Người dân cần được phục vụ tốt hơn khi giá viện phí tăng.
Ảnh chụp tại nơi mượn đồ vải sạch của Bệnh viện đa khoa tỉnh.

Người dân cần được phục vụ tốt hơn khi giá viện phí tăng. Ảnh chụp tại nơi mượn đồ vải sạch của Bệnh viện đa khoa tỉnh.

(HBĐT) - Kể từ ngày 15/4, Thông tư số 04 của liên Bộ Y tế - Tài chính về mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) trong các cơ sở KCB của Nhà nước có hiệu lực thi hành. Thực hiện thông tư này, UBND tỉnh đã giao Sở Y tế chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, BHXH tỉnh xây dựng mức thu dịch vụ y tế phù hợp với địa phương trình UBND tỉnh trước khi trình HĐND tỉnh thông qua trong kỳ họp vào đầu tháng 7/2012.

 

Ông Trần Quang Khánh, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Sở đã có Quyết định thành lập tổ xây dựng giá một số dịch KCB trong các cơ sở KCB công lập trên địa bàn tỉnh. Sau hơn 2 tháng phối hợp làm việc nghiêm túc, ngày 30/5, Sở đã tổ chức cuộc họp 3 ngành thống nhất giá dịch vụ dự thảo trong KCB để trình UBND tỉnh. Việc xây dựng giá được thực hiện theo đúng quy trình, hướng dẫn của liên Bộ trên cơ sở chi phí thực tế cấu thành dịch vụ. Theo đó, đề xuất điều chỉnh giá của 924/4.000 dịch vụ. Tính trung bình, giá dự thảo trình phê duyệt chiếm 85% so với khung giá tối đa mà liên Bộ Y tế, Tài chính đưa ra. Việc điều giá dịch vụ y tế là cần thiết, giúp giảm bớt khó khăn cho các bệnh viện, bởi khung giá cũ được ban hành từ năm 1995 đến nay chưa được điều chỉnh. Một số dịch vụ ban hành năm 2006 nhưng hiện mức thu cũng đã quá lạc hậu so với giá các loại vật tư tiêu hao. Từ năm 2002, các bệnh viện đã thực hiện tự chủ về tài chính. Từ năm 2011, mỗi năm, một giường bệnh ở Bệnh viện đa khoa tỉnh được cấp 40 triệu đồng, Bệnh viện huyện, thành phố là 36 triệu đồng. Số tiền này không đủ trả lương theo chế độ quy định của Nhà nước cho cán bộ, nhân viên mà phải bù một phần từ nguồn viện phí. Trong khi đó, mức thu nhiều loại dịch vụ quá thấp, bệnh viện không còn nguồn dành việc duy tu, bảo dưỡng thiết bị, cải thiện tình trạng vệ sinh, mua các loại vật tư tiêu hao có chất lượng… Mặt khác, toàn tỉnh hiện đã có trên 680.000 người tham gia BHYT, đạt 84% dân số và phấn đấu thực hiện BHYT toàn dân vào năm 2014. Những đối tượng bị tác động nhiều nhất là người nghèo, người DTTS sống ở vùng đặc biệt khó khăn đã được miễn phí đóng BHYT; người cận nghèo được hỗ trợ một phần đáng kể phí đóng. Trong số các dịch vụ tăng giá, phần nhiều là những dịch vụ không phổ biến, không được áp dụng nhiều nên cũng sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến bệnh nhân nói chung. Nâng mức giá viện phí, người dân sẽ có cơ hội được hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn.  

 

Ông Phạm Kỳ Sơn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa TPHB cho biết: Nhiều giá dịch vụ mà đơn vị đề nghị phê duyệt thấp hơn tổng chi phí thực tế. Đơn cử như thực hiện dịch vụ cắt u tiểu khung thuộc tử cung cần 45 khoản chi phí về hóa chất, vật tư tiêu hao, trị giá 4.782.936 đồng; chi phí điện, nước, xử lý chất thải 135.313 đồng; chi phí duy tu bảo dưỡng trang thiết bị trực tiếp, mua công cụ, dụng cụ thay thế 99.213 đồng. Tổng chi phí là 5.017,47 đồng nhưng chỉ đề nghị phê duyệt 5.000.000 đồng…. Năm 2011, bệnh viện thu được hơn 8 tỉ đồng từ nguồn BHYT nhưng chí phí tiền thuốc và vật tư tiêu hao đã trên 7 tỉ đồng. Việc điều chỉnh giá dịch vụ là cần thiết, bệnh viện sẽ có thêm nguồn để bảo dưỡng, bảo trì máy móc, trang thiết bị y tế; mua sắm được dụng cụ khám bệnh cơ bản; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của bác sĩ, điều dưỡng. Qua đó, sẽ nâng cao hơn chất lượng dịch vụ. 

 

Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Trương Quý Dương cho rằng: Hiện nay, Bệnh viện được đầu tư nâng cấp CSVC, máy móc khá đồng bộ nhưng thiếu kinh phí để duy tu bảo dưỡng. Giá viện phí tăng nhưng thực tế vẫn chưa tính đúng, tính đủ chi phí nên bệnh viện chỉ bớt khó khăn hơn chứ không có nguồn để tăng phụ cấp cho y, bác sĩ. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, nâng giá viện phí thì bệnh viện cũng sẽ phải nâng cao hơn chất lượng dịch vụ như  việc bố trí được chỗ ngồi, chỗ khám, giường nằm, điện, nước…

 

Về vấn đề tăng giá viện phí, theo cơ quan BHXH là hợp lý nhưng cần cân nhắc sao cho phù hợp với địa phương. Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bùi Văn Tuyến cho rằng: Giá dịch vụ y tế dự thảo chiếm 85% so với khung giá tối đa mà liên Bộ Y tế, Tài chính đưa ra là cao so với tỉnh. BHXH tỉnh đã có báo cáo đánh giá tác động dự kiến giá viện phí mới với quỹ BHYT tại tỉnh. Theo đó, tiền công khám tăng 363%, tiền giường tăng 848%, tiền xét nghiệm tăng 135%; tiền chẩn đoán hình ảnh tăng 82%; tiền phẫu thuật, thủ thuật tăng 120%. Chi phí ngay trong năm 2012 sẽ tăng khoảng 69 tỉ đồng so với năm 2011. Tính chi phí thuốc tăng 10% thì số tiền thêm khoảng 19 tỉ đồng. Tổng số tiền viện phí và tiền thuốc tăng khoảng 88 tỉ đồng. Riêng chi phí tại Bệnh viện đa khoa tỉnh tăng 46 tỉ đồng, chiếm 52%. Năm 2011, Quỹ BHYT tỉnh còn dư trên 30 tỉ đồng, nhưng với mức tăng như đã tính toán thì nhiều nguy cơ từ năm 2013 sẽ bị âm quỹ. Những người chưa có thẻ BHYT sẽ gặp khó khăn lớn khi đi viện.

 

Qua tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết người dân đều muốn chia sẻ với khó khăn của bệnh viện nhưng cuộc sống của đại bộ phận nhân dân chưa cao, nhất là đối tượng cận nghèo và lao động tự do. Giá viện phí tăng nhiều người cũng lo lắng. Chị Nguyễn Thị Nông ở tổ 12, phường Thịnh Lang (TPHB) cho biết: Chị bị thoái hóa cột sống, thường xuyên đau vai gáy. Mỗi năm cũng phải đi bệnh viện đều trị ít nhất 3 lần. Mặc dù đã mua BHYT tự nguyện nhưng mỗi lần đi điều trị cũng phải chi trả khoảng 300.000 đồng. Không có nghề nghiệp, thu nhập thấp lại phải nuôi con đang học ĐH nên thông tin tăng giá viện phí thực sự làm chị lo.

 

Việc tăng giá viện phí là cần thiết và được thực hiện theo lộ trình chung của cả nước nhưng mức tăng cần tính toán đảm bảo phù hợp với điều kiện của nhân dân trong tỉnh. Đặc biệt là cần gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ.

 

                                                                        

                                                                      Cẩm Lệ

 

 

Các tin khác

Các y, bác sỹ Bệnh viện MEDLATEC khám bệnh cho các đối tượng có công với cách mạng huyện Cao Phong.
Lực lượng dân quân xóm Tam 1 diễn tập khắc phục sạt lở ở Hồ Tam.
Không có hình ảnh
BCH Hội Chăn nuôi Thú y tỉnh nhiệm kỳ I (2012 – 2016) ra mắt đại hội.

Tập huấn chẩn đoán xét nghiệm bệnh động vật

(HBĐT) - Ngày 27/6, Chi cục Thú y phối hợp với Trung tâm chuẩn đoán thú y Trung ương tổ chức lớp tập huấn chẩn đoán xét nghiệm bệnh động vật cho 50 học viên là cán bộ làm công tác thú y của tỉnh.

Tập huấn Kỹ thuật thống kê nguyên nhân tử vong theo phân loại bệnh tật quốc tế

(HBĐT) - Ngày 27/6, Dự án Phân loại bệnh tật quốc tế (viết tắt là ICD-10) đã tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật thống kê nguyên nhân tử vong theo ICD-10. Tham dự lớp tập huấn có 15 học viên là các y, bác sĩ của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh và 11 Trung tâm y tế dự phòng huyện, thành phố.

Trung tâm Giám định y khoa: Giải quyết kịp thời cho người được hưởng chế độ

(HBĐT) - Tiền thân là một bộ phận của Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh Hà Sơn Bình với tên gọi là phân hội đồng khu vực Hoà Bình. Năm 1991, sau khi tách tỉnh được đổi thành Phòng Giám định y khoa thuộc Sở Y tế. Từ tháng 10/2006 đến nay được nâng cấp lên thành Trung tâm Giám định y khoa.

Khống chế thành công dịch lợn tai xanh

(HBĐT) - Trong 2 ngày 25 – 26/6, Chi cục Thú y đã tổ chức đoàn kiểm tra tình hình dịch lợn tai xanh tại Trại lợn giống ngoại thuộc Trung tâm Giống vật nuôi & Thủy sản ở xã Dân Chủ (TPHB) và 4 xã Cư Yên, Liên Sơn, Nhuận Trạch, Hòa Sơn (Lương Sơn). Đây là 2 địa phương UBND tỉnh đã có quyết định công bố dịch lợn tai xanh từ ngày 18/5 và ngày 21/5.

230 cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh tham gia hiến máu tình nguyện

(HBĐT) - Ngày 27/6, Công an tỉnh phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Bệnh viện 198 (Bộ Công an) đã tổ chức đợt hiến máu tình nguyện với chủ đề “Ngày hội – Giọt máu nghĩa tình vì đồng đội thân yêu”.

109 cơ sở dịch vụ ăn uống ở TP Hòa Bình vi phạm các quy định về vệ sinh ATTP

(HBĐT) - Trên địa bàn TPHB hiện có 278 cơ sở dịch vụ ăn uống. 6 tháng đầu năm nay, Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đã tiến hành kiểm tra 175 cơ sở.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục