Bệnh dại tưởng chừng đã quen thuộc và có thể phòng tránh, nhưng mỗi năm bệnh vẫn âm thầm cướp đi nhiều sinh mạng. Phía sau những cái chết thương tâm ấy không chỉ là sự nguy hiểm của virus dại, mà còn do sự chủ quan và thiếu hiểu biết của người dân.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nắm bắt, giám sát ca bệnh dại tại xã Bảo Hiệu (Yên Thuỷ).
Mới đây nhất là trường hợp tử vong do bệnh dại tại huyện Lạc Thuỷ. Bệnh nhân là Vũ Văn V., sinh năm 1997, làm bảo vệ tại Công ty cổ phần Đại Nam, xóm Hợp Nhất, xã Bảo Hiệu (Yên Thủy); hộ khẩu thường trú tại thôn Đồng Làng, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy). Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, ngày 15/2/2025, bệnh nhân bị một con chó con đi qua công trường cắn vào ngón tay ở bàn tay trái, vết thương nông, có chảy máu. Sau khi bị chó cắn, bệnh nhân tự xử lý vết thương, không đi khám, không tiêm vắc xin, huyết thanh phòng bệnh dại. Con chó cắn bệnh nhân là chó lạ, nặng khoảng 6kg, không rõ nguồn gốc, sau khi cắn chạy lên đồi đi mất, không theo dõi được.
Sau 40 ngày bị chó nghi dại cắn, khoảng 9h ngày 27/3, bệnh nhân có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và nôn, mệt mỏi, khó thở nhẹ. Khoảng 14h, bệnh nhân về nhà tại thôn Đồng Làng, vẫn trong tình trạng mệt mỏi, khó thở, nôn, tiết nhiều nước bọt, khạc nhổ. Khoảng 7h ngày 28/3, người nhà đưa đến Bệnh xá cụm kho 23 (quân đội) khám và điều trị nhưng không đỡ. Bệnh nhân về nhà vẫn nôn, khó thở, mệt mỏi, sợ gió, đau đầu... Khoảng 8h ngày 29/3, bệnh nhân đến Trạm y tế xã Đồng Tâm trong tình trạng khó thở, mệt mỏi, được giới thiệu lên Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Lạc Thủy để điều trị. Bệnh nhân đến Phòng khám Bình An, khu 3, thị trấn Chi Nê khám. Đến khoảng 18h40 cùng ngày, bệnh nhân được gia đình đưa đến TTYT huyện Lạc Thủy trong tình trạng kích thích, tâm trạng thay đổi liên tục, sốt cao 39,50C rét run, vã mồ hôi, nôn, thi thoảng nhai hàm nghiến răng. Kíp trực đã hội chẩn, chẩn đoán theo dõi viêm não màng não, tư vấn chuyển lên Viện Y học nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, bệnh nhân được xét nghiệm 2 lần bằng phương pháp RT-PCR đều cho kết quả dương tính. Bệnh viện giải thích cho gia đình về tình trạng của bệnh nhân, gia đình đã ký hồ sơ xin cho bệnh nhân về chăm sóc tại nhà. Ngày 2/4 bệnh nhân được đưa về nhà, đến 3h10 phút ngày 3/4, bệnh nhân tử vong.
Ngay sau khi bệnh nhân tử vong, TTYT huyện Lạc Thủy phối hợp Trạm y tế xã Đồng Tâm điều tra, xác minh các trường hợp người dân, người nhà có tiếp xúc trực tiếp với chất thải của bệnh nhân. Truyền thông cho người dân về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp phòng, chống bệnh dại trước, sau phơi nhiễm cho người và động vật để người dân chủ động phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng. Trạm y tế phối hợp các ban, ngành xã phun khử trùng xung quanh nhà bệnh nhân, sát trùng tẩy uế tại gia đình, hướng dẫn mai táng bệnh nhân tử vong theo quy định đối với bệnh truyền nhiễm gây dịch nhóm B. Tại xóm Hợp Nhất, xã Bảo Hiệu (Yên Thủy) cũng triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại trước và sau phơi nhiễm cho người và động vật theo quy định.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm 2024, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 3 ca tử vong do bệnh dại ở huyện Lạc Sơn và Yên Thủy. Các trường hợp đều có thời gian từ lúc bị chó nghi dại cắn đến lúc lên cơn dại tử vong từ 2 - 3 tháng, không tiêm vắc xin phòng bệnh dại, không đến cơ sở y tế để khám, tư vấn điều trị dự phòng dại, thậm chí có người còn tìm đến thầy lang để đắp thuốc. Các con chó cắn bệnh nhân cũng không được tiêm phòng dại. Điều này phản ánh rõ sự chủ quan trong việc quản lý vật nuôi và thái độ thờ ơ với các biện pháp y tế dự phòng. Y học hiện đại đã khẳng định, một khi lên cơn dại, 100% bệnh nhân sẽ tử vong, không có thuốc đặc trị. Cách duy nhất để sống sót là tiêm phòng càng sớm càng tốt ngay sau khi bị chó, mèo cắn hoặc liếm vào vết thương hở…
Đồng chí Vũ Quốc Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh cho biết: Thời gian tới, trung tâm tiếp tục triển khai các giải pháp khống chế bệnh dại. Trong đó, tiếp tục tham mưu Sở Y tế về công tác phòng, chống bệnh dại trên người. Chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn TTYT các huyện, thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại. Củng cố hệ thống tiêm phòng dại tại cơ sở đảm bảo hoạt động thường xuyên, liên tục; đảm bảo đủ vắc xin, huyết thanh phòng dại sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho người dân. Chủ động giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn để hướng dẫn tiêm phòng. Đặc biệt, tăng cường công tác giám sát thường xuyên tại các xã có trường hợp tử vong, xã có nguy cơ. Người trong gia đình, cán bộ y tế có vết thương hở hoặc niêm mạc bị phơi nhiễm với nước bọt của bệnh nhân cần được điều trị dự phòng.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, thái độ và thay đổi hành vi trong phòng, chống bệnh dại. Kịp thời chia sẻ thông tin để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Tăng cường công tác truyền thông trong trường học cho trẻ em, học sinh; truyền thông đại chúng, trực tiếp, qua hệ thống tuyên truyền cơ sở tại vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và lưu ý việc không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận. Vận động người dân tiêm phòng dại đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Tiếp tục tăng cường phối hợp Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các đơn vị liên quan và các địa phương để theo dõi, giám sát, xử lý ổ dịch dại trên người và động vật.
Linh Trang
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, ngành Y tế tỉnh Hòa Bình tích cực triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch sởi.
Khoảng ngày 15/2, anh V. V. N (sinh năm 1997, thường trú tại thôn Đồng Làng, xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy) làm bảo vệ Công ty CP Đại Nam tại xóm Hợp Nhất, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy bị 1 con chó lạ cắn vào tay trái, vết thương nhỏ, nông, chảy máu ít. Sau khi cắn, con chó khoảng 6kg đi lên đồi, không theo dõi được. Anh N không xử trí vết thương, không đến cơ sở y tế và không đi tiêm phòng dại.
Trước việc ghi nhận các ca mắc bệnh sởi ở trẻ chưa đến độ tuổi tiêm chủng vắc xin trên địa bàn cả nước tăng cao, 5 trường hợp đã tử vong và tại tỉnh Hòa Bình từ đầu năm đến nay ghi nhận 12 trường hợp mắc bệnh sởi, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, ngành Y tế tỉnh tích cực triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch sởi.
Với hình thức tuyên truyền, vận động linh hoạt, đa dạng, việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, BHYT hộ gia đình trên địa bàn xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc) thu được kết quả cao. Năm 2024, số người tham gia BHYT tự nguyện đạt tỷ lệ bao phủ 93% trên tổng số dân toàn xã.
Bệnh sởi đang diễn biến phức tạp, đặc biệt, tại nhiều địa phương đã xuất hiện các ổ dịch trong trường học. Việc phòng, chống dịch bệnh này trong trường học đang được quan tâm, đẩy mạnh.