm học 2011 - 2012. Nhưng chỉ đến khoảng 8 giờ 30 phút, hồ sơ của lớp nhà trẻ ở hầu hết các trường đã được bán hết. Tại một số trường vùng trung tâm, nhiều phụ huynh đã phải túc trực trước cổng trường từ 5 giờ sáng, chờ đến giờ “g” mở cửa để chen vào mua trước. Tuy nhiên, chỉ tiêu tuyển của các trường với nhóm lớp 2, 3 tuổi chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu. Không ít phụ huynh phải ngậm ngùi ra về tay không.
Sai sót của đề hóa bắt nguồn từ khâu in sao đề thi tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội Khả năng đáp án môn vật lý thiếu mất một vế so với đề
Sau khi Bộ GD-ĐT đưa ra 2 phương án xử lý sự cố về môn Toán tại Trường Sĩ quan Chỉ huy Kỹ thuật Thông tin, trong số 24 thí sinh có bài thi ký nhầm, có 3 thí sinh chọn phương án thi lại, còn 21 em xin giữ lại nguyên bài thi cũ.
“Các trường mầm non không được phép sử dụng danh sách do phụ huynh lập ra vào ban đêm. Các trường sẽ phải thông báo công khai ngày, giờ phát đơn và nhà trường phải đứng ra tổ chức”.
Chiều 4/7, trong buổi họp báo tổng kết ngày thi đầu đợt 1 kỳ thi ĐH 2011, ông Đỗ Quốc Anh - giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại phía Nam cho biết cả nước có 60 trường hợp thí sinh vi phạm quy chế trong đó 26 trường hợp bị đình chỉ.