PGS, TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, một trong những biện pháp quan trọng nhất để phòng chống dịch Covid-19 là cắt đứt đường lây truyền bằng việc cách ly triệt để F1. Và việc này cần phải được tiến hành một cách thần tốc và F1 phải được cách ly tập trung.

 


PGS, TS Trần Như Dương triển khai công tác truy vết F1 tại Đà Nẵng.

F1 chính là bệnh nhân tiềm tàng

Phó Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng, kiêm Đội trưởng Đội Điều tra - PGS, TS Trần Như Dương cho biết, để cắt đứt đường lây truyền Covid-19 phải cách ly, cô lập nguồn lây và không cho nguồn lây đó có cơ hội phát tán virus lây lan ra cộng đồng. Đó là cơ sở cho việc tổ chức cách ly đối với các trường hợp liên quan đến ca bệnh và ca nghi ngờ mắc Covid-19. 

Riêng đối với các trường hợp F1, trong hướng dẫn của Bộ Y tế, đây là những đối tượng tiếp xúc vòng 1 với bệnh nhân Covid-19 hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 cần có sự chú ý đặc biệt hơn.

F1 là chính là những người tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong vòng 2 m, không kể là tiếp xúc trong thời gian bao lâu. Đã tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây nên F1 là người có nguy cơ rất cao bị lây bệnh từ người bệnh. Có thể coi F1 chính là những bệnh nhân tiềm tàng.

Vì vậy, việc truy vết F1 ngay khi phát hiện ca bệnh Covid-19 hay ca bệnh nghi ngờ mắc Covid-19 là yếu tố cực kỳ then chốt, quyết định trong việc chống dịch.

Làm thế nào để cắt đứt đường lây truyền của SARS-CoV-2? -0

Việc cách ly tập trung có giá trị quan trọng để ngăn chặn nguồn lây lan ra cộng đồng.

Truy vết F1 một cách thần tốc

PGS Trần Như Dương nhấn mạnh, chiến lược hiện nay của chúng ta trong chống dịch tại cộng đồng, đó là "Phát hiện, phát hiện và phát hiện. Cách ly, cách ly và cách ly". Muốn phát hiện sớm không có cách nào khác là phải giám sát và xét nghiệm. Và một trong cách quan trọng để phát hiện được F1 chính là phải truy vết.

Theo Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, việc chống dịch trên mọi miền Tổ quốc, ở các địa phương, chúng ta phải tuân thủ nguyên tắc bất di bất dịch: "Truy vết F1 một cách thần tốc”. Có nghĩa là phải nhanh, đồng thời phải kiên quyết không được bỏ sót F1.

"F1 đã tiếp xúc với nguồn lây nên khả năng F1 mắc bệnh là rất lớn. Nếu người này không được phát hiện ra và phát hiện nhanh, kịp thời, không được tổ chức cách ly ngay, nếu không may để lọt F1 trong cộng đồng, nguy cơ cao trở thành người bệnh, phát tán virus”, ông Dương nói.

Lúc đấy, nguy cơ lây lan trước hết là trong chính gia đình của họ, sau là lây lan ra cơ quan, cộng đồng, các nhóm họp, tập trung đông người. Lúc đó dịch sẽ không ngăn chặn được nữa. Vì vậy, việc truy vết, cách ly tập trung bắt buộc đối với F1 là một trong những điều kiện cực kỳ quan trọng và mang tính chiến lược bắt buộc phải làm.

F1 phải bắt buộc cách ly tập trung 

PGS, TS Trần Như Dương khẳng định, việc cách ly tại nhà của F1 là hoàn toàn không triệt để, khó kiểm soát. Nếu người F1 lơ là, mất cảnh giác hoặc vi phạm quy định đi ra ngoài (mà lại là trường hợp nhiễm bệnh chưa được phát hiện ra) khi đó nguy cơ gieo rắc virus rất lớn, tạo thành lỗ thủng trong hệ thống phòng dịch của chúng ta. Để từ đó lây bệnh ra bên ngoài.

Chính vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, đối với người F1, Bộ Y tế yêu cầu phải cách ly bắt buộc, tại cơ sở cách ly tập trung có sự quản lý theo dõi giám sát của nhân viên y tế tại cơ sở cách ly tập trung. 

Làm thế nào để cắt đứt đường lây truyền của SARS-CoV-2? -0

Công tác xét nghiệm cũng được triển khai khẩn trương để xác định các đối tượng có khả năng mắc Covid-19.

Việc tổ chức cách ly tập trung phải theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế để phòng chống lây nhiễm tại các khu cách ly tập trung. Công tác theo dõi y tế phải được tiến hành bởi nhân viên y tế tại các khu cách ly tập trung đó.

"Việc tuân thủ các quy định trong khu cách ly là rất cần thiết để tránh lây nhiễm chéo bệnh (nếu có) sang nhau. Bộ Y tế đã xây dựng các biện pháp rất chặt chẽ, yêu cầu các cơ sở cách ly tập trung, các nhân viên tại các cơ sở đó, người được cách ly tuân thủ nghiêm túc, sẽ tránh được lây nhiễm chéo bệnh (nếu có). Nếu tuân thủ đúng các quy định đó, người dân yên tâm là đã bảo đảm được việc phòng chống lây nhiễm bệnh trong khu cách ly, nếu mình thuộc đối tượng phải cách ly tập trung”, ông Dương cho biết. 

PGS, TS Trần Như Dương nhấn mạnh, tinh thần của Chính phủ đối với cuộc phòng, chống Covid-19 là đó là chống dịch như chống giặc. Đây là cuộc chiến của toàn dân, không riêng gì của ngành y tế hay của chính quyền. Mỗi người đều phải có trách nhiệm công dân đối với toàn xã hội, mình vì mọi người, mọi người vì mình. Có như vậy, chúng ta mới tạo ra được sức mạnh to lớn chống lại Covid-19.

Để cùng chống dịch, toàn dân nên tuân thủ các hướng dẫn phòng dịch của ngành y tế (đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay thường xuyên, thực hiện khai báo y tế...).

Đối tượng F1 cần tuân thủ nghiêm ngặt cách ly tập trung. Đây vừa là quyền lợi cũng là nghĩa vụ công dân. Quyền lợi là được cách ly theo dõi y tế, được phát hiện ngay, chăm sóc y tế ngay nếu mắc bệnh, bảo vệ được sức khỏe, tính mạng. Còn nghĩa vụ là khi ở trong khu cách ly tập trung, người dân phải tuân thủ các nội quy cách ly để bệnh không lây lan sang người khác, sang cộng đồng.

Tính từ ngày 24-7 đến 18 giờ ngày 16-8, Bộ Y tế công bố tại Đà Nẵng ghi nhận 344 trường hợp mắc Covid-19. Trong đó có 289 bệnh nhân đang điều trị; tử vong 20 trường hợp; ra viện 43 trường hợp.

Đến nay, đã xác định được 10.778 các trường hợp F1 (tiếp xúc gần với ca bệnh xác định), 12.383 các trường hợp F2 (tiếp xúc gần với người tiếp xúc gần với ca bệnh xác định).

Đà Nẵng đã thực hiện cách ly 23.161 trường hợp. Số người được lấy mẫu xét nghiệm là 125.693 người.

Hiện đang có 289 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Kết quả xét nghiệm âm tính có 103 trường hợp.

                                                                                            Theo báo Nhân Dân


Các tin khác


Thêm ba ca Covid-19 mới, có hai ca tại Quảng Nam

Sáng 13-8, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết đã ghi nhận thêm ba ca mắc mới Covid-19, trong đó hai ca tại Quảng Nam và một ca tại Bạc Liêu được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

10 trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 đang cách ly điều trị tại các cơ sở y tế

(HBĐT) - Theo thông tin từ Ban chỉ đạo (BCĐ) nCoV tỉnh, tính đến 14h ngày 12/8, toàn tỉnh ghi nhận 10 trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 có yếu tố dịch tễ đi từ Đà Nẵng và các địa phương có ca dương tính lây lan tại cộng đồng trở về tỉnh. Tất cả các trường hợp đều được cách ly và điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Đã thực hiện lấy mẫu xét nghiệm 10 trường hợp trên.

Hà Nội tìm người liên quan đến ca nghi mắc Covid-19 tại quán bia Lộc Vừng, Thanh Trì

Sở Y tế Hà Nội đã phát đi thông báo tìm người liên quan đến bệnh nhân nghi mắc Covid-19 vừa được phát hiện tại Hà Nội.

242 người đang thực hiện cách ly phòng, chống Covid-19

(HBĐT) - Theo thông tin từ Ban chỉ đạo nCoV tỉnh, tính đến 14 h ngày 11/8, tỉnh chưa có trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, từ khi bùng phát ổ dịch từ Đà Nẵng, toàn tỉnh đã ghi nhận 11 trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19. 

Triển khai kịp thời công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo quy định

(HBĐT) - Ngày 11/8, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 1328/UBND-KGVX về việc thực hiện Thông báo số 283/TBVPCP ngày 8/8/2020 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ trực tuyến với các địa phương về phòng, chống dịch Covid-19

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục