(HBĐT) - Dù trong nước chưa xuất hiện dịch đậu mùa khỉ (ĐMK), song nguy cơ dịch bệnh có thể xâm nhập vào Việt Nam và địa bàn tỉnh bất kỳ lúc nào. Sở Y tế tăng cường giám sát, phòng chống bệnh ĐMK theo chỉ đạo của UBND tỉnh.


Ngành Y tế tỉnh chủ động giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ. 

ĐMK là một bệnh lây nhiễm từ động vật do vi rút gây ra, nghĩa là bệnh có thể lây lan từ động vật sang người. Bệnh cũng có thể lây truyền giữa người với người. Gọi là bệnh ĐMK vì bệnh được phát hiện lần đầu tiên ở những đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu vào năm 1958, sau đó bệnh mới được phát hiện ở người năm 1970.

Theo bác sỹ Bùi Văn Phón, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Triệu chứng điển hình của bệnh ĐMK gồm: Sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, giảm năng lượng, sưng hạch và phát ban hoặc tổn thương da. Ban thường bắt đầu với 1 - 3 ngày khởi sốt. Tổn thương da có thể phẳng hoặc hơi nổi, chứa dung dịch trong hoặc hơi vàng, sau đó có thể đóng vảy, khô và rụng vảy. Số lượng tổn thương da trên một người có thể dao động từ một vài cho đến vài nghìn nốt. Ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân, các tổn thương này cũng có thể gặp ở miệng, bộ phận sinh dục và mắt. Triệu chứng điển hình thường kéo dài từ 2 - 4 tuần và tự biến mất mà không cần điều trị.

Bất cứ ai có tiếp xúc gần gũi với người có triệu chứng bệnh ĐMK, hoặc với động vật nhiễm bệnh đều có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Người đã tiêm vắc xin ngừa đậu mùa có nhiều khả năng được bảo vệ ở mức độ nhất định trong phòng ngừa nhiễm bệnh ĐMK. Tuy nhiên, người trẻ tuổi ít có khả năng đã tiêm phòng bệnh đậu mùa, vì hoạt động tiêm phòng đã chấm dứt trên toàn thế giới sau khi bệnh đậu mùa trở thành bệnh ở người đầu tiên được thanh toán vào năm 1980. Ngay cả khi người đã được tiêm phòng được bảo vệ ở mức độ nhất định chống bệnh ĐMK, vẫn cần thực hiện các biện pháp đề phòng để bảo vệ bản thân và người khác. Trẻ sơ sinh, trẻ em và người có bệnh nền (suy giảm miễn dịch) có thể có nguy cơ mắc triệu chứng nghiêm trọng hơn và tử vong do bệnh ĐMK. Cán bộ y tế cũng có nguy cơ cao do phơi nhiễm vi rút trong thời gian dài hơn.

Mặc dù trong nhiều trường hợp, triệu chứng của bệnh ĐMK tự mất đi trong vòng vài tuần nhưng ở một số người, chúng có thể dẫn đến các biến chứng y khoa, thậm chí tử vong. Bác sỹ Bùi Văn Phón nhấn mạnh: Trẻ sơ sinh, trẻ em và người có bệnh nền (suy giảm miễn dịch) có thể có nguy cơ gặp triệu chứng nghiêm trọng hơn và tử vong do bệnh ĐMK. Biến chứng ở các ca bệnh ĐMK nặng gồm: Nhiễm trùng da, viêm phổi, lú lẫn, nhiễm trùng mắt có thể dẫn đến mất thị giác. Có khoảng 3 - 6% ca bệnh được báo cáo đã dẫn đến tử vong ở các nước có bệnh lưu hành trong thời gian gần đây, thường ở trẻ em hay người có bệnh lý khác. Điều quan trọng cần chú ý là tỷ lệ tử vong này có thể cao hơn thực tế do hoạt động giám sát ở các nước lưu hành bệnh còn hạn chế.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện bệnh ĐMK, tuy nhiên, với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, không chủ quan với các loại dịch bệnh phức tạp, ngành y tế tỉnh đã chủ động chỉ đạo và hướng dẫn Trung tâm Y tế các huyện, thành phố rà soát, theo dõi dịch tễ trên địa bàn để phòng, chống dịch ĐMK. Cụ thể, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đề nghị: Tăng cường giám sát các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh ĐMK, nhất là những trường hợp trở về từ các quốc gia lưu hành bệnh ĐMK như: Benin, Cameroon, CH Trung Phi, CHDC Công gô, Gabon, Ghana, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, CH Công gô, Sierra Leone và Nam Sudan. Lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh và vận chuyển về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để vận chuyển về Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư xét nghiệm khẳng định. Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về bệnh ĐMK.

Ngoài ra, theo bác sỹ Bùi Văn Phón, người dân có thể chủ động phòng tránh dịch bệnh bằng các biện pháp như: Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa, tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh; thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường; che miệng khi ho, hắt hơi. Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ, cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời; chủ động tự cách ly và tránh quan hệ tình dục. Người xác định mắc bệnh phải được cách ly y tế đến khi điều trị khỏi bệnh.

Phương Linh


Các tin khác


Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục