(HBĐT) - Như chưa bao giờ lỗi hẹn với mùa xuân, vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, nước sông Bôi lại xanh biếc, đẹp đến nao lòng. Từ trên cao nhìn xuống, dòng sông Bôi mang màu xanh bất tận tuôn dài sóng nước tuyệt mỹ của mình để tạo thành một chiếc khăn lụa đặc biệt. Trước khi đổ ra biển lớn, sông Bôi lặng lẽ đi qua những vùng đất đẹp tươi, trong đó có huyện Lạc Thủy - nơi sông Bôi lắng lại dịu dàng, gọi mùa xuân đến sớm.


Về Lạc Thủy, không thể không thăm quan Nhà máy in tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng Việt Nam - nơi những "tờ bạc tài chính Cụ Hồ” đầu tiên mang sứ mệnh lịch sử lớn lao đã ra đời.

Có hẹn với mùa xuân

Hợp hai nhánh thành một dòng lớn, bắt đầu từ xã Thượng Bì (nay là xã Xuân Thủy, huyện Kim Bôi), sông Bôi chảy vào địa phận huyện Lạc Thủy với điểm đầu là xã Hưng Thi. Tại đây, sông chảy qua các xã: Phú Thành, Phú Nghĩa, Khoan Dụ, thị trấn Chi Nê, điểm cuối thuộc địa phận Lạc Thủy là xã Yên Bồng, rồi đổ ra sông Hoàng Long thuộc tỉnh Ninh Bình, tạo nên hệ thống giao thông đường thủy thuận tiện cùng bao cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú dọc theo bờ sông.

Sông Bôi gắn bó với Lạc Thủy thân tình đến mức, đã từng có giai đoạn lịch sử, tên sông được lấy đặt làm địa danh của một đơn vị hành chính trực thuộc huyện: Thị trấn nông trường Sông Bôi được thành lập tháng 7/1967. Nơi đây là miền quê trù phú được sông Bôi ôm ấp. Nơi có những đồi chè trải rộng xanh mướt, đẹp như tranh. Có những vườn nhãn, vườn vải lúp xúp, trĩu quả. Có những con người luôn hăng hái thi đua lao động sản xuất, cuộc sống thật bình yên... Sau khi giải thể thị trấn vào tháng 8/1999, sự sống vẫn tiếp tục sinh sôi dọc hai bên bờ sông Bôi. Dòng sông Bôi vẫn miệt mài đưa nước về với biển. Sông chảy qua các bản làng dân tộc Mường, chảy qua thị trấn có đồn điền Chi Nê nổi tiếng là nơi quần cư của hàng nghìn hộ gia đình từ Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam… đến an cư, lập nghiệp trên đất Lạc Thủy. Về tới đây, dọc hai bên bờ sông đã được xây kè chắc chắn để nâng cao hiệu quả phòng, chống lũ. Sông Bôi vẫn hào phóng cung cấp phù sa và nước tưới cho hàng chục nghìn ha đất canh tác; vẫn đem lại nguồn thu dồi dào cho người dân từ việc đánh bắt, nuôi trồng thủy sản; đóng vai trò là tuyến vận tải đường thủy quan trọng đối với sự phát triển KT-XH trong vùng và từng ngày chứng kiến đổi thay tươi đẹp trên những miền quê Lạc Thủy nơi nó đi qua…

Đặc biệt, năm nào cũng thế, chưa bao giờ lỗi hẹn, cứ vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, nước sông Bôi lại xanh biếc, đẹp đến nao lòng. Sông Bôi tha thiết gọi mùa xuân. Vẻ đẹp của nó làm đắm say bất cứ ai về với Lạc Thủy.

Đồng chí Nguyễn Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Chi Nê tự hào giới thiệu: "Bao năm nay, vẻ đẹp của sông Bôi như có lời hẹn ước với mùa xuân. Từ cuối đông, nước sông bắt đầu lắng dịu, thanh lọc dần đến độ xanh trong nhất khi Tết đến, xuân về. Bước vào mùa xuân chính là lúc sông Bôi mang vẻ đẹp viên mãn nhất. Vẻ đẹp của sông Bôi luôn tạo ấn tượng đặc biệt với du khách thập phương khi về du xuân Lạc Thuỷ”.

Sức hút mang tên Lạc Thủy

Bước vào mùa lễ hội đầu năm, Lạc Thủy mang sức hút đặc biệt. Mảnh đất này vốn được thiên nhiên ưu đãi với hệ thống sông suối và núi non kỳ vĩ tạo nên nhiều danh lam thắng cảnh làm say đắm lòng người, là điều kiện để xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Đến với Lạc Thủy, dòng sông Bôi hiền hòa chảy quanh chân núi Mả Hang dẫn du khách đến quần thể hang Luồn thuộc xã Yên Bồng. Đây là một trong những danh thắng đặc sắc nhất của huyện, cùng với hàng loạt địa danh đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng tạo nên sức hút cho Lạc Thủy bấy lâu nay, như di tích lịch sử cách mạng Nhà máy in tiền (xã Phú Nghĩa); quần thể khu di tích và thắng cảnh hang động Chùa Tiên (xã Phú Nghĩa); danh lam thắng cảnh hang động núi Niệm (xã Phú Thành); chùa An Linh (xã Yên Bồng); đình Niếng (xã Hưng Thi); đền Rem (thị trấn Chi Nê); các khu du lịch sinh thái hồ Đồng Tâm, Minh Ngọc, làng Đá Bạc…


Vào mùa xuân hàng năm, lễ hội Chùa Tiên được tổ chức vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, tạo thêm sức hút đưa du khách đến với huyện Lạc Thủy.

Hiện, Lạc Thủy có 6 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 11 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Bên cạnh những địa danh đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, Lạc Thuỷ còn nhiều hệ thống hang, hồ, đập vẫn chưa được khai phá, như hồ Đá Bạc, hồ Đầm Khánh, hang Chim, hang Hào, hang Đồng Thớt... Đó là tiềm năng dồi dào để Lạc Thuỷ xây dựng thành các sản phẩm hấp dẫn, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Khi Tết đến, xuân về cũng là lúc huyện Lạc Thủy bước vào mùa lễ hội. Đây là vùng đất được pha trộn nhiều nét văn hóa khác nhau giữa hai dân tộc Việt - Mường, nơi nổi tiếng có các lễ hội truyền thống đặc sắc, mang giá trị văn hoá, lịch sử chưa hề bị phai nhạt theo thời gian. Huyện được thành lập từ cuối thế kỷ XIX. Tại đây, các nhà khoa học đã phát hiện 8 di tích thuộc nền Văn hóa Hòa Bình, chứng tỏ có sự giao thoa với nền văn hóa Đông Sơn cách đây hàng nghìn năm. Theo dòng chảy của thời gian, đất và người nơi đây đang có những đổi thay nhanh chóng nhưng không hề bị phai nhạt những giá trị đã làm nên bản sắc của mình. Sức hút mang tên Lạc Thủy, chính vì thế mà ngày càng mạnh mẽ.

Bước sang năm 2021, huyện Lạc Thủy gần chạm đến dấu mốc 135 năm xây dựng và phát triển (1886 - 2021). Trải qua gần 135 năm, dù ở giai đoạn lịch sử nào, Nhân dân các dân tộc trong huyện cũng luôn nêu cao tinh thần yêu nước, một lòng sắt son theo Đảng, đóng góp sức người, sức của cùng cả nước làm nên những thắng lợi vẻ vang. Ngày nay, những đổi thay đang tạo nên sức sống mãnh liệt cho mảnh đất tươi đẹp này. Đến cuối năm 2020, 8/8 xã của huyện đã đạt chuẩn NTM, Lạc Thủy trở thành đơn vị hành chính cấp huyện thứ 3 của tỉnh (sau TP Hòa Bình và huyện Lương Sơn) xuất sắc đạt chuẩn NTM. Cùng với đó, huyện đã hoàn thành đạt và vượt 18/19 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2015 - 2020. 5 năm qua, tốc độ gia tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm luôn được duy trì ở mức 13,5%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ, thu ngân sách Nhà nước tăng bình quân 13,2%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,5%... So với 5 năm trước, diện mạo nơi đây đã đổi khác rất nhiều, sức sống đang tràn ngập khắp các miền quê Lạc Thủy.

Đồng chí Nguyễn Văn Hải, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy nhấn mạnh: Trong công cuộc phát triển, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân Lạc Thủy đã vào cuộc để cùng kiến tạo nên những giá trị tốt đẹp, bền vững. Chính khát vọng đổi mới, tư duy năng động và tinh thần đại đoàn kết đã đưa huyện Lạc Thủy vươn lên, đạt những kết quả toàn diện như ngày hôm nay. Chúng tôi tự hào với truyền thống của quê hương và đặt nhiều niềm tin vào giai đoạn phát triển mới. Với quyết tâm chính trị được cụ thể hóa bằng các chương trình hành động mang tính chất đột phá, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện Lạc Thủy tiếp tục phát huy truyền thống, hướng tới mục tiêu vươn lên vị trí tốp dẫn đầu toàn tỉnh về phát triển KT-XH, xứng đáng là vùng động lực có sức lan tỏa sâu rộng, đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của tỉnh.

 Như dòng chảy bất tận của sông Bôi vẫn miệt mài đưa nước ra biển lớn, mảnh đất và con người Lạc Thủy đang phát triển không ngừng để hướng tới những giá trị tốt đẹp hơn. Nếu về Lạc Thủy mùa xuân này, khi sông Bôi đang vào độ đẹp nhất, khi sức sống đang tràn ngập khắp các miền quê, bạn sẽ hiểu được niềm tin và khát vọng mạnh mẽ đó.


Khánh An


Các tin khác


Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục