Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (Bộ Y tế) vừa giám sát trường hợp nhiễm giun rồng tại tỉnh Hòa Bình. Đây là một trong những trường hợp bệnh hiếm gặp được WHO rất quan tâm.
Người dân tổ 2, phường Trung Minh (TP Hoà Bình) kiểm tra ống nước dẫn từ suối về sinh hoạt.
Từ ca mắc giun rồng đầu tiên tại tỉnh
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Ký sinh trùng, côn trùng, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh cho biết: Nhận được thông tin về trường hợp nhiễm giun rồng tại TP Hoà Bình, ngày 25/2, CDC tỉnh phối hợp Trung tâm Y tế TP Hoà Bình tổ chức điều tra, giám sát. Cụ thể, anh T. T. Đ, sinh năm 1977, trú tại tổ 2, phố Ngọc, phường Trung Minh (TP Hòa Bình). Anh Đ sức khỏe tốt, không đi làm ăn xa nhưng trong sinh hoạt, thói quen ăn uống hay ăn gỏi cá, rau sống; gia đình nuôi chó nhiều năm nay. Gia đình sử dụng nước dẫn từ trên núi cách khoảng 2 km về bằng ống nhựa. Khoảng 20 năm trước, anh đi rừng thường hay uống nước lã tại các khe, suối.
Anh Đ chia sẻ: Khoảng tháng 10/2023, anh có biểu hiện ngứa ở đầu gối trái, đùi phải, lưng và nổi sần trên mặt da. Ngày 19/10/2023, anh bôi thuốc Tomax, sau bôi 2 - 3 giờ sưng tấy vết ngứa dọc đùi lên bẹn. Ngày 20/10/2023, anh đến Phòng khám Hòa Bình khám và được chẩn đoán viêm da dị ứng; dùng thuốc bôi thấy giảm ngứa và các vết xước do gãi se lại, đóng vảy. Anh thấy ngứa và cạy vảy ở gối trái ra thấy dây trắng, kéo giun ra khoảng 10 - 15 cm nhưng nghĩ đó là gân nên lấy kéo cắt. Cùng ngày, anh đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình khám, sau đó được giới thiệu sang Trung tâm xét nghiệm dịch vụ Medlatec Hòa Bình. Kết quả chẩn đoán nhiễm sán chó, mèo. Anh được giới thiệu xuống Bệnh viện Đặng Văn Ngữ. Ngày 21/10/2023, anh xuống Bệnh viện Đặng Văn Ngữ khám, được chẩn đoán nhiễm giun rồng. Tại đây, anh được tư vấn điều trị bệnh giun rồng và hẹn tái khám vào ngày 20/11/2023 (khi đi mang theo đoạn giun dài khoảng 40 - 45 cm đã được hướng dẫn bảo quản).
Anh Đ đã được tư vấn, hướng dẫn cách lấy giun ra khỏi cơ thể tại các tổn thương đang sưng tấy; vệ sinh ổ tổn thương. Trung tâm Y tế TP Hoà Bình và Trạm Y tế phường Trung Minh theo dõi, hỗ trợ bệnh nhân; tuyên truyền nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng, chống bệnh giun rồng.
Giun rồng là một ký sinh trùng gây bệnh truyền nhiễm trên người có tên khoa học là bệnh Dracunculus. Đây là loại giun tròn và dài nhất trong số nhóm có thể gây ký sinh trùng trên người. Giun rồng cái trưởng thành có chiều ngang 1 - 2 mm, dài khoảng 70 - 120 cm; giun rồng đực ngắn hơn. Người và động vật (chó, mèo…) ăn thuỷ sản sống hoặc chưa nấu chín có nguy cơ nhiễm ấu trùng giun rồng. Hiện chưa có vắc xin và thuốc điều trị bệnh giun rồng mà chỉ điều trị theo triệu chứng.
Khuyến cáo ăn chín, uống sôi
Được WHO xếp vào nhóm bệnh nhiệt đới bị lãng quên và là một trong những bệnh ký sinh trùng được ưu tiên loại trừ trên phạm vi toàn cầu, đến năm 2024, bệnh giun rồng chỉ còn lưu hành ở 5 nước châu Phi (Angola, Chad, Ethiopia, Mali, Nam Sudan) và Việt Nam. Tại Việt Nam, từ năm 2020 - 2024 ghi nhận 24 trường hợp ở 5 tỉnh: Hoà Bình, Lào Cai, Phú Thọ, Thanh Hoá, Yên Bái. Đây là những trường hợp bệnh hiếm gặp, lần đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam và được WHO rất quan tâm. Vì vậy, ngày 28/3, WHO và Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương đã giám sát trường hợp bệnh và công tác phòng, chống bệnh giun rồng tại tỉnh Hoà Bình; kiến nghị, đề xuất những giải pháp phòng, chống. Đoàn đã đến gia đình người bệnh, tìm hiểu các biểu hiện khi mắc và các yếu tố liên quan; lên đỉnh núi đầu nguồn nước để khảo sát.
WHO khuyến cáo tăng cường các biện pháp phòng ngừa và giám sát chặt chẽ trường hợp bệnh để kiểm soát, loại trừ bệnh. Các biện pháp phòng bệnh chủ yếu gồm: Giám sát, lập bản đồ và kiểm soát trường hợp bệnh; đảm bảo nguồn nước sinh hoạt an toàn; kiểm soát véc tơ truyền bệnh; giáo dục truyền thông tại cộng đồng…
Ngành Y tế cũng khuyến cáo ăn chín, uống sôi; bỏ thói quen ăn gỏi, tái, sống. Thức ăn nên được nấu chín hoàn toàn, đặc biệt là thuỷ, hải sản; nên làm sạch ruột cá, ếch, tôm… trước khi chế biến. Các loại rau sống được trồng dưới nước nên trần qua nước sôi trước khi ăn hoặc rửa dưới vòi nước sạch và mạnh. Nước uống nên được đun sôi hoặc uống nước được lọc bằng máy, bình lọc. Người bị bệnh giun rồng cần băng kín vết thương và không tiếp xúc với nguồn nước sạch công cộng để tránh giun cái phóng trứng ra ngoài môi trường nước, lây nhiễm cho mọi người. Không cho chó, mèo ăn cá, ếch, hải sản chưa được nấu chín và nếu xuất hiện triệu trứng như nổi mụn nước, sưng nề, có giun xuất hiện ở vết thương cần tránh tiếp xúc với nguồn nước sạch công cộng.
Đến mong muốn nguồn nước đảm bảo an toàn cho sức khỏe
Cùng anh Đ và cán bộ tổ 2, phường Trung Minh, chúng tôi đi dọc suối Ngòi Cả xem nguồn nước của gia đình anh Đ cùng hàng trăm hộ dân nơi đây dùng để sinh hoạt. Nguồn nước được dẫn từ các ống nước nhỏ màu đen từ trên đỉnh núi về nhà.
Ông Tống Văn Học, Tổ trưởng tổ 2, phường Trung Minh chia sẻ: Từ ca mắc giun rồng tại địa phương, nhiều hộ dân trên địa bàn lo cho sức khoẻ. Một trong những yếu tố nguy cơ mắc giun rồng là sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh. Trước đây, nguồn nước suối các hộ dân tổ 2 sử dụng khá sạch, không có đá vôi, rỉ sắt nhưng nay nguồn nước không đảm bảo, đặc biệt vào mùa mưa đất, đá, bùn chảy xuống đục ngầu. Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, tôi đại diện nêu kiến nghị hỗ trợ, đầu tư nguồn nước sạch cho người dân. Dù cách trung tâm thành phố chưa đến 2 km nhưng hàng trăm hộ dân nơi đây vẫn phải dùng nguồn nước từ khe suối và nhiều hộ vẫn sử dụng nước giếng khoan không đảm bảo. Người dân mong được quan tâm đầu tư nguồn nước sạch, góp phần hạn chế nguy cơ mắc các bệnh do dùng nước không hợp vệ sinh.
Hương Lan