Để hiện thực khát vọng đất nước thống nhất, cả triệu người con ưu tú ngã xuống, biết bao người bị địch bắt, tù đày. Giữa sự khốc liệt đó có những tình yêu đôi lứa với nhiều cung bậc cảm xúc.

Không chỉ là hẹn ước sắt son, tình yêu đó có lý tưởng, triết lý sống của thế hệ thanh niên trong cuộc chiến tranh giữ nước.

Các pano, áp phích cỡ lớn được trang hoàng tại giao lộ Nguyễn Văn Trỗi - Nguyễn Đình Chính (quận Phú Nhuận). Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức và Dân tộc

Tình yêu đó còn có ý thức, trách nhiệm, sự đồng cảm, sẻ chia của người phụ nữ trước những mất mát, thương tổn của người thương binh trở về từ tiền tuyến.

Sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm (2/2/1951) nên học cùng lớp tại Đại học Bách khoa Hà Nội, anh Cao Văn Thành - người trai Sầm Sơn, Thanh Hoá và Phan Thị Kim Song - cô gái đất Đức Thọ, Hà Tĩnh, cảm mến nhau rồi thầm yêu, trộm nhớ mà không dám bộc lộ. Tình yêu của họ là "nụ hôn trộm lên má, đến tay cũng không dám cầm" cho đến một ngày…

"Năm 1972, chiến trường miền Nam hết sức ác liệt, tôi là sinh viên năm thứ tư đã xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Lúc chia tay vào Nam, Song dặn: Anh chiến đấu dũng cảm. Em hứa chờ anh. Có thế nào đi nữa em vẫn lấy anh", ông Cao Văn Thành thuật lại.

Hồi tưởng thời gian hai người thường viết thư tay, hỏi thăm tin nhau qua đồng đội, qua sóng thông tin vô tuyến từ bạn bè đơn vị khác, ông Cao Văn Thành chia sẻ: "Gia đình, quê hương và tình yêu chính là sự động viên, là sức mạnh tinh thần giúp người chiến sỹ nơi tiền phương".

Bước hành quân vào Nam của anh Trung sỹ Cao Văn Thành cùng đồng đội trong Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 là những trận đánh dữ dội tại Mặt trận Quảng Trị, Cảng Cửa Việt, A Sầu, A Lưới cho đến Chiến dịch giải phóng Huế-Đà Nẵng năm 1975. Trong trận đánh cứ điểm Bạch Mã - vị trí chiến lược quan trọng của địch ở phía nam Huế, anh bị hơn 100 mảnh đạn bắn vào người, vào mắt, thương tích rất nặng, bệnh viện tiền phương phải chuyển về Hà Nội.

Thời điểm này, cô sinh viên Kim Song đang ôn thi thì nhận được một mẩu giấy ghi: "Song, anh bị thương, mới chuyển ra Bắc. Nhưng em cứ yên tâm học cho tốt". Bàng hoàng đọc những dòng chữ nguệch ngoạc, Song từ Đại học Bách khoa tới Bệnh viện Quân y 109 rồi Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tìm anh. Vào nơi anh điều trị, các thương binh cùng phòng gọi: "Thành, có người nhà đến kìa". "Ai?", một thương binh nằm trên giường hỏi lại. Đáp: "Song". Nghe thế, anh nhổm dậy.

Song tiến tới. Nhìn người thương binh băng bó toàn thân với "mùi vết thương da thịt loét ra", Song nói giọng lạc đi: "Em là Song đây". "Không, tiếng nói của Song khác cơ. Đừng lừa anh vì Song không thể biết anh đang ở đây", người thương binh đáp.

Rồi anh khóc, đôi mắt băng kín nhưng nước mắt cứ chảy ra. Mọi người nói đôi mắt anh lúc này khoét hết rồi, đừng khóc kẻo làm ảnh hưởng đến vết thương. Cô sinh viên cố gắng kìm nén những giọt lệ. Nhìn cảnh thắt lòng ấy, các thương binh bật khóc. Các y, bác sỹ trong phòng cũng không cầm được nước mắt. Tiếng khóc như mưa gió.

"Lúc ấy tôi tự nhủ tình thương, tình yêu vượt lên tất cả. Và vì là người phụ nữ Việt Nam, mình phải giữ trọn lời hứa với người bạn lên đường chiến đấu cho Tổ quốc", bà Kim Song hồi nhớ.

Những ngày ở trong viện, được người yêu động viên và biết nhiều đồng đội khác còn đáng thương hơn mình, anh Thành lạc quan hơn, dần lấy lại niềm tin và nghị lực sống. Đầu năm 1976, họ quyết định làm đám cưới.

"Ban đầu, tôi không dám đón nhận tình yêu vì sợ Song khổ, thiệt thòi nhưng cô quyết định lấy tôi. Khi đăng ký kết hôn mới biết cả hai sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm. Một sự trùng hợp. Mọi người nói chúng tôi là trời sinh một cặp", ông Thành cười chia sẻ.

Ánh mắt đầy thương yêu nhìn về phía chồng, bà Kim Song nói, khi quyết tâm lấy "anh thương binh 1/4", bố khóc, mẹ khóc, em gái khóc. "Trong đám cưới, bố tôi lên phát biểu, vừa nói vừa khóc: Con mình yêu một người chiến sỹ cách mạng như thế, mình lại là một cán bộ trong quân đội thì phải động viên con thôi. Biết làm thế nào bây giờ", bà Kim Song nhớ lại những sóng gió.
Năm 1976, vợ chồng họ sinh người con đầu lòng liền đặt tên là Chung Thuỷ để kỷ niệm mối tình son sắt. Nhưng họ không ngờ vẫn còn bão tố. Cô bé rất xinh đẹp nhưng không biết nói. Chạy chữa khắp nơi mà không được. Giáo sư Nguyễn Tài Thu châm cứu cho Chung Thuỷ 1 tháng liên tục nhưng tình hình không thay đổi. Sau đó họ mới biết cô bé bị ảnh hưởng chất độc da cam.

"Chắc do những năm tháng tôi chiến đấu ở A Sầu A Lưới - nơi Mỹ rải xuống rất nhiều chất độc da cam", ông Thành kể.

"Có những lúc thèm quá, tôi ôm con bảo: Chung Thuỷ ơi, sao con là giọt máu của bố mẹ sinh ra mà không gọi mẹ một tiếng mẹ ơi", bà Kim Song lặng lẽ nói.

Những năm 1980, tại một Hội nghị điển về thương binh nặng toàn quốc, khi nghe Phan Thị Kim Song báo cáo về câu chuyện tình của hai vợ chồng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nguyễn Thị Định tiến về phía người vợ thương binh ấy, bà ôm lấy và xúc động nói: "Sao cuộc đời con khổ thế con".

Gần 50 năm qua, bà Kim Song không chỉ là vợ mà còn là người bạn tâm giao, người y tá tận tâm của thương binh Cao Văn Thành. Sự đồng hành của bà là cùng chồng vượt qua những cơn đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần, giúp đỡ và hỗ trợ chồng trong cuộc sống và công việc. Bà là đôi mắt, đôi tai, người đứng giữa. "Vì bố nói thì con không nghe thấy. Con ra hiệu thì bố không nhìn thấy", bà Kim Song cười nhẹ.

"Tôi cũng muốn được ngồi sau xe đạp để chồng đèo, muốn chồng thấy vợ con. Tôi đặt vấn đề là nhường chồng một bên mắt để anh nhìn được nhưng các bác sỹ trả lời, ta chưa làm được việc đó", bà Kim Song nói.

Theo bà Song, rất may hai người con sinh ra sau này khôn lớn, trưởng thành đã hỗ trợ bố mẹ một phần áp lực cuộc sống. Cũng như trước, họ đặt tên cho hai con là Việt và Tường Vân để nhớ tới những ngày tháng ông Thành chiến đấu ở Cảng Cửa Việt (Quảng Trị) và làng Tường Vân (Huế). Đó cũng là những cái tên gắn bó với nhiều điểm chung của hai vợ chồng.

Lắng nghe những chia sẻ của vợ, ông Thành khẽ đọc:

Hôm đầu tiên em đến bên giường tôi
Chỉ đứng lặng nhìn thôi mà không khóc
Tôi không nhìn vào mắt em
Mắt em không khóc nhưng trong lòng em đau đớn vô cùng
Từng cơn bão tố, từng đợt sóng trào dâng
Tất cả đang dội vào trong lòng em đó
Nắm tay tôi, em khẽ nói: Vui lên anh, em luôn mãi bên anh
Lòng chung thuỷ làm tim tôi se lại
Không biết hôm nay em mặc áo màu gì
Tím hay xanh, tóc em tết đuôi sam hay trải dài sau lưng áo
Nhìn lên trời cao, em thấy đôi én lượn
Anh cũng nghe tiếng hát của mùa xuân

"Tôi làm những câu thơ này tặng cô ấy thủa đó. Chiến tranh là cuộc thử thách nghiêm khắc nhất. Chiến tranh là mất mát, hy sinh. Anh tôi hy sinh ở Khe Sanh năm 1969. Nửa thế kỷ trôi qua, thế hệ chúng tôi vượt qua mưa bom bão đạn, vượt lên nỗi đau về thể xác, tinh thần, giữa ranh giới của sinh ly tử biệt, biết bền bỉ thương yêu, đỡ đần nhau. Biết cần phải sống trong những cuộc đời tưởng như không sống nổi", ông Cao Văn Thành chia sẻ.

Bài cuối: Ta xây lại đất nước đẹp hơn

Theo TTXVN

Các tin khác


Chuyện người lính trở về từ tuyến lửa

Xung phong đi bộ đội khi còn rất trẻ, lúc vừa tròn 18 tuổi. Vào chiến trường, ông tham gia chiến đấu ở chiến trường B5 - Bình Trị Thiên khói lửa và là một trong những người lính cuối cùng rút khỏi thành cổ Quảng Trị sau 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt... Người mà tôi muốn nói ở đây là cựu chiến binh Vũ Duy Tôn, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh. Trở về sau cuộc chiến, dù trên cương vị công tác nào hay trong cuộc sống đời thường, ông vẫn luôn thắp sáng ngọn lửa truyền thống, khí tiết của một người lính từng chiến đấu và trở về từ tuyến lửa...

Tỉnh Hoà Bình - nơi hội tụ những nét văn hoá, lịch sử độc đáo, bản sắc: Bài 13 - Thủy điện Hòa Bình - tự hào “công trình thế kỷ”

Không chỉ vào dịp đầu năm hay ngày lễ, Tết, mà hàng ngày, Nhà máy thủy điện Hòa Bình luôn là điểm đến tham quan, chiêm ngưỡng, tìm hiểu của du khách trong và ngoài tỉnh. Ước tính mỗi năm có trên 60.000 lượt du khách đến tham quan. Đến đây, ngoài việc được thăm các tổ máy, lên đỉnh đập ngắm lòng hồ, du khách còn được lên thắp hương, vãn cảnh trên Tượng đài Bác Hồ, khu Đài tưởng niệm, bảo tàng, nơi đặt bức thư của những người lao động trên công trình thế kỷ "Gửi thế hệ mai sau”… Du khách không khỏi xúc động bởi những câu chuyện, hình ảnh của những người làm thủy điện Hòa Bình - công trình thủy điện tầm cỡ của Việt Nam trong thế kỷ XX…

Cải cách hành chính ở Hòa Bình - từ chạm nhỏ đến chuyển động lớn: Bài 4 - Kiến tạo hành chính, kết nối đầu tư

Hơn 1.000 dịch vụ công (DVC) trực tuyến toàn trình đã được tỉnh Hòa Bình tích hợp thành công trên Cổng DVC quốc gia. Nhưng con số ấy chỉ là phần nổi. Điều ẩn sâu, âm thầm mà bền bỉ là một tiến trình tái thiết thể chế hành chính từ gốc, bằng công nghệ, bằng con người và bằng chính sự thay đổi trong hành xử công quyền. Không còn rào cản thủ tục. Không còn "ngại” gặp cán bộ. Không còn những buổi đi lại mòn dép chỉ vì thiếu một dấu, một giấy. Khi nền hành chính trở nên thân thiện, minh bạch và hiệu quả, nó không chỉ tạo ra sự thuận tiện cho người dân, mà còn trở thành nền tảng đáng tin cậy để thu hút đầu tư, mời gọi phát triển. Hòa Bình đã không chọn cách "vẽ đường” cho nhà đầu tư bằng lời nói. Tỉnh chọn cách "dọn đường" bằng cải cách.

Cải cách hành chính ở Hòa Bình - từ chạm nhỏ đến chuyển động lớn: Bài 3 - Hành chính phục vụ - không ai bị bỏ lại

5 sở, 22 phòng chuyên môn, 6 đơn vị sự nghiệp bị xóa khỏi sơ đồ tổ chức bộ máy hành chính tỉnh Hòa Bình trong vòng chưa đầy 1 năm. Nhưng không ai "mất việc”. Và cũng không có một cuộc xáo trộn nào gây bức xúc trong dư luận. Thay vào đó là một bộ máy mới - tinh gọn, rõ người, rõ việc, được người dân mô tả bằng một cụm từ duy nhất - nhẹ: Nhẹ hơn trong thủ tục. Nhẹ hơn trong tiếp cận. Nhẹ cả trong thái độ của cán bộ tiếp dân.

Cải cách hành chính ở Hòa Bình - từ chạm nhỏ đến chuyển động lớn: Bài 2 - Một chạm, vạn thay đổi

1.482 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với gần 13.000 thành viên trên toàn tỉnh. Ở Hòa Bình, người dân không đơn độc trước công nghệ. Từ những xóm Mường ven suối đến vùng cao đất đá như Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu), mỗi tổ công nghệ số là một "người bạn” giúp người dân khai hồ sơ online, tạo tài khoản VNeID, nộp giấy tờ không cần giấy. Những cú "chạm” tưởng chừng xa lạ ấy đang dần trở thành thói quen hàng ngày, thay đổi cách người dân nhìn về chính quyền.

Cải cách hành chính ở Hòa Bình - từ chạm nhỏ đến chuyển động lớn: Bài 1 - Lặng lẽ nhưng quyết liệt

Không phải những con số biết nói. Không phải chỉ số PAR Index tăng 30 bậc sau 3 năm… Điều khiến người dân Hòa Bình nhớ và tin hơn cả là ánh mắt thân thiện của cán bộ "một cửa”, là lời xin lỗi nơi phòng tiếp dân, là tiếng gõ bàn phím thay cho tiếng thở dài vì thủ tục rườm rà. Cải cách hành chính (CCHC) ở Hòa Bình khởi nguồn bằng văn bản nhưng đánh dấu sự bắt đầu từ thay đổi rất nhỏ - cách hành xử của chính quyền. Cũng từ đó, một nền hành chính phục vụ được dựng nên từng ngày.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục