Bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Ước tính cứ mỗi 10 giây có 1 người tử vong do bệnh lý này. Phòng bệnh và điều trị đúng cách sẽ giúp làm giảm tỷ lệ tử vong, tỷ lệ tàn phế do BPTNMT. Cần nhập viện để khám, điều trị khi có các yếu tố sau: nam giới trên 40 tuổi tiền sử có hút thuốc lá, thuốc lào (bao gồm cả hút thuốc chủ động và thụ động); tiếp xúc với môi trường ô nhiễm trong, ngoài nhà và ho, khạc đờm kéo dài. Lúc đầu có thể chỉ có ho ngắt quãng, sau đó ho dai dẳng hoặc ho hàng ngày; ho khan hoặc ho có đờm, thường khạc đờm về buổi sáng. Và nhất là khó thở tiến triển nặng dần theo thời gian, lúc đầu chỉ khó thở khi gắng sức, sau đó khó thở cả khi nghỉ ngơi và khó thở liên tục. Bệnh nhân phải gắng sức để thở, cảm giác thiếu không khí, hụt hơi, thở có tiếng rít hoặc tiếng cò cử.
Bệnh nhân BPTNMT thường tử vong trong các đợt bùng phát cấp tính do các hội chứng nguy hiểm như: tắc nghẽn đường thở và cơ hô hấp. Hội chứng tắc nghẽn đường thở là hiện tượng các phế quản, khí quản bị co thắt nhỏ lại, gây cản trở đường thở làm cho quá trình trao đổi oxy giữa cơ thể và môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng; bên trong các lòng phế nang, lòng khí phế quản có hiện tượng tăng tiết nhiều dịch và đờm làm cho tình trạng tắc nghẽn đường thở càng nặng nề hơn. Hội chứng mệt cơ hô hấp là hiện tượng bệnh nhân phải thở gắng sức nhiều do tắc nghẽn đường thở, làm cho các cơ hô hấp bị mệt do làm việc quá sức, nhiều trường hợp dẫn đến ngừng thở.
Điều trị BPTNMT: ở giai đoạn bệnh ổn định, điều trị dự phòng những cơn bùng phát cấp tính của bệnh bằng các thuốc giãn phế quản, thuốc chống viêm và chế độ ăn uống, tập luyện khoa học. Trong giai đoạn bệnh bùng phát cấp tính (bệnh nặng hơn so với thường ngày), bệnh nhân cần phải được nhập viện để được trị kịp thời. Điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân được sử dụng các thuốc giãn phế quản (đường tiêm truyền hoặc khí dung), kháng viêm, long đờm, kháng sinh (nếu có bội nhiễm vi khuẩn) để điều trị hội chứng tắc nghẽn. Bệnh nhân được hỗ trợ bằng thở máy nhân tạo để điều trị hội chứng mệt cơ hô hấp (máy thở sẽ giúp cơ hô hấp của bệnh nhân được nghỉ ngơi để hồi phục). Trong khoảng 10 năm trở lại đây, máy thở được áp dụng trong điều trị BPTNMT đã giúp cứu sống rất nhiều bệnh nhân đợt bùng phát cấp tính của bệnh, có hội chứng mệt cơ hô hấp.
Phòng BPTNMT (cho những người có nguy cơ bị bệnh) và phòng những đợt bùng phát cấp tính (cho những người đã bị bệnh), bằng: tránh tiếp xúc với bụi, khói, mùi hóa chất; cai nghiện thuốc lá, thuốc lào; vệ sinh mũi, họng thường xuyên; tiêm vaccin phòng cúm mỗi năm 1 lần vào đầu mùa thu, vaccin phòng phế cầu 5 năm 1 lần.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ năm 2006 đến nay đã áp dụng kỹ thuật thở máy trong điều trị đợt cấp BPTNMT, góp phần cứu sống rất nhiều bệnh nhân nguy kịch. Có trường hợp bệnh nhân đến viện trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim đã được tập thể thầy thuốc thuốc bệnh viện cứu sống. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thành lập phòng quản lý, tư vấn cho các bệnh nhân bị hen phế quản, BPTNMT, tăng huyết áp, tiểu đường..., góp phần hạn chế sự tiến triển nặng lên của bệnh và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Hoàng Công Tình
(Bệnh viện Đa khoa tỉnh)