Phần mái cót ép của nhà Trạm y tế xã Toàn Sơn (Đà Bắc) đã xệ xuống từ lâu.

Phần mái cót ép của nhà Trạm y tế xã Toàn Sơn (Đà Bắc) đã xệ xuống từ lâu.

(HBĐT) - Nằm cách tỉnh lộ 433 gần 200 m, sau UBND xã nhưng nếu không được giới thiệu, chúng tôi không thể tin 2 dãy nhà cấp 4 lợp ngói xám xịt, sập xệ, dột nát là Trạm y tế xã Toàn Sơn (Đà Bắc). Chỉ khi đến gần, nhìn thấy mấy tờ truyền thông về tiêm chủng, vệ sinh ATTP, chăm sóc SKSS được dán trên những bức tường loang lổ mới biết đây là một trạm y tế, có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trên 2.000 hộ với 7.000 người dân trong xã.

 

Nhìn cận cảnh Trạm y tế xã Toàn Sơn, phần mái ngói đã chuyển màu rêu xám. Trần lợp bằng cót ép đã xệ xuống, gần chạm đầu người. Một số xà gồ, vì kèo nâng đỡ trần đã gẫy hoặc nứt. Tường nhà nham nhở và cũng đã xuất hiện nhiều vết nứt, tạo thành rãnh. Thấy chúng tôi không dám đến gần, Trạm trưởng Đặng Tiến Dũng giãi bày: Các anh, chị cứ vào mà xem, cán bộ của trạm vẫn làm việc ở đây. Sợ đấy nhưng chẳng lẽ lại chạy ra ngoài sân nền đất để làm việc? Trạm xây dựng năm 1989 từ nguồn vốn chuyển dân sông Đà. Từ đó đến nay hầu như không có chương trình cải tạo, nâng cấp. Người dân cũng vì thế mà sợ không dám đến khám thai, đẻ tại trạm, ít người ở lại điều trị nội trú, chủ yếu điều trị ngoại trú hoặc đến khám, tiêm xong là về ngay, không dám ở lại lâu. Trạm cũng không dám giữ bệnh nhân mà chủ yếu là tư vấn, chuyển tuyến hoặc chỉ sơ cứu thông thường rồi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa huyện. Nhà trạm sập xệ, trang thiết bị thiếu thốn, hỏng. 4 chiếc ghế gỗ dành cho bệnh nhân ngồi chờ cũng đã mối mọt; bộ thiết bị đỡ đẻ, khám phụ khoa, đặt vòng đã hoen rỉ; nồi hấp, sấy dụng cụ cũng không hoạt động. Trạm hiện chỉ có một máy đo huyết áp quấn tay đã được trang bị từ lâu là còn dùng được. Xã Toàn Sơn có 5 xóm: Cha, Trúc Sơn, Phủ, Rãnh, Tân Sơn thì gần như chỉ có nhân dân ở xóm Cha mới có bệnh nhân đến khám tại trạm. Trạm có  5 phòng, trong đó, 2 phòng làm việc của y sĩ, y tá, 1 phòng khám kiêm tư vấn, 1 phòng lưu bệnh nhân và một phòng đẻ. Phòng đẻ không đảm bảo điều kiện vô khuẩn nên nhiều năm nay không có ca nào đến đẻ. Các phòng khác và ngay cả phòng làm việc của cán bộ khi trời mưa cũng bị dột. Chiếc máy tính duy nhất của trạm lúc nào cũng phải che bằng tấm giấy và phủ nilon đề phòng trời mưa. Theo số liệu thống kê năm 2012, xã có 9 phụ nữ mang thai, tất cả đều khám, đẻ, chăm sóc sau đẻ tại cơ sở y tế khác. Trạm đã khám cho 241 người, chỉ có 11 lượt người điều trị nội trú, còn lại 1.206 ngày điều trị ngoại trú. Trạm đã đảm nhận được phần việc như tiêm chủng, tuyên truyền về cách phòng bệnh cho nhân dân, hướng dẫn quy tắc đảm bảo VSATTP... Cốt lõi nhất hiện nay là về cơ sở vật chất và trang thiết bị.

 

Chị Bàn Thị Mai ở xóm Cha tâm sự: Nhà ở sát trạm y tế nhưng tôi mang thai và đẻ 2 đứa con đều tại Bệnh viện Đa khoa huyện. Muốn khám gần nhà cho đỡ vất vả nhưng thấy nhà trạm quá sập xệ nên không dám mạo hiểm, sợ nguy hiểm cho cả con và mẹ nếu chẳng may trần cót ép rơi xuống.

 

“Bộ tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2001-2010, xã còn xa mới đạt được, nào dám mơ tới chuẩn giai đoạn 2011-2020 với 10 tiêu chí. Trong đó có những tiêu chí như: trạm có 10 phòng, có máy siêu âm xách tay đen trắng quả là điều xa xỉ! Liên tục nhiều năm, chúng tôi đã báo cáo hiện trạng và đề nghị cấp y dụng cụ để phục vụ tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của nhân dân và xây dựng cơ sở vật chất theo tiêu chí đạt chuẩn. Tuy nhiên, bao năm nay, trạm vẫn trong tình trạng xuống cấp, dột nát. Để khắc phục tình trạng trên, năm 2013, chúng tôi dự kiến sẽ trích số tiền chi thường xuyên để mua nồi hấp sấy dụng cụ y tế. Những phần việc lớn hơn như xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, mong sớm được các cơ quan chức năng quan tâm” - Trạm trưởng Đặng Tiến Dũng chia sẻ.

 

 

 

                                                                              Cẩm Lệ

Các tin khác


Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục