(HBĐT) - Trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đổ xô đi mua khẩu trang y tế, coi đây là biện pháp duy nhất có thể phòng tránh được dịch bệnh.

 


Không chỉ sử dụng khẩu trang đúng cách, người dân cần rửa tay bằng xà phòng để phòng tránh dịch bệnh. Ảnh: Các em nhỏ trường mầm non Bình Thanh (Cao Phong) thực hiện rửa tay bằng xà phòng trước giờ ăn, ngủ.

Trao đổi với chúng tôi, bác sỹ chuyên khoa I Bùi Văn Phón, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Vi rút Corona không sinh sôi nảy nở một cách độc lập hay nhân lên được ở bên ngoài môi trường. Nó chỉ là một lớp vỏ bọc trong có chứa vật chất di truyền, được nhân lên tại cơ thể vật chủ. Tại tế bào sống (thực vật, động vật, người hoặc vi khuẩn) nó sẽ được nhân bản lên nhờ có nguyên liệu và bộ máy hoạt động của những tế bào vật chủ này. Cũng vì cơ chế "sống bám” này mà nó có khả năng, tốc độ nhân bản siêu nhanh. Vi rút chỉ xâm nhập vào cơ thể sống thông qua các dịch tiết hay giọt bắn từ nguồn bệnh. Nguy cơ lây nhiễm tăng cao khi người bình thường tiếp xúc với người mắc bệnh trong vòng 2 m và khi vô tình hít phải hoặc tiếp xúc với các giọt bắn (dịch tiết) bám trên các bề mặt, tay, chân, quần áo. Ho, hắt hơi hoặc bắt tay có thể khiến những người xung quanh bị phơi nhiễm nếu chạm tay vào vật mà người bệnh chạm vào rồi đưa lên mũi, mắt, miệng. Hiện chưa có phương pháp điều trị bệnh cụ thể. Bằng cách kê thuốc giảm đau hoặc hạ sốt, các triệu chứng do bệnh gây ra có thể giảm nhẹ.

Các triệu chứng viêm phổi do vi rút Corona là sốt cao, ho, khó thở, rối loạn chức năng hô hấp… diễn biến nặng suy hô hấp dẫn đến tử vong. Hiện chưa có thuốc đặc trị, phác đồ điều trị hiện nay chủ yếu để giảm những triệu chứng này, từ đó giúp cơ thể vượt qua được tình trạng nguy hiểm, cải thiện và giúp hệ miễn dịch nhận biết được tác nhân gây bệnh rồi loại bỏ vi rút ra khỏi cơ thể thì mới có thể khỏi bệnh.

Theo khuyến cáo của ngành Y tế, để phòng bệnh người dân cần hạn chế đến nơi đông người. Nếu đang có dấu hiệu như sốt, ho hoặc khó thở, cần tránh đi lại, du lịch. Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ của bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, cần chia sẻ thông tin về lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. Cũng theo bác sỹ Bùi Văn Phón, người dân cần sử dụng khẩu trang y tế đúng cách, chỉ sử dụng 1 lần rồi bỏ vào thùng rác an toàn, có nắp đậy. Khi đeo khẩu trang phải để mặt xanh ra ngoài do mặt màu xanh có tính chống nước, các giọt nước bọt lớn bắn vào sẽ không thấm vào trong, có thể rơi xuống. Mặt màu trắng có tính hút ẩm quay vào trong, để hơi thở thoát ra thấm vào khẩu trang. Khẩu trang phải che kín cả mũi lẫn miệng. Khi mang khẩu trang tuyệt đối không sờ tay vào, vì động tác sờ tay, thậm chí chỉnh sửa khẩu trang sẽ vô tình làm cho bàn tay lây nhiễm vi rút và các tác nhân gây bệnh khác, sau đó truyền bệnh lại cho chính mình và những người xung quanh.
Khi tháo khẩu trang chỉ được cầm vào dây đeo qua tai, tháo ra cho vào thùng rác an toàn. Tuyệt đối không dùng tay cầm vào khẩu trang để tháo ra, thói quen lấy tay vo khẩu trang lại sẽ gây lây nhiễm vi rút và các tác nhân gây bệnh khác cho bàn tay. Rửa tay ngay sau khi tháo bỏ khẩu trang. Không nhất thiết phải dùng khẩu trang y tế, khẩu trang thông thường có tác dụng phòng ngừa bệnh như khẩu trang y tế. Sau mỗi lần sử dụng cần giặt, khử trùng và sử dụng đúng cách.

Ngoài sử dụng khẩu trang đúng cách khi tới chỗ đông người thì thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, không nên chạm tay vào mắt, mũi, miệng. Hạn chế tiếp xúc với những người bị ho, sốt. Che kín miệng và sử dụng khăn giấy hoặc tay áo khi ho hoặc hắt hơi. Bỏ khăn giấy vào thùng rác ngay sau khi sử dụng, rồi rửa tay.  Nơi ở cần sạch sẽ, thông thoáng, giữ nhiệt độ nơi ở trên 25oC để phòng bệnh. Báo ngay cho nhân viên hàng không, ô tô, đường sắt nếu xuất hiện dấu hiệu ốm khi di chuyển, du lịch, đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Dùng các loại thực phẩm được đun nấu chín. Ở nơi công cộng không khạc nhổ bừa bãi. Không nên tiếp xúc gần với động vật nuôi hoặc hoang dã.


 Việt Lâm
 

Các tin khác


Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục