Một xe đẩy bán thức ăn nhanh trên đường Lê Thánh Tông (TP Hoà Bình).
(HBĐT) - Với ưu thế tiện lợi, đáp ứng nhanh yêu cầu của người tiêu dùng, giá thành rẻ, hiện nay, thói quen sử dụng các loại thức ăn đường phố ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại thức ăn này tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Quản lý chặt chẽ thức ăn đường phố đã, đang là vấn đề cần tiếp tục quan tâm đẩy mạnh.
TP Hoà Bình là địa bàn tập trung nhiều loại hình kinh doanh thức ăn đường phố với hơn 200 cơ sở do các xã, phường quản lý. Dạo quanh thành phố không khó để bắt gặp trên các vỉa hè, đường phố, các hàng quán bán thức ăn, đồ uống khá đa dạng. Thời gian gần đây, trên địa bàn cũng xuất hiện khá nhiều xe đẩy bán thức ăn nhanh với đủ loại đồ ăn sẵn như xôi, bánh mỳ, bánh bao, xúc xích... Đặc điểm chung dễ nhận thấy của loại hình thực phẩm này là địa điểm kinh doanh chật hẹp, bàn ghế tạm bợ, điều kiện vệ sinh kém. Theo Phòng y tế thành phố, hàng năm phòng đều tổ chức tập huấn kiến thức VSATTP, cấp giấy xác nhận đủ điều kiện sức khoẻ cho các đối tượng, riêng trong năm nay đã tổ chức 10 lớp cho trên 600 lượt người. Tuy vậy, ngoài các cơ sở được quản lý thì vẫn còn nhiều trường hợp kinh doanh thức ăn đường phố tự phát, chỉ hoạt động kinh doanh một thời điểm trong ngày như buổi sáng hoặc buổi chiều khó quản lý.
Ngày 5/12/2012, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 30 quy định về điều kiện ATTP đối với cơ sở dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Theo quy định tại Thông tư, người kinh doanh thức ăn đường phố phải đáp ứng các yêu cầu như: phải tập huấn và được cấp giấy xác nhận tập huấn kiến thức thực phẩm, được khám sức khoẻ và cấp giấy xác nhận đủ điều kiện sức khoẻ, người bán hàng khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, đồ uống ăn ngay phải dùng găng tay sử dụng 1 lần. Đối với nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, thực phẩm bao gói, chế biến sẵn phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm ATTP theo quy định; bàn ghế, giá tủ để bày bán thức ăn, đồ uống phải cách mặt đất ít nhất 60 cm. Qua tìm hiểu, đa số chủ quán ăn vỉa hè, hàng rong đều cho rằng: Do điều kiện kinh tế khó khăn nên không có đủ vốn để thuê ki -ốt, cửa hàng, mua sắm trang bị đầy đủ các thiết bị bảo vệ, che chắn thực phẩm như Thông tư số 30 quy định. Cô Bình, chủ một cửa hàng bán đồ ăn ở phường Phương Lâm cho biết: “Nguyên liệu, thực phẩm chế biến đều mua ở chợ. Số lượng mua để làm bán hàng ngày không nhiều nên không có hoá đơn chứng từ. Hơn nữa đều mua ở chỗ người quen, họ bảo đảm về nguồn gốc, xuất xứ hàng nên mình cũng tin tưởng lấy hàng”. Theo ông Nguyễn Thanh Hà, Chánh Thanh tra Sở Y tế, hoạt động quản lý VSATTP được thực hiện theo phân cấp, đối với kinh doanh thức ăn đường phố do UBND cấp xã quản lý. Ở địa phương nào cơ quan y tế làm tốt công tác tham mưu cho UBND cùng cấp hoạt động thanh, kiểm tra được tiến hành, nếu không lĩnh vực này sẽ bị bỏ ngỏ.
Cùng với Luật ATTP, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 30 thể hiện sự “siết chặt” trong quản lý thức ăn đường phố, xây dựng nếp sống văn minh, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Tuy vậy, để kiểm soát bằng Thông tư số 30 là điều không dễ bởi lâu nay thức ăn đường phố đã gắn liền với tập quán ăn uống của người dân. Nhiều người không thể đầu tư kinh doanh đáp ứng các điều kiện của Thông tư số 30 về trang thiết bị, dụng cụ... ở một khía cạnh khác, đối với những lao động thu nhập thấp, việc bán hàng rong, thức ăn đường phố là một cách để mưu sinh, giải quyết việc làm trong điều kiện kinh tế khó khăn. Để giữ gìn sức khỏe cho cộng đồng, bên cạnh việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh thức ăn đường phố cũng cần có biện pháp quản lý hữu hiệu hơn nhằm giúp cho người lao động có kế sinh nhai.
Hà Thu
(HBĐT) - Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện Kỳ Sơn, từ đầu năm đến nay, các chế độ, chính sách XĐ-GN trên địa bàn được tổ chức triển khai kịp thời, đúng đối tượng, góp phần giảm khó khăn cho các hộ nghèo, gia đình kém may mắn trong cuộc sống.
(HBĐT) - Ngày 24/6, Trung ương Hội NTT & TMC Việt Nam, đại diện nhà hảo tâm tại Hà Nội đã phối hợp với Hội NTT & TMC tỉnh tổ chức trao tặng bò giống cho hộ người tàn tật, trẻ mồ côi nghèo tại xã Ngọc Lương (Yên Thuỷ).
(HBĐT) -Tai nạn thương tích (TNTT) ở trẻ luôn là nỗi lo của mỗi gia đình, nhất là vào giai đoạn trẻ được nghỉ hè không có sự quản lý của nhà trường, nếu phụ huynh lơ là trong quản lý sẽ dẫn đến những nguy hiểm khôn lường cho trẻ, thậm chí nhiều trẻ đã tử vong do TNTT.
(HBĐT) - Theo thống kê của thành phố Hòa Bình, hiện địa phương có trên 22.000 trẻ từ 0 - 16 tuổi, chiếm 22,7% tổng dân số. Thời gian qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự vào cuộc tích cực xã hội.
(HBĐT) - Toàn tỉnh hiện có 219.377 trẻ từ 0 - 16 tuổi, chiếm 26% tổng dân số, trong đó, dưới 6 tuổi có 93.550 trẻ. Trong 6 tháng đầu năm nay, ngành LĐ-TB & XH đã phối hợp với BHYT và các địa phương rà soát, lập danh sách cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi, kết quả đã có 89.773 trẻ được cấp thẻ, đạt tỷ lệ 96%.
(HBĐT) - Chi đoàn cơ quan Đảng- đoàn thể huyện Kỳ Sơn vừa tổ chức Chiến dịch tình nguyện “Kỳ nghỉ hồng” tại xóm Nưa, xã Độc Lập, thiết thực hưởng ứng chiến dịch hè tình nguyện năm 2015.