Thời gian qua, ngành Y tế đã triển khai nhiều giải pháp trong công tác chăm sóc sức khỏe (CSSK) bà mẹ, trẻ em, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa. Qua đó nâng cao chất lượng CSSK bà mẹ và trẻ sơ sinh, cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em trong tỉnh.
Cán bộ Trạm y tế xã Quyết Thắng (Lạc Sơn) tư vấn, truyền thông hướng dẫn chăm sóc sức khoẻ thai kỳ cho phụ nữ mang thai.
Tại xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn), công tác CSSK bà mẹ, trẻ em luôn được quan tâm thực hiện đầy đủ, hiệu quả. Trong nhiều năm trên địa bàn không có tử vong mẹ, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng năm sau giảm hơn năm trước. Để đạt được kết quả này, Trạm y tế xã đẩy mạnh hoạt động truyền thông về làm mẹ an toàn, tập trung vào nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng về CSSK bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đồng thời kết hợp với cộng tác viên dân số, y tế thôn bản, ban, ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, giáo dục sức khỏe sinh sản cho phụ nữ; khuyến khích phụ nữ khám thai định kỳ ít nhất 4 lần trong thai kỳ; hỗ trợ phụ nữ sinh con tại các cơ sở y tế có đủ điều kiện; theo dõi sức khỏe của mẹ và bé trong vòng 42 ngày sau sinh; cung cấp các dịch vụ hỗ trợ dinh dưỡng, tiêm chủng, kế hoạch hóa gia đình… Nhờ đó, chất lượng CSSK bà mẹ và trẻ sơ sinh được cải thiện đáng kể.
Y sĩ Nguyễn Thị Liên, Phó trạm trưởng Trạm y tế xã Ngọc Sơn cho biết: Xã thành lập Ban điều hành mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời, hàng tháng tổ chức truyền thông, trình diễn bữa ăn, truyền thông trực tiếp cho phụ nữ có thai, phụ nữ sau sinh. 100% bà mẹ mang thai được quản lý thai nghén, bổ sung viên sắt để phòng chống thiếu máu; khoảng 90% bà mẹ mang thai được xét nghiệm sàng lọc 3 bệnh lây truyền từ mẹ sang con, tiêm phòng uốn ván đủ mũi; 100% bà mẹ và trẻ sơ sinh được thăm khám tại nhà sau sinh.
Đa dạng hoạt động truyền thông, tư vấn về CSSK bà mẹ, trẻ em đã góp phần nâng cao nhận thức, hành động đúng về việc CSSK bà mẹ, trẻ em, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm gần đây, nhiều phụ nữ đã biết CSSK sinh sản bản thân, nuôi con khoa học, bảo đảm dinh dưỡng.
Đến lịch hẹn khám định kỳ, chị Bùi Thị Khánh Thức, xóm Trung Sơn, xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn) đến trạm y tế xã khám thai, theo dõi sự phát triển của thai nhi, nghe cán bộ y tế tư vấn truyền thông dinh dưỡng, làm mẹ an toàn. Chị Thức chia sẻ: Vợ chồng tôi đã có một bé trai 8 tuổi, trước kia do chưa có kinh nghiệm cũng như kiến thức về CSSK thai kỳ, chưa biết kết hợp những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng trong các bữa ăn nên bé cũng chậm lớn. Rút kinh nghiệm lần mang thai trước, lần mang thai này tôi đã đến trạm y tế để khám thai định kỳ, được cán bộ y tế tuyên truyền về tầm quan trọng của việc chăm sóc dinh dưỡng khi mang thai, kiến thức chăm sóc sức khoẻ cho mẹ và thai nhi... để bảo đảm sức khỏe cho sự phát triển của thai nhi và tạo sữa nuôi con sau này.
Thực hiện dự án CSSK nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ đầu năm đến nay, 13 xã vùng III của huyện Lạc Sơn đã tổ chức nhiều hoạt động cụ thể: Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế về CSSK bà mẹ, trẻ em; cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân; đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe, lồng ghép truyền thông nhóm tại cộng đồng. Bác sỹ CK I Bùi Văn Luyến, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lạc Sơn cho biết: Qua thực hiện dự án 7 tại địa bàn huyện đạt được những hiệu quả thiết thực đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tạo chuyển biến rõ rệt về CSSK bà mẹ, trẻ em, trước sinh và sau sinh; giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em, suy dinh dưỡng trẻ em.
Để không ngừng cải thiện, nâng cao sức khỏe của bà mẹ và trẻ em, nâng cao nhận thức của người dân, ngành Y tế đẩy mạnh tuyên truyền về các chính sách, chương trình CSSK bà mẹ, trẻ em đến cán bộ, nhân viên y tế từ tỉnh đến cơ sở. Chỉ đạo các trung tâm y tế đổi mới phương pháp truyền thông, lựa chọn hình thức phù hợp với từng hoạt động, từng địa phương như: tư vấn trực tiếp, thăm hộ gia đình, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đối với công tác chăm sóc trẻ em chú trọng truyền thông tại cơ sở về "1.000 ngày vàng của bé”; vai trò của sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ, chăm sóc - dinh dưỡng, bổ sung vi chất và vitamin A cho trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Công tác CSSK bà mẹ chú trọng tuyên truyền về CSSK và dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, bà mẹ nuôi con dưới 2 tuổi. Đến hết tháng 9/2023, 99% bà mẹ, trẻ sơ sinh trong toàn tỉnh được thực hiện chăm sóc y tế trước, trong và sau sinh đúng quy định, giảm thiểu tai biến sản khoa. Không có trường hợp tử vong mẹ. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi thấp hơn so với trung bình cả nước.
Đỗ Hà
Đối diện với nguy cơ đột tử do mắc bệnh tim mạch, một sản phụ mang thai 31 tuần tuổi vừa được Bệnh viện Hùng Vương (TP Hồ Chí Minh) phối hợp với Bệnh viện Tim Tâm Đức thực hiện ca mổ khẩn để kịp cứu sống cả mẹ và con.
Những năm gần đây, mạng lưới các cơ sở hành nghề y dược tư nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dịch vụ spa chăm sóc sắc đẹp, thẩm mỹ viện trên địa bàn tỉnh phát triển với nhiều dịch vụ đa dạng.
(HBĐT) - Từ ngày 20/10, Covid-19 được điều chỉnh từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A chuyển sang nhóm B. Theo đó, các chính sách của người bệnh và người tham gia chống dịch Covid-19 có sự thay đổi so với trước đây.
(HBĐT) - Trong 2 ngày (31/10 và 1/11), tại xã Mường Chiềng (Đà Bắc), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phố phối hợp Tổ chức Orbis tổ chức lễ cấp kính và truyền thông về chăm sóc mắt tại Trường Dân tộc nội trú THCS B Đà Bắc. Đồng thời, khám sàng lọc, xác định tật khúc xạ, phát hiện sớm các bệnh về mắt tại Trường THPT Mường Chiềng và Trường TH và THCS Triệu Phúc Lịch, xã Toàn Sơn.
Bộ Y tế đã có công văn gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc thực hiện hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thuộc nhóm B.
Từ ngày 20/10/2023, COVID-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A mà chuyển sang nhóm B của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Theo đó, các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm nhóm B.