Trọn một tuần nay, dư luận đã hết sức bất ngờ và đặt nhiều nghi vấn xung quanh cái chết của Trưởng Văn phòng công chứng (VPCC) Việt Tín, ông Nguyễn Minh Hải và gần 200 bộ hồ sơ công chứng "có vấn đề". Cơ quan Công an đang vào cuộc làm rõ sự thật phía sau vụ việc này.
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu cơ quan Công an làm rõ "tình trạng làm giả văn bản công chứng". Những thông tin được chúng tôi chuyển tải trong bài viết này nhằm cung cấp thêm nhiều tình tiết đáng chú ý về vụ việc, cũng như phần nào giúp bạn đọc nâng cao ý thức cảnh giác khi tham gia vào các giao dịch…
Đơn trình báo của vợ ông Nguyễn Minh Hải. |
"Hành trình" của các văn bản công chứng giả mạo
Đến nay, ngoài những nhân vật liên quan còn chưa lộ mặt, thì người nắm khá sát diễn biến vụ việc, trực tiếp tham gia xem xét các vấn đề trong hoạt động công chứng của VPCC Việt Tín, cũng như có nhiều liên hệ vào những ngày giờ cuối cùng với Công chứng viên (CCV) Nguyễn Minh Hải, là ông Nguyễn Thanh Cao - Trưởng phòng Bổ trợ Tư pháp (Sở Tư pháp Hà Nội), cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động công chứng trên địa bàn TP Hà Nội.
Nhằm góp phần làm rõ những tình tiết bất thường phía sau cái chết của CCV Nguyễn Minh Hải, ông Nguyễn Thanh Cao đồng ý gặp và kể cho phóng viên CAND khá chi tiết những việc ông biết, chứng kiến. Ông Nguyễn Thanh Cao cho biết: Ngày 9/4/2010, Văn phòng công chứng Thăng Long có văn bản báo cáo Sở Tư pháp về tình trạng làm giả văn bản công chứng. Cụ thể, theo văn bản của VPCC Thăng Long thì VPCC này nhận được 5 trường hợp người dân đến yêu cầu cấp bảo sao hợp đồng công chứng do VPCC Thăng Long công chứng. Sau khi kiểm tra, đối chiếu hợp đồng ủy quyền (bản photo) do khách hàng cung cấp và số Công chứng và hồ sơ lưu trữ tại Văn phòng thì phát hiện không có hợp đồng ủy quyền như khách hàng yêu cầu, nghĩa là VPCC Thăng Long không thực hiện việc công chứng và ban hành các hợp đồng ủy quyền này.
Báo cáo của VPCC Thăng Long cũng cung cấp thông tin về Trần Ngọc Cường, 31 tuổi, trú tại Thụy Khuê, phường Bưởi, Tây Hồ và Hà Thùy Linh, 32 tuổi, trú tại Tăng Bạt Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã thực hiện hành vi làm giả văn bản công chứng là hợp đồng ủy quyền của VPCC Thăng Long.
Quy trình và mục đích làm giả văn bản công chứng như sau: Đầu tiên bằng cách nào đó, các đối tượng có trong tay "sổ đỏ" nhà đất của người khác. Sau đó, các đối tượng tự lập ra hợp đồng ủy quyền đóng dấu giả con dấu của VPCC Thăng Long. Các hợp đồng này có nội dung ủy quyền cho Cường hoặc Linh thực hiện việc bán, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp,… tài sản là nhà ở và đất ở của người khác. Cường và Linh mang "sổ đỏ" cùng hợp đồng ủy quyền giả đó đi chào bán nhà đất. Với con dấu đỏ được làm giả y như thật và mức giá bán khá "mềm", các đối tượng dễ dàng tìm được khách mua.
Sau khi thỏa thuận thống nhất về giá bán, các đối tượng đã cầm hợp đồng ủy quyền giả nói trên đến VPCC Việt Tín có địa chỉ tại 42 Tô Hiến Thành để thực hiện giao dịch công chứng hợp đồng bán tài sản cho người mua.
Sau khi nhận được Hợp đồng mua bán tài sản có công chứng của VPCC Việt Tín, người mua đã đến Văn phòng đăng ký nhà đất Hà Nội làm thủ tục sang tên. Sự việc bị bại lộ khi nhân viên của Văn phòng đăng ký nhà đất chỉ nhận được bản sao (photo) "hợp đồng ủy quyền" (giả mạo), nên yêu cầu xuất trình hợp đồng ủy quyền gốc. Nhiều người đã tìm đến VPCC Thăng Long để xin lại hợp đồng ủy quyền gốc, lúc này mới té ngửa rằng hợp đồng ủy quyền đó là không có thực, mặc dù con dấu thì giống hệt.
Gần 200 giao dịch "có vấn đề" ở VPCC Việt Tín
Ngoài báo cáo của VPCC Thăng Long, sáng cùng ngày 9/4, Sở Tư pháp còn nhận được thông tin tương tự từ Văn phòng đăng ký nhà đất thành phố. Thấy hành vi quá nghiêm trọng, ông Nguyễn Thanh Cao đã điện thoại lập tức đề nghị CCV Nguyễn Minh Hải 13h30' cùng ngày đó lên làm việc.
"Ông Hải nói sẽ lên đúng giờ, nhưng chờ đến gần 14h rưỡi tôi gọi lại, chờ đến gần mười hồi chuông, ông Hải mới thưa máy và bảo rằng vẫn đang ở văn phòng và xin khất đến thứ 2 tuần sau (12/4) để có thời gian chuẩn bị. Tôi bảo có 4 bộ hồ sơ thôi mà, làm gì phải chuẩn bị, nhưng anh Hải bảo rằng: "Không anh ạ, nhiều lắm…". Lúc đó có vẻ anh ấy ngồi cùng nhiều người, vì lúc mới mở máy nghe điện thoại của tôi thì anh ấy còn nói với ai đó bên cạnh là: "Anh Cao ở trên Sở Tư pháp gọi". Lúc đó tôi cũng chỉ nghĩ là anh Hải bị lừa thôi và cũng đồng ý cho anh khất hẹn" - ông Nguyễn Thanh Cao kể lại.
Đến 10h sáng thứ 2 (12/4), vợ và nhân viên của ông Hải đến Sở Tư pháp gặp ông Nguyễn Thanh Cao gửi đơn báo việc ông Hải mất tích. Vợ ông Nguyễn Minh Hải cho biết: Lúc 13h15' ngày 9/4/2010 (khớp với thời điểm hẹn đến Sở Tư pháp giải trình sự việc), ông Nguyễn Minh Hải thông báo với nhân viên là đi họp ở Sở Tư pháp Hà Nội, sau đó rời văn phòng bằng taxi và từ lúc đó không thấy trở về.
Vợ CCV Nguyễn Minh Hải còn kể rằng khoảng 17h ngày 9/4/2010 gọi điện thì ông Hải nói rằng vẫn đang làm việc ở Sở Tư pháp. Nhưng, đến 19h thì lại nhắn tin về nhà và thông báo mập mờ là "sẽ ra đi" và địa điểm là cầu Thăng Long, khiến gia đình nháo nhào đi tìm kiếm và rải tờ rơi về đặc điểm, nhận dạng khắp cầu Thăng Long và nhiều nơi khác.
Đến 21h cùng ngày, máy điện thoại của ông Hải còn nhắn tin xin lỗi, từ biệt các nhân viên ở VPCC. Sau khi được nhân viên của VPCC Việt Tín thông báo rằng không chỉ có 4 bộ hồ sơ công chứng mà con số hồ sơ "có vấn đề" lên tới gần 200 thì ông Nguyễn Thanh Cao biết rằng đây không còn là vấn đề "sơ sót" nữa.
Công chứng viên duy nhất đã chết nhưng VPCC Việt Tín vẫn phải mở cửa để giải đáp thắc mắc của khách hàng. |
VPCC Việt Tín từng bị kiểm tra
Theo hồ sơ lưu giữ ở Sở Tư pháp, thì VPCC Việt Tín bắt đầu hoạt động từ 14/11/2008, nhưng đến 20/8/2009, tức là chưa đầy 1 năm, Việt Tín đã bị Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố đến kiểm tra. Được biết, theo quy định, các VPCC hoạt động chưa đến 1 năm thì chưa bị kiểm tra, trừ khi có đơn thư khiếu nại, tố cáo. Kết quả có rất nhiều lỗi trong công tác quản lý văn phòng và lỗi nghiệp vụ được phát hiện. Đoàn liên ngành đã lập biên bản, yêu cầu khắc phục. Nhiều lỗi vậy, nhưng kết quả hoạt động năm 2009 của Việt Tin vẫn đạt khá.
Sau khi nhận được thông tin xác định CCV Nguyễn Minh Hải đã chết, Sở Tư pháp Hà Nội đã giao Phòng Bổ trợ tư pháp lập biên bản niêm phong hồ sơ, tài liệu, sổ sách, con dấu của VPCC Việt Tín để phục vụ công tác điều tra. Dư luận đang đặt ra nhiều nghi vấn xung quanh vụ việc này, tuy nhiên trước mắt vẫn phải chờ kết quả giám định về nguyên nhân cái chết của CCV Nguyễn Minh Hải, cũng như "bức màn" bí ẩn phía sau gần 200 bộ hồ sơ "có vấn đề" của VPCC Việt Tín.
* "Qua quan sát bằng mắt thường các hợp đồng ủy quyền nói trên, chúng tôi khẳng định chữ ký của Công chứng viên và con dấu của VPCC Thăng Long trong các hợp đồng ủy quyền nói trên không phải chữ ký của Công chứng viên và con dấu của VPCC Thăng Long" - Giám đốc điều hành VPCC Thăng Long Trần Quang Sơn khẳng định trong văn bản báo cáo Sở Tư pháp Hà Nội.
* Theo số liệu báo cáo thì năm 2009, VPCC Việt Tín công chứng được gần 5.000 giao dịch, doanh thu hơn 1,6 tỉ đồng. Vì doanh thu quá thấp so với số lượng giao dịch, đồng thời có một số VPCC, Phòng công chứng trả lại, không chấp nhận văn bản công chứng của VPCC Việt Tín do có nhầm lẫn, sai sót nên Việt Tín đã bị kiểm tra đột xuất. Bản thân VPCC Việt Tín trong báo cáo gửi Sở Tư pháp cũng tự nhận rằng hoạt động nghiệp vụ còn yếu và đề nghị được tập huấn, bồi dưỡng thêm về nghiệp vụ…
Theo Báo CAND
Trong 15 năm qua, với sự hỗ trợ của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN), các cơ sở nghiên cứu đã sản xuất được nhiều loại vắc-xin mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực trong chiến lược kiểm soát và phòng, chống các bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam. Ðó là, Công nghệ sản xuất và hiệu quả của bộ sinh phẩm chẩn đoán HbsAg Micro-Ilisa và vắc-xin viêm gan B từ huyết tương người; quy trình công nghệ sản xuất vắc-xin viêm não Nhật Bản và bộ sinh phẩm xác định vi-rút viêm não Nhật Bản và sốt Dengue; sản xuất vắc-xin tả uống; sản xuất kháng huyết thanh phòng bệnh dại; sản xuất vắc-xin phòng bệnh thương hàn vi.