(HBĐT) - Đến thời điểm này dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn diễn biến khá phức tạp. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận 14 ca sốt xuất huyết. Ngay trong tháng 11 đã có 2 trường hợp mắc bệnh và điều trị ở huyện Kim Bôi và thành phố Hòa Bình. Để hiểu rõ về dịch bệnh và phương án phòng - chống, phóng viên Báo Hòa Bình đã phỏng vấn đồng chí Mai Đức Sỡi, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh về vấn đề này.
PV: Xin đồng chí cho biết tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên cả nước và tại tỉnh ta?
Đồng chí Mai Đức Sỡi: Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây nên. Bệnh lây truyền từ người sang người qua vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. Bệnh có thể gây thành dịch lớn và có tỷ lệ tử vong tương đối cao. Bệnh lưu hành trên 100 quốc gia thuộc các khu vực có khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới. Theo Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 43.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 53 tỉnh, thành phố, trong đó có 23 trường hợp tử vong. Số người mắc sốt xuất huyết tăng nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tại tỉnh ta từ đầu năm đến nay đã phát hiện 14 trường hợp sốt xuất huyết. Trong đó, huyện Cao Phong 4 ca, Yên Thủy 4 ca, Kỳ Sơn 2 ca, Lạc Thủy 2 ca. Từ đầu tháng 11 đến nay phát hiện 2 ca ở thành phố Hòa Bình và huyện Kim Bôi.
PV: Đồng chí có nhận định và dự báo gì về diễn biến dịch bệnh?
Đồng chí Mai Đức Sỡi: Theo chu kỳ dịch, 4-5 năm xảy ra dịch một lần. Năm nay là năm đầu chu kỳ. Khác với mọi năm, năm nay đến tháng 11 vẫn còn nắng nóng, có mưa trên diện rộng nên tạo điều kiện cho quần thể muỗi truyền bệnh phát triển. Mặt khác, tình hình bệnh sốt xuất huyết tại các tỉnh miền Bắc, đặc biệt, Hà Nội và các tỉnh tiếp giáp với tỉnh vẫn xuất hiện các ca bệnh, đây là yếu tố dịch tễ nguy cơ đối với cộng đồng.
PV: Để đối phó với dịch bệnh sốt xuất huyết, ngành y tế đã triển khai những hoạt động gì?
Đồng chí Mai Đức Sỡi: Hiện nay bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắcxin phòng bệnh nên các biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất là diệt muỗi, bọ gậy và phòng - chống muỗi đốt. Vừa qua, Sở Y tế đã ban hành kế hoạch phòng chống sốt xuất huyết trong những tháng cuối năm. Theo đó, ngành kiện toàn BCĐ phòng - chống dịch bệnh các cấp. Xây dựng kế hoạch phòng - chống dịch theo từng tuyến, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đã tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác phòng - chống dịch tuyến huyện về xây dựng kế hoạch, tổ chức giám sát tại cơ sở điều trị và cộng đồng. Bệnh viện tuyến tỉnh, huyện xây dựng kế hoạch, phương án đảm bảo thu dung, chẩn đoán, điều trị khi có các ca bệnh sốt xuất huyết nhập viện, hạn chế tối đa tử vong. Ngành đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng - chống dịch bệnh sốt xuất huyết bằng các hình thức truyền thông qua hệ thống loa đài tại xã, phường, thị trấn, thôn, bản; tuyên truyền tại các trường học, hệ thống y tế thôn, bản truyền thông trực tiếp... Kịp thời cung cấp thông tin để người dân không hoang mang, lo lắng, phối hợp thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.
PV: Vậy, đối với người dân cần làm những gì để phòng bệnh?
Đồng chí Mai Đức Sỡi: Người dân cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu, phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng - chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Việt Lâm (thực hiện)
(HBĐT) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
(HBĐT) - Năm 2015, tình hình vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tiếp tục phát sinh, chủ yếu các lỗi hành vi: không mặc trang phục chuyên dụng khi trực tiếp sản xuất chế biến, kinh doanh, không có giấy chứng nhận đã tập huấn ATTP, sản xuất, kinh doanh ở môi trường không đảm bảo vệ sinh, không lưu mẫu thực phẩm theo quy định…
(HBĐT) - Ngày 16/12, Đoàn kiểm tra BCĐ cấp tỉnh đã tiến hành kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Đà Bắc.
(HBĐT) - Bộ Y tế vừa ban hành danh mục vi chất dinh dưỡng sử dụng trong thực phẩm kèm theo Thông tư số 44/2015/TT-BYT. Theo đó: Quy định danh mục vitamin, chất khoáng và yêu cầu về quản lý đối với vi chất dinh dưỡng sử dụng để bổ sung, tăng cường vào thực phẩm.
(HBĐT)- Vừa qua, Ban chỉ đạo hiến máu tình nguyện huyện Kim Bôi phối hợp với bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình tổ chức ngày hội hiến máu tình nguyện năm 2015.
(HBĐT) - Được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu trong tình trạng hết sức nguy kịch, nhờ chẩn đoán chính xác, phẫu thuật kịp thời, điều trị, chăm sóc hết sức chu đáo, sau 12 ngày bệnh nhân Hà Lệ Hằng, sinh năm 1977, ở Yên Sơn, Thanh Sơn, Phú Thọ được xuất viện trong niềm vui vô bờ bến của người thân.