Việc cách ly tại nhà cho các F1, F0 không có triệu chứng đã góp phần giảm áp lực cho các bệnh viện tại TP.HCM song vẫn có trường hợp chưa kịp thời tiếp nhận, điều trị các ca F0 diễn tiến nặng.


Cách ly các ca F0 không có triệu chứng tại nhà nhằm giảm tải cho hệ thống y tế. (Ảnh: TTXVN)

Với hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày Thành phố Hồ Chí Minh đang đối mặt với tình trạng quá tải tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19.

Bên cạnh đó, hàng nghìn F0 được cách ly tại nhà cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc tự điều trị khi có dấu hiệu chuyển nặng.

Dù đã có nhiều giải pháp được đưa ra song ngành y tế thành phố vẫn đang phải chịu nhiều áp lực trong việc giải bài toán làm sao đảm bảo nhu cầu điều trị y tế cho người dân, giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19.

Các bệnh viện luôn kín chỗ

Theo công bố của Bộ Y tế, trung bình mỗi ngày, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận thêm từ 3.000-4.000 ca mắc mới.

Dù đã liên tục xây dựng nhiều bệnh viện dã chiến, chuyển đổi công năng các bệnh viện hiện có để thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 nhưng trước diễn biến tăng nhanh các ca mắc mới, tình trạng quá tải bệnh viện vẫn diễn ra.

Đơn cử, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh - chốt chặn cuối cùng trong 5 tầng tháp điều trị COVID-19 của Thành phố, tình trạng quá tải diễn ra từ khi thành lập đến nay.

Bác sỹ Trần Thanh Linh, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, bệnh viện có công suất 500 giường bệnh nhưng hiện đang điều trị cho 582 bệnh nhân, trong đó có 129 trường hợp bệnh nhân thở máy, 11 bệnh nhân lọc máu liên tục và 4 trường hợp đang được chạy ECMO.

Với việc số ca bệnh nặng từ tuyến dưới liên tục yêu cầu chuyển tuyến lên ngày càng nhiều, trong vài ngày tới bệnh viện bắt buộc phải nâng công suất lên 700 giường bệnh và tiến tới 1.000 giường bệnh.

"Khi nâng công suất lên thì chúng tôi phải đối mặt với khó khăn lớn về nhân sự từ bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên vệ sinh đến hậu cần... bởi hiện nay đội ngũ của chúng tôi đã phải làm việc gấp 2, gấp 3 so với bình thường,” bác sỹ Trần Thanh Linh chia sẻ.

Tương tự, ở các tầng khác như các bệnh viện dã chiến và các khu cách ly tập trung, tình trạng không còn chỗ trống cũng đã diễn ra.

Bác sỹ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh kiêm Giám đốc Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 3 cho biết, đơn vị này được phân công nhiệm vụ quản lý khu cách ly Ký túc xá trường Cao đẳng Công thương quy mô 800 giường, ký túc xá Đại học Sư phạm Kỹ thuật cơ sở 2 quy mô 1.500 giường và Bệnh viện dã chiến số 3 hơn 2.400 giường bệnh... ; đến nay, cả 3 địa điểm này đều đã không còn chỗ trống.

"Hiện nay chúng tôi chỉ có thể tiếp nhận thêm nhân viên y tế để bổ sung lực lượng chứ không thể tiếp nhận thêm người bệnh,” bác sỹ Khanh nói.


Lấy mẫu xét nghiệm cho các trường hợp liên quan đến ca F0. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Bác sỹ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh thừa nhận, trong những ngày qua, số điện thoại đường dây nóng của Sở liên tục bị nghẽn mạng do có quá nhiều người dân gọi cung cấp thông tin về dịch bệnh và yêu cầu hỗ trợ.

Trong khi đó, số ca bệnh tăng cao khiến các bệnh viện tuyến quận, huyện, cơ sở thu dung điều trị đang phải căng mình để đáp ứng nhu cầu người bệnh.

Cùng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét, mặc dù Thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị rất tích cực nhưng việc theo dõi các bệnh nhân F0 khi bệnh trở nặng, kể cả ở trong các khu cách ly lẫn tại nhà, là quá tải với các cơ sở điều trị, từ tuyến 2 của thành phố cho đến tuyến cuối cùng.

Theo Bộ Y tế, thực tế có sự quá tải ở các bệnh viện, chủ yếu xảy ra ở tầng 3 tháp điều trị COVID-19 trong mô hình tháp 5 tầng tại Thành phố.

Thời gian qua, Thành phố đã nỗ lực triển khai nhiều mô hình điều trị, các kênh tiếp nhập thông tin, cấp cứu… để F0 yên tâm theo dõi, điều trị tại nhà.

Tuy nhiên, vẫn còn những trường hợp mắc COVID-19 xuất hiện triệu chứng nhưng chưa kịp đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời và sau đó diễn tiến nặng.

Để giảm bớt sự quá tải bệnh nặng ở tuyến trên, tại một số bệnh viện dã chiến buộc phải thiết lập các phòng cấp cứu thực hiện cấp cứu, hồi sức tại chỗ cho những bệnh nhân trở nặng mà chưa kịp chuyển tuyến.

Điển hình, tại Bệnh viện Dã chiến số 10 (thành phố Thủ Đức) với công suất của bệnh viện khoảng 3.000 giường bệnh. Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Thanh Vinh, Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 10 cho biết, ban đầu theo kế hoạch bệnh viện chủ yếu nhận các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hoặc những ca nhiễm không triệu chứng.

Tuy nhiên, khi các ca trở nặng tăng lên thì các bệnh viện tuyến trên thông báo hết chỗ, không thể tiếp nhận chuyển tuyến, do đó, phòng cấp cứu trong Bệnh viện dã chiến 10 được thiết lập rất nhanh.

Về mô hình này, bác sỹ Nguyễn Thanh Vinh chia sẻ: "Chúng tôi tận dụng ngay tầng hầm để xe của chung cư để làm phòng cấp cứu. Các nhân lực vững vàng nhanh chóng được điều đến xử trí kịp thời các tình huống khẩn cấp, nhờ thế nhiều trường hợp được cấp cứu kịp thời, không phải chuyển lên tuyến trên."

Cần sự đồng bộ hỗ trợ F0 tại nhà

Theo thống kê của ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh, đến sáng 13/8 số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà trên địa bàn Thành phố là 35.029 người, trong đó có 11.994 trường hợp F0 mới và 23.035 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số trường hợp F1 đang được cách ly tại nhà là hơn 12.000 người.

Chị Nguyễn Thị Thu Thảo (19 tuổi, ngụ tại phường Tân Chánh Hiệp, Quận 12) và mẹ được phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 qua xét nghiệm tầm soát khu phong tỏa vào nữa cuối tháng 7 và được đưa đi khu cách ly tập trung của quận.


Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 số 01 Phú Nhuận. (Ảnh: TTXVN)

Điều trị tại khu cách ly khoảng hơn một tuần, hai mẹ con chị Thảo có xét nghiệm âm tính nên được cho về nhà điều trị, theo dõi. Đến nay, ngoài triệu chứng ho, sức khỏe của hai mẹ con chị cơ bản ổn định.

Chị Nguyễn Thị Thu Thảo chia sẻ, những ngày đầu về nhà, cứ cách ngày lại được bác sỹ (nhân viên y tế) gọi điện hỏi thăm tình hình sức khỏe nên chị khá yên tâm.

Không may mắn như chị Thảo, trong những ngày qua, trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội đã xuất hiện nhiều lời "kêu cứu” của người dân khi người thân của họ là F0 nhưng không được đưa đến bệnh viện để điều trị.

Trường hợp của gia đình chị Vũ Mỹ Linh (36 tuổi, ngụ tại chung cư Masteri Thảo Điền, thành phố Thủ Đức) là một trong số đó. Ngày 8/8, cả hai vợ chồng chị phát hiện dương tính và báo cho y tế địa phương, tuy nhiên chị nhận được phản hồi là "ở nhà chờ.”

Đến tối 10/8, chồng chị bắt đầu khó thở và tiếp tục "cầu cứu” y tế địa phương nhưng vẫn chưa được đưa đi bệnh viện. "Chúng tôi rất lo lắng bởi hiện cả 2 vợ chồng đã có dấu hiệu chuyển nặng nhưng không hề được trợ giúp y tế,” chị Mỹ Linh cho hay.

Theo lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, việc áp dụng các biện pháp cách ly y tế tại nhà cho các đối tượng F1, F0 và cách ly tập trung F0 tại địa phương bước đầu đã góp phần giảm áp lực cho các bệnh viện dã chiến trong công tác thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19.

Tuy nhiên, thực tế diễn biến tình hình dịch bệnh tại Thành phố vẫn còn rất phức tạp, lực lượng nhân viên y tế thành phố tham gia chống dịch đang trong tình trạng quá tải về sức lực, nhu cầu nhân sự y tế cần tăng cường.


Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 chuyển biến nặng. (Ảnh: TTXVN)

Quy trình tiếp nhận và điều trị các ca F0 có triệu chứng, bệnh nặng có lúc có nơi chưa kịp thời.

Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu ngành y tế phải tăng cường công tác điều trị tích cực các ca F0 bệnh nặng, có triệu chứng.

Công tác quản lý F0 không triệu chứng, F1 tại nhà phải đồng bộ, thống nhất, liên thông từ khâu phối hợp, đến quy trình điều trị, bảo đảm thông tin kết nối, liên lạc kịp thời với các lực lượng phản ứng nhanh, bệnh viện tiếp nhận điều trị các ca F0 khi có triệu chứng, trở nặng; tránh tình trạng xử lý chậm các trường hợp được phát hiện, cần chăm sóc kịp thời, nhằm giảm số ca tử vong trong điều trị COVID-19.

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng các cấp, ngành, đơn vị, địa phương của Thành phố đã và đang nỗ lực để từng bước đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh, đồng thời xây dựng các kênh kết nối để những người F0 không triệu chứng yên tâm cách ly tại nhà và được kịp thời đưa tới các cơ sở y tế khi chuyển nặng.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong chia sẻ, Thành phố đang trải qua thời kỳ khó khăn chưa từng có.

Mục tiêu hàng đầu hiện nay của Thành phố là giảm tối đa số bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng, tử vong./. 

Bài 2: Hỗ trợ y tế kịp thời cho người dân trong tâm dịch

Theo TTXVN

Các tin khác


Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục