Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua quyết định cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng, cũng như các chất gây nghiện, có hại cho sức khỏe từ năm 2025. Đây là một quyết định quan trọng được xã hội hoan nghênh và ủng hộ mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân.


Hình ảnh tuyên truyền về việc cấm sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc lá điện tử. 

Chia sẻ với chúng tôi, chị Bùi Thị Hoa, phường Tân Thịnh (TP Hoà Bình) thể hiện sự đồng tình khi biết Quốc hội cấm thuốc lá thế hệ mới. Chị Hoa chia sẻ: Tôi có con trai đang là sinh viên học xa nhà. Mặc dù gia đình thường xuyên nhắc nhở con tránh xa TLĐT, nhưng tôi vẫn lo khi con kể môi trường đại học vẫn có sinh viên sử dụng loại này. Việc cấm sẽ hạn chế tình trạng buôn bán thuốc lá thế hệ mới công khai, tự do như hiện nay. Các phụ huynh như tôi sẽ bớt đi mối lo con có thể mắc nghiện TLĐT. Mong cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm soát để quy định được thực hiện một cách triệt để hơn.

Thuốc lá thế hệ mới, bao gồm TLĐT, thuốc lá nung nóng về bản chất vẫn là đưa nicotine - chất gây nghiện vào cơ thể. Việc cấm tuyệt đối thuốc lá thế hệ mới là vô cùng cần thiết; không thể phát triển kinh tế thông qua thương mại thuốc lá mà sẵn sàng đánh đổi sức khỏe của thế hệ trẻ.

Theo các chuyên gia, thanh thiếu niên sử dụng nicotine gây hại lớn đến sự phát triển não bộ, vì ở lứa tuổi này não vẫn đang trong giai đoạn phát triển cho tới tuổi 25. Nicotine đã được chứng minh làm suy yếu sự trưởng thành não bộ của thanh thiếu niên với những hậu quả nghiêm trọng. Đó là nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập, rối loạn tâm thần... Những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh khiến người dùng ở nhóm tuổi này dễ bị nghiện nicotine hơn, vì thế ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ đến sớm và trầm trọng hơn trong tương lai.

Tác hại của TLĐT, thuốc lá lung nóng đã thấy rất rõ. Việc Quốc hội quyết định cấm sản xuất, lưu thông, buôn bán, sử dụng thuốc lá thế hệ mới trên toàn quốc là đúng đắn. Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội khóa XV, tại Mục 2.2 về lĩnh vực y tế nêu: "Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng TLĐT, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội; giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người”.

Như vậy, từ năm 2025, TLĐT sẽ được coi là mặt hàng cấm tại Việt Nam. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt theo các quy định hiện hành. Hiện nay, về xử phạt hành chính người sử dụng chất cấm được quy định tại khoản 1, Điều 23, Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Theo căn cứ này, người sử dụng TLĐT có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng. Các hành vi sản xuất, buôn bán, sử dụng TLĐT có thể bị xử lý theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trường hợp đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân, tổ chức sản xuất, buôn bán TLĐT có thể bị xử lý hình sự theo Điều 190, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi sản xuất, buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.

Trường hợp phạm tội có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; có tính chất chuyên nghiệp; hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng… thì bị phạt tiền từ 1 - 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 5 - 10 năm. Phạm tội thuộc trường hợp "hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên" thì bị phạt tù từ 8 - 15 năm...

Tuy vậy, hiện nay việc cấm TLĐT vẫn chưua triệt để. Trong thời gian tới, người dân mong các ngành chức năng thực hiện các biện pháp kiểm soát thị trường, đẩy mạnh thực thi và tăng cường các quy định về chống buôn lậu, quảng cáo và bán các sản phẩm này để ngăn chặn sự gia tăng sử dụng trong thanh thiếu niên. Việc cấm sử dụng TLĐT cũng là cơ sở để xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, ngăn ngừa và phát hiện kịp thời việc sử dụng ma túy, đặc biệt là trong giới trẻ.

Hương Lan

Các tin khác


Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh dược

Trong thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng có phản ánh về hiện tượng mua bán thuốc bao gồm cả thuốc kê đơn, thuốc phải kiểm soát đặc biệt trên các trang mạng xã hội, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi các đơn vị, tổ chức bán hàng theo phương thức thương mại điện tử như Meta Platforms Inc, Công ty TNHH Shopee… đề nghị có biện pháp kiểm soát và ngăn chặn các hành vi này.

Bệnh lý tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam

Bệnh lý tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Việc xác định rõ nguyên nhân bệnh lý tim mạch sẽ giúp các bác sĩ đưa ra giải pháp điều trị nhanh chóng và hiệu quả, tăng cơ hội cứu sống bệnh nhân.

80% bệnh nhân đột quỵ ở Việt Nam đến bệnh viện đều đã quá "giờ vàng"

80% bệnh nhân đột quỵ tại Việt Nam được đưa đến bệnh viện đều đã quá "giờ vàng” (khoảng 4,5 giờ sau khi phát hiện triệu chứng), nguyên nhân là do nhận thức của cộng đồng về đột quỵ chưa cao và người bệnh chưa được đưa đến đúng địa chỉ khi bị đột quỵ”.

Đa dạng các hình thức truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá

Những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã nhận được hỗ trợ kinh phí từ Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL), Bộ Y tế để triển khai các hoạt động trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc và các quy định của Luật PCTHCTL, văn bản hướng dẫn được nâng cao. Tỷ lệ người dân biết đến Luật PCTHCTL trong cộng đồng tăng từ 54,2% năm 2018 lên 85,1% năm 2022. Các hoạt động còn góp phần giúp cán bộ làm công tác PCTHCTL hiểu rõ hơn các tiêu chí xây dựng môi trường không khói thuốc.

Trang bị kỹ năng tư vấn cai nghiện thuốc lá tại cộng đồng cho cán bộ y tế thôn và cộng tác viên y tế 

Ngày 18/4, Trường Trung cấp Y tế Hòa Bình phối hợp Trung tâm Y tế thành phố Hoà Bình tổ chức lớp tập huấn tư vấn cai nghiện thuốc lá tại cộng đồng cho 25 học viên là nhân viên y tế thôn và cộng tác viên y tế trên địa bàn thành phố. Các học viên được giảng viên Trường Trung cấp Y tế Hòa Bình chia sẻ các nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; các hình thức sử dụng thuốc lá; tác hại của hút thuốc và hút thuốc lá thụ động; tác hại của thuốc lá điện tử; đại cương về nghiện và cai nghiện thuốc lá; tư vấn đại cương; tư vấn ngắn; tư vấn ngừa tái nghiện thuốc lá. Đồng thời giải đáp các khó khăn trong quá trình tư vấn cai nghiện thuốc lá tại cộng đồng.

Khẩn trương đưa cơ sở 2 của bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức vào hoạt động

Chiều 17/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dẫn đầu Đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế hiện trạng cũng như tiến độ xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức tại Hà Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục