Các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai giảm số ca mắc mới
Ngày 11/10, Việt Nam ghi nhận 3.619 ca nhiễm mới SARS-CoV-2. Trong đó các ca nhiễm mới có 2 ca nhập cảnh và 3.617 ca ghi nhận trong nước (tăng 104 ca so với ngày trước đó) tại 44 tỉnh, thành phố (có 1.726 ca trong cộng đồng).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Bình Dương (giảm 336 ca), Đồng Nai (giảm 163 ca), Bình Thuận (giảm 64 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: TP Hồ Chí Minh (tăng 460 ca), Đắk Lắk (tăng 119 ca), Bến Tre (tăng 28 ca).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 4.183 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 843.281 ca nhiễm. Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 838.653 ca, trong đó có 781.931 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày 11/10 có số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 2.549 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 784.748 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.014 ca.
Trong ngày ghi nhận 115 ca tử vong tại: TP Hồ Chí Minh (75 ca), Bình Dương (18 ca), Đồng Nai (5 ca), An Giang (5 ca), Tiền Giang (4 ca), Ninh Thuận (2 ca), Long An (2 ca), Quảng Bình (1 ca), Bình Định (1 ca), Cần Thơ (1 ca), Tây Ninh (1 ca).
Hà Nội bỏ quy định cách ly tập trung với hành khách bay từ TP Hồ Chí Minh
Chiều 11/10, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký văn bản hoả tốc về việc thí điểm mở đường bay nội địa thường lệ đi và đến TP Hà Nội.
Theo đó, UBND TP Hà Nội thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải: Từ ngày 10/10 đến 20/10/2021, tổ chức khai thác đường bay giữa Hà Nội- TP Hồ Chí Minh và Hà Nội -Đà Nẵng với tần suất 1 chuyến/ngày (chở khách 2 chiều), ngồi giãn cách 50% công suất. Đối với hành khách đủ điều kiện theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế thì thực hiện theo dõi sức khoẻ tại nhà hoặc nơi lưu trú và thực hiện các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 theo quy định của Trung ương và Thành phố.
Trước đó, TP Hà Nội yêu cầu hành khách đến từ TP Hồ Chí Minh phải cách ly tập trung 7 ngày tại các khu cách ly tập trung của TP Hà Nội hoặc các cơ sở lưu trú (khách sạn) do thành phố công bố.
Theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, những hành khách muốn bay nội địa, phải đáp ứng các tiêu chí sau: Tiêm đủ liều vaccine COVID-19 (thẻ Xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi COVID-19); Có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay; Khai báo y tế theo quy định, hoàn thành bản cam kết và chuyển cho đại diện hãng hàng không khi làm thủ tục hàng không (check-in) tại điểm xuất phát theo mẫu; Hành khách không tham gia chuyến bay khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng...; Trên máy bay, hành khách cần đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, hạn chế tiếp xúc; Kết thúc chuyến bay, trong quá trình di chuyển từ cảng hàng không về nơi cư trú, lưu trú, hành khách luôn thực hiện 5K, sử dụng ứng dụng PC-COVID, hạn chế dừng và không tiếp xúc nơi đông người.; Chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú; Tự theo dõi sức khoẻ hoặc thực hiện cách ly tại nơi cư trú, lưu trú theo quy định cụ thể của từng địa phương về các biện pháp phòng chống dịch kể từ ngày về địa phương; thực hiện 5K; Trường hợp có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... thì thông báo ngay cho cơ quan y tế để theo dõi và triển khai quy trình xử lý dịch bệnh theo quy định.
Từ 13/10, ngành Đường sắt chạy tàu khách tuyến Bắc – Nam, Hà Nội – Hải Phòng
Từ ngày 13/10, ngành Đường sắt chạy 1 đôi tàu khách tuyến Bắc – Nam và 1 đôi tàu trên tuyến Hà Nội – Hải Phòng.
Cụ thể, trên tuyến Bắc – Nam, ngành chạy hàng ngày đôi tàu khách Thống Nhất SE7/8. Tàu SE8 xuất phát tại Ga Sài Gòn lúc 6 giờ sáng ngày 13/10; tàu SE7 xuất phát tại Ga Hà Nội lúc 6 giờ sáng ngày 15/10. Tàu SE7/8 sẽ thực hiện việc đón, trả khách tại 23 ga trên dọc tuyến gồm: Hà Nội, Phủ Lý, Nam Định, Nình Bình, Bỉm Sơn, Thanh Hóa, Vinh, Yên Trung, Hương Phố, Đồng Hới, Đông Hà, Huế, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Diêu Trì, Tuy Hòa, Nha Trang, Tháp Chàm, Bình Thuận, Biên Hòa, Dĩ An và Sài Gòn.
Trên tuyến Hà Nội – Hải Phòng, từng ngày 13/10, ngành chạy hàng ngày đôi tàu khách LP5/6. Tàu LP5 xuất phát tại ga Long Biên lúc 15 giờ 30 phút các ngày trong tuần và xuất phát tại ga Hà Nội lúc 15 giờ 20 phút ngày thứ Bảy, Chủ Nhật. Tàu LP6 xuất phát tại ga Hải Phòng lúc 9 giờ 5 phút hàng ngày. Tàu LP5/6 sẽ thực hiện việc đón, trả hành khách tại 7 ga trên tuyến gồm: Hà Nội, Long Biên, Gia Lâm, Cẩm Giàng, Hải Dương, Phú Thái và Hải Phòng.
Trong giai đoạn tổ chức chạy thí điểm, ngoài việc thực hiện ngiêm chỉnh các quy định về an toàn phòng chống dịch. Tại các ga thực hiện việc đón khách, ngành Đường sắt tổ chức đo thân nhiệt và kiểm tra thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine; giấy xét nghiệm COVID-19 kết quả âm tính còn hiệu lực theo quy định của Bộ Y tế đối với hành khách...
Sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm (tuần từ 13/10 - 20/10/2021), ngành Đường sắt sẽ đánh giá, báo cáo các Bộ, ngành liên quan để điều chỉnh phù hợp; đồng thời, chuẩn bị tổ chức chạy lại tàu khách trên các tuyến.
Cùng với việc tổ chức chạy thí điểm tàu khách, ngành ĐS hiện vẫn tiếp tục duy trì tổ chức chạy các đoàn tàu chuyên biệt vận chuyển người dân từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về quê. Tính đến ngày 11/10, ngành Đường sắt đã tổ chức thành công 11 chuyến tàu chuyên biệt, đưa 6.000 hành khách là công dân các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Yên Bái, Ninh Bình, Quảng Bình về quê an toàn.
Đường sắt cũng mở bán vé tàu SE7/8 và LP5/6 từ 8 giờ ngày 12/10.
Hải Phòng bỏ yêu cầu khách bay thương mại nội địa cách ly tập trung
Ngày 11/10, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành văn bản 7611/UBND-VX về việc kiểm soát người đi đến Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi khi mở lại chuyến bay thương mại nội địa.
Theo đó, tất cả hành khách đến Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi trên các chuyến bay thương mại nội địa và lưu trú tại Hải Phòng không phải áp dụng quy định cách ly y tế tập trung.
Đối với người đến từ vùng nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (vùng màu đỏ, vùng màu cam, vùng màu vàng) được công bố trên Trang thông tin điện tử Bộ Y tế chỉ phải tự cách ly tại nhà 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 2 và ngày thứ 7.
Người trở về từ các địa có phương nguy cơ hoặc ở trạng thái bình thường mới chỉ phải tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 7. Những người có triệu chứng ho, sốt, đau họng, khó thở thì phải thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để được tư vấn, hỗ trợ.
Các hành khách phải luôn thực hiện Thông điệp 5K, sử dụng ứng dụng PC-COVID, không có mặt ở nơi đông người trong vòng 14 ngày khi trở về địa phương.
TP Hồ Chí Minh: Xe khách liên tỉnh tuyến cố định sẽ hoạt động trở lại từ đầu tháng 11
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh vừa có kế hoạch khai thác trở lại xe khách liên tỉnh theo các tuyến cố định từ đầu tháng 11 với điều kiện phải đảm bảo quy định phòng, chống dịch.
Ngày 11/10, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã có công văn khẩn gửi sở GTVT các tỉnh, thành để lấy ý kiến hoàn chỉnh phương án tổ chức hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định trong điều kiện có dịch bệnh. Trong đó, dự kiến lộ trình khai thác vận tải hành khách diễn ra theo 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1 (từ ngày 1/11 đến 15/11), mỗi ngày khai thác tối đa 3-5 chuyến. Riêng những tuyến có tần suất hơn 100 chuyến mỗi ngày ở thời điểm chưa có dịch được khai thác 15 chuyến/ngày. Số lượng khách chở trên xe phải đảm bảo giãn cách, không quá 50% số ghế (không áp dụng với xe giường nằm).
Giai đoạn 2 (từ ngày 15/11 đến 30/11), mỗi ngày khai thác cao nhất 10 chuyến. Riêng tuyến có tần suất hơn 100 chuyến/ngày trước khi có dịch được chạy tối đa 30 chuyến.
Giai đoạn 3, sau ngày 30/11 đến cuối năm, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đề xuất các tuyến được khai thác tối đa 50% tần suất số chuyến.
Theo đó, hành khách khi lên xe phải tiêm ít nhất 1 mũi vaccine sau 14 ngày hoặc F0 khỏi bệnh dưới 6 tháng có giấy xác nhận; có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ, đồng thời khai báo y tế và không tham gia chuyến đi nếu có triệu chứng ho, sốt, khó thở... Đối với hành khách chưa đủ điều kiện tiêm vaccine theo quy định Bộ Y tế có thể đi cùng người thân trên chuyến xe.
Đối với nhân viên phục vụ và lái xe phải đảm bảo tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc F0 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng có giấy xác nhận; có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 trong 72 giờ.
Từ ngày 1/10, TP Hồ Chí Minh từng bước mở cửa trở lại theo Chỉ thị 18 của UBND TP Hồ Chí Minh sau 4 tháng kéo dài giãn cách xã hội. Theo lộ trình mới, Thành phố cho phép xe buýt hoạt động trở lại với 4 tuyến đầu tiên ở huyện Cần Giờ. Đối với taxi, xe du lịch cũng đã được chạy nhưng không vượt quá 20 - 30% số xe ở từng đơn vị. Đối với ôtô dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ hoạt động không quá 10% số xe của doanh nghiệp.
Cảnh báo giả mạo đưa đón người dân từ TP Hồ Chí Minh về các tỉnh
Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian gần đây, có rất nhiều nhóm trên mạng xã hội lập ra với danh nghĩa là hội đồng hương, chuyến xe nghĩa tình… của các tỉnh, thành trên cả nước đã gọi điện thoại để lừa gạt người dân nhằm lấy thông tin cá nhân và yêu cầu chuyển khoản một số tiền để được đưa đón về quê. Những thông tin đó hoàn toàn là giả mạo.
Theo Sở Giao thông Vận tải, Sở không thu bất cứ khoản chi phí nào, đồng thời yêu cầu người dân hết sức cảnh giác. Trường hợp giả mạo Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh hay bất cứ tổ chức nào đề nghị thu phí, yêu cầu người dân báo ngay với cơ quan công an.
Nhằm tạo điều kiện cho người dân sinh sống tại TP Hồ Chí Minh (có đăng ký hộ khẩu hoặc tạm trú) di chuyển trong trường hợp cấp thiết đi đến các tỉnh thành hoặc từ các tỉnh thành trở về thành phố, từ ngày 1/10, Sở Giao thông Vận tải đã có văn bản hướng dẫn người dân có nhu cầu hỗ trợ di chuyển, thực hiện đơn đăng ký trên Cổng thông tin điện tử của Sở Giao thông Vận tải tại địa chỉ https://thongtin-sgtvt.tphcm.gov.vn/dich-vu-cong/dang-ky-di-chuyen.
Các trường hợp được di chuyển trong trường hợp cấp thiết gồm: đưa đón người bệnh hiểm nghèo; đưa đón con nhỏ (dưới 18 tuổi); đưa đón phụ nữ mang thai; tham gia phỏng vấn trước khi đi nước ngoài; tham gia thi tuyển do các cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý nhà nước tổ chức; thực hiện di chuyển theo yêu cầu của toà án hoặc cơ quan điều tra.
Liên quan đến việc hỗ trợ đưa người dân về quê, ngày 10/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành phố, các sở ngành, quận huyện, các tổ chức chính trị có liên quan để phối hợp tuyên truyền, vận động và tổ chức hỗ trợ đưa người dân từ thành phố về quê.
Bộ Y tế đề nghị TP Hồ Chí Minh làm rõ phản ánh về 'đường dây tiêm vaccine thu phí'
Ngày 11/10, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị xác minh, điều tra, làm rõ việc tiêm vaccine COVID-19 thu phí mà báo chí phản ánh.
Theo văn bản của Bộ Y tế, ngày 11/10/2021, trên phương tiện thông tin đại chúng có bài viết "Xâm nhập đường dây tiêm vaccine thu phí". Theo đó, tại phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh có nhóm tình nguyện viên hỗ trợ chống dịch của UBND phường Thảo Điền nhận tiền của người dân để sắp xếp việc tiêm vaccine phòng COVID-19.
Theo Bộ Y tế, đây là việc làm không đúng với chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế, vi phạm nghiêm trọng quy định về tiêm miễn phí vaccine phòng COVID-19.
Bộ Y tế đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Công an Thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tiến hành ngay việc xác minh, điều tra để làm rõ nội dung báo chí nêu.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát ở tất cả các điểm tiêm trên toàn địa bàn Thành phố; nếu có vi phạm yêu cầu xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật hoặc chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan Công an để xem xét, xử lý.
Bộ Y tế nêu rõ, kết quả xác minh, điều tra đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh thông báo về Bộ Y tế theo quy định.
TP Hồ Chí Minh: Bắt giữ nhiều tội phạm sau khi nới lỏng giãn cách xã hội
Chiều 11/10, đại diện Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, trong những ngày đầu ra quân sau khi TP Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách xã hội, đơn vị đã khám phá nhiều vụ án và bắt giữ nhiều tội phạm xã hội.
Theo đó, từ ngày 1 - 10/10, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh xảy ra 70 vụ phạm pháp hình sự, Công an TP Hồ Chí Minh đã khám phá 48 vụ và bắt giữ 54 đối tượng tàng trữ, vận chuyển, mua bán và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; phát hiện và xử lý 2 vụ, bắt 2 đối tượng vi phạm trật tự quản lý kinh tế và buôn lậu, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 160 triệu đồng.
Toàn TP Hồ Chí Minh cũng xảy ra 7 vụ cháy làm chết 1 người, bị thương 4 người; tổ chức cứu nạn 1 người và tìm được 2 thi thể nạn nhân.
Tình hình trật tự giao thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cơ bản ổn định, tuy nhiên sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, trên địa bàn cũng xảy ra 46 vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông, làm chết 17 người, bị thương 20 người (nguyên nhân chạy không đúng tốc độ quy định); đã lập biên bản xử lý 3.796 trường hợp vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa với tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước hơn 8,1 tỷ đồng.