Năm học mới, trường THCS xã Đoàn Kết (Đà Bắc) được đầu tư dãy nhà lớp học mới trị giá khoảng 5 tỉ đồng.
(HBĐT) - Nằm ở vùng ĐBKK nhưng với sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, trường THCS xã Đoàn Kết (Đà Bắc) đã có cơ sở vật chất (CSVC) khá khang trang. Học sinh cũng nhận được sự hỗ trợ thiết thực từ sách, vở đến tiền mặt để tiếp bước đến trường học cái chữ mai sau xây dựng quê hương phát triển.
Niềm vui trong năm học mới
Ngôi nhà 2 tầng gồm 6 phòng học vừa mới được khánh thành đúng vào dịp đầu năm học mới 2013-2014 làm cho cả thầy và trò trường THCS xã Đoàn Kết vô cùng hân hoan. Hướng tầm mắt về phía ngôi trường còn thơm mùi vôi mới, thầy Trần Tuấn Vinh, Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi cho biết: Trước đây, trường chỉ có 1 dãy nhà 6 phòng nhưng phải dành 1 phòng để làm phòng hiệu bộ, 1 phòng thiết bị. Không có nhà vệ sinh, gần 200 học sinh đều phải đi vệ sinh nhờ nhà dân hoặc đi tự do. Nhà trường không thể bố trí cho học sinh học 2 buổi/ngày vì nhà các em cách quá xa với trường, như xóm Thầm Luông cách trường đến 8 km. Các em chủ yếu đi bộ, nếu tổ chức học buổi chiều, khi về gặp trời tối. Không đủ phòng, học sinh phải đi học nhờ ở trường tiểu học. Bây giờ, chuyện học nhờ chỉ còn là quá khứ. Cùng với dãy nhà mới trị giá khoảng 5 tỉ đồng từ nguồn vốn kiên cố hoá trường lớp học, trường còn được đầu tư xây tường bao, cổng trường, lát sân, nhà vệ sinh. Dãy nhà tập thể giáo viên gồm 10 phòng được kiên cố thay cho dãy nhà tranh tre ọp ẹp cách đây vài năm cũng đã làm cho các thầy, cô giáo yên tâm công tác. Tất cả 18 CB, GV nhà trường đều là người dưới xuôi lên. Với mong mỏi đem cái chữ đến với trẻ em dân tộc Dao, Tày vùng cao, nhiều GV đã gắn bó đến 20 năm. Ở vùng núi cao, cách xa trung tâm huyện đến hơn 60 km mà có CSVC trường lớp học, nhà công vụ khang trang thế này là cả một niềm vui lớn, sự mong mỏi bấy lâu.
Vượt lên khó khăn
“Thức dậy từ lúc cả bản còn chìm trong bóng tối, làm vệ sinh cá nhân, nhịn ăn sáng và chuẩn bị cặp sách, đèn pin đi học. Vậy mà có những hôm trời mưa mù vẫn đến lớp muộn. Con đường uốn lượn theo vách núi từ bản Thầm Luông tới trường dài đến 8 km. Ngồi học với cái bụng đói lép kẹp đến trưa tan học về nhà cũng đã gần 2 giờ chiều. Vội vàng lôi nồi cơm nguội ra ăn một mình rồi lại lên nương phụ giúp cha mẹ. Bữa cơm cũng thường chỉ có rau chứ hiếm khi có thịt, cá.” – Em Lý Thị Linh, học sinh lớp 9 tâm sự.
Năm học 2013-2014, trường THCS xã Đoàn Kết có 161 học sinh chia thành 5 lớp. Xã Đoàn Kết có 5 xóm nhưng toàn bộ là đường núi đi lại khó khăn. Toàn trường có khoảng 40 học sinh phải dậy từ tờ mờ sáng đi học, trong cặp lúc nào cũng có 1 chiếc đèn phin. Theo hiệu trưởng Trần Tuấn Vinh, gia đình nào có điều kiện, học sinh mới có xe đạp đi học, còn lại chủ yếu đi bộ. Có xe đạp rồi đi cũng không dễ vì đường nhiều dốc, cua. Vì đường xa, hiểm trở nên việc học sinh đi học muộn là chuyện thường xuyên, nhất là những hôm trời mưa rét, sương mù dày đặc. Điều kiện kinh tế của nhân dân còn nghèo, do đó, việc quan tâm, chăm lo cho con đi học còn khoảng cách khá xa so với vùng thị trấn, thành phố. Khi trường thông báo họp phụ huynh cũng chỉ có khoảng 70% phụ huynh đi họp, không ít gia đình còn "khoán trắng" việc học cho nhà trường. Có đến 50% học sinh đi học phải nhịn ăn sáng và mỗi ngày chỉ ăn 2 bữa: chiều và tối. Từ năm học 2011-2012 trở về trước, mỗi năm có khoảng 2% học sinh bỏ học, tập trung ở khối lớp 8, 9. Học sinh ít tiếp xúc rộng rãi nên khá rụt rè.
Trước những khó khăn đó, nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp như vận động các em nhà xa ở nhờ nhà người quen gần trường. GV đến từng bản, từng học sinh có nguy cơ bỏ học để vận động các em tới trường. Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, tạo sự hứng thú cho học sinh. Khen thưởng đột xuất cho những học sinh có thành tích. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa như: vui Trung thu, cắm trại dịp 26/3… Cùng với đó, nhà trường thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ hỗ trợ cho học sinh vùng khó khăn. Từ năm học 2010-2011, tất cả học sinh được Nhà nước hỗ trợ 70.000 đồng/tháng; sách, vở ghi cũng được hỗ trợ đã tiếp bước cho các em tới trường. Cũng từ năm học 2011-2012, trường không còn tình trạng học sinh bỏ học. Năm học 2012-2013, trường có trên 32% học sinh đạt học lực giỏi, khá. Đặc biệt có 4 học sinh giỏi cấp huyện môn ngữ văn.
Trong năm học mới, nhà trường trăn trở nhất là vấn đề nâng cao nhận thức, sự quan tâm của phụ huynh đến việc học của con và sân học thể dục nằm ngay dưới đường điện cao thế.
Cẩm Lệ
(HBĐT) - Ngày 4/9, trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ đã đến thăm và tặng quà cho học sinh 2 trường tiểu học Tân Minh A và Tân Minh B. Phần quà gồm hơn 4.000 tập vở ô ly trị giá trên 20 triệu đồng, trong đó tặng cho học sinh trường TH Tân Minh A là 2.200 tập, trường TH Tân Minh B là 1.850 tập.
(HBĐT) - Ngày 4/9, trường mầm non phường Thái Bình (TP Hoà Bình) tổ chức ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường và đón nhận bằng công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Dự và chia vui với cô và trò nhà trường có đồng chí Trần Văn Hoàn, Bí thư Thành uỷ Hoà Bình.
(HBĐT) - Ngày 3/9, từ nguồn quỹ tài trợ của công ty Phú Mỹ Hưng (TP. Hồ Chí Minh), Hội Khuyến học tỉnh đã tổ chức trao học bổng cho 85 em học sinh nghèo vượt khó tại các huyện Lạc Sơn, Cao Phong và Yên Thủy.
(HBĐT) - Sáng 4/9, trường mầm non xã Thanh Hối (huyện Tân Lạc) đã tổ chức lễ khai giảng năm học 2013-2014, mừng “Ngày hội đến trường của bé” và đón nhận bằng công nhận trường chuẩn Quốc gia.
(HBĐT) - Sáng 3/9, trường mầm non Tòng Đâụ huyện (Mai Châu) đã tổ chức lễ khai giảng năm học mới, “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường” và đón nhận danh hiệu Trường chuẩn quốc gia mức độ I. Đại diện các cấp uỷ, chính quyền địa phương, ngành GD&ĐT tỉnh, huyện đã về dự.
(HBĐT) - Năm học 2012 - 2013, phát huy kết quả đã đạt được trong những năm học trước, với sự quan tâm, đầu tư và chăm lo của tỉnh, của các cấp, ngành và sự tham gia của toàn dân, sự nghiệp GD&ĐT tỉnh ta tiếp tục có bước phát triển mới và đạt được nhiều kết quả quan trọng.