(HBĐT) - Với số ca mắc Covid-19 liên tục tăng cao trong thời gian gần đây, để đảm bảo công tác thu dung, điều trị F0, cùng với việc phân luồng bệnh nhân theo tháp điều trị, tỉnh đã triển khai phương án quản lý, điều trị tại nhà đối với những trường hợp bệnh không triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Lực lượng y tế phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) xét nghiệm sàng lọc các trường hợp tiếp xúc F0 trên địa bàn.
Đảm bảo tiếp cận nhanh nhất với dịch vụ y tế
Theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến ngày 13/2, trên địa bàn tỉnh ghi nhận hơn 15.600 ca mắc Covid-19; đang điều trị cho hơn 5.000 trường hợp tại cơ sở y tế và tại nhà. Hơn 7 nghìn trường hợp đã được điều trị khỏi và ra viện. Ngoài những trường hợp được thu dung, điều trị tại các cơ sở y tế, cơ sở ngoài y tế, tại nhiều địa bàn trong tỉnh đã tiến hành điều trị F0 tại nhà đối với những người bệnh không triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thuộc địa bàn vùng cam về dịch Covid-19, phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) lũy tích đến nay ghi nhận hơn 100 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 tại cộng đồng. Từ tháng 1/2022, được sự hướng dẫn của Trung tâm Y tế (TTYT) thành phố, phường đã tiến hành điều trị F0 tại nhà. Hiện đang điều trị tại nhà 36 trường hợp, 37 trường hợp điều trị tại nhà đã khỏi bệnh. Gia đình ông Đoàn Minh Chính, tổ 5, phường Thịnh Lang có 8 người thì 5 người mắc Covid-19 ngay trước ngày Tết ông Công ông Táo. Trong đó có 1 cụ bà sinh năm 1933, tiền sử bệnh lý nền và chưa được tiêm vắc xin. Tuy nhiên, do người bệnh bị tai biến, di chuyển khó khăn nên trạm y tế phường Thịnh Lang quyết định cho gia đình điều trị tại nhà. Sau hơn 10 ngày kiên trì chiến đấu với dịch bệnh, đến nay, toàn bộ thành viên trong gia đình ông Chính đã thoát khỏi Covid-19 và khỏe mạnh. Chia sẻ về quá trình điều trị tại nhà, ông Chính cho biết: Ngay khi được xét nghiệm và có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, cán bộ trạm y tế lưu động phường đã đến khảo sát, thấy gia đình có nhiều phòng, khép kín, đủ điều kiện cách ly với 3 thành viên còn lại đã quyết định cho gia đình được điều trị Covid-19 tại nhà. Hàng ngày, cán bộ y tế gọi điện, hướng dẫn chúng tôi tự theo dõi sức khỏe, cách ăn uống để tăng sức đề kháng, cách vệ sinh cá nhân và xông các loại lá thuốc nam. Tôi thấy việc điều trị tại nhà như thế này rất tốt, đúng vào dịp Tết nên cả gia đình vẫn có thể ở nhà.
Thực tế, điều trị F0 tại nhà được coi là giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả người nhiễm Covid-19. Việc điều trị F0 tại nhà, nơi cư trú đang là mô hình điều trị phù hợp trong trạng thái bình thường mới, không chỉ góp phần làm giảm áp lực cho các cơ sở điều trị Covid-19, mà còn tạo thuận lợi và tâm lý thoải mái, lạc quan cho người bệnh.
Trao đổi về việc quản lý, điều trị F0 tại nhà, đồng chí Hoàng Thị Thu Hương, trạm y tế lưu động phường Thịnh Lang cho biết: Khi thực hiện điều trị F0 tại nhà, chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của Bộ Y tế, đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 hoặc tiêm 1 mũi đủ 14 ngày; trẻ em trên 1 tuổi; người lớn dưới 50 tuổi không có bệnh nền; người không mang thai. Trung bình mỗi ngày, cán bộ trạm lấy thông tin 2 lần về tình hình sức khỏe người bệnh. Đồng thời luôn sẵn sàng phương án để chuyển người bệnh vào cơ sở y tế nếu thấy có biểu hiện bệnh chuyển nặng hơn.
Theo đồng chí Phạm Kỳ Sơn, Giám đốc TTYT TP Hòa Bình, trước tình hình các ca F0 cộng đồng tăng cao, nguy cơ quá tải các cơ sở thu dung điều trị, đồng thời dự báo trước tình hình dịch bệnh còn phức tạp, kéo dài, trước Tết Nguyên đán 2022, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố đã thành lập 21 trạm y tế lưu động để tiến hành việc điều trị, quản lý F0 tại nhà đối với những trường hợp nhẹ và không có biểu hiện bệnh. Các trạm y tế lưu động thường xuyên báo cáo giao ban hàng ngày về tình hình diễn biến bệnh của F0, kịp thời thông tin, chuyển tuyến đối với trường hợp bệnh nặng với phương châm không để F0 nào không được quản lý, đồng thời đảm bảo tiếp cận nhanh nhất với các dịch vụ y tế. Thành phố cũng đã dự trù cơ số thuốc, thiết bị y tế và tài liệu hướng dẫn về việc chăm sóc quản lý F0 tại nhà cho cán bộ trạm y tế lưu động cũng như người bệnh. Hiện thành phố đang điều trị cho hơn 700 trường hợp F0 tại nhà.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ca F0 cộng đồng liên tục tăng, việc điều trị F0 tại nhà là một giải pháp quan trọng nhằm giảm áp lực cho các cơ sở y tế. Chính vì vậy, nhiều địa phương đã gấp rút triển khai việc điều trị F0 tại nhà. Theo báo cáo của ngành y tế, toàn tỉnh đang thực hiện điều trị cho hơn 3.500 ca F0 tại nhà. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành y tế, việc điều trị F0 tại nhà phải đảm bảo các điều kiện tốt nhất để F0 có thể tiếp cận nhanh nhất với các dịch vụ y tế khi cần. Đồng chí Bùi Thu Hằng, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh: Với mục tiêu giảm tối đa số bệnh nhân Covid-19 chuyển nặng, tử vong, cùng với đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương cần nỗ lực tăng cường vai trò của y tế cơ sở, đầu tư thêm nguồn lực, nhân lực đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh; xây dựng các kênh kết nối để bệnh nhân F0 yên tâm cách ly tại nhà và được chuyển tới cơ sở y tế kịp thời khi bệnh chuyển nặng.
Khó khăn vấn đề vật tư y tế và xử lý rác thải y tế
Tuy nhiên, quá trình thực hiện điều trị F0 tại nhà vẫn còn không ít bất cập. Dù đã hết sức nỗ lực trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, nhưng ở nhiều địa phương, lực lượng có chuyên môn theo dõi cách ly, điều trị cho người nhiễm Covid-19 tại nhà còn quá mỏng, nhân viên của các trạm y tế cơ sở trong tình trạng quá tải, nguồn cung thuốc điều trị phục vụ người bệnh có hạn... Lãnh đạo TTYT các huyện, thành phố cho biết: Khó khăn hiện nay là vật tư y tế cho các trạm y tế lưu động hoạt động. Hầu hết các huyện vẫn phải lấy vật tư y tế, đặc biệt là thuốc từ các trạm y tế để chuyển cho trạm y tế lưu động dùng cho điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà. Tại nhiều địa phương chưa bố trí được túi thuốc an sinh cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà. Mặt khác, lực lượng y tế quá mỏng nên trạm y tế lưu động được thành lập dựa trên thành viên là các ngành, đoàn thể trong Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, nhưng nhiều địa phương chưa có sự phối hợp nên vẫn chủ yếu do cán bộ y tế tự xoay sở, gây quá tải cho cán bộ y tế cơ sở.
Cùng với những khó khăn trên, công tác xử lý chất thải sinh hoạt của các F0 tại nhà là vấn đề nan giải và gặp nhiều khó khăn. Đồng chí Phạm Kỳ Sơn, Giám đốc TTYT TP Hòa Bình cho biết: Chất thải sinh hoạt của F0 cũng là một trong những nguy cơ lây nhiễm rất cao nếu không được xử lý tốt. Theo hướng dẫn, mỗi hộ có F0 tại nhà phải được trang bị một thùng chứa rác thải riêng và phải được xử lý theo đúng quy định chất thải y tế. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn thành phố, vấn đề xử lý rác thải này có rất nhiều bất cập, khó khăn mà riêng ngành y tế không thể xử lý được. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, ca F0 cộng đồng tăng cao, điều trị F0 tại nhà là một giải pháp bắt buộc thì rất cần có phương án lâu dài, đồng bộ về vấn đề này để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tại cộng đồng.
Đinh Hòa