Nhân viên y tế đến nhà F0 tại thị trấn Lim (Tiên Du, Bắc Ninh) để đưa thuốc và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.
Chị Nguyễn Thị Thuyên, thị trấn Lim, huyện Tiên Du là trường hợp F0 đầu tiên trên địa bàn tỉnh thí điểm cách ly tại nhà. Chị Thuyên cho biết, gia đình chị có 6 người. Ban đầu, bố và em chị mắc COVID-19. Sau khi bố và em đi viện điều trị, chị và mẹ cũng mắc bệnh. Căn cứ nhu cầu của gia đình, thấy điều kiện sức khỏe bình thường (F0 không triệu chứng, tiêm đủ mũi vaccine phòng COVID-19), nhà có phòng riêng, khép kín để cách ly nên chị và mẹ được cách ly tại nhà.
Ban đầu, chị rất lo lắng khi biết mình mắc bệnh nhưng sau khi được tư vấn, hướng dẫn của các y, bác sĩ, chị rất yên tâm. Đặc biệt, khi cách ly tại nhà với đầy đủ cơ sở vật chất, tiện nghi, tâm lý chị rất thoải mái. Hàng ngày, các y, bác sĩ đều trao đổi với chị qua Zalo, hướng dẫn uống thuốc, chăm sóc sức khỏe nên việc điều trị, cách ly tại nhà rất hiệu quả. Đến nay, sau 2 tuần kể từ ngày phát hiện mắc COVID-19, chị đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và tiếp tục cách ly tại nhà.
Tương tự, anh Võ Minh Liệt, quê ở Long An, làm việc tại Bắc Ninh, là F0 được cách ly tại nhà (xã Đại Đồng, huyện Tiên Du). Đến nay, sau một tuần cách ly tại nhà anh thấy thoải mái, không phải lo lắng khi tiếp xúc với nhiều F0 trong bệnh viện. Đây là động lực giúp anh nhanh chóng khỏi bệnh. Anh chấp hành nghiêm việc cách ly trong phòng, thực hiện theo hướng dẫn của y, bác sĩ như, thường xuyên mở cửa phòng thông thoáng, vật dụng cá nhân để riêng một chỗ. Mỗi ngày, anh đều lau, sát khuẩn phòng, thường xuyên khử khuẩn các vị trí như tay nắm cửa, cánh cửa…
Những người trong gia đình có F0 điều trị tại nhà đều chấp hành tốt quy định phòng, chống dịch. Ông Nguyễn Văn Dũng, thị trấn Lim, huyện Tiên Du là trường hợp F1, có F0 cách ly tại nhà cho biết, sau khi được cán bộ y tế hướng dẫn cách ly, sinh hoạt, ông rất yên tâm, tự tin có thể phòng, chống dịch tốt. Mặc dù sống trong cùng nhà với bệnh nhân nhưng ông luôn chủ động cách ly F0. Hàng ngày, ông chuẩn bị cơm, đồ dùng sinh hoạt cho bệnh nhân trước cửa phòng, xịt khuẩn sau đó sát khuẩn rồi đi về phòng của mình. Trong quá trình cách ly, ông nhờ người thân chuyển lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết để trước cửa nhà. Đến nay, cuộc sống của gia đình ông rất thoải mái. Mặc dù có 2 F0 cách ly tại nhà nhưng các thành viên khác trong gia đình ông vẫn an toàn.
Anh Nguyễn Đình Chương, khu đất mới, thị trấn Lim, huyện Tiên Du chia sẻ, trước đây, khi ghi nhận ca mắc COVID-19 có thể cách ly cả làng nhưng hiện nay sau khi phong tỏa hẹp đối với gia đình F0, xác định, cách ly trường hợp liên quan, cuộc sống của gia đình anh và những người xung quanh đều ở trạng thái bình thường. Tuy nhiên, mọi người sẽ không đến gần khu vực cách ly gia đình có người mắc bệnh và hạn chế tiếp xúc với nhau.
Hàng xóm cũng là kênh giám sát, theo dõi sự chấp hành của bệnh nhân và gia đình. Khi gia đình cách ly cần sự trợ giúp, người dân có thể chủ động hỗ trợ như, cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm...
Sẵn sàng cách ly F0 tại nhà số lượng lớn
Bác sĩ Quách Thị Hằng, Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Lim, huyện Tiên Du cho biết, để thực hiện cách ly F0 tại nhà, sau khi xác định người đó mắc COVID-19, cán bộ Y tế cần đánh giá tình trạng người bệnh. Theo đó, F0 đảm bảo là trẻ em hơn 3 tháng tuổi đến người dưới 49 tuổi, tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường và SPO2 (độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi) từ 97% trở lên, không đang mang thai, có thể tự chăm sóc bản thân, biết cách đo thân nhiệt, người đó có khả năng liên lạc với nhân viên y tế hoặc có người khỏe mạnh, có kiến thức chăm sóc...
Bên cạnh đó, nhà bệnh nhân cần bảo đảm là nhà ở riêng lẻ, phòng cách ly là phòng khép kín (có nhà vệ sinh và nhà tắm) tách biệt với các phòng khác và tách biệt với nơi sinh hoạt chung của gia đình. Phòng người mắc bệnh cần bố trí đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân, dung dịch sát khuẩn, phân loại thùng đựng rác thải lây nhiễm, thùng đựng rác thải sinh hoạt, trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân phòng, chống lây nhiễm để người nhà sử dụng trong trường hợp người nhà bắt buộc phải tiếp xúc gần với bệnh nhân...
Là người trực tiếp chăm sóc F0 tại nhà, bác sĩ Hằng cho biết, hàng ngày, chị đều theo dõi sát sao bệnh nhân của mình, kiểm tra sức khỏe, hướng dẫn uống thuốc, mang rác thải từ phòng của bệnh nhân xử lý... Đặc biệt, chị luôn theo dõi sự thay đổi, từng biểu hiện của bệnh nhân để điều chuyển lên các đơn vị y tế tuyến trên.
Đánh giá về thực hiện cách ly F0 tại nhà, ông Nguyễn Hữu Cơ, Trưởng Phòng Y tế huyện Tiên Du cho biết, khi thực hiện cách ly, điều trị F0 tại nhà, người bệnh có không gian nghỉ ngơi, sinh hoạt, cuộc sống không bị xáo trộn…thuận lợi trong quá trình điều trị, hồi phục. Bên cạnh đó, việc này giúp giảm tải cho các cơ sở thu dung, quản lý, điều trị người bệnh, tận dụng nguồn lực sẵn có của gia đình F0 như cơ sở vật chất, người phục vụ.
Ngoài những thuận lợi trên, việc triển khai điều trị và cách ly F0 ở nhà còn gặp khó khăn do hiện nay tại huyện Tiên Du, F0 điều trị tại nhà đều do cán bộ các Trạm Y tế phân công theo dõi, hướng dẫn (chưa triển khai Trạm Y tế lưu động do số lượng người mắc bệnh cách ly tại nhà ít). Người bệnh thông báo diễn biến triệu chứng, nhân viên y tế phải tới nhà thăm khám. Nếu số lượng F0 cách ly tại nhà nhiều, nhân lực y tế bị dàn trải.
Ngoài ra, huyện đang gặp khó khăn trong kiểm soát nhiễm khuẩn, xử lý rác thải. Theo quy định, chất thải là khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng… phát sinh từ phòng cách ly của người mắc phải được xử lý như chất thải nguy hại theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Hiện nay, việc này đều do cán bộ y tế thu gom, và xử lý tại các Trạm Y tế. Nếu số lượng F0 tại nhà tăng, việc thu gom và xử lý rác thải sẽ khó khăn do các điểm cách ly rải rác, không tập trung, ông Nguyễn Hữu Cơ cho biết thêm.
Theo Trưởng Phòng Y tế huyện Tiên Du, thời gian tới, để thực hiện cách ly F0 không triệu chứng số lượng lớn tại nhà, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, đánh giá, lập danh sách gia đình đủ điều kiện cách ly F1, F0 tại nhà. Trên cơ sở số lượng gia đình có đủ điều kiện, huyện xây dựng phương án triển khai, thành lập thêm các Tổ chăm sóc người mắc tại cộng đồng, huy động y tế tư nhân và cán bộ y tế đã nghỉ hưu tham gia…
Huyện Tiên Du đề nghị, UBND tỉnh Bắc Ninh có cơ chế, chính sách cho Tổ chăm sóc người mắc tại cộng đồng thỏa đáng để họ chuyên tâm, tập trung thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, phân công Tổ chăm sóc người mắc thu gom rác thải nguy hại, có phương án ký hợp đồng với công ty đủ năng lực xử lý và cơ chế tài chính đối với gói thuốc cho người mắc COVID-19 cách ly tại nhà (người bệnh cách ly tại nhà không triệu chứng, không được chỉ định dùng thuốc nên chưa có cơ chế thanh toán thuốc cấp phát cho những trường hợp này).
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang, từ ngày 25/12, toàn tỉnh thực hiện cách ly F0 không triệu chứng tại nhà. Tỉnh yêu cầu, các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, đánh giá, lập danh sách gia đình có đủ điều kiện cách ly F1, F0 tại nhà; thành lập thêm các Tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng; thiết lập Tổng đài để Tổ chăm sóc người mắc tại cộng đồng thuận lợi trong việc tư vấn, hướng dẫn F0 cách ly và tự chăm sóc sức khoẻ tại nhà. Các ngành, địa phương tập huấn cho đội ngũ y tế cơ sở, triển khai mô hình Trạm Y tế lưu động ở các xã, phường để quản lý F0 cách ly tại nhà, không để xảy ra tình trạng F0 không được chăm sóc, điều trị.