Chỉ được đưa ra lấy ý kiến 2 tuần trước ngày khai giảng cho cả 3 cấp học và hiện nay năm học mới đã bắt đầu nhưng hướng dẫn giảm tải chương trình SGK do Bộ GD-ĐT biên soạn mới được “nghe nói” ở các trường. Đáp lại sự chờ đợi và kỳ vọng của xã hội, giảm tải lần này chủ yếu chỉ tập trung ở phần bài tập, kèm cả sửa lỗi chính tả…
Hữu danh vô... nghĩa!
Chiều 6-9, ngày học thứ hai năm học 2011-2012, các trường cho biết chưa nhận được bất cứ văn bản hướng dẫn nào từ Sở GD-ĐT về việc giảm tải chương trình SGK được áp dụng chính thức từ năm học này. Thầy Nguyễn Văn Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie (quận 3) cho biết: “Mấy ngày nay, chúng tôi vẫn trong tư thế nghe ngóng. Thông tin trên mạng nhiều nhưng chưa thấy văn bản hướng dẫn chính thức nào”.
Trong khi đó, nội dung giảm tải ở một số môn như Vật lý khối 10, Địa lý khối 10, Hóa học khối 12, Sinh học cả 3 khối lớp 10, 11, 12… có nội dung giảm tải ngay từ bài 1 nhưng với tình hình hiện nay, các thầy cô khó lòng áp dụng.
Song, khi tham khảo nội dung giảm tải trên mạng, thầy Nguyễn Hoàng Việt, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận) bày tỏ: “Mang tiếng là giảm tải chương trình nhưng thực chất những phần được giảm rất vụn vặt, chủ yếu nằm ở phần bài tập, lác đác vài thí nghiệm nhỏ ở trong bài giảng. Như vậy, giảm hay không giảm không khác nhau mấy”.
Đồng quan điểm, cô Dương Thu Trang, giáo viên dạy Văn, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6) cho biết nội dung giảm tải môn Văn tập trung chủ yếu ở hai khối lớp 10 và 11. Đây là hai khối lớp đã được Sở GD-ĐT giao quyền tự chủ ra đề thi cho các trường nên dù không giảm tải, mỗi trường cũng tự giới hạn chương trình cho học sinh trường mình. Trong khi đó, khối 12 vốn chịu nhiều áp lực thi cử nhất nhưng theo hướng dẫn giảm tải của bộ, chỉ giảm đúng 1 bài “Nhân vật giao tiếp”, trong khi bài này không nằm trong chương trình thi cử. Do đó, mang tiếng là giảm tải nhưng thực chất chương trình học không có bất kỳ thay đổi nào.
“Mặc dù chưa được triển khai chính thức nhưng hướng dẫn giảm tải của bộ không khiến nhiều giáo viên dạy Văn như tôi quan tâm vì có giảm cũng như không”, cô Trang chia sẻ.
Riêng phần giảm tải chương trình Anh văn khối 8, có đến 4/10 nội dung giảm tải dành cho việc sửa lỗi chính tả như sửa “ansers” thành “answers” (bài tập 2, unit 6, trang 57), thay “to” thành “from” (dòng thứ 6 từ dưới đếm lên, unit 15, trang 145), “Delhi” thành “New Delhi” (dòng cuối cùng, unit 15, trang 145)…
Nội dung giảm tải môn Sinh học lớp 12 cũng có phần thay đổi từ vựng “giải thích” thành “nêu cơ chế…” (bài 3, chương 1, trang 15). Như vậy, phải chăng văn bản hướng dẫn giảm tải đã làm nhiệm vụ của một tờ đính chính? Và như thế, mục tiêu giảm tải theo hướng “cắt giảm các nội dung quá khó, trùng lặp, chưa thật sự cần thiết đối với học sinh” do Bộ GD-ĐT đề ra có còn ý nghĩa?
Giảm tải xuất phát từ nhu cầu người học
Nhiều năm qua, ngành giáo dục cứ luẩn quẩn mãi trong nhiệm vụ giảm tải nhưng càng giảm, chương trình lại bộc lộ nhiều bất ổn, áp lực học hành, thi cử vẫn đè nặng lên vai học sinh. Vì sao? Hiện nay, hầu hết các trường đều dạy theo áp lực của kỳ thi đại học. Rất nhiều kiến thức trong các đề thi đại học nằm ngoài chương trình giáo dục cơ bản của bậc phổ thông. Do đó, nếu không cải tiến cách ra đề và chấm thi ở bậc đại học, giảm tải chương trình phổ thông dù có cũng không được nhiều giáo viên và học sinh quan tâm.
Đơn cử như phần giảm tải kiến thức năm nay ở bộ môn Vật lý lớp 11, văn bản hướng dẫn bỏ hẳn phần năng lượng tụ điện, một trong những nội dung quan trọng nhất của kỳ thi đại học. Như vậy, liệu các thầy cô có yên tâm giảm tải?
Trong khi đó, ở môn Ngữ văn lớp 12, cô Dương Thu Trang, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6) bày tỏ: “Chương trình tập trung vào các tác phẩm trung đại quá nhiều, trong khi đó hầu hết các tác phẩm đều mang chủ đề chung là yêu nước, vốn đã được giới thiệu chung ở các bài khái quát từng thời kỳ văn học lịch sử. Thay vào đó, mảng văn học đương đại, vốn phù hợp với lối sống, cách suy nghĩ các em hơn lại chưa được quan tâm đúng mức”.
Nhiều ý kiến cho rằng, một khi muốn giảm tải chương trình, cần xác định rõ mục tiêu của giáo dục hiện nay là gì, học để phục vụ những yêu cầu gì trong xã hội, từ đó mới có những hướng dẫn giảm tải căn cơ và hiệu quả.
Mặt khác, theo kế hoạch của ngành giáo dục, năm 2015 cả nước sẽ trải qua một đợt thay mới sách giáo khoa. Nhưng với các diễn biến giảm tải hiện nay mới dừng ở việc nhặt sạn, chương trình khung chưa có chắc chắn ngành giáo dục sẽ còn rất nhiều việc phải làm.
Theo SGGP
Thấy học sinh âu yếm nhau trong sân trường, cô phụ trách tư vấn học đường gọi bạn nữ lên phòng làm việc. Khi ngồi trước học sinh, cô luống cuống chẳng biết nói gì nên buột miệng hỏi lại: “Các em làm vậy vì mục đích gì?”
(HBĐT) - Với 80% cán bộ cấp cơ sở có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, 80% cán bộ đã qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và 87% cán bộ cấp xã là đảng viên, huyện Yên Thủy hiện đang là một trong các địa phương có trình độ cán bộ cấp cơ sở cao nhất tỉnh.
Hôm nay 5/9, học sinh, sinh viên cả nước chính thức bước vào năm học mới 2011 - 2012. Trong đó, có hơn 3,75 triệu trẻ mầm non, hơn 15,1 triệu học sinh phổ thông, hơn 734 nghìn học sinh trung cấp và hơn 2,47 triệu sinh viên ĐH, CĐ.
Năm học 2011-2012 là năm học đầu triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng với tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu năm học, ngành giáo dục đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết trong cuộc trao đổi cùng phóng viên Hànộimới nhân ngày khai giảng.
Hướng nghiệp có ảnh hưởng lớn đến tương lai không chỉ của mỗi học sinh mà còn tác động đến nguồn nhân lực của đất nước. Trên thực tế, những cách thức tìm kiếm thông tin hướng nghiệp thường được HS sử dụng không bảo đảm tính tin cậy. Thông tin liên quan đến ngành nghề mà các em lựa chọn chủ yếu có được từ quan sát chủ quan của bản thân, tiếp đến là từ sách, báo, internet. Theo các chuyên gia, tính tích cực tìm kiếm thông tin về các ngành nghề của học sinh trung học phổ thông (HSTHPT) đa phần mang tính tự phát cá nhân nên các thông tin mà các em có được thiếu chính xác, phiến diện và cảm quan.
(HBĐT) - Thầy giáo Quản Văn Giang, Hiệu trưởng trường THCS thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) cho rằng: Để đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao, đội ngũ CB-GV nhà trường cần phải luôn nỗ lực, rèn luyện không ngừng. Hiện nay, trong số 33 cán bộ, giáo viên đã có 21 người có trình độ đại học; 26 CB-GV phấn đấu trở thành đảng viên. 100% giáo viên đã ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy trên lớp. Chính yếu tố đội ngũ đã tạo cho nhà trường thế vươn lên trong quá trình phấn đấu trở thành trường chuẩn quốc gia; 9 năm liền được công nhận trường xuất sắc cấp tỉnh.