(HBĐT) - Đến thăm quân và dân tại quần đảo Trường Sa, chúng tôi nhận thức sâu sắc tinh thần gắn kết và đồng thuận rất cao về quyết tâm giữ vững chủ quyền, toàn vẹn biển đảo Tổ quốc của quân và dân nơi đây. Hình ảnh những người lính Trường Sa luôn chắc tay súng, ánh mắt cảnh giác dõi ra khơi xa. Hình ảnh em thơ tíu tít tới trường cho tới hình ảnh những con tàu vào bến, ra khơi…


Cán bộ, chiến sĩ trên đảo Tiên Nữ trồng rau tăng gia, sản xuất.

 

Lính đảo và những câu chuyện đời thường

Trong số các sĩ quan hải quân tham gia đoàn công tác, có đại tá Trần Minh Thuần, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 - Vùng IV hải quân. Dáng người thanh mảnh, chắc nịch, nước da bánh mật khỏe khoắn, khuôn mặt anh toát lên sự cởi mở chân thành. Mỗi khi tổ chức đưa các thành viên đoàn công tác từ tàu HQ 571 vào đảo, anh luôn là người xốc vác.

Dường như anh nắm rõ từng ngóc ngách của các đảo nổi, đảo chìm, từng luồng lạch. Miệng nói, tay làm, liên tục rút điện thoại di động gọi vào các đảo nhắc nhở anh em đón tiếp khách chu đáo, đi luồng nào cho an toàn, sóng êm... "Sao đảo nào anh cũng rành mọi việc vậy?” - Tôi hỏi. Đại tá Thuần hồn hậu trả lời: "Mình đã từng đóng quân trên hầu khắp các đảo này!”. Cũng giống như đại tá Trần Minh Thuần, đại tá Phạm Huy Dũng, Chính ủy Lữ đoàn 101 Hải quân đánh bộ - Vùng IV hải quân và các thành viên đoàn công tác đều dành thời gian tìm hiểu công tác huấn luyện chiến đấu, tình hình tàu thuyền, máy bay nước ngoài vi phạm, công tác xây dựng Đảng, giáo dục chính trị tư tưởng cho bộ đội, giúp dân yên tâm đánh bắt, hỗ trợ ngư dân khi gặp khó khăn.

Hôm đó, khi tới đảo Sinh Tồn, bên cạnh vị trí trực phòng không, đại tá Trần Minh Thuần đã tới thân mật trao đổi, thăm hỏi tình hình công tác, gia đình, quê hương... đối với cậu lính trẻ - binh nhất Ngô Đình Nhân (Bình Định). Không khỏi bối rối nhưng trước tình cảm ấm áp, đôn hậu của vị đại tá, Nhân đã mạnh dạn nói lên những tâm tư, nguyện vọng của mình... Chia sẻ tâm tư về những ngày đầu ra đảo làm nhiệm vụ, Nhân cho biết, ngày đặt chân lên đảo, điều đầu tiên mà cậu nhận được là những cái ôm thân tình, những cái bắt tay siết chặt và nụ cười niềm nở của quân, dân nơi đây. "Ngày đầu đến đây với nhiều bỡ ngỡ, xa lạ nhưng nhờ sự quan tâm chân tình của người dân và CB, CS ở đảo đã giúp em không còn cảm thấy cô đơn. ở Sinh Tồn cũng như ở nhà vậy, đến với Trường Sa là đến với quê hương” - ánh lên niềm tự hào khi Nhân trả lời đại tá... Kết thúc câu chuyện với đại tá, Nhân hứa sẽ luôn phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Khác với cậu lính trẻ Ngô Đình Nhân mới ra làm nghĩa vụ tại đảo, trung úy Trần Công Vị, Chỉ huy trưởng đảo Thuyền Chài cho biết, ngoài giờ huấn luyện và ca trực, anh em trên đảo phân công nhau trồng rau, chăn nuôi. Trung úy Vị đưa chúng tôi đi xem những ô rau xanh ngắt trồng trong mảnh vườn với diện tích khá nhỏ. Mặc dù sống trong điều kiện khắc nghiệt song rau xanh nơi đây vẫn tươi tốt như để bù đắp những thiệt thòi, hy sinh của người lính trên đảo.

Tại đảo Đá Tây C, tôi gặp Trần Hải Dương, bác sỹ quân y của đảo, tỉ tê trò chuyện khá lâu với anh, tôi ít nhiều biết thêm được câu chuyện và chuyên môn cấp cứu ngư dân của quân y trên đảo. Anh kể: Trong năm qua, đảo đã cấp cứu các trường hợp ngư dân bị giảm áp do lặn sâu, bị quặn thận do sỏi, bị ruột thừa, nặng nhất là ngư dân bị giảm áp, sau khi cấp cứu, các ngư dân đều ổn định sức khỏe và trở lại tàu. Phần vì say với nghề, phần do xúc động nhớ lại những lúc chứng kiến cơn nguy kịch của ngư dân, phần do tôi hỏi tỉ mẩn, anh Dương nói với tôi mà như thể nói với người có chuyên môn sâu về cấp cứu trong nghề y vậy. "Khi lặn sâu cứ 10 m làm tăng thêm 1 lít khí ni tơ ứ đọng trong cơ thể. Có người lặn đến 80 m, có những trường hợp bị liệt nửa người, đau đầu dữ dội do khí ni tơ ứ đọng, không thoát ra được, chèn mạch máu. Tùy triệu chứng mà xử lý...” bác sỹ Dương chia sẻ.

Những công dân đặc biệt

Đến các đảo ở quần đảo Trường Sa, bên cạnh những câu chuyện của lính đảo, vui nhất là khi được thấy những "mầm non” nơi đây xúng xính áo mới, có cháu còn mang sắc phục hải quân lon ton theo bóng áo dài truyền thống thướt tha của mẹ, hớn hở đi đón đoàn từ đất liền ra thăm đảo. Trong đó, có cháu được sinh ra ở đất liền rồi theo cha mẹ ra đảo, cũng có những cháu được sinh ra trên đảo. Gặp chúng tôi, những đứa trẻ hồn nhiên xà vào lòng như là người thân, không có khoảng cách. Tôi hỏi chuyện bé Nguyễn Bình Minh Thủy (6 tuổi): "Cháu có muốn về đất liền không?”. Cô bé trả lời hồn nhiên nhưng làm tôi vô cùng xúc động rằng "Cháu sống ở đây, thế các cô, các chú có ở lại đây với cháu không ạ?!”. Nói rồi, em quay sang khoe tôi đồ chơi với hai con búp bê có tên gọi là Hoàng Sa và Trường Sa. Khi hỏi vì sao lại đặt tên cho chúng như vậy? Em nói: "Trường Sa là nhà của tụi con, còn Hoàng Sa là tên bố mẹ con đặt”. Sau đó, em khoe về những bộ váy mà các cô, các chị trong những đoàn công tác ra thăm trước đã tự tay may cho Hoàng Sa và Trường Sa.

Còn bé Xuân Bảo (4 tuổi) thì ngây thơ hỏi tôi bằng chất giọng trong trẻo có phần hơi nhịu: "Các cô, chú đã tới Trường Sa chưa? ở đó to không ạ? Có phải Trường Sa là thành phố, còn bọn con là ở nhà quê không?”. Vừa buồn cười về câu hỏi ngây ngô của em nhưng tôi chợt thấy cay cay sống mũi. Hẳn là các em vẫn chưa từng được tới "thành phố”. Nơi đây, hàng ngày tuy vẫn được đến trường, song nếu so sánh với những đứa cháu cùng độ tuổi trong gia đình thì không khỏi chạnh lòng. Tự trấn an mình, tôi trả lời: "Không phải con à, nơi đâu cũng đẹp và thân thương như đảo mình. Nơi nào có bố mẹ, có các chú bộ đội, có thầy, cô giáo và các con thì đều là thành phố cả”...

Ngồi cạnh bên là chị Trần Thị Tị (38 tuổi, Khánh Hòa), cư dân trên đảo Sinh Tồn. Tôi hỏi chị đôi điều về chuyện nghề, chuyện đời. Chị kể: "Ra sống ở đảo, mình làm nghề đánh cá, đi mủng. Mình đánh các loại cá thu, cá mó, cá bè, bạch tuộc, mực...”. Còn khi nói về những thiếu thốn, gian khổ đáp ứng các nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống trên đảo như nước uống, rau xanh trên đảo, chị trả lời như không có chuyện gì: "Nước ngọt thì xài nước mưa. Rau xanh tự trồng được. Đến giờ, vợ chồng mình đã quen với cuộc sống ở đảo. Đảo của mình, biển của mình thì mình ở. ở đây còn có các CB, CS, có thầy giáo, trường học... Hơn nữa, không khí trong lành, các cháu còn mạnh khỏe và ít ốm vặt hơn ngoài đất liền”.

Anh Vũ

Các tin khác


Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 2 - Công trình không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng?

Liên quan đến việc xây dựng chùa Hòa Bình và các công trình phụ trợ, thời gian qua, một số cơ quan thông tin, báo chí đưa tin cho rằng: công trình này không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư; còn để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Trước những vấn đề được dư luận xã hội và người dân quan tâm, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình (TPHB) đã có thông tin phản hồi.

Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 1 - Các cơ quan chức năng đề nghị điều chỉnh quy mô xây dựng chùa Hòa Bình

Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh về việc xem xét, kiểm tra, rà soát các nội dung liên quan đến công tác quy hoạch, thu hồi đất để thực hiện xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh chùa Hòa Bình tại đồi Ba Vành, thuộc tổ 8, phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình (TPHB), ngày 19/1/2024, Sở Xây dựng (SXD) đã tổ chức họp với các sở, ngành, UBND TPHB và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) tỉnh. Sau cuộc họp, các sở, ngành, UBND TPHB đã đưa ra những kiến nghị với UBND tỉnh về việc điều chỉnh quy mô xây dựng chùa Hòa Bình.

Thiêng liêng ngày hội tòng quân

Không phải tiếng trống giục giã, cũng không phải ngọn đuốc thắp lên bằng ngọn lửa truyền thống, mà chính nhiệt huyết của tuổi trẻ mới là thứ làm bùng lên không khí thiêng liêng trong ngày hội tòng quân năm 2024. Đây chính là ngày hội của tuổi trẻ, của thanh niên ưu tú - những người đã biết đặt Tổ quốc ở trong tim...

Chuyện về nhạc phẩm “Lá thư DK” trên biển

Trong một đêm cuối năm Quý Mão 2023, con tàu Trường Sa 04 bền bỉ đè sóng tiến về phía bãi cạn Cà Mau, nơi có nhà giàn DK1/10… Bỗng trong tiếng sóng biển ầm ào và gió thổi ràn rạt dọc các boong tàu, vẳng tiếng đàn ghi ta và tiếng hát của một vài chiến sĩ hải quân. Tiếng đàn thánh thót và da diết của Trung tá Trịnh Văn Nghị, Chính trị viên phó Tiểu đoàn DK1 hòa vào giọng hát khá tình cảm của nhóm cán bộ, chiến sĩ trên tầng 3 con tàu: "Anh kể lại nơi anh những lúc biển cuồng phong/ Biển giận dữ hung tàn quá đỗi/ Nhà giàn kiên trung giữ vững thềm lục địa/ Như tình anh yêu em, tình yêu bất tận…”. Các anh đang tập bài hát mới "Lá thư DK” của ca sĩ, nhạc sĩ, Phó đoàn Nghệ thuật Bông Sen (TP Hồ Chí Minh), thành viên của đoàn sáng tác trong chuyến hải trình DK1…

Huyện Lạc Thủy: Ước vọng đầu Xuân mới

Mùa Xuân đến mang theo hơi ấm của đất trời, đem đến sức sống mới cho vạn vật. Đó cũng là thời điểm cảm xúc của mỗi người lại trào dâng với niềm tự hào, tin tưởng, đoàn kết một lòng đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Xuân mới, niềm tin khát vọng mới, bao dự định được gửi gắm, thôi thúc mỗi chúng ta cố gắng phấn đấu vươn lên, xây dựng quê hương Lạc Thủy giàu đẹp.

Người góp phần nâng tầm sản phẩm mang giá trị văn hoá Hoà Bình

Quá trình công tác nhiều năm trong cơ quan nhà nước của tỉnh, chị Hoàng Việt Hà (TP Hoà Bình) có cơ hội tiếp cận, nghiên cứu về lĩnh vực văn hoá, từ đó nuôi dưỡng tình yêu ngày càng lớn đối với văn hoá bản địa. Đây được xem là cơ duyên để năm 2022, sau dự định ấp ủ, chị đứng ra mở cửa hàng quà tặng với tên gọi Hoa Đất Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục