Sử dụng găng tay khi xử lý sản phẩm sống từ lợn giúp phòng bệnh liên cầu lợn lây sang người.
(HBĐT) - Bệnh liên cầu lợn ở người đang tăng ca ở các tỉnh phía Bắc, nghiêm trọng hơn là đã có ca bệnh tử vong. Để chủ động phòng - chống bệnh, ngành y tế tỉnh đang triển khai các hoạt động phổ biến hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh và tăng cường tuyên truyền, giám sát, phát hiện. Báo Hòa Bình đã phỏng vấn đồng chí Lê Xuân Hoàng – Phó Giám đốc Sở Y tế về những nội dung liên quan đến bệnh này.
P.V: Xin đồng chí cung cấp thêm một số thông tin về bệnh liên cầu lợn ở người?
Đồng chí Lê Xuân Hoàng: Bệnh liên cầu lợn (Streptococcus suis) ở người còn được gọi là bệnh lợn tai xanh trên người. Các nguyên nhân lây bệnh như ăn thịt lợn bệnh chưa qua nấu chín, ăn tiết canh hoặc tiếp xúc với máu, dịch tiết của lợn qua các vết thương ở da, đường hô hấp… Hàng năm, tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đều tiếp nhận các ca bệnh với mức độ rải rác. Tuy nhiên, trong vài tháng gần đây, số ca bệnh diễn biến tăng nhẹ (5 – 6 ca/tháng). Biểu hiện rõ nhất của bệnh là người bệnh sốt cao, xuất hiện các mảng xuất huyết dưới da, tiêu chảy…
Vào tháng 8/2011, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã gửi thông báo về Trung tâm YTDP tỉnh về 1 ca liên cầu lợn vượt tuyến. Bệnh nhân có nguyên quán ở thành phố Hòa Bình, mắc bệnh tại địa phương khác và được bệnh viện gửi thông báo tiếp nhận, điều trị. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh không xuất hiện ca bệnh. Tháng 5 là thời điểm dịch tai xanh bùng phát tại thành phố Hòa Bình và huyện Lương Sơn nhưng với việc tập trung mọi nguồn lực phòng, chống, đẩy mạnh truyền thông, giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức, ý thức phòng bệnh, dịch lợn tai xanh đã được khống chế, không để lây lan sang người.
P.V: Vậy, ngành y tế đang triển khai những hoạt động phòng, chống bệnh liên cầu lợn như thế nào?
Đồng chí Lê Xuân Hoàng: Để tăng cường phòng, chống bệnh, các đơn vị trong hệ điều trị, hệ dự phòng đang thực hiện các hoạt động cụ thể. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, huyện, thành phố đã phổ biến hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh do liên cầu lợn ở người ban hành kèm theo Quyết định số 3065/QĐ – BYT ngày 16/8/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế cho cán bộ điều trị tuyến dưới; tăng cường khám sàng lọc, phát hiện sớm, điều trị kịp thời các trường hợp mắc liên cầu lợn ở người nhằm hạn chế biến chứng, tử vong; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư, hóa chất phục vụ công tác thu dung, điều trị bệnh nhân; làm tốt công tác cách ly, điều trị, chống nhiễm khuẩn và xử lý chất thải, hạn chế lây nhiễm từ người sang người cho nhân viên y tế và cộng đồng; tổ chức các đội điều trị ngoại viện tăng cường cho tuyến dưới khi cần, làm tốt công tác chỉ đạo tuyến về chuyên môn.
Chi cục VSATTP phối hợp với Trung tâm truyền thông GDSK và y tế xã, phường, thị trấn tổ chức các hoạt động truyền thông phòng chống bệnh liên cầu lợn ở người và một số bệnh lây truyền qua thực phẩm khác; chỉ đạo và tổ chức các hoạt động giám sát các nhà hàng, quán ăn và các cơ sở chế biến thực phẩm từ thịt lợn đảm bảo an toàn vệ sinh, phòng chống bệnh; phối hợp với ngành Thú y tổ chức quản lý hoạt động giết mổ lợn an toàn trên địa bàn.
Trung tâm YTDP tỉnh, các huyện, thành phố chủ động giám sát, phát hiện những trường hợp nghi mắc liên cầu lợn trên người tại cộng đồng, điều tra và tổ chức các biện pháp điều trị, phòng - chống bệnh. Phối hợp với Bệnh viện Đa khoa cùng cấp trong điều tra, giám sát và tổ chức các hoạt động phòng chống dịch.
P.V: Để giúp người dân chủ động phòng, tránh mắc bệnh liên cầu lợn, xin đồng chí đưa ra một vài khuyến cáo:
Đồng chí Lê Xuân Hoàng: Bệnh có thể gây tử vong nếu điều trị muộn, do vậy, người dân khi thấy các biểu hiện sốt cao, xuất huyết dưới da… cần đến ngay cơ sở y tế để khám, xác định, điều trị sớm. Thời gian điều trị ca mắc bệnh liên cầu lợn kéo dài vài tuần, thậm chí là 2 – 3 tháng, chi phí tốn kém. Người từng nhiễm liên cầu lợn vẫn có thể tái mắc nếu chủ quan khi tiếp xúc nguồn lây. Để phòng bệnh, không nên giết mổ lợn ốm, chết; sử dụng găng tay khi xử lý sản phẩm sống từ lợn; nói không với lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh, nội tạng lợn chưa nấu chín và không ăn thịt lợn ốm, chết; đảm bảo các phương tiện phòng hộ khi tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc, nuôi hoặc khi giết mổ, tiêu hủy./.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí
Cẩm Lệ (thực hiện)
(HBĐT) - Thực hiện Quyết định số 102 ngày 7/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn, từ đầu năm đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã hỗ trợ hơn 200 tấn muối iốt cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn (với mức hỗ trợ 5 kg muối/khẩu).
(HBĐT) - Chiến dịch CSSKSS/ KHHGĐ đợt I của huyện Kỳ Sơn được triển khai từ ngày 20- 31/8 tại 4 xã Yên Quang, Hợp Thành, Hợp Thịnh và Độc Lập.
(HBĐT) - Vừa qua, Chi cục DS-KHHGĐ tổ chức được 26 lớp tập huấn mất cân bằng giới tính khi sinh cho 1.530 cán bộ Trung tâm DS-KHHGĐ, cán bộ chuyên trách dân số và CTV dân số tại 11 huyện, thành phố.
(HBĐT) - Ngày 24/9, Trung tâm YTDP tỉnh mở lớp tập huấn kiến thức truyền thông Dự án “Rửa tay với xà phòng vì một Việt Nam khỏe mạnh” cho 42 cán bộ giáo viên, gồm Ban giám hiệu nhà trường, giáo viên phụ trách đoàn, đội và giáo viên chủ nhiệm các lớp ở khối tiểu học, THCS 2 xã Cao Sơn, Tu Lý (Đà Bắc).
(HBĐT) - Liên Hòa là xã vùng 135 của huyện Lạc Thủy. Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rừng và làm ruộng nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Dân số toàn xã có 1.639 người với 421 hộ dân, trong đó có 156 hộ gia đình có con dưới 5 tuổi.
(HBĐT) - Ngày 24/9, Ban chăm sóc sức khỏe nhân dân thành phố Hoà Bình phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng, Dự án phòng chống HIV/AIDS khu vực châu Á tại tỉnh tổ chức hội nghị đồng thuận triển khai điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone.