Dù Bộ Y tế cho rằng tăng viện phí sẽ tỉ lệ thuận với tăng chất lượng khám chữa bệnh nhưng các vấn đề liên quan như chất lượng khám chữa bệnh, các dịch vụ y tế, hỗ trợ cho nhóm bệnh nhân nghèo bị bệnh mãn tính... chưa rõ ràng khiến dư luận xã hội chưa thể an tâm

Thông tin dự kiến tăng viện phí đã khiến không ít bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện (BV) lo lắng, bởi với họ, thêm chi phí là thêm gánh nặng, nhất là với người nghèo, mắc bệnh nặng, điều trị dài ngày.

 
Đã lặng lẽ tăng
 
Bệnh nhân Nguyễn Vân Tr., 48 tuổi, điều trị ung thư vòm họng tại BV K,  chia sẻ: “Người làm công ăn lương như tôi chẳng may bệnh tật vào BV cũng đã rất chật vật; huống gì những người lao động nghèo, mỗi đợt hóa xạ trị mất từ vài chục đến cả trăm triệu đồng, không biết họ xoay xở thế nào?”.
 
Không ngạc nhiên trước thông tin điều chỉnh viện phí lần này, bà Phan Thị Hằng ở Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, nói: “Việc điều chỉnh viện phí lần này cũng là hợp thức hóa việc các BV tăng viện phí lâu nay thôi. Mấy năm qua, khi tôi khám bệnh ở các BV công, họ cũng đã “xé rào” thu 30.000 - 40.000 đồng/lần khám rồi, chẳng còn chỗ nào thu tiền khám 3.000 - 5.000 đồng nữa. Ngay cả giá dịch vụ ngày giường từ 100.000- 350.000 đồng/ngày/giường bấy lâu nay nhiều BV đã thu rồi!”.
 
 
Tăng viện phí vẫn không giảm đi tình trạng quá tải, người bệnh phải nằm ghép 2-3 người/giường. Ảnh chụp tại Bệnh viện Nhi Trung ương - Hà Nội


Tại Khoa Thận nhân tạo BV Bạch Mai, bà Trần Thị Kh., 52 tuổi, quê ở Hà Nam, một trong những bệnh nhân đã điều trị gần 10 năm tại đây, than thở: “Tôi bị suy thận mãn, mỗi tháng phải lên Hà Nội 12 lần để chạy thận. Ngoài mức đồng chi trả là 5%, còn rất nhiều khoản khác như ăn uống, nhà trọ, phí sinh hoạt, nay giá viện phí điều chỉnh tăng thêm, những người làm nông như tôi sẽ ra sao?”.
 
Cần cơ chế minh bạch về tài chính
 
Theo TS Trần Ngọc Sơn, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Nhi Trung ương, giá thu tiền khám cũng như tiền ngày giường theo quy định cũ chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ chi phí thực mà BV phải chi trả. TS Nguyễn Cao Luận, Trưởng Khoa Thận nhân tạo (BV Bạch Mai), cho rằng việc điều chỉnh viện phí lần này là phù hợp nhưng  để công bằng hơn với bệnh nhân nghèo bị các bệnh mãn tính, cần có chính sách hỗ trợ đối tượng này. Các BV nên thành lập quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo, nguồn quỹ này sẽ được trích ra từ chính nguồn thu từ viện phí để hỗ trợ.
 
Không thể người bệnh vì vượt quá khả năng chi trả mà trốn viện bỏ về không điều trị, trong lúc BV lại không biết lấy tiền ở đâu để bù cho đối tượng này. “Theo tôi, chỉ nên áp dụng thu một phần viện phí đối với chi phí thuốc men, còn phần chi phí vật liệu tiêu hao cho chạy thận thì nên miễn giảm phần đồng chi trả cho người bệnh”- ông Luận đề xuất.
 
Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội VN, cho rằng việc điều chỉnh khung giá viện phí hiện nay là cần thiết vì bảng giá ban hành 15 năm trước đã quá lạc hậu so với thực tế. Tuy nhiên, cần có một cơ chế minh bạch về tài chính. Với những dịch vụ đã thu đủ sẽ không được ngân sách Nhà nước tiếp tục hỗ trợ. Đồng thời, Bộ Y tế cũng phải giải trình rõ về cơ cấu giá thành sẽ được điều chỉnh với cơ quan nắm giữ tài chính. 
 
Mỗi khi có thông tin về tăng viện phí, điều mà nhiều người băn khoăn là tăng viện phí liệu có tăng được chất lượng phục vụ. Tuy nhiên, một số lãnh đạo BV cho rằng việc điều chỉnh viện phí lần này sẽ từng bước góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh chứ chưa thể giải quyết ngay được tình trạng quá tải ở các BV, nhất là các BV tuyến cuối.

Tất cả đổ vào viện phí

Việc điều chỉnh viện phí đã được nhiều lần đề xuất. Ở lần đề xuất gần đây nhất, Bộ Y tế cho rằng từ nay đến năm 2010, viện phí phải được tính và thu đủ các yếu tố trực tiếp phục vụ người bệnh như chi phí về thuốc, máu, vật tư mà người bệnh sử dụng trực tiếp trong những ngày điều trị.
 
Những chi phí về hóa chất, vật tư tiêu hao, điện nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, thiết bị... cũng đều được tính vào viện phí. Viện phí cũng được tính và thu theo các chi phí về lương, tiền công, phụ cấp và các khoản đóng góp theo chế độ. Tuy nhiên, đề án này chưa nhận được sự đồng thuận của người dân.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Dũng:

Lập quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo

Hiện còn nhiều người dân chưa hiểu hết ý nghĩa của việc đóng BHYT. Có người thắc mắc “tôi đóng BHYT mấy chục năm nay mà chẳng được viên thuốc nào”. Đấy là điều may mắn, nhưng nhiều người không hiểu, cứ nghĩ rằng đóng bao nhiêu phải nhận lại đủ từng ấy. Đối với người đã đóng BHYT nhưng vẫn không có tiền đồng chi trả thì phải có những quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo mắc bệnh mãn tính, có chi phí điều trị lớn.  Bởi thực tế là BV có thể miễn phí tiền điều trị, tiền phẫu thuật nhưng không thể miễn được tiền sử dụng các kỹ thuật cao, có những kỹ thuật tốn kém từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Do đó, giải pháp cần thiết là phải tạo nguồn quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo.

 

TS Lý Ngọc Kính, nguyên cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

Phải làm hài lòng người bệnh

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tức là đầu tư toàn diện về chất lượng kỹ thuật (máy móc, thiết bị) và chất lượng chức năng (cơ sở hạ tầng,  dịch vụ, thủ tục hành chính). Hiện các BV công ở ta mới đi vào chất lượng kỹ thuật song chưa quan tâm chất lượng về chức năng.  Chạy theo các kỹ thuật tiên tiến là quan trọng nhưng chưa đủ. Các BV cần đầu tư thỏa đáng cho chất lượng chức năng. Có thể bây giờ chỉ là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nhưng sau đó còn phải đáp ứng được sự hài lòng của người bệnh. Dù là người bệnh có hoàn cảnh khá giả hay người bệnh nghèo khó, đều vẫn phải đáp ứng yêu cầu chữa được bệnh và người bệnh hài lòng với kết quả đó ở mức chi trả vừa phải.

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh sẽ mất thời gian dài và chưa thể song hành với  việc điều chỉnh viện phí, nhất là khi tình trạng quá tải  BV vẫn còn phổ biến và thái độ của nhân viên y tế đối với người bệnh chưa được cải thiện nhiều.

 

PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức, Hà Nội:

Người có điều kiện nên thu đúng, thu đủ

Khám cho bệnh nhân với giá 3.000- 5.000 đồng/lần khám chỉ đáp ứng 5%-10% giá trị thực thu, nhưng BV vẫn phải đầu tư phương tiện, thiết bị và tăng giờ làm việc để điều trị cho người bệnh. Không phải đợi đến lúc điều chỉnh viện phí, BV mới nâng cao chất lượng khám chữa bệnh mà từ 5 năm trước chúng tôi đã kê thêm giường bệnh nhằm không để người bệnh nằm ghép; tăng cường phòng điều trị có chất lượng tốt để người bệnh có điều kiện chọn lựa. Trong khi mỗi năm ngân sách Nhà nước cấp cho 20 tỉ đồng thì mức chi của BV là 500 tỉ đồng. Để bù đắp cho sự chênh lệch này là không đơn giản, nhất là khi giá thu viện phí lại quá thấp. Hiện nay những người nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách... đã được Nhà nước hỗ trợ, cấp thẻ BHYT, song những người có điều kiện phải chi trả viện phí theo cách tính đúng, tính đủ. Nhưng làm thế nào để viện phí đi cùng chất lượng khám chữa bệnh thì phải đổi mới tư duy, nâng cao thái độ phục vụ.

 

                                                                                         Theo NLĐ

Các tin khác


Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Chưa có bằng chứng cúm A/H9N2 lây từ người sang người

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức chiều 10/4, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã thông tin về tình hình sức khỏe nam bệnh nhân (37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) mắc cúm A/H9N2 đầu tiên ở nước ta; đồng thời khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang lo lắng vì "đến nay chưa có dấu hiệu, trường hợp nào lây nhiễm lây nhiễm từ người sang người".

Tháo gỡ vướng mắc liên quan các quy định về khám, chữa bệnh

Chiều 9/4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh đến hơn 300 điểm cầu tại các bộ, ngành liên quan, các đơn vị trực thuộc Bộ, các Bệnh viện Trung ương, hiệp hội, sở y tế, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, trường đại học chuyên ngành sức khỏe…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục