Ngành Y tế vẫn đang bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần tập trung xử lý sớm như: Tình trạng thiếu thuốc; thiếu thiết bị, vật tư y tế, hệ thống thể chế còn nhiều bất cập; quy định về mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, đầu tư...


Người dân khám chữa bệnh tại cơ sở y tế.

Thẳng thắn nhìn nhận những bất cập

Tại Hội nghị trực tuyến "Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững" ngày 21/8, Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết: T rong công tác của ngành Y tế hiện nay vẫn còn bộc lộ tồn tại, hạn chế cần tập trung xử lý sớm, nhất là trong giai đoạn phòng chống dịch vừa qua.

Hiện nay, giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, chưa tính đúng, đủ chi phí thực tế, gây ảnh hưởng đến hạch toán thu chi của các cơ sở khám, chữa bệnh; nhất là trong bối cảnh các bệnh viện thực hiện theo cơ chế tự chủ. Việc đổi mới phương thức chi trả theo nhóm chẩn đoán, theo định suất, chậm được thực hiện.

Đặc biệt, vừa qua đã xảy ra tình trạng nhân viên y tế bỏ việc, nghỉ việc tại các cơ sở y tế công lập. Hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến đội ngũ nhân viên y tế do gia tăng áp lực công việc, mức độ nguy hiểm, rủi ro nghề nghiệp; nhiều nhân viên y tế hầu như không có ngày nghỉ, làm việc với cường độ cao trong thời gian kéo dài, đặc biệt đối với nhân viên y tế ở những địa phương có dân số lớn như TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Trong khi đó, lương và phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở, mức lương này chỉ đảm bảo một phần nhu cầu cuộc sống, không tương xứng với đặc thù làm việc và quá trình đào tạo.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chi trả phụ cấp phòng chống dịch cho nhân viên y tế còn chậm hoặc chi trả không đầy đủ tại một số địa phương; các yếu tố như môi trường làm việc có nơi, có lúc còn hạn chế; thiếu vật tư, thiết bị cần thiết thực hiện hoạt động chuyên môn; sức thu hút cao từ các cơ sở y tế tư nhân…

Ngoài ra, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc đang diễn ra tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Theo báo cáo của 34 Sở Y tế và 21 Bệnh viện tuyến Trung ương cho thấy: Có 28 sở Y tế, 12 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc; có 26 sở Y tế, 15 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất; 14 sở Y tế, 8 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế.

Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng chỉ ra nhiều bất cập khác như: Hệ thống y tế dự phòng hiện còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là tại tuyến y tế cơ sở; tình trạng quá tải vẫn chưa được giải quyết triệt để ở các bệnh viện tuyến cuối... Việc tồn đọng hồ sơ, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và kỳ vọng của doanh nghiệp; còn nhiều khó khăn trong công tác tổ chức thẩm định hồ sơ đăng ký như: Thiếu chuyên gia, chất lượng hồ sơ nộp thấp, mức thu phí thấp…

Thực tế, ngân sách Nhà nước cho y tế và bảo hiểm y tế (BHYT) có tăng, nhưng tổng chi chăm sóc sức khỏe bình quân theo đầu người vẫn thấp. Tỷ lệ chi tiền túi từ hộ gia đình vẫn ở mức cao ( trên 40% tổng chi). Độ bao phủ BHYT rộng, nhưng chưa bền vững. Đầu tư nguồn lực từ ngân sách Nhà nước cho y tế dự phòng cũng chưa bảo đảm theo Nghị quyết số 18/2008/QH12 ngày 3/6/2008 của Quốc hội.

Những tồn tại, hạn chế trên, ngoài việc do ảnh hưởng của bối cảnh kinh tế - xã hội trên thế giới và trong nước, ảnh hưởng của những vấn đề đã tồn tại lâu dài của hệ thống y tế chưa được giải quyết triệt để, tác động của đại dịch COVID-19, còn do khá nhiều nguyên nhân khác như: Việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước trong thực thi công vụ tại một số đơn vị cơ sở thiếu chủ động, sợ sai, sợ trách nhiệm; phương pháp quản lý điều hành chưa thực sự đổi mới, chưa phân cấp, phân quyền mạnh mẽ để giám sát;việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng thành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế chậm, chất lượng chưa cao;đầu tư của Nhà nước và việc huy động các nguồn lực xã hội cho lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân còn nhiều khó khăn; công tác giáo dục chính trị tư tưởng nặng tính hình thức, chưa chú trọng người làm trực tiếp.

Giải quyết những tồn tại cả trước mắt và lâu dài

Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, thời gian tới, ngành Y tế cần tập trung giải quyết cả những tồn tại trước mắt như: Đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh cấp phép thuốc, trang thiết bị y tế...; song song với đó là giải quyết các vấn đề mang tính lâu dài như: Hoàn thiện thể chế, chính sách; đổi mới tài chính y tế; đầu tư phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở...

Cụ thể, Bộ Y tế tập trung kiểm soát dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm lưu hành có hiệu quả để góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Trong đó, tiêm vaccine là biện pháp chiến lược quan trọng nhất, quyết định trong phòng, chống dịch COVID-19; bảo đảm tiến độ tiêm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Đồng thời, tập trung công tác xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mua sắm, đấu thầu, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu; xã hội hóa, quản trị đơn vị sự nghiệp công.

Tài chính y tế và BHYT cần đổi mới mạnh mẽ, tăng tỷ trọng chi của ngân sách Nhà nước và BHXH trong tổng chi cho y tế; đổi mới phương thức chi trả; điều chỉnh giá dịch vụ theo hướng tính đúng, tính đủ; giải quyết các vướng mắc trong xã hội hóa; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; phối hợp với BHXH Việt Nam giải quyết tồn tại về tổng mức thanh toán; đảm bảo việc thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT phù hợp, đảm bảo an toàn Quỹ.

Bộ Y tế cũng đưa ra một số giải pháp như: Tập trung việc nâng cao năng lực quản trị hệ thống y tế; đổi mới công tác y tế dự phòng và nâng cao sức khỏe, bảo đảm an toàn, an ninh y tế; tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ; bảo đảm vận hành hiệu quả hệ thống khám bệnh, chữa bệnh; đẩy mạnh phát triển ngành dược và trang thiết bị y tế, tập trung quản lý, cấp phép, gia hạn thuốc, trang thiết bị y tế; giải quyết triệt để các hồ sơ tồn đọng; công khai, minh bạch trong quản lý, cấp phép, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, phát huy hiệu quả cao nhất của đấu thầu tập trung, hoàn thiện cơ chế đầu tư, mua sắm và kiểm soát chặt chẽ chất lượng…

Đặc biệt, ngành Y tế cần đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ trong y học; hình thành các trung tâm nghiên cứu y học mạnh gắn với các trường, các viện nghiên cứu và các bệnh viện. Thúc đẩy việc nghiên cứu, sản xuất vaccine, sinh phẩm trong nước; đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số ngành Ytế tiến tới y tế số, y tế thông minh phục vụ người dân.


Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục