(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ ngộ độc do sử dụng, tiêu dùng sản phẩm nông sản, sử dụng các loại nấm, cây, củ quả rừng tự nhiên làm thực phẩm. Mặc dù đã có cảnh báo từ các cơ quan chức năng, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra. Đã có ca tử vong do sử dụng nấm rừng làm thực phẩm.


Y, bác sỹ Khoa Hồi sức - Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) điều trị cho bệnh nhân bị ngộ độc trứng cóc.

Đó là vụ ngộ độc xảy ra vào ngày 17/2 trên địa bàn xóm Hịch 1, xã Mai Hịch (Mai Châu) làm 6 người phải nhập viện do ăn phải nấm rừng. Trong quá trình điều trị, 2 bệnh nhân không có dấu hiệu thuyên giảm phải chuyển đến điều trị tại Khoa Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Đến 4h ngày 22/2, 1 bệnh nhân tử vong. Các bệnh nhân còn lại được điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh.

Ngày 27/5, BVĐK tỉnh tiếp nhận và điều trị cho 6 người bị ngộ độc sau khi ăn trứng cá sấu hỏa tiễn. Theo đó, buổi trưa cùng ngày vào viện, các bệnh nhân chế biến cá sấu hỏa tiễn (cá cảnh) nặng khoảng 10 kg làm thức ăn. Thân cá làm món hấp, trứng cá nấu với mẻ, cả gia đình và một số người quen cùng ăn.

Những người ăn món cá hấp không có biểu hiện bất thường về sức khỏe. Tuy nhiên, 6 nam giới ăn cùng mâm, vừa ăn cá hấp vừa ăn trứng cá nấu mẻ đều có triệu chứng nôn, đau bụng dữ dội và đi ngoài nhiều lần, kèm theo đau đầu, chóng mặt, người mệt lả. Sau khi sơ cứu ban đầu, các bệnh nhân được chuyển đến BVĐK tỉnh. Sau một thời gian điều trị và chăm sóc tích cực, 6 bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và được xuất viện.

Gần đây nhất, ngày 2/6, BVĐK tỉnh tiếp tục cấp cứu 2 bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn thịt và trứng cóc. Bệnh nhân Khà Thị T., 52 tuổi và Vì Thị B., 17 tuổi (Mai Châu) là hai mẹ con trong cùng gia đình, nhập viện với các triệu chứng đau đầu, đau bụng, nôn, đi ngoài nhiều lần, tê bì chân tay. Trước đó, hai mẹ con làm thịt cóc để chế biến thức ăn. Sau khi ăn thức ăn với thịt và trứng cóc, cả hai mẹ con xuất hiện đau đầu, đau bụng, nôn mửa, đi ngoài phân lỏng nhiều lần. Các bệnh nhân được Trung tâm Y tế huyện sơ cứu ban đầu và chuyển đến BVĐK tỉnh chăm sóc tích cực bằng các biện pháp đào thải chất độc, truyền dịch, điều chỉnh rối loạn nước, điện giải. Hiện các bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và tiếp tục được theo dõi tại BVĐK tỉnh.

Bác sỹ Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức - Chống độc (BVĐK tỉnh) cho biết: Đây là 3 ca ngộ độc tập thể điển hình do sử dụng các thực phẩm chế biến từ tự nhiên. Hàng năm, hầu như tháng nào khoa cũng tiếp nhận các trường hợp ngộ độc thực phẩm. Từ đầu năm đến nay, khoa đã tiếp nhận, điều trị trên 15 ca, trong đó có 2 vụ ngộ độc trứng cóc, trên 10 trường hợp ngộ độc lá du mại, 3 trường hợp ngộ độc lá ngón và lẻ tẻ các vụ ngộ độc nấm rừng, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ... Nguyên nhân của các vụ ngộ độc thực phẩm do thói quen sử dụng thực phẩm từ tự nhiên làm thức ăn, nước uống từ lâu đời của bà con các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Cùng với tâm lý chủ quan trong quá trình chế biến, cố tình sử dụng các loại lá cây, con vật có chất độc mặc dù đã biết tác dụng không tốt. Trong một số trường hợp, cùng một loại thực phẩm nhưng do cơ địa người này sử dụng không sao, nhưng người khác lại bị ngộ độc, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Qua đây cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng các loại nấm rừng, cây tự nhiên không rõ nguồn gốc. Cần có kiến thức trong quá trình chế biến, sử dụng các cây, con vật có chất độc trong nội tạng, trứng. Một số thực phẩm có tác dụng tốt đối với sức khoẻ như thịt cóc, lá cây chữa bệnh... Tuy nhiên, nên sử dụng các sản phẩm từ thịt cóc được chế biến công nghiệp theo quy trình chặt chẽ, đã được kiểm nghiệm, đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).

Trước đó, để chủ động bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên (ĐTTN), Cục ATTP (Bộ Y tế) đã có Công văn số 278, ngày 15/2/2023 đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư phối hợp với ngành NN&PTNT, các đơn vị chức năng tăng cường giám sát, triển khai các giải pháp kiểm soát ATTP trong sử dụng, tiêu dùng sản phẩm nông sản, sử dụng các loại nấm, cây, củ quả rừng tự nhiên làm thực phẩm. Ngày 21/2, Sở Y tế ban hành Công văn số 380 về tăng cường công tác phòng, chống ngộ độc do ĐTTN; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh ban hành Công văn số 42 về việc tuyên truyền phòng, chống ngộ độc thực phẩm do ĐTTN, do nấm độc. Tuy nhiên, trên thực tế, các ca ngộ độc thực phẩm từ tự nhiên vẫn xảy ra.

Thời gian tới, để hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm có chứa ĐTTN, các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục kiến thức ATTP và biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm do ĐTTN cho cộng đồng. Khuyến cáo người dân không sử dụng những thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như: nấm rừng, cây, củ, quả rừng... Chú ý hướng dẫn biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương. Tập trung vào đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, xa. Người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời khi xuất hiện triệu chứng nghi ngờ ngộ độc. Các đơn vị y tế chuẩn bị sẵn sàng phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc xảy ra. 


Hương Lan

Các tin khác


Nắng nóng cao điểm, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh quá tải bệnh nhân 

Trong đợt nóng lần này, Hòa Bình là một trong những nơi thuộc vùng tâm nóng; 3 ngày qua (27 - 29/4), nhiệt độ luôn ở mức cao từ 39 - 42 độ C, có nơi xấp xỉ 43 độ C. Nắng nóng khiến nhiều người dân trong tỉnh phải nhập viện cấp cứu, dẫn đến quá tải tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. 

Bảo hiểm y tế - điểm tựa chăm sóc sức khỏe

Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách của Đảng, Nhà nước, vì quyền lợi an sinh của nhân dân. Tham gia BHYT, người dân được hưởng nhiều quyền lợi trong khám, chữa bệnh (KCB).

Gần 700 người tham gia hiến máu tình nguyện tại thành phố Hòa Bình

Ngày 24/4, tại Trung tâm Hội nghị Hoà Bình, Ban chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh, thành phố Hòa Bình phối hợp với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức ngày hội hiến máu tình nguyện đợt II năm 2024.

Thành phố Hòa Bình đảm bảo an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng

TP Hòa Bình có trên 1.300 cơ sở thực phẩm, trong đó, cơ sở dịch vụ ăn uống cấp thành phố quản lý trên 400 cơ sở, cấp tỉnh quản lý gần 100 cơ sở, còn lại là cấp phường, xã quản lý. Để cung ứng sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), thời gian qua, các ngành chức năng của thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh thời điểm giao mùa

Hiện nay là thời điểm giao mùa Xuân - Hè, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, phát triển. Bên cạnh đó, thời tiết nồm ẩm gây khó khăn trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, làm gia tăng các bệnh về đường tiêu hóa. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh (PCDB), ngành Y tế tích cực triển khai các biện pháp, hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục