Vaccine - chiến lược mũi nhọn của nước Mỹ
Cuối tháng 7 vừa qua, truyền thôngMỹđã trích dẫn một báo cáo nội bộ của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cùng với thông điệp: "Cuộc chiến đã thay đổi” do biến thể Delta. Hồi chuông báo động của CDC chính thức đánh dấu giai đoạn mới trong cuộc chiến chống Covid-19 tại Mỹ, quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của một đại dịch chưa có tiền lệ.
Vaccine là mũi nhọn chiến lược của nước Mỹ nhằm vào kẻ thù vô hình Covid-19. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông và phu nhân sẽ tiêm mũi thứ ba để tăng khả năng miễn dịch. Đầu tháng 8/2021, New York đã trở thành thành phố lớn đầu tiên của nước Mỹ yêu cầu những người tới các nhà hàng, phòng tập thể hình và nhiều cơ sở kinh doanh khác phải có giấy chứng nhận đã tiêm vaccine ngừa Covid-19. Hiện, Nhà trắng chưa sẵn sàng dỡ bỏ mọi biện pháp hạn chế do sự nguy hiểm khó lường của biến thể Delta.
Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, dự báo Mỹ có thể kiểm soát đại dịch và quay trở lại trạng thái bình thường vào mùa xuân năm 2022 nếu đông đảo người dân lựa chọn tiêm chủng.
New Zealand và phép thử cho chiến lược "Zero Covid"
Năm ngoái, New Zealand được đánh giá là kiểm soát tốt đại dịch khi chỉ có 26 ca tử vong trên tổng 5 triệu dân, với sách lược tập trung vào loại bỏ virus khỏi cộng đồng dựa trên kiểm soát biên giới chặt chẽ cũng như phong tỏa mạnh tay khi phát hiện ca nhiễm.
"Phong tỏa đang phát huy tác dụng nhưng biến thể Delta rất nguy hiểm. Chúng ta vẫn chưa đạt đến đỉnh của đợt bùng phát này. Điều đó có nghĩa là lựa chọn an toàn nhất lúc này là phải duy trì phong tỏa lâu hơn".Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern
Tuy nhiên, sau khi xuất hiện ca nhiễm mới vào tháng 8/2021, tình hình dịch bệnh tại New Zealand đang theo chiều hướng xấu bất kể đã trải qua 14 ngày phong tỏa nghiêm ngặt. Trong khi một số nhà phân tích đặt câu hỏi có nên thay đổi chiến lược "không ca nhiễm” (Zero Covid) khi đối phó với làn sóng Delta, chính quyền New Zealand vẫn khẳng định: "Còn quá sớm để thay đổi chiến lược”.
Australia: Chiến lược 4 giaiđoạn để tái lập trạng thái bình thường
Trước bối cảnh tình hình dịch đang diễn biến xấu đi nhanh chóng, Australia đang cân nhắc chuyển từ chiến lược "không ca nhiễm” sang chiến lược hạn chế số ca nhập viện và tử vong, trong khi tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine. Thủ tướng Australia, Scott Morrison kêu gọi các bang mở cửa trở lại sau khi đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 70% người dân từ 16 tuổi trở lên.
"Chúng ta không thể đóng cửa mãi và đến một lúc nào đó, chúng ta cần phải thay đổi, và điều đó sẽ đạt được khi 70% dân số được tiêm chủng”.Thủ tướng Australia Scott Morrison
Đan Mạch: Chương trình tiêm chủng tạo sự thay đổi
Nhiều nước châu Âu cũng đã chuyển hướng sang chiến lược chống dịch dài hơi và học cách chung sống với virus SARS-CoV-2. Tại các quốc gia nhưPháp,ĐứcvàItaly, tiêm vaccine ngừa Covid-19 là điều kiện cần thiết để dùng bữa tại các nhà hàng, đến bệnh viện hoặc sự kiện trong nhà khác. Đến nay, Liên hiệp châu Âu (EU) đã tiêm chủng đầy đủ cho ít nhất 53% dân số của khối này.
Khi ứng phó với làn sóng lây nhiễm mới do biến thể Delta gây ra,Đan Mạchkhông còn duy trì biện pháp phong tỏa, hạn chế nghiêm ngặt như hồi đầu năm 2020. Tốc độ tiêm chủng nhanh hàng đầu châu Âu và thế giới đã tạo ra sự thay đổi trong chiến lược chống dịch hiện nay của quốc gia EU này. Sau khi 73% dân số được tiêm chủng đầy đủ, Đan Mạch quyết định sẽ dỡ bỏ mọi biện pháp hạn chế trong nước liên quan đến Covid-19 từ ngày 10/9 tới. Tuy nhiên, Đan Mạch vẫn duy trì các biện pháp hạn chế di chuyển và kiểm soát biên giới cho đến cuối tháng 10 tới.
Quyết định mở cửa gây tranh cãi của nước Anh
"Nếu chúng ta không làm điều đó ngay bây giờ, chúng ta phải tự hỏi mình, bao giờ chúng ta sẽ làm điều đó? Đây là thời điểm thích hợp nhưng chúng ta phải làm điều đó một cách thận trọng”Thủ tướng Borris Johnson nói về quyết định mở cửa.
Vào thời điểm quyết định dỡ bỏ lệnh phong tỏa, nước Anh đã đạt được những kết quả ban đầu từ chiến lược tiêm chủng đại trà, vượt xa các nước châu Âu khi có tới 87% dân số trưởng thành của Anh đã tiêm 1 liều vaccine và hơn 68% đã tiêm 2 liều.
Hơn một tháng sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa, nước Anh đã ghi nhận tín hiệu tích cực dù vẫn còn đó những nguy cơ đối mặt với một làn sóng Covid-19 mới. Dữ liệu của Chính phủ Anh ngày 30/8 công bố, nước này ghi nhận 26.476 ca mắc Covid-19 mới, số ca mắc mới thấp nhất kể từ hôm 10/8. Chi tiêu của người tiêu dùng trong tháng 7 đã tăng 11,6% so với mức trước đại dịch. Các siêu thị và các nhà bán lẻ thực phẩm và đồ uống khác đã chứng kiến các giao dịch bùng nổ khi mọi người tụ tập để xem các sự kiện thể thao.
Ấn Độ: Vaccine & Chiến thuật ứng phó linh hoạt
Ấn Độ từng trở thành điểm nóng trong đợt bùng phát dịch lần này.Khác với việc phong tỏa đất nước trong làn sóng Covid-19 thứ nhất, ở đợt bùng phát thứ hai này, Ấn Độ đã vạch ra kế hoạch hành động toàn diện, phối hợp với chính quyền các bang. Mấu chốt của kế hoạch ngăn chặn dịch lần này là trao quyền cho các địa phương linh hoạt khoanh vùng phong tỏa, đẩy mạnh tiêm chủng diện rộng.
Ấn Độxác định vaccine là giải pháp căn cốt để đạt được miễn dịch cộng đồng, bảo vệ người dân trước các biến chủng. Hôm 27/8, quốc gia có 1,3 tỷ dân này đã lập kỷ lục tiêm 10,2 triệu mũi vaccine ngừa Covid-19, mức cao nhất trong một ngày kể từ khi khởi động chiến dịch tiêm chủng hồi tháng 1 năm nay.
Ấn Độ đã có chuỗi ngày kéo dài hơn hai tháng chứng kiến số ca tử vong giảm mạnh, tỷ lệ hồi phục đạt hơn 97%. Kinh tế Ấn Độ trong quý 2 đạt mức tăng trưởng hơn 20% so với một năm trước đó, do sự gia tăng trong lĩnh vực sản xuất và chi tiêu tiêu dùng cao hơn.
Singapore và chiến lược "sống chung với Covid-19"
Ngày 31/5 Thủ tướng Lý Hiển Long đã có bài phát biểu quan trọng, công bố chiến lược chống dịch mới củaSingaporevới kịch bản sống chung với Covid-19: "Một ngày nào đó đại dịch toàn cầu này sẽ lắng xuống nhưng tôi không mong đợi Covid-19 sẽ biến mất. Nó sẽ ở lại với loài người và trở thành một căn bệnh thông thường. Virus này sẽ tiếp tục hiện hữu với người dân toàn cầu trong nhiều năm tới”.
Trọng tâm chiến lược chống dịch mới của Singapore trong giai đoạn Delta vẫn là xét nghiệm, truy vết và vaccine, nhưng phải nhanh hơn và quy mô rộng hơn. Chương trình tiêm chủng được cho là thành công với 80% dân số được tiêm đủ liều đã thúc đẩy Singapore theo đuổi mục tiêu kiểm soát nguy cơ do Covid-19 gây ra thông qua tổ chức "làn đi lạicho người đã tiêmvaccine”và nới lỏng các quy định về cách ly.
Dù số ca mắc Covid-19 tính theo ngày chưa giảm mạnh nhưng Singapore vẫn quyết tâm mở cửa nền kinh tế theo 4 giai đoạn và chấp nhận sống chung với Covid-19.
"Một ngày nào đó đại dịch toàn cầu này sẽ lắng xuống nhưng tôi không mong đợi Covid-19 sẽ biến mất. Nó sẽ ở lại với loài người và trở thành một căn bệnh đặc hữu. Virus này sẽ tiếp tục hiện hữu với người dân toàn cầu trong nhiều năm tới”Thủ tướng Lý Hiển Long nói trong bài phát biểu quan trọng ngày 31/5.
Trung Quốc với chiến lược "không nhân nhượng" và phương châm "bốn sớm"
Để đối phó với đợt bùng dịch tại Nam Kinh và cũng là đợt dịch lan rộng nhất tạiTrung Quốckể từ đợt bùng phát tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) hồi đầu năm 2020, chính quyền các địa phương trên toàn Trung Quốc đã thực hiện chiến lược "không nhân nhượng” và phương châm "bốn sớm” (cách ly sớm, chẩn đoán sớm, chữa trị sớm và phòng tránh lây nhiễm quy mô lớn).
Sau khoảng 5 tuần "không khoan nhượng” với dịch bệnh, nhiều nơi tại Trung Quốc như thủ đô Bắc Kinh, tỉnh Giang Tô và tỉnh Tứ Xuyên thông báo dỡ bỏdần các biện pháp hạn chế, khôi phục sản xuất và đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Theo báo cáo của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, từ 0 giờ đến 24 giờ ngày 22/8, Trung Quốc không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi dịch bùng phát vào tháng 7, Trung Quốc không có ca nhiễm cộng đồng”.
Thái Lan học cách chung sống với đại dịch Covid-19
Sau 4 tháng nỗ lực khống chế đợt dịch do biến thể Delta, Thủ tướngThái LanPrayut Chan-o-cha, Chủ tịch Trung tâm Xử lý tình hình dịch Covid-19 (CCSA) cho rằng, Thái Lan cần chuẩn bị cho một tương lai cùng chung sống với Covid-19.
Thủ tướng Thái Lan đề xuất điều chỉnh các quan điểm xử lý dịch bệnh theo hướng để người dân có thể "học cách sống chung an toàn với dịch Covid-19” bằng cách thừa nhận rằng Covid-19 sẽ không bao giờ biến mất và sẽ tiếp tục biến đổi.
Thái Lan dự kiến mở cửa hoàn toàn vào giữa tháng 10 tới đối với du khách nước ngoài đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 trong bối cảnh Chính phủ tìm cách phục hồi ngành công nghiệp du lịch vốn đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch.