(HBĐT) - Cũng như nhiều tỉnh, thành phố, các địa phương trong tỉnh đang đối mặt với tình trạng thiếu các loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), vitamin A và thuốc kháng HIV (ARV). Tỉnh đang trình Thủ tướng Chính phủ có phương án tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu của người dân.


Cán bộ Trạm y tế phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) kiểm tra thời hạn sử dụng vắc xin. 

Chị Đặng Thị Út, cán bộ phụ trách Chương trình TCMR phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) chia sẻ: Năm 2023, các loại vắc xin cơ bản đáp ứng được nhu cầu người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, riêng vắc xin 5 trong 1 tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi nhằm phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm phổ biến gồm: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn HiB và viêm gan B từ đầu năm đến nay không được cấp. Năm 2023, trên địa bàn phường có 85 trẻ dưới 1 tuổi có nhu cầu tiêm và tiêm mũi nhắc lại vắc xin 5 trong 1. Cán bộ y tế và người dân mong muốn các cấp, ngành chức năng sớm có giải pháp cung ứng vắc xin, góp phần đảm bảo đúng, đủ liều theo kế hoạch tiêm chủng.

Đồng chí Trần Thị Ái Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho biết: Trong những năm qua, CDC tỉnh tiếp nhận vắc xin nguồn Chương trình TCMR từ Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, vitamin A liều cao từ Viện Dinh dưỡng do Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc hỗ trợ và thuốc ARV điều trị cho người nhiễm HIV từ Cục Phòng chống HIV được hỗ trợ từ Quỹ Toàn cầu. Từ năm 2023, Bộ Y tế dừng hỗ trợ miễn phí vắc xin thuộc Chương trình TCMR, vitamin A cho trẻ dưới 5 tuổi và thuốc kháng HIV cho đối tượng không có thẻ BHYT. Vì vậy CDC tỉnh đã rà soát, xây dựng nhu cầu sử dụng các loại vắc xin từ Chương trình TCMR, vitamin A cho trẻ em dưới 5 tuổi và thuốc kháng HIV.

Theo đó, dự kiến, đối tượng thuộc diện TCMR toàn tỉnh năm 2023 gồm 10.080 trẻ dưới 1 tuổi; 11.190 trẻ từ 18 - 24 tháng tuổi; 10.151 trẻ tiêm viêm não Nhật Bản mũi 1 và 2; 11.319 trẻ tiêm viêm não Nhật Bản mũi 3; 16.317 trẻ 7 tuổi; 9.025 phụ nữ có thai. Căn cứ tình hình cung ứng vắc xin TCMR từ Bộ Y tế, nhu cầu sử dụng, dự kiến kinh phí mua vắc xin trên 2,1 tỷ đồng. Nhu cầu số lượng vitamin A cần là 131.102 liều. Hiện tại, trên thị trường không có bất kỳ công ty nào cung cấp vitamin A liều cao theo hướng dẫn của Viện Dinh dưỡng, nên CDC tỉnh không có giá tham khảo để làm căn cứ xây dựng nhu cầu kinh phí.

Cũng theo đồng chí Phó Giám đốc CDC tỉnh, đối với thuốc kháng HIV, tính đến ngày 30/4/2023, số bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc ARV tại 5 cơ sở điều trị HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh là 1.052 người (1.020 người lớn và 32 trẻ em). Ước tính số bệnh nhân cần sử dụng thuốc ARV qua nguồn NSNN khoảng 100 người với kinh phí trên 177 triệu đồng. Từ kết quả rà soát trên, CDC tỉnh đã đề nghị Sở Y tế trình các cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí kinh phí địa phương và tổ chức mua sắm theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo không thiếu thuốc và vắc xin trong công tác phòng, chống dịch bệnh. 

Đồng chí Bùi Thị Hiền, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính (Sở Y tế) cho biết: Từ đầu năm đến nay, số điện thoại đường dây nóng của Sở liên tục nhận được điện thoại của người dân thắc mắc về tình trạng không có, thiếu các loại vắc xin từ Chương trình TCMR. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia y tế, dân số chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế và các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập trong việc giao cho các địa phương tự triển khai đấu thầu mua sắm thuốc, vitamin A, vắc xin cho Chương trình TCMR.

Từ thực trạng trên, UBND tỉnh ban hành Công văn số 691/UBND-NVK, ngày 17/5/2023 về việc cung ứng các loại vắc xin trong Chương trình TCMR, vitamin A và thuốc ARV theo yêu cầu của Bộ Y tế. Theo đó, UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ: Về nguồn kinh phí, nếu chuyển ngay nội dung TCMR, thuốc ARV và vitamin A thành nhiệm vụ chi thường xuyên tại địa phương và do địa phương bố trí kinh phí, tự triển khai mua sắm trong năm 2023 thì công tác mua sắm, đấu thầu các mặt hàng trên không thể đảm bảo kịp thời gian xây dựng kế hoạch, bổ sung kinh phí và đấu thầu để đủ thuốc cung ứng phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Về thực hiện mua sắm, các loại vắc xin thuộc Chương trình TCMR, vitamin A cho trẻ dưới 5 tuổi, thuốc ARV được quy định tại mục C, Phụ lục II, Danh mục đấu thầu tập trung quốc gia - Thông tư số 15/2020/TT-BYT, ngày 10/8/2020 của Bộ Y tế ban hành danh mục thuốc đấu thầu; danh mục thuốc đấu thầu tập trung; danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá. Như vậy, việc các địa phương tự triển khai mua sắm sẽ không thể thực hiện được.

Việc lấy đơn giá của vắc xin cho TCMR, vitamin A cho trẻ em dưới 5 tuổi gặp nhiều khó khăn do thiếu thông tin về giá trúng thầu, giá kê khai của các loại vắc xin, vitamin A, có nhiều loại không tìm thấy thông tin về giá. Còn nếu tự tổ chức đấu thầu có thể có trường hợp do số lượng ít không có đơn vị tham gia dự thầu dẫn đến thiếu thuốc, thiếu vắc xin.

Trường hợp được bố trí kinh phí và thực hiện đấu thầu mua sắm có thể sẽ xảy ra tình trạng thiếu vắc xin do đấu thầu không thành công vì các lý do như: Không có nhà thầu tham gia, có mặt hàng không đảm bảo phải hủy thầu... Đặc biệt với các loại vắc xin được cung ứng từ nước ngoài thì việc đấu thầu mua sắm sẽ khó khăn hơn. Việc thiếu vắc xin cục bộ chắc chắn ảnh hưởng đến tỷ lệ bao phủ vắc xin, dẫn đến bùng phát dịch.

Nếu tự mua vắc xin thì việc điều tiết thuốc, vắc xin TCMR sẽ khó khăn và không kịp thời khi xảy ra thừa/thiếu, không đáp ứng nhu cầu của Nhân dân, cũng như gây lãng phí nếu để xảy ra dư thừa thuốc và vắc xin.

Từ những vướng mắc, bất cập nêu trên, để đảm bảo cung ứng các loại vắc xin trong Chương trình TCMR, vitamin A và thuốc ARV được kịp thời, không bị gián đoạn, UBND tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến giao Bộ Y tế tiếp tục chủ trì mua sắm, cung ứng thuốc, vắc xin để đảm bảo đủ thuốc, vắc xin cho phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời cũng đảm bảo công tác quản lý, điều phối giữa các tỉnh, thành phố. 

Hương Lan


Các tin khác


Báo động tình trạng trẻ hóa bệnh nhân suy thận mạn

Nếu như trước đây, tại Việt Nam, bệnh suy thận chỉ xuất hiện ở nhóm người 60 tuổi, thì hiện nay, tỷ lệ người trẻ trong độ tuổi từ 18 - 30 tuổi mắc bệnh thận đang ngày càng gia tăng, chiếm từ 20 - 30%.

5 cách hạ huyết áp không cần dùng thuốc

Huyết áp cao là nguy cơ hàng đầu làm tăng mắc bệnh tim và đột quỵ. Mặc dù nhiều người đang dùng thuốc để hạ huyết áp, nhưng đối với những người mắc chứng tăng huyết áp giai đoạn 1 không phải lúc nào cũng cần dùng thuốc.

Ca tử vong do bệnh dại gia tăng, Bộ Y tế khuyến cáo cách phòng chống

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế chiều 13/3 cho biết, 2 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận 22 trường hợp tử vong do bệnh dại, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Khu vực Tây Nguyên vẫn là điểm nóng về bệnh dại với 2/4 tỉnh có ca tử vong...

Bộ Y tế thông tin về nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT

Bộ Y tế cho biết trong thời gian qua, Bộ Y tế nhận được công văn của một số Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phản ánh một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 75/2023/NĐ-CP.

Tuổi trẻ Bệnh viện Đa khoa tỉnh xung kích, tình nguyện vì sức khỏe nhân dân

Chi đoàn thanh niên Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh hiện có gần 300 đoàn viên. Với sự quan tâm của lãnh đạo bệnh viện, chi đoàn có điều kiện thuận lợi để triển khai công tác đoàn và phong trào thanh niên. Tổ chức Đoàn luôn đồng hành cùng sự phát triển của Bệnh viện, tham gia thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ khám, chữa bệnh (KCB), góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Cấp giấy chứng nhận cho 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Tháng 2/2024, thực hiện thẩm định, đánh giá theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư số 32/2022/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT, các cơ quan quản lý chuyên ngành tỉnh đã tiến hành đánh giá phân loại 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh (SX-KD) nông, lâm, thủy sản. Qua đó đánh giá 13 cơ sở xếp loại B.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục