Đoàn cán bộ, PV Báo Hòa Bình thăm Bảo tàng chứng tích chiến tranh ở thành phố Hồ Chí Minh

Đoàn cán bộ, PV Báo Hòa Bình thăm Bảo tàng chứng tích chiến tranh ở thành phố Hồ Chí Minh

(HBĐT) - Thành phố Hồ Chí Minh - lần đầu tiên chúng tôi đến. Vừa lạ lẫm, vừa thấy thân quen. Lạ vì phố xá, còn ký ức về đại thắng mùa xuân năm 1975 vẫn như gần gũi, quen thuộc. Bây giờ, sau 35 năm, trên hành trình xuyên Việt, chúng tôi đã đặt chân đến điểm cuối của cuộc chiến tranh đã được sống trong không khí, niềm vui của ngày chiến thắng.

 

> Bài 1 - Xa miền gió lạnh  

> Bài 2 - Ghi ở nghĩa trang Trường Sơn

> Bài 3 - Dọc đường chiến thắng

 

 

Đến thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày chuẩn bị kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, suốt dải Bắc - Nam, nơi đâu chúng tôi cũng cảm thấy bước chân thần tốc của những chiến sỹ giải phóng quân. Xin được nhắc lại diễn biến chính của điểm cuối cuộc hành trình đến chiến thắng trên thành phố mang tên Bác.

 

Bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh với tư tưởng thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, để chuẩn bị cho tổng tiến công, chỉ trong một thời gian ngắn, ta đã huy động một lực lượng lớn hơn bất cứ chiến dịch nào so với các chiến dịch trước đây và với một khí thế, khát khao đấu tranh, chiến thắng giải phóng miền Nam, giải phóng dân tộc mạnh mẽ. Trên tinh thần chiến đấu một ngày bằng 20 năm, ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị đã đề ra quyết tâm giải phóng miền Nam và đặt tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định là chiến dịch Hồ Chí Minh. Chiến dịch Hồ Chí Minh chính là cái ước nguyện lúc sinh thời Người hằng tâm nguyện. Cả dân tộc từ Bắc đến Nam cùng hướng về tiền tuyến. Trên mọi ngả đường, đích đến sau 20 năm chờ đợi đang ở rất gần phía trước. Ngày giải phóng ở phía trước và ai cũng háo hức mong chờ giây phút lịch sử khi lá cờ giải phóng tung bay trên dinh Độc Lập. Một người đàn ông mà phần tóc bạc đã lấn gần hết phần đen mà tôi chẳng kịp hỏi tên, chỉ loáng thoáng nghe những người cùng đoàn gọi ông là Lâm. ông đã từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh mà chúng tôi gặp tại Dinh Thống Nhất trong những ngày tháng 3 lịch sử đã giãi bày. ông quê mãi ở ngoài Bắc, nơi vùng đất địa đầu của Tổ quốc, vùng đất Lạng Sơn. Đây là lần thứ hai ông đến thành phố Hồ Chí Minh. Có điều đặc biệt là cả hai lần ông đếu đến cùng với những đồng chí, đồng đội cùng vào sinh ra tử dưới hòn tên mũi đạn. Ông bảo: Lần thứ nhất, mình đến đây khi còn là trai trẻ, mình đến để giải phóng non sông, đất nước quy về một mối. Còn lần này mình đến đây với tư thế ngẩng cao đầu hiên ngang và tự hào. Tự hào về những gì mình đã tham gia, tự hào là vì mình là người chiến thắng.

 

Không thể nói hết được niềm vui của những người như ông Lâm - những người con bình dị từ các miền quê bình dị đã làm nên một chiến thắng lẫy lừng mà lịch sử sẽ còn mãi nhắc đến. Vĩ tuyến 17 - sông Bến Hải, cầu Hiền Lương sẽ mãi là vết cắt, là định giới chia rẽ hai miền Nam - Bắc nếu không có chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975. Quay trở lại với chiến dịch lịch sử - chiến dịch Hồ Chí Minh, trong những ngày đầu tháng 3, tháng 4/1975, khi thời cơ nối tiếp thời cơ, chiến dịch mở ra chiến dịch, ta đã xác định trận quyết chiến chiến lược giữa ta và địch đã bắt đầu. Khởi đầu cho chiến dịch, ngày 8/4/1975, không quân của ta do Nguyễn Thành Trung chỉ huy một phi đội máy bay chiến đấu đã ném bom sân bay Tân Sân Nhất, Dinh Độc Lập. Ngay hôm sau (9/4), ta tiến đánh địch ở Xuân Lộc. Ngày 16/4, ta đập tan lá chắn thép của địch ở Phan Rang (Ninh Thuận), bắt sống 2 tướng và toàn bộ Bộ chỉ huy tiền phương của địch ở đây. Đến ngày 18/4, Tổng thống Mỹ khi đó là G.Ford đã phải ra lệnh di tản người Mỹ khỏi Việt Nam. Đến ngày 20/4, Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu từ chức và đến ngày 23/4 người Mỹ đã chính thức phủi tay bỏ rơi chính phủ VNCH khi tuyên bố chiến tranh kết thúc, không thể giúp chính phủ Nam Việt Nam. Những chiến thắng đó đã diễn ra cùng lúc với quân giải phóng đang từng bước chiếm lĩnh các vị trí xuất phát để tiến công vào giải phóng Sài Gòn.

 

Thời khắc lịch sử đó như một phiến bền chắc vẫn còn tồn tại trong trái tim của cả một thế hệ. Đúng 17 giờ ngày 26/4/1975, cuộc tổng công kích đánh chiếm Sài Gòn bắt đầu. Các mục tiêu tấn công của ta ngập chìm trong bão lửa, binh lính ngụy hoảng loạn vứt súng, bỏ vị trí chiến đấu chỉ biết tìm đường chạy thoát thân. Trong trận đánh cuối cùng để kết thúc gần 11.000 ngày đêm đi trong mưa bom, bão đạn của quân thù, dân tộc ta đã đi đến chiến thắng. Đúng 11h 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ giải phóng đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, kết thúc 30 năm chiến tranh gian khổ, ác liệt anh dũng và kiên cường của những thế hệ người Việt Nam.

 

Cho đến bây giờ, đã 35 năm qua đi nhưng khi nói chuyện với chúng tôi, người lính một thời xông pha trận mạc đã không giấu sự tự hào: Nếu có sống và trải qua thời kỳ chiến đấu gian khổ thì mới thấm thía và thấy được hết giá trị của  độc lập, tự do. Điều đó cả dân tộc và cả thế hệ chúng tôi đã không tiếc máu xương, không tiếc tuổi thanh xuân để đi tìm lại chân lý, giành lấy tự do cho dân tộc mình. Chúng tôi tự hào lắm khi mình là những người tham gia chiến đấu trong thời khắc cuối cùng, thời khắc chiến thắng.

 

35 năm trôi qua, Dinh Độc Lập nơi biểu trưng cho quyền lực của Mỹ - ngụy tại miền Nam Việt Nam giờ đã trở thành một điểm hẹn văn hóa, là nơi mà những người như ông Lâm và cả những người cựu chiến binh Mỹ đi tìm lại chính mình thời trai trẻ. Với tôi, những người CCB Mỹ bây giờ là những người bạn thân thiện, dễ mến. Còn quá khứ ư! Hãy để cho nó mãi mãi trở thành niềm tự hào của cả một dân tộc anh hùng, một cựu chiến binh đã nói với chúng tôi như vậy.  

 

Dẫu vậy, trong suốt 35 năm qua, chiến tranh vẫn chưa kết thúc ở một nơi, đó là Bảo tàng chứng tích chiến tranh. Hàng nghìn tư liệu, hiện vật lịch sử, hàng nghìn bức tranh do các phóng viên trong và ngoài nước ghi lại trong cuộc chiến tranh đã nói lên sự ác liệt, tàn khốc của chiến tranh. Cũng đã từng là một người lính, nên đồng chí Phó TBT Báo Hòa Bình Đồng Thế Hưng đã phải thảng thốt: Dù đã từng là người lính, cũng đã tham gia vào các chiến trường, nhưng tôi cũng không thể hình dung được chiến tranh lại tàn khốc đến như vậy!

 

Đúng là nói về chiến tranh mà không đến Bảo tàng chứng tích chiến tranh thì chẳng thể hiểu về cuộc chiến. Về bản lĩnh, sức mạnh của con người Việt Nam trong chiến tranh ác liệt và trước sự tàn bạo đến thảm khốc mà chiến tranh đã mang đến. Tổng kết 30 năm chiến tranh, cả nước đã có khoảng 3 triệu người chết, hàng triệu người bị thương, ảnh hưởng bởi chiến tranh. Còn ở phía bên kia chiến tuyến, có hơn 58.000 lính Mỹ đã bị chết trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Giám đốc Bảo tàng chứng tích chiến tranh Huỳnh Ngọc Vân cho biết: Bảo tàng chứng tích chiến tranh là một bảo tàng khá đặc biệt, là nơi lưu giữ những chứng tích, tội ác của Mỹ - ngụy đối với người dân Việt Nam, nhưng không phải là để khơi sâu thêm hận thù của quá khứ, hận thù của dân tộc mà nó đã trở thành cầu nối để nhiều người tìm lại được chính mình và khi đến đây bản thân họ như đã được xưng tội và sám hối. Đây cũng là một bảo tàng, đặc biệt là số lượng du khách là người nước ngoài đến đây rất đông, trong số đó có cả những người trước đây đã từng cầm súng chống lại dân tộc Việt Nam.

 

Chiến tranh, có lẽ chẳng bao giờ có thể hình dung được sự khủng khiếp của nó. Nhưng giờ đây, chúng tôi lại đang cảm nhận rất rõ niềm vui chiến thắng cách đây 35 năm về trước. Chiến thắng đó đã trở thành ngọn nguồn của mọi niềm vui và hơn thế nữa, chiến thắng đó đã mở ra con đường phát triển mạnh mẽ của Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh. Được có mặt ở thành phố Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian này, chúng tôi cứ vương vấn mãi một niềm vui khó tả. Chẳng biết có phải là niềm vui chiến thắng của ngày 30/4/1975 vẫn còn đọng lại. Giữa phố xá phồn hoa của thành phố Hồ Chí Minh, chợt nghe đâu đó một giai điệu quen thuộc "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng". Có lẽ giai điệu đó được phát ra từ một ngôi nhà nhỏ nằm khuất trong góc phố yên bình với những người lính vẫn còn mang những ký ức đẹp về ngày vui đại thắng 30/4 cách đây 35 năm trước.

 

                                                                                            

Bài 5 - Sắc màu Nam bộ

 

                                                                   Mạnh Hùng

Các tin khác


Đường Hồ Chí Minh từ kỳ tích đến mạch máu đất nước - Bài cuối: Đi tới tương lai thịnh vượng

Đất nước thống nhất, sứ mệnh của đường mòn Trường Sơn đã hoàn thành. Nhưng một ước muốn lại cháy bỏng, đó là phát huy giá trị của tuyến đường lịch sử này trong phát triển kinh tế - xã hội hôm nay. Ước vọng đó thành hiện thực khi ngày 5/4/2000, tại bến phà Xuân Sơn, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng Chính phủ đã phát lệnh khởi công xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh.

Đường Hồ Chí Minh từ kỳ tích đến mạch máu đất nước - Bài 2: Bản anh hùng ca Trường Sơn

Trong số hơn 10 vạn bộ đội và hơn 1 vạn thanh niên xung phong ở đường Trường Sơn huyền thoại, nữ chiến sỹ chiếm số lượng trên 10%, lúc cao nhất có gần 2 vạn nữ chiến sỹ. Nhiều cô gái ra trận đã hy sinh ở tuổi mười tám đôi mươi, với những ước mơ, dự định còn dang dở.

Đường Hồ Chí Minh từ kỳ tích đến mạch máu đất nước - Bài 1: Khởi đầu một huyền thoại

65 năm trước, Đường Trường Sơn kết nối hai miền Bắc, Nam đi vào lịch sử như một kỳ tích của dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Về Hà Giang ăn cháo... Ấu Tẩu

Đến Hà Giang mà chưa đi cao nguyên đá Đồng Văn, chưa ăn miếng thịt to, chưa uống bát rượu đầy, chưa ăn bát cháo độc dược... thì coi như chưa đến. Anh bạn đồng nghiệp đã khẳng định chắc nịch ngay khi chúng tôi vừa đặt chân lên mảnh đất này.

Đường Trường Sơn huyền thoại

Những ngày tháng 5 lịch sử, trong không khí hào hùng kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn mở đường (19/5/1959 - 19/5/2024), Trung tá Nguyễn Tài Ba, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Hòa Bình lại cùng đồng đội ôn lại quãng thời gian được cống hiến, hy sinh, những ngày hành quân mở đường, giữ đường, đánh địch, bảo vệ huyết mạch giao thông để bộ đội ta chi viện cho tiền tuyến, giải phóng miền Nam.

Nhà tù Sơn La - “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng

Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La - nơi được ví như "địa ngục trần gian” do thực dân Pháp xây dựng đã từng giam cầm, đày ải những người yêu nước và chiến sỹ cộng sản. Ngày nay, di tích này là "địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trong cả nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục