Bằng tình cảm và nghĩa đồng bào, trong những ngày qua, các cán bộ chiến sĩ của Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh đã đưa tro cốt của những người dân đã mất do dịch COVID-19 về với gia đình. Đây không chỉ là bổn phận, là trách nhiệm mà còn là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi người lính đối với Nhân dân.
Thời gian qua, nhất là khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát với sự nguy hiểm của biến chủng Delta đã khiến cho dịch bệnh lây nhiễm nhanh chóng trên diện rộng ở nhiều tỉnh, thành phố trong đó, TP Hồ Chí Minh là tâm dịch. Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền cùng toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc phòng chống dịch mạnh mẽ, bằng mọi biện pháp đặc biệt là sự đồng lòng, chung sức của người dân, song diễn biến dịch bệnh phức tạp khôn lường, đã để lại những tổn thất, mất mát vô cùng to lớn. Hơn 23 nghìn đồng bào và cán bộ, chiến sĩ cả nước tử vong, hy sinh. Riêng tại TP Hồ Chí Minh có hơn 17 nghìn người đã mất vì đại dịch này.
Sau một thời gian "chiến đấu” quyết liệt với kẻ thù vô hình COVID-19, nơi tâm dịch đã dần được kiểm soát, vùng xanh đã được mở rộng mỗi ngày, kinh tế từng bước được khôi phục trở lại nhưng nỗi đau thì còn mãi, hệ lụy để lại vô cùng thảm khốc. Biết bao gia đình đang đầm ấm, sum vầy giờ là cảnh ly biệt; biết bao đứa trẻ vì COVID-19 đã phải chịu cảnh mồ côi cha, mẹ hơn thế nữa có những trường hợp trẻ em đã mất đi cả cha và mẹ, không nơi nương tựa. Thật xót xa khi có những em nhỏ vừa cất tiếng khóc chào đời đã không được nằm trong vòng tay ấm áp, vỗ về yêu thương, chở che từ người mẹ bởi COVID-19 đã cướp mất hạnh phúc ấy của các em. Chiều 17/11, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, đợt dịch này đã khiến cho 38 trẻ em và 62 phụ nữ có thai trên địa bàn Thành phố tử vong.
Trước mất mát đau thương ấy, nhằm xoa dịu nỗi đau của các gia đình có người thân tử vong do COVID-19, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã có chủ trương giao MTTQ Việt Nam phối hợp với TP Hồ Chí Minh và các địa phương có liên quan tổ chức Lễ tưởng niệm. Buổi lễ không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, thể hiện truyền thống văn hóa của dân tộc, cầu nguyện cho những người đã mất vì COVID-19 được siêu thoát mà qua đó góp phần lan tỏa tình nhân ái, sự yêu thương, tiếp tục động viên khích lệ tinh thần cho các lực lượng đã và đang tham gia phòng, chống dịch COVID-19, phát huy truyền thống đại đoàn kết, ý chí quật cường của dân tộc, vượt qua khó khăn thách thức, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh đó, Lễ tưởng niệm lần này còn nhằm nhắc nhở mọi người là thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào và chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, bởi có khi cái giá phải trả là sinh mệnh của chính mình, người thân, của đồng bào. Chúng ta cần nâng cao ý thức, trách nhiệm để làm sao giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại. Tinh thần cảnh giác phải đặt lên hàng đầu, phải thay đổi hành vi, ứng xử có trách nhiệm với chính mình và cộng đồng. Trách nhiệm ấy không của riêng ai. Đó cũng là trách nhiệm của các cấp chính quyền để luôn chủ động trước mọi tình thế, kịp thời ngăn chặn được những hậu quả nặng nề và đặc biệt là đừng để xảy ra những nỗi đau nào tương tự như nỗi đau hôm nay.
Lễ tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ đã tử vong và hy sinh vì COVID-19 là hoạt động ý nghĩa, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân trong đó có đội ngũ y bác sĩ tham gia tuyến đầu chống dịch. Thượng tá, bác sĩ Vũ Đình Ân (Phó Chủ nhiệm Khoa Hồi sức Tích cực, kiêm Phó giám đốc Trung tâm điều trị COVID-19, Bệnh viện Quân y 175- một trong những đơn vị điều trị bệnh nhân COVID-19 vừa và nặng) cho biết, với vai trò là một bác sĩ, không gì đau đớn hơn khi nhìn thấy bệnh nhân tử vong ngay trước mắt mà mình không thể làm gì được. Và càng đau đớn hơn khi chứng kiến người bệnh ra đi trong nỗi sợ hãi và cô đơn vì không có người thân bên cạnh.
"Bệnh nhân mắc COVID-19 khác với những bệnh nhân bình thường và khi họ ra đi cũng thật đặc biệt-không có người thân bên cạnh mà chỉ có nhân viên y tế. Trong hoàn cảnh ấy, chúng tôi đã luôn đặt mình là người nhà của bệnh nhân để chăm sóc chu đáo khi họ bệnh nặng và lo chu toàn khi họ không may mắn qua đời. Truyền thống của người Việt ta khi ai đó mất đều sẽ có các thủ tục tâm linh. Vì thế, chúng tôi cũng đã cố gắng hết sức có thể dù các thủ tục đơn giản nhất như tắm rửa sạch sẽ, thay cho họ một bộ đồ mới trước khi họ rời trung tâm điều trị”, bác sĩ Ân xúc động cho biết.
Phó giám đốc Trung tâm điều trị COVID-19, Bệnh viện Quân y 175 chia sẻ, bên cạnh nỗi xót xa khi chứng kiến những bệnh nhân COVID-19 qua đời, bác sĩ còn chứng kiến nỗi đau của những đồng nghiệp khi họ cũng có người thân mất trong đợt dịch vừa qua song vì nhiệm vụ, họ đã gác lại nỗi niềm riêng để tiếp tục điều trị cho những bệnh nhân khác, vì sức khỏe của cộng đồng.
Khi biết Trung ương và Thành phố phối hợp tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong, chiến sĩ hy sinh vì COVID-19, bác sĩ Ân cho rằng, đây là việc làm rất cần thiết, kịp thời, mang giá trị nhân văn sâu sắc. Những người ở lại không chỉ mang nỗi đau mất người thân, họ còn day dứt vì không lo chu toàn cho người đã khuất. Nỗi đau chồng lên nỗi đau. Chính vì thế Lễ tưởng niệm sẽ giúp người ở lại nhẹ lòng hơn, nguôi ngoai bớt phần nào.
Cũng theo chia sẻ của bác sĩ Ân, dù nhân viên y tế đã làm hết sức mình, trọn vẹn nghĩa tình với người đã mất nhưng không thể nào chăm sóc, lo chu đáo bằng người thân của họ được. Chính vì vậy, một buổi Lễ tưởng niệm, cầu siêu cho những người đã mất vì dịch bệnh cũng sẽ giúp đội ngũ y bác sĩ trực tiếp điều trị bớt đi áp lực tâm lý.
Hôm nay, TP Hồ Chí Minh đã "bình phục và khỏe trở lại”, bắt đầu nhịp sống sôi động như những gì vốn có của thành phố đầu tàu kinh tế và là trung tâm ở nhiều lĩnh vực của cả nước. Tuy nhiên, chúng ta cũng còn nhiều khó khăn, thách thức nhất là dịch bệnh vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại bất cứ lúc nào. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, Thành phố không được phép chủ quan, lơ là mà phải kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả và an toàn. Trong giai đoạn hiện nay, Thành phố cần phải quán triệt tinh thần này đến từng đơn vị, từng tổ dân phố, từng doanh nghiệp, từng hộ kinh doanh và mỗi người dân. Mỗi người, mỗi gia đình phải là hạt nhân, chủ thể của công tác phòng chống dịch và thay đổi thói quen sống để thích ứng an toàn, bảo vệ sức khỏe của chính mình, gia đình và cộng động.
Điều quan trọng nhất chính là "trong bất cứ hoàn cảnh nào, phòng chống dịch COVID-19 để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân luôn luôn đặt lên trên hết và trước hết”, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên khẳng định.
Theo kế hoạch, Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19 sẽ được tổ chức vào tối ngày 19/11 tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh và điểm cầu TP Hà Nội. Lễ tưởng niệm được truyền hình trực tiếp trên kênh sóng Đài Truyền hình Việt Nam, tiếp sóng trên Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh và các kênh, đài truyền hình khác của Trung ương và các địa phương.
Buổi Lễ có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các địa phương và đại diện một số thân nhân của đồng bào tử vong, chiến sĩ hy sinh vì COVID-19.