Hoa quả không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn được bày bán la liệt

Hoa quả không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn được bày bán la liệt

(HBĐT) - Thị trường tỉnh nhà thời gian qua xuất hiện nhiều loại hoa quả nhập ngoại với hình thức bắt mắt, hấp dẫn người tiêu dùng. Điều đặc biệt là những loại hoa quả này dù để hàng tháng vẫn không bị hư thối, vẫn giữ được màu sắc tươi mới. Người tiêu dùng bức xúc trước những mối lo ngại về vấn đề ATVSTP, thế nhưng cho đến nay, vẫn chưa có cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm kiểm soát mặt hàng này.

 

Người tiêu dùng “sợ” hoa quả Trung Quốc

 

Hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc từ lâu đã rất phổ biến trên thị trường trong nước nói chung và tỉnh nhà nói riêng. Hoa quả cũng không phải là ngoại lệ. Theo thống kê sơ bộ, hoa quả Trung Quốc chiếm phần lớn trên thị trường tỉnh ta. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng hiện nay có tâm lý e dè với các loại hoa quả có xuất xứ từ Trung Quốc.

 

Trên thị trường, hoa quả Việt Nam có giá thấp hơn nhiều so với hoa quả cùng loại nhập ngoại từ các nước: Mỹ, Thái Lan... nhưng lại có giá ngang bằng hoặc cao hơn hoa quả có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Mặc dù có lợi thế về giá, thậm chí là cả chủng loại mẫu mã nhưng hoa quả Trung Quốc lại không được người tiêu dùng đón nhận và có thể nói đang thực sự lép vế trên thị trường không chỉ tại tỉnh ta.

 

Bà Đặng Trần Phương (P. Phương Lâm, TP Hòa Bình) cho biết: “Chọn mua hoa quả, tôi tránh nhất là hoa quả có xuất xứ từ Trung Quốc. Thường thì tôi  chọn mua những quả chính vụ, có mẫu mã bình thường, xấu cũng được, vì như thế chắc chắn đến 90% không phải hoa quả Trung Quốc. Điều đó làm tôi thấy yên tâm hơn.” Đây cũng là phương pháp chọn mua hoa quả được hầu hết các bà nội trợ lựa chọn. Tuy nhiên, cũng không ít khách hàng hiện nay vẫn có xu hướng thích hàng ngoại. Giá cả cao cùng với hình thức mẫu mã đẹp của hoa quả nhập ngoại là yếu tố hấp dẫn người tiêu dùng khi chọn mua hoa quả làm quà biếu. Bà Đặng Trần Phương cho biết thêm: “Mua làm quà biếu chọn hàng ngoại thấy có vẻ sang hơn. Tuy nhiên, nhập ngoại vẫn phải loại trừ hàng Trung Quốc. Tôi thường chỉ mua nho Mỹ, dưa Mỹ... Song nếu để ăn, hoa quả Việt vẫn là lựa chọn số 1.”

 

Không khó để lý giải cho tâm lý này của người tiêu dùng. Bởi hoa quả Trung Quốc vốn vẫn bị cho là sử dụng nhiều chất bảo quản, chứa nhiều hóa chất độc hại được sử dụng trong quá trình trồng trọt để kích thích tăng trưởng, tăng năng suất... Tâm lý này còn nặng nề đến mức, nhiều người bán hàng sẵn sàng thay đổi xuất xứ hàng hóa với hi vọng có thể bán được hàng. Bà Nguyễn Thị T. (P. Tân Thịnh, TP Hòa Bình) làm nghề bán hoa quả đã lâu, khẳng định: Hoa quả của tôi 100% là hàng Hải Dương, Sài Gòn... không hề có hàng Trung Quốc. Thế nhưng hàng ngày người ta vẫn dễ dàng bắt gặp hình ảnh bà T xếp hàng ra bán từ các thùng cotton chi chít chữ... Trung Quốc.  

 

Tuy nhiên cho đến nay chưa có bất kỳ công bố chính thức nào cho thấy hoa quả Trung Quốc có sử dụng các chất bảo quản cũng như có chứa các hoá chất độc hại. Do đó, người tiêu dùng không nên có tâm lý tẩy chay hoa quả Trung Quốc như hiện nay. Song cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn các sản phẩm hàng hoá có chất lượng nhằm bảo vệ sức khoẻ cho gia đình và bản thân.

 

Còn bất cập trong quản lý

 

Chợ Phương Lâm mỗi ngày tiếp nhận một khối lượng không nhỏ các loại hoa quả trong đó có tới 80% là hoa quả nhập ngoại như: măng cụt, dưa, nho, lê, táo, cam... Tuy nhiên, hầu hết các loại hoa quả này không được kiểm tra vì cho rằng đã có hóa đơn, giấy tờ nhập khẩu...

 

Lâu nay, dư luận nhiều lần xôn xao về chất lượng hoa quả nhập ngoại đặc biệt là hoa quả có nguồn gốc từ Trung Quốc. Người dân lo lắng về việc hoa quả ngoại đem về chợ đã mất một khoảng thời gian khá dài. Từ khâu vận chuyển, lưu kho... nhiều khi đến cả tháng trời thế nhưng trông vẫn tươi ngon. Chị Nguyễn Khánh Phương (P. Tân Thịnh- TP Hòa Bình) cho biết: Có lần, tôi mua mấy quả táo Tàu về thắp hương. Sơ suất để rơi một quả trên bàn thờ mà không biết, nửa tháng sau, nhìn thấy quả táo vẫn tươi nguyên mà gia đình tôi phát hoảng. Từ đó, cũng chẳng dám mua táo về ăn nữa.

 

Không bị kiểm tra ngay từ đầu mối, đến khi ra thị trường, hoa quả dường như càng nằm ngoài tầm ngắm của các cơ quan chức năng. Chi cục BVTV cũng chỉ cấp giấy chứng nhận đã qua kiểm tra dư lượng thuốc BVTV, còn chất bảo quản thì không ai kiểm tra. Tổ chức được đặt nhiều hi vọng là Chi cục ATVSTP cũng không có quy định gì kiểm soát độ an toàn của các loại hoa quả nhập khẩu. Ông Bùi Quang Huấn, Chi cục trưởng chi cục ATVSTP cho biết: Hiện nay, Chi cục vẫn hoạt động tuân theo quy định về phân cấp quản lý. Mặt hàng hoa quả được liệt vào thức ăn đường phố nên trách nhiệm quản lý thuộc về các xã, phường. Tuy nhiên, cho đến nay, không có đơn vị nào có phản ánh hoặc báo cáo định kỳ về mối nguy từ các loại hoa quả trên địa bàn mình quản lý cho cơ quan chức năng.

 

Có thể thấy còn rất nhiều vấn đề liên quan đến sự an toàn của hoa quả nhập khẩu vẫn đang bị bỏ ngỏ. Thế nhưng cứ mỗi khi nói đến trách nhiệm: Tại sao lại có kẽ hở này? Nhiều người lại nghe đến những điệp khúc dường như đã quá quen thuộc: Chưa đủ trình độ kỹ thuật, thiếu máy móc, thiếu quy định về quản lý hoa quả nhập khẩu... từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

 

Bài toán về kiểm soát thị trường hoa quả liệu khi nào mới có lời đáp?

                                                                                           

 

                                                                                      Hải Yến

 

Các tin khác


Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Chưa có bằng chứng cúm A/H9N2 lây từ người sang người

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức chiều 10/4, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã thông tin về tình hình sức khỏe nam bệnh nhân (37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) mắc cúm A/H9N2 đầu tiên ở nước ta; đồng thời khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang lo lắng vì "đến nay chưa có dấu hiệu, trường hợp nào lây nhiễm lây nhiễm từ người sang người".

Tháo gỡ vướng mắc liên quan các quy định về khám, chữa bệnh

Chiều 9/4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh đến hơn 300 điểm cầu tại các bộ, ngành liên quan, các đơn vị trực thuộc Bộ, các Bệnh viện Trung ương, hiệp hội, sở y tế, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, trường đại học chuyên ngành sức khỏe…

Bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng tại Hà Nội

Ngày 8/4, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 29/3 đến ngày 5/4), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 124 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 47 trường hợp so với tuần trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục