Có những con đường không chỉ mở qua núi, mà mở cả vận mệnh một vùng đất. Những mũi khoan thăm dò đầu tiên vang lên giữa sương mù Tây Bắc như gọi dậy những tầng địa mạch đã ngủ yên bao đời trong lòng đá. Hòa Bình đang chứng kiến một cuộc chuyển mình ngoạn mục, nơi mà hạ tầng giao thông không còn là khái niệm quy hoạch - mà trở thành thực thể sống, len lỏi đến từng xóm núi, bản sâu, từ thành phố bên sông Đà tới những sườn đèo Hang Kia, Cun Pheo.


Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đoạn qua xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc được nhà thầu thi công theo tiến độ.

Cao tốc, liên vùng, quốc lộ - những trục động mạch đang hình thành

Giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Hòa Bình tập trung nguồn lực triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm, vừa mang tầm liên vùng, vừa giải quyết nhu cầu nội tỉnh.

Trong đó, phải kể đến dự án giao thông lớn nhất của tỉnh đến thời điểm này: Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu. Đây là dự án chiến lược kết nối Hòa Bình với Sơn La và các tỉnh Tây Bắc. Tuyến cao tốc có tổng chiều dài khoảng 83 km (trong đó đoạn qua Hòa Bình khoảng 34km), quy mô 4 làn xe. Giai đoạn đầu triển khai đoạn Km19 - Km53 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được UBND tỉnh phê duyệt cuối năm 2023, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Tuyến cao tốc này sẽ vượt qua hồ sông Đà bằng một cây cầu kỳ vĩ và luồn sâu vào lòng núi qua 3 hầm xuyên, đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, hiện đại.

Lãnh đạo tỉnh nhận định, cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp kết nối liên hoàn cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên, phá thế độc đạo của quốc lộ (QL) 6 lên Tây Bắc. Tháng 9/2024, dự án chính thức khởi công có sự tham dự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, thể hiện sự quan tâm từ Trung ương. Khi hoàn thành, cao tốc sẽ rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển từ Hà Nội lên Mộc Châu, mở ra cơ hội vàng cho du lịch vùng, đặc biệt là du lịch Mai Châu, Mộc Châu. Đồng thời, tạo động lực mạnh mẽ để khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên tuyến, thúc đẩy phát triển đô thị và kinh tế địa phương theo hướng bền vững. Tỉnh đang chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng để có thể thi công đồng bộ, phấn đấu thông tuyến trước năm 2028.

Nhằm kết nối nhanh từ các huyện trong tỉnh đến mạng lưới cao tốc quốc gia, từ vốn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh, Hòa Bình triển khai dự án Đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội - Sơn La, tổng mức đầu tư 4.120 tỷ đồng. Toàn bộ tuyến đường dài khoảng 50 km, gồm hai đoạn: đoạn 1 dài khoảng 31km nối thị trấn Bo (huyện Kim Bôi) đến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình; đoạn 2 dài khoảng 19km nối từ phường Kỳ Sơn (TP Hòa Bình) tới nút giao dự kiến (IC2) trên tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu. Được khởi công từ tháng 2/2023, dự án đi qua địa bàn 3 huyện Kim Bôi, Lương Sơn, Đà Bắc và TP Hòa Bình, dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2027. Tuyến đường này sẽ tạo thành trục vành đai liên vùng quan trọng, rút ngắn quãng đường từ Hà Nội qua Hòa Bình đến Kim Bôi - một khu vực có tiềm năng du lịch suối khoáng nóng; đồng thời tăng cường kết nối các tỉnh Hà Nam - Hòa Bình - Phú Thọ - Sơn La với hệ thống giao thông quốc gia. Tỉnh xác định đây là công trình trọng điểm góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội cho Hòa Bình và vùng Tây Bắc.

Dự án kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai (Hà Nội) là dự án mở thông cửa ngõ phía Đông của Hòa Bình. Thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn giáp ranh Hà Nội, do đó việc kết nối với thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) sẽ giúp liên thông QL 6 với cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, giảm áp lực giao thông qua điểm nút Xuân Mai. Giai đoạn 1 của dự án đã được khởi công, chiều dài khoảng 7,6 km đường đô thị, tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, đi qua thị trấn Lương Sơn và xã Hòa Sơn. Khi hoàn thành, tuyến đường này cùng với QL 6 sẽ tạo thành hai trục song song nối Hà Nội - Hòa Bình, góp phần xoá điểm nghẽn giao thông ở cửa ngõ phía Nam TP Hòa Bình.

Chị Nguyễn Thu Hải, Tiểu khu 2, thị trấn Lương Sơn (huyện Lương Sơn) cho biết: Người dân địa phương rất phấn khởi khi những dự án nâng cấp, mở rộng đường được triển khai. Trước đây, những đoạn đường đèo dốc, hẹp rất hay xảy ra tai nạn, người dân đi qua nơm nớp lo sợ. Thế nhưng giờ đây, đường mới được mở rộng thênh thang, việc đi lại trở nên an toàn và thuận tiện bởi thời gian di chuyển được rút ngắn, hơn nữa còn tiết kiệm được nhiên liệu.

Song song với các dự án do tỉnh làm chủ đầu tư, Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) cũng triển khai nhiều dự án quan trọng trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2025, Hòa Bình phối hợp với Bộ để mở rộng QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình, nâng cấp cải tạo QL15 (đoạn từ Km0 - Km20) kết nối Thanh Hóa và nâng cấp QL 12B (qua Lạc Sơn, Yên Thủy nối sang Ninh Bình). Ngoài ra, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến (qua ranh giới Phú Thọ - Hòa Bình) cũng được đầu tư, hình thành trục dọc mới song song QL21, kết nối Hòa Bình với các tỉnh đồng bằng.

Khi các dự án này hoàn thành, Hòa Bình sẽ có hệ thống QL tương đối hoàn chỉnh: phía Bắc có đường Hồ Chí Minh, phía Nam có QL12B, chính giữa có QL6, phía Tây có QL15, tạo khung giao thông đối ngoại thuận lợi cho tỉnh.

Những con đường mới đổi thay bản làng

Bên cạnh các trục lớn, Hòa Bình tập trung cải thiện giao thông đến vùng sâu, vùng xa. Việc cải thiện giao thông ở những khu vực này vô cùng quan trọng, không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của đồng bào các dân tộc mà còn là chìa khóa để phát triển kinh tế nông thôn, đưa sản phẩm địa phương ra thị trường. Nhiều dự án đường tỉnh, đường huyện đã và đang được triển khai. Tiêu biểu như: nâng cấp tuyến ĐT.433 - con đường độc đạo dài gần 90km từ TP Hòa Bình đi huyện Đà Bắc, giúp phá thế cô lập cho huyện vùng hồ sông Đà. Mở mới tuyến đường Hang Kia - Cun Pheo - QL6 ở huyện Mai Châu. Cải tạo tuyến đường liên huyện Lạc Sơn - Tân Lạc qua vùng cao phía Nam tỉnh. Những cây cầu vượt sông, suối ở khu vực vùng sâu, xa cũng được xây dựng, nối những bờ vui.

"Sau khi tuyến đường Hang Kia - Cun Pheo - QL6 được mở, lần đầu tiên kết nối các bản người Mông ở Hang Kia, Pà Cò ra QL, tạo sinh kế từ du lịch cộng đồng. Người dân trong bản không chỉ giao tiếp với nhau bằng tiếng dân tộc mà còn được giao lưu văn hóa, kết nối giao thương với các vùng lân cận, thậm chí còn được bồi dưỡng thêm kiến thức, có thể giao tiếp bằng ngoại ngữ khi đón tiếp những đoàn khách quốc tế về du lịch trải nghiệm", đồng chí Hà Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu chia sẻ.

Cùng với đó, trong đô thị, TP Hòa Bình cũng khoác lên mình diện mạo mới với những cây cầu hiện đại bắc qua sông Đà, kết nối thông suốt hai bờ thành phố. Công trình cầu Hòa Bình 2 dài gần 780m, tổng vốn đầu tư gần 590 tỷ đồng được khởi công năm 2019 và thông xe kỹ thuật cuối năm 2021; cầu Hòa Bình 3 dài gần 535m, tổng vốn đầu tư gần 400 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA, hoàn thành tháng 2/2020, nâng tổng số cầu qua sông Đà tại tỉnh lên 3 cầu. Những công trình này đã giải quyết tình trạng ùn tắc qua cầu Hòa Bình, rút ngắn quãng đường nội đô, đồng thời tạo điểm nhấn hạ tầng cho thành phố bên sông.

Nhờ triển khai đồng loạt các dự án trên, diện mạo hạ tầng giao thông Hòa Bình đang thay đổi rõ rệt. Tính đến cuối năm 2024, nhiều dự án giao thông quan trọng đã cơ bản hoàn thành hoặc đạt tiến độ cao, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông từ đô thị đến nông thôn. Sự kết hợp giữa các tuyến giao thông liên vùng (cao tốc, quốc lộ, đường liên tỉnh) với hệ thống giao thông đối nội (tỉnh lộ, huyện lộ, đường nông thôn) sẽ tạo tiền đề để Hòa Bình bứt phá trong giai đoạn tới.Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các dự án, tỉnh cũng đối mặt không ít khó khăn, thách thức. 


(Còn nữa)

Thu Hằng


Các tin khác


Cho Tổ quốc đứng lên - Bài 2: Sống chết cho đất nước

Để cắt đứt huyết mạch chi viện từ Bắc vào Nam, quân đội Mỹ điên cuồng oanh tạc, rải chất độc hóa học xuống Trường Sơn. Chúng cũng muốn Hà Nội "trở về thời kỳ đồ đá".

Cho Tổ quốc đứng lên - Bài 1: Không nghĩ đến thân mình

Ròng rã những năm kháng chiến cho khát vọng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và thống nhất, trên khắp quê hương đâu đâu cũng là những hố bom, mảnh đạn.

Thăm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Giữa núi rừng Việt Bắc, nơi từng là cái nôi của cách mạng, có một mái trường đặc biệt mà tên tuổi đã đi vào lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam như một mốc son lịch sử - Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Đây không chỉ là nơi đào tạo lớp phóng viên đầu tiên của nền báo chí cách mạng, mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước, của khát vọng truyền thông vì dân tộc, vì Tổ quốc.

Chuyện người lính trở về từ tuyến lửa

Xung phong đi bộ đội khi còn rất trẻ, lúc vừa tròn 18 tuổi. Vào chiến trường, ông tham gia chiến đấu ở chiến trường B5 - Bình Trị Thiên khói lửa và là một trong những người lính cuối cùng rút khỏi thành cổ Quảng Trị sau 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt... Người mà tôi muốn nói ở đây là cựu chiến binh Vũ Duy Tôn, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh. Trở về sau cuộc chiến, dù trên cương vị công tác nào hay trong cuộc sống đời thường, ông vẫn luôn thắp sáng ngọn lửa truyền thống, khí tiết của một người lính từng chiến đấu và trở về từ tuyến lửa...

Cải cách hành chính ở Hòa Bình - từ chạm nhỏ đến chuyển động lớn: Bài 4 - Kiến tạo hành chính, kết nối đầu tư

Hơn 1.000 dịch vụ công (DVC) trực tuyến toàn trình đã được tỉnh Hòa Bình tích hợp thành công trên Cổng DVC quốc gia. Nhưng con số ấy chỉ là phần nổi. Điều ẩn sâu, âm thầm mà bền bỉ là một tiến trình tái thiết thể chế hành chính từ gốc, bằng công nghệ, bằng con người và bằng chính sự thay đổi trong hành xử công quyền. Không còn rào cản thủ tục. Không còn "ngại” gặp cán bộ. Không còn những buổi đi lại mòn dép chỉ vì thiếu một dấu, một giấy. Khi nền hành chính trở nên thân thiện, minh bạch và hiệu quả, nó không chỉ tạo ra sự thuận tiện cho người dân, mà còn trở thành nền tảng đáng tin cậy để thu hút đầu tư, mời gọi phát triển. Hòa Bình đã không chọn cách "vẽ đường” cho nhà đầu tư bằng lời nói. Tỉnh chọn cách "dọn đường" bằng cải cách.

Cải cách hành chính ở Hòa Bình - từ chạm nhỏ đến chuyển động lớn: Bài 3 - Hành chính phục vụ - không ai bị bỏ lại

5 sở, 22 phòng chuyên môn, 6 đơn vị sự nghiệp bị xóa khỏi sơ đồ tổ chức bộ máy hành chính tỉnh Hòa Bình trong vòng chưa đầy 1 năm. Nhưng không ai "mất việc”. Và cũng không có một cuộc xáo trộn nào gây bức xúc trong dư luận. Thay vào đó là một bộ máy mới - tinh gọn, rõ người, rõ việc, được người dân mô tả bằng một cụm từ duy nhất - nhẹ: Nhẹ hơn trong thủ tục. Nhẹ hơn trong tiếp cận. Nhẹ cả trong thái độ của cán bộ tiếp dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục