(HBĐT) - Mùa thu vẫn còn những cơn bão bất ngờ ập tới. Mưa rừng, suối lũ làm sạt lở những bản làng, con đường vốn đẹp thơ mộng. Như một cô gái đỏng đảnh, mùa thu vẫn có những ngày nắng dịu.

Chọn một ngày nắng đẹp, cái nắng chỉ dịu vàng như mật ong, chúng tôi lại ngược đèo lên với miền Tây Bắc. Giờ đây, tuy không còn nhiều vạt rừng xanh đậm nhưng những cánh đồng vụ mùa lúa đang vàng óng. Đâu đó là ngô, khoai bên dòng sông Đà đang vào mùa nước biếc. Anh bạn tôi bảo, phải theo dõi dự báo thời tiết rồi hỏi người trên đó mới chọn được ngày đẹp chứ vào đúng dịp mưa bão, nhất là vào những xã vùng cao, chỉ có ăn dầm, nằm dề ở nhà mà uống rượu núi ngắm mưa thôi.

Xe chúng tôi lên đến cửa ngõ Hòa Bình đã thấy khung cảnh miền núi hiện ra rõ nét. Nếu lên đây vào đúng dịp 2/9 hàng năm, bạn sẽ không còn ấn tượng về sự trầm lắng của mùa thu mà chỉ thấy không khí náo nức của ngày Tết độc lập. ở đây, các dân tộc đều có ngày tết riêng, cách ăn tết riêng nhưng ngày quốc khánh như thêm một lần được sinh ra, những dân tộc anh em cùng yêu nước, yêu bản, làng không bao giờ quên ngày trọng đại đó. Giờ nhịp sống đã trở lại, trước khi cái rét cắt da, cắt thịt của miền Tây Bắc ùa về, một khoảng trời thu mênh mông với bóng núi đồi dịu mát, sương giăng trên những cánh đồng lúa, sớm nay vẫn còn vấn vít, chưa chịu tan đi.

Thế rồi nắng thu vàng như mật ong rừng rải trên những cánh đồng lúa vàng trên con đường vắng như một bức tranh diệu kỳ mở ra trước mắt. Ghé chân lại dưới mái nhà sàn, tránh cái nắng trưa, đón từ tay mế bát nước cây bổ máu có vị núi rừng mà rất mát ruột. Chẳng biết từ bao giờ, những bữa cơm ở đây rất đơn sơ mà độc đáo. Nào là những rau đắng đồ chấm món lòng cá suối, mấy quả lặc lày, bát canh măng chua quyện hương hạt dổi… Bữa cơm nhẹ nhàng tiễn chân chúng tôi trở lại hành trình ngược lên miền Tây Bắc. Xe đã lăn bánh mà ngoảnh lại sau lưng vẫn thấy bóng mế bên cửa voóng ngóng theo mình, đành hẹn một ngày trở lại.

Lúc này, mặt trời đã đứng bóng. Dừng xe trên đỉnh dốc Cun, nơi đã từng là ranh giới giữa vùng Mường và đất Bất Bạt xưa, nhìn cả một vùng cửa ngõ miền Tây Bắc mùa heo may. Những ngọn lau trắng phơ phất, mùa này, không còn cảm giác cỏ cây xum xuê như ngày hè mà nhìn có chút gì hanh hao, cứng cỏi. Dọc từ đỉnh dốc về dưới thung lũng, một cơn gió thổi, cây lá nhất loạt lao xao như tiếng gọi mùa thu. Một cô thôn nữ đang đi nương, làn gió thơm hương núi rừng thổi bay lọn tóc. Khuôn mặt người con gái thanh tú, sáng trong như mùa thu nơi miền rừng núi này.

Men theo con đường uốn lượn quanh những đỉnh núi cao, ngoảnh lại có thể ngắm được đoạn cua vòng mình đã qua, miên man với đất trời, thoắt cái, nắng đã tắt phía bên này sườn núi. Cái lạnh của miền Tây Bắc thực sự đã lan tỏa, trên những thảo nguyên xanh, mây trắng và trời xanh mênh mông. Giờ đây, mùa thu đang ngự trị nhưng cái lạnh đã bắt đầu len lỏi và xâm chiếm. Thật khó lòng tìm ra ranh giới mong manh giữa giá lạnh và dịu dàng của mùa thu. Mùa thu nơi đây là chút gì đó rất mong manh như những ngọn cỏ may trên đồng cỏ, màu nắng mật ong trên cánh đồng,  ngọn khói lượn bay trên mái bếp nhà sàn… Tất cả đều hội tụ ở nụ cười, ánh mắt và những cảm xúc khi ta gặp những người dân nơi đây. Mùa nào Tây Bắc cũng là điểm hẹn, dù chỉ là những cánh rừng, ruộng lúa, con đường hay nền trời xanh trong cũng đủ gợi bao cảm hứng là mời gọi du khách trên mọi miền đất nước. 

 

                                          Tản văn của  Bùi Việt Phương

                                   (Tổ 4,  phường Thịnh Lang, TP Hòa Bình)

Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục