(HBĐT) - Đó là chia sẻ của những chàng "sơn tinh” đất Mường chúng tôi gặp ở đảo Trường Sa lớn trong chuyến công tác vừa qua.


Đoàn công tác của tỉnh trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ là con em Hoà Bình đang công tác tại đảo Trường Sa lớn.

Trong suốt cuộc hải trình nhiều ngày trên biển đến thăm quân và dân trên các đảo: Cô Lin, Tốc Tan, Sinh Tồn, Tiên Nữ, An Bang, Đá Đông, Đá Tây, Thuyền Chài, Trường Sa Đông, không ai bảo ai nhưng các thành viên đoàn công tác của tỉnh đều ngóng mong sẽ được gặp những người con đất Mường nơi đảo xa, nhất là khi đoàn công tác các tỉnh Nam Định, Thái Nguyên... đi đến đâu cũng gặp "người nhà”. Chỉ còn lại Trường Sa lớn. Có người thất vọng: đó lại là nơi để các đoàn Nam Định, Thái Nguyên tiếp tục gặp gỡ "người nhà”. Nhưng không, khi tàu vừa cập cảng, đại tá Trần Minh Thuần, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 - Quân chủng Hải quân kiêm Phó Chủ tịch HĐND huyện đảo Trường Sa thông báo: ở Trường Sa lớn có 2 CB, CS là người Hòa Bình và 2 người là rể Hòa Bình.

Đó thực sự là điều đặc biệt, bởi ở nơi xa xôi nhất, khó khăn nhất, trên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc đã có những người con của rừng núi Hòa Bình cùng với những chàng trai đến từ mọi miền của Tổ quốc đang ngày đêm vững vàng nơi đầu sóng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chẳng vậy mà sau chuyến đi, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UVBCH T.ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ trong chuyến đi này ông thấy có nhiều điều tâm đắc, trong đó, ông tâm đắc nhất 2 điều. Thứ nhất đó là đoàn công tác đã mang được "hồn Mường” là những chiếc chiêng - một trong những nét đặc trưng văn hóa của dân tộc Mường ở Hòa Bình ra với Trường Sa. Tiếng chiêng Mường lần đầu tiên được gióng lên những nhịp điệu trầm hùng hòa cùng âm vang của hồn thiêng sông núi nơi mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc giữa trùng khơi sóng gió. Tiếp đó là trong chuyến đi này, ông và các thành viên đoàn công tác được gặp gỡ, trò chuyện với những người con - những chàng trai ưu tú là con em nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đang công tác nơi đảo xa. Đây là những chàng trai đại diện cho nhân dân các dân tộc Hòa Bình có mặt ở nơi gian khó. Chính sự có mặt của những chàng trai đến từ đất Mường đã, đang và sẽ góp phần đưa Trường Sa trở nên gần gũi hơn với nhân dân các dân tộc ở Hòa Bình. Để Hòa Bình góp sức cùng nhân dân cả nước bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng.

Gặp gỡ, trò chuyện với chúng tôi, thượng úy Bùi Văn Hải chia sẻ: Quê em ở xóm Vó Cỏ, xã Mỹ Thành (Lạc Sơn). Trước đây, em ở Lục quân, sau khi chuyển công tác sang Hải quân em đã làm đơn tình nguyện đi công tác ở Trường Sa. Đảo Trường Sa lớn này em mới ra từ tháng 1/2018. Đây đã là "tăng” 3 em đi đảo. Trước đó, em được điều động công tác tại đảo Tốc Tan và sau đó là đảo An Bang. Đây đều là những điểm đảo rất khó khăn nhưng được sự quan tâm, giúp đỡ của cấp trên, của đồng chí, đồng đội, chúng em đã quen dần với sóng gió và những khó khăn, thiếu thốn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Với những cố gắng, nỗ lực không ngừng, Bùi Văn Hải đã nhiều lần vinh dự được cấp trên khen thưởng.

ở Trường Sa lớn, ngoài thượng úy Bùi Văn Hải còn có thiếu úy qưân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Xuân Sang thuộc đơn vị phòng không - không quân. Sang quê ở thôn Quyền Chương, xã Cao Thắng (Lương Sơn). Cậu được cấp trên điều động ra công tác tại đảo Trường Sa lớn từ tháng 12/2017. Sang chia sẻ: Đây là lần đầu em được điều động công tác tại quần đảo Trường Sa. Ban đầu cũng có đôi chút khó khăn, bỡ ngỡ nhưng giờ thì quen rồi, không còn cảm giác sợ sóng gió như trước nữa. Khi được điều động ra đây công tác, em đã xác định rõ tư tưởng, ra đây đều trên tinh thần tự nguyện, có người viết đơn tình nguyện, có người xung phong đi. Do vậy, dù có nhiều khó khăn nhưng ai cũng cố gắng, nỗ lực hết sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. "Cũng may mắn cho em là ra đây còn có đồng hương. Nhiều khi để vơi đi nỗi nhớ nhà, anh em lại tìm nhau, có khi ngồi nói chuyện cả đêm bằng tiếng Mường. Mỗi người một câu chuyện, khi ấy cũng chẳng biết có ai nghe ai nữa nhưng giữa nơi trùng khơi sóng gió được gặp người cùng quê để cùng nói tiếng mẹ đẻ cũng cảm thấy ấm lòng hơn và nỗi nhớ nhà dường như theo đó mà tan biến đi”, Sang chia sẻ thêm những kỷ niệm ở đảo.

Trong cuộc gặp gỡ đặc biệt này, có lẽ Bùi Văn Hải là người vui nhất, bởi lẽ tham gia đoàn công tác của tỉnh còn có đồng chí Bùi Văn Hành, Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn. Chẳng vậy khi gặp nhau cả 2 người cứ ríu rít chuyện làng, chuyện xóm nơi quê nhà. Hải tâm sự: "Thấy cấp trên thông báo trong đoàn công tác đến quần đảo Trường Sa lần này có đoàn Hòa Bình. Biết tin, chúng em cứ mong ngóng mãi. Cả đêm hôm trước khi tàu cập bến, em và Sang không ngủ được. Đến khi nghe tiếng chiêng Mường gióng lên những nhịp điệu quen thuộc, cả 2 anh em chẳng ai bảo ai cùng chạy về một hướng. Từ nay, trên đảo có thêm tiếng chiêng Mường, sẽ làm cho bọn em thấy quê hương mình gần hơn với đảo”.

Đó cũng là điều thôi thúc những chàng "sơn tinh” nơi đảo xa luôn vững vàng niềm tin, chắc tay súng hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bởi giờ đây, nơi đảo xa ấy đã có thêm một quê hương, một phần hồn Mường luôn ở bên cạnh họ.

Mạnh Hùng


Các tin khác


Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục