Phòng Cảnh sát Hình sự được giao nhiệm vụ là đơn vị chủ công trong vụ án. Đại tá Bùi Hải Đường, Trưởng phòng cho biết: Việc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh khởi tố vụ án, khởi tố bắt tạm giam 3 bị can mới chỉ là bước đầu. Giai đoạn căng thẳng nhất của vụ án là chiều 29/5, trong 18 bệnh nhân chạy thận nhân tạo thì có 6 người bệnh tử vong, 2 người tiên lượng rất xấu, 10 người khác được chuyển đến bệnh viện TP Hòa Bình để điều trị tiếp. Lúc này, hơn 100 người nhà bệnh nhân đã vây kín bệnh viện, yêu cầu những người có trách nhiệm phải đối chất. Nếu không bình tĩnh và có cách giải quyết hợp lý thì sự việc có thể rất khó kiểm soát, gây áp lực cho các bác sỹ đang cứu chữa bệnh nhân.
Đại tá Phạm Hồng Tuyến, Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với các ngành chức năng khẩn trương điều tra làm rõ vụ án.
Trước tình hình trên, lãnh đạo Công an tỉnh đã báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ. Các mũi công tác đặc biệt do các đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh dẫn đầu đã đến 4 huyện, thành phố nơi có bệnh nhân tử vong để phối hợp với chính quyền ổn định tình hình, động viên, chia sẻ với gia đình các nạn nhân, đồng thời làm tốt công tác đảm bảo ANTT, công tác chính sách, không để xảy ra tình huống đột xuất bất ngờ.
Công việc rất quan trọng trong quá trình điều tra làm rõ vụ án chính là khám nghiệm tử thi. Dư luận lúc đó nhận định là sốc phản vệ, nhưng cũng có ý kiến cho rằng với triệu chứng giống nhau đó là ngộ độc tập thể… Nếu để lâu, các chất có thể bị chuyển hóa, vì vậy công tác khám nghiệm cần làm ngay trong đêm 29/5.
Sự việc xảy ra quá bất ngờ, những người tử vong không kịp trăng trối với gia đình khiến người thân hụt hẫng và sốc, phản ứng việc khám nghiệm tử thi. Lực lượng Công an phải kiên trì vận động, thuyết phục và được sự đồng thuận của 5 gia đình có người thân tử vong.
Khó khăn nhất chính là trường hợp khám nghiệm tử thi ở huyện Cao Phong. Dù đã được vận động nhưng người nhà vẫn đưa xác nạn nhân về để mai táng. Theo phong tục địa phương, nếu đã an táng rồi thì không được đào mộ lên nữa, vì theo quan niệm, điều này không may mắn cho gia đình. Với kinh nghiệm nhiều năm làm lính hình sự, đại tá Nguyễn Thành, Phó Giám đốc Công an tỉnh đã trực tiếp đến gia đình nạn nhân. Công tác khám nghiệm tử thi được tiến hành ngay tại nhà nạn nhân. Có lẽ vì quá sốc khi người thân đột ngột ra đi, con trai bệnh nhân đã không đồng ý cho khám nghiệm, mổ tử thi. Phải mất hơn 1 giờ đồng hồ thuyết phục, gia đình mới ký giấy cho khám nghiệm.
Đại tá Phạm Văn Sử, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã dựng lại hiện trường, thực nghiệm điều tra trước sự chứng kiến của đại diện bệnh viện để xác định làm rõ nguyên nhân vụ án 8 người tử vong trong khi chạy thận nhân tạo. Những điều tra, trinh sát viên dày dạn kinh nghiệm được lựa chọn để điều tra vụ án. Đặc biệt, ngay từ giai đoạn đầu, Công an tỉnh đã nhận được sự chỉ đạo kịp thời của Tổng cục Cảnh sát. Ngày 30/5, trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng cục trưởng có mặt tại tỉnh Hòa Bình chỉ đạo điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, cuối tháng 4/2017, hệ thống lọc nước RO2 và RO mini đến định kỳ bảo dưỡng nâng cấp, nhân viên của Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đề xuất với Phòng vật tư thiết bị y tế bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO2 của khoa. Trần Văn Sơn là cán bộ của Phòng Vật tư thiết bị y tế được giao nhiệm vụ quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng đối với máy lọc đã trực tiếp đến phòng xử lý nước để kiểm tra và phát hiện hệ thống lọc nước RO số 2 bị hỏng bộ phận khởi động nên tự đi mua 1 bộ khởi động tương tự về thay thế. Qua kiểm tra, Sơn đề xuất thay thế vật tư và đã được duyệt. Sơn đã trực tiếp trao đổi với Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn, có trụ sở ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội là đơn vị hợp đồng với Bệnh viện Đa khoa tỉnh để bảo trì, sửa chữa thiết bị tại đơn nguyên Thận nhân tạo, Khoa Hồi sức tích cực. Tuy nhiên, Công ty Thiên Sơn không trực tiếp làm mà ký hợp đồng với Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh do Bùi Mạnh Quốc làm Giám đốc với nội dung bán, lắp đặt, thay thế vật liệu lọc RO số 2 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Sáng 28/5, trước ngày xảy ra sự cố y khoa nghiêm trọng, Bùi Mạnh Quốc đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để thực hiện hợp đồng. Sau đó, Quốc và Sơn cùng kiểm tra số lượng, chất lượng, mẫu mã vật tư theo hợp đồng đã ký. Tiếp đó, Quốc tiến hành các thao tác kỹ thuật thay thế vật liệu. Khoảng 18h30 phút cùng ngày, Quốc gọi điện thoại cho Sơn thông báo đã sửa chữa xong nhưng do Sơn không có mặt tại đó nên đã gọi điện cho điều dưỡng viên của khoa nói là hệ thống nước đã sửa chữa, bảo dưỡng xong, đề nghị chị này khóa cửa phòng nước.
Sáng 29/5, bác sĩ Hoàng Công Lương là người được giao phụ trách chuyên môn, điều trị đã ra y lệnh chạy thận cho từng bệnh nhân thì xảy ra sự cố nêu trên. Quá trình điều tra, ngày 14/6, Viện Khoa học hình sự đã có Giám định số 2778 kết luận: Mẫu nước thu tại đây cấp vào máy lọc thận số 10 và số 13 các chỉ tiêu độ PH rất thấp; độ dẫn điện rất cao, hàm lượng Florua cao gấp 245 và 260 lần mức cho phép.
Theo tiêu chuẩn AAMI với nước sử dụng cho chạy thận nhân tạo, hàm lượng Florua tối đa cho phép là 0,2mg/l. Các mẫu nước này đều không đạt tiêu chuẩn chất lượng nước sử dụng cho chạy thận nhân tạo theo tiêu chuẩn AAMI. Ngoài 2 máy lọc thận trên, qua giám định mẫu nước tại các máy chạy thận nhân tạo khác, hàm lượng Florua đều vượt ngưỡng an toàn gấp hàng trăm lần.
Hiện, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 đối tượng: Bùi Mạnh Quốc (SN 1986), trú tại phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh về tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp; Trần Văn Sơn, 27 tuổi, trú tại phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Hoàng Công Lương (31 tuổi), trú tại xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội về tội vi phạm quy định về chữa bệnh.
Đỗ Tuấn (Công an tỉnh)
(HBĐT) - Bà Lê Thị Thu (Tân Lạc) hỏi: Đề nghị cho biết trong những trường hợp nào trẻ em được đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội: