Giữa núi rừng Việt Bắc, nơi từng là cái nôi của cách mạng, có một mái trường đặc biệt mà tên tuổi đã đi vào lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam như một mốc son lịch sử - Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Đây không chỉ là nơi đào tạo lớp phóng viên đầu tiên của nền báo chí cách mạng, mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước, của khát vọng truyền thông vì dân tộc, vì Tổ quốc.
Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (xã Tân Thái, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) là điểm đến của nhân dân và những người làm báo cả nước.
Chúng tôi có dịp trở lại xã Tân Thái, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên - nơi đặt ngôi trường đặc biệt cách đây hơn 75 năm. Khu di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng nằm ẩn mình giữa rừng xanh, yên bình nhưng mỗi hiện vật nơi đây đều gợi nhắc ký ức một thời hào hùng.
Ngôi trường được thành lập ngày 4/4/1949, giữa thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn ác liệt. Trong bối cảnh đất nước cần một lực lượng báo chí đủ sức tuyên truyền, định hướng và cổ vũ toàn dân kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương mở lớp đào tạo những cán bộ làm báo chuyên nghiệp, từ đó, trường báo đầu tiên của cách mạng Việt Nam ra đời.
Ban Giám đốc trường được chỉ định thành lập gồm 5 người. Trong đó, Giám đốc là nhà báo Đỗ Đức Dục, Phó Giám đốc là nhà báo Xuân Thủy, ủy viên là các nhà báo: Như Phong, Đồ Phồn, Tú Mỡ.
Do hoàn cảnh kháng chiến, trường chỉ tổ chức được duy nhất một khóa học ngắn hạn, khai giảng ngày 4/4/1949 và bế giảng ngày 6/7/1949 (theo tư liệu của Bảo tàng Báo chí Việt Nam). Học viên gồm 42 người, 29 giảng viên tham gia giảng dạy đều là những đồng chí lãnh đạo giàu kinh nghiệm chính trị và phong phú lý luận, thực tiễn, là những nhà hoạt động văn hóa văn nghệ có tên tuổi như: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Nguyễn Thành Lê, Quang Đạm, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao…
Lớp học báo khi đó được tổ chức đơn sơ trong một lán tre giữa rừng. Không bảng đen, không bàn ghế, không giáo trình cố định, mọi thứ đều rất thô sơ. Thế nhưng, chính trong hoàn cảnh thiếu thốn ấy, tinh thần học tập và khát vọng cống hiến lại bừng cháy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Điều quý giá nhất là tinh thần đồng cam cộng khổ, học đi đôi với hành. Học viên ban ngày lao động sản xuất, tối về học lý thuyết và thực hành viết bài. Nhiều tác phẩm viết tại lớp đã được đăng ngay trên các tờ báo chiến khu, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, góp phần cổ vũ phong trào kháng chiến.
Giảng viên của lớp học không chỉ là cán bộ cao cấp, các nhà báo kỳ cựu như Trường Chinh, Tô Hoài, Xuân Thủy, mà còn có cả Chủ tịch Hồ Chí Minh - người luôn quan tâm, theo dõi sát sao từng bước trưởng thành của lớp học. Với phong cách giản dị, dễ hiểu và sâu sắc, các bài giảng của Bác về đạo đức nghề báo, cách viết ngắn gọn, dễ hiểu đã đi vào lịch sử như những bài học kinh điển.
Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng dù chỉ hoạt động trong ba tháng nhưng đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Từ mái trường này, nhiều học viên sau đó trở thành những nhà báo, nhà lãnh đạo ngành báo chí, góp phần định hình và phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Vào đầu tháng 1/2024, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Thái Nguyên và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam triển khai tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Việc tu bổ, tôn tạo di tích này có ý nghĩa rất quan trọng ghi dấu một phần lịch sử thiêng liêng của nghề báo, là "địa chỉ đỏ” của báo chí cách mạng Việt Nam, là công trình mang tính nghệ thuật, văn hóa và lịch sử.
Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng gồm 3 hạng mục: Nhà Tổng bộ Việt Minh phỏng dựng, xây mới theo kiến trúc nhà sàn truyền thống; Nhà dạy học làm báo 2 tầng, được xây mới trên cơ sở thiết kế theo hình ảnh tư liệu và các hạng mục khác như nhà bia, tường rào, cổng, nhà bảo vệ… xây dựng trên diện tích 859m2.
Sau gần 7 tháng thi công, công trình hoàn thành đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật. Từ đó đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam và tỉnh Thái Nguyên từng bước khai thác, phát huy hiệu quả những giá trị lịch sử to lớn của di tích.
Hiện nay, khu di tích lịch sử quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng trở thành nơi tham quan, học tập của những người làm báo trong cả nước và nhân dân. Nhiều trường đào tạo báo chí đã tổ chức cho sinh viên về đây thực tế, học tập và ôn lại truyền thống, giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về những gian khổ, hy sinh của lớp cha anh đi trước.
Hồng Trung
1.482 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với gần 13.000 thành viên trên toàn tỉnh. Ở Hòa Bình, người dân không đơn độc trước công nghệ. Từ những xóm Mường ven suối đến vùng cao đất đá như Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu), mỗi tổ công nghệ số là một "người bạn” giúp người dân khai hồ sơ online, tạo tài khoản VNeID, nộp giấy tờ không cần giấy. Những cú "chạm” tưởng chừng xa lạ ấy đang dần trở thành thói quen hàng ngày, thay đổi cách người dân nhìn về chính quyền.
Không phải những con số biết nói. Không phải chỉ số PAR Index tăng 30 bậc sau 3 năm… Điều khiến người dân Hòa Bình nhớ và tin hơn cả là ánh mắt thân thiện của cán bộ "một cửa”, là lời xin lỗi nơi phòng tiếp dân, là tiếng gõ bàn phím thay cho tiếng thở dài vì thủ tục rườm rà. Cải cách hành chính (CCHC) ở Hòa Bình khởi nguồn bằng văn bản nhưng đánh dấu sự bắt đầu từ thay đổi rất nhỏ - cách hành xử của chính quyền. Cũng từ đó, một nền hành chính phục vụ được dựng nên từng ngày.
Nằm ở phần Đông Bắc của quần đảo Cô Tô, thuộc xã Thanh Lân, huyện Cô Tô (Quảng Ninh), đảo Trần chỉ cách hải phận Trung Quốc chừng 4 - 5 km nên được ví như "con mắt” trấn giữ cửa ngõ vịnh Bắc Bộ. Để đến thăm đảo, thời gian phù hợp vào tháng 3 - 5 hàng năm, khi thời tiết miền Bắc ấm dần, biển khá êm đềm, ít sóng lớn.
Theo các chuyên gia kinh tế, Hòa Bình có vị trí thuận lợi là trung tâm kết nối giữa Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh Tây Bắc. Đây là cầu nối, bệ đỡ cho sự phát triển cả vùng Tây Bắc, bởi nơi đây có những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và khát vọng vươn mình mạnh mẽ.
Không phải tự nhiên mà ngay sau khi quay trở lại xâm lược nước ta năm 1946, thực dân Pháp đã nhanh chóng đánh chiếm tỉnh Hòa Bình và lập phòng tuyến sông Đà, bởi Hòa Bình chính là địa bàn có vị trí chiến lược cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh.
Hòa cùng dòng chảy lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc, đồng bào các dân tộc ở Hòa Bình đã sắt son một lòng, đoàn kết, gắn bó keo sơn, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đồng hành cùng cả dân tộc Việt Nam trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước...