Cán bộ Công ty CP Điện tử viễn thông Thành Biên, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) rà soát danh sách người lao động được hưởng chính sách hỗ trợ nghỉ việc không lương.
Công ty CP Điện tử viễn thông Thành Biên, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Trong đó, khối giáo dục mầm non liên tục phải đóng cửa trường. Chủ tịch HĐQT trường Mầm non Sao Mai Nguyễn Quỳnh Hoa cho biết: Trường có 20 lớp, trên 600 học sinh, gần 100 cán bộ, giáo viên. Khi chưa có dịch Covid-19, lương trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.
Dịch bùng phát, học sinh phải nghỉ học dài ngày, giáo viên không có việc làm, doanh nghiệp và NLĐ không có thu nhập. Trong lúc khó khăn, NLĐ nhận được hỗ trợ rất vui. Theo đó, cuối tháng 3, mỗi giáo viên hợp đồng nghỉ việc không lương đã nhận được hỗ trợ 3,7 triệu đồng qua tài khoản, nếu nuôi con nhỏ được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng. Trước đó, năm 2020, công ty đã được vay gần 400 triệu đồng, năm 2021 trên 700 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH tỉnh để trả lương ngừng việc cho NLĐ. Những khoản hỗ trợ này giúp công ty giải quyết những khó khăn cơ bản để tiếp tục bám trụ.
Thực hiện các nghị quyết, quyết định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do dịch Covid-19 (Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1/7/2021, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngày 7/7/2021…), UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quách Thị Kiều cho biết: Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 147/KH-UBND để triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Đồng thời, ban hành 7 văn bản để thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong đó, khi phát sinh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, sở đã có công văn hướng dẫn, giải thích, giải đáp qua đường dây nóng. Các văn bản được đăng trên website của sở để người dân được biết.
Các sở, ngành, đơn vị liên quan như Sở Y tế, Ngân hàng CSXH tỉnh, BHXH tỉnh, Sở VH-TT&DL… cũng đã vào cuộc theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Tính đến hết tháng 3, tỉnh đã phê duyệt và giải ngân cho 11 doanh nghiệp với 1.568 lượt lao động, tổng số tiền trên 5,2 tỷ đồng. Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 1.465 đơn vị với 41.188 lao động, số tiền tạm tính trong 12 tháng trên 12,1 tỷ đồng. Chi trả hỗ trợ cho 58 viên chức hoạt động nghệ thuật và hướng dẫn viên du lịch trên 215 triệu đồng. Phê duyệt hỗ trợ tiền ăn cho 1.454 F0, F1 điều trị, cách ly y tế. Phê duyệt hỗ trợ 1.866 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương với số tiền trên 4,96 tỷ đồng. Hỗ trợ 1.866 lao động ngừng việc trên 3 tỷ đồng; 179 hộ kinh doanh 537 triệu đồng; 2 lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp 9,42 triệu đồng; 911 lao động tự do trên 1,4 tỷ đồng. Hiện đang tổng hợp hồ sơ đề nghị hỗ trợ NSDLĐ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm.
Đến nay, cơ bản NLĐ, NSDLĐ bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã nhận được hỗ trợ và phấn khởi khi được quan tâm vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, việc thực hiện còn gặp những vướng mắc liên quan đến chính sách do còn có chỗ chung chung, chưa rõ ràng. Thời gian đầu, cách thức chi trả hỗ trợ tại một số địa phương chưa linh hoạt, còn lúng túng nên có lúc chậm. Đặc biệt, trong công tác thẩm định hồ sơ có nội dung không đảm bảo thời gian giải quyết. Đơn cử như việc thẩm định hồ sơ của 184 hộ kinh doanh ảnh hưởng dịch Covid-19 tại huyện Lương Sơn và TP Hòa Bình với kinh phí nếu hỗ trợ 552 triệu đồng. Thế nhưng, các hồ sơ đề nghị hỗ trợ nội dung này đã bị quá thời hạn phê duyệt theo quy định, nguy cơ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Phó trưởng Phòng Việc làm - ATLĐ Khuất Thị Thuỷ (Sở LĐ-TB&XH) lý giải: Chất lượng hồ sơ từ cấp xã, huyện khi trình lên đến cấp sở không đảm bảo, thông tin sai lệch dù NLĐ đủ điều kiện hưởng hỗ trợ. Ngay từ cấp xã rà soát không kỹ hồ sơ, đến cấp huyện lại tổng hợp không chính xác nên đến cấp tỉnh không thể trình phê duyệt, phải trả lại để điều chỉnh. Mặt khác, trong thời gian tiếp nhận, thẩm định, giải quyết hồ sơ nhiều cán bộ là F0; cán bộ LĐ-TB&XH ở cấp xã chỉ có 1 và phải kiêm nhiệm nhiều việc; thậm chí có cán bộ cũng chưa rõ về chính sách thì khó có thể giải đáp, hướng dẫn người dân.
Làm rõ thêm nguyên nhân của những hạn chế, chậm trễ trong triển khai một số nội dung chính sách hỗ trợ, nhiều ý kiến của các thành viên đoàn giám sát UB MTTQ tỉnh tại Sở LĐ-TB&XH mới đây nhận định: Việc thực hiện chính sách hỗ trợ chưa được như kỳ vọng; công tác tuyên truyền có lúc, có nơi "chưa tới”. Mục tiêu hỗ trợ là kịp thời nhưng khi cần nhanh, cán bộ vẫn làm việc theo lối cũ, làm theo đợt, trách nhiệm chưa cao; trong chi trả nhiều nơi vẫn làm thủ công. Mục tiêu không bỏ sót đối tượng nhưng số lượng được hỗ trợ chưa nhiều; ví như chỉ có 11 doanh nghiệp với 1.568 NLĐ được hỗ trợ, theo đại diện Ngân hàng CSXH là ít… Từ đó, cần xem xét lại cách thức tiếp cận, phối hợp để thực hiện chính sách kịp thời, hiệu quả.
Nhằm thiết thực giúp NLĐ và NSDLĐ trong lúc khó khăn, Sở LĐ-TB&XH cho rằng, cần tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ còn hiệu lực trong năm 2022. Tiếp tục có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, NLĐ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/1/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển KT-XH. Cấp ủy, chính quyền cấp xã, huyện cần vào cuộc chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ, không phó mặc cho bộ phận chuyên môn. Để thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ, đoàn giám sát UB MTTQ tỉnh đề nghị, ngành chức năng liên quan đẩy mạnh tuyên truyền chính sách đến người dân, doanh nghiệp. Tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành liên quan và các huyện, thành phố trong tổ chức thực hiện. Đôn đốc, nhắc nhở, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm những cán bộ chậm trễ trong thẩm định hồ sơ.
Cẩm Lệ
(HBĐT) - Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến 16 giờ ngày 7/4, tỉnh ta ghi nhận thêm 543 ca mắc Covid-19.