(HBĐT) - Tháng 7 chạm ngõ bằng cơn mưa bay nhè nhẹ báo thu sang. Cái nắng gay gắt của chiều hè đã dần dịu. Những đóa sen cuối mùa, những nụ hồng trắng... được nâng niu chuẩn bị cho đại lễ Vu Lan báo hiếu. Tháng 7 không chỉ là tháng ngâu và nhiều người quan niệm là tháng cô hồn mang đến những điều đen đủi mà đáng trọng hơn đó là khoảng thời gian lắng đọng nhất trong một năm để con cái hướng về cha mẹ với tất cả sự biết ơn và lòng hiếu thuận.
Nghi lễ tụng kinh cầu siêu phả độ chư vong linh trong Đại lễ Vu Lan.
Trò chuyện với chúng tôi về ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan, Đại đức Thích Đức Nguyên, Trưởng Ban trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, trụ trì chùa Hòa Bình Phật Quang cho biết: Lễ Vu Lan được bắt nguồn từ một bản kinh ngắn của Phật giáo Đại thừa. Kinh Vu Lan kể rằng: sau khi đắc quả A La Hán, đạt được tâm bất sinh, Bồ tát Mục Kiều Liên đã dùng phép thần thông để tìm kiếm mẫu thân thì thấy bà đang ở cõi ngạ quỷ vô cùng đói khổ. Ngài đem cơm đến dâng mẹ nhưng mẹ ngài khi được cơm thì lòng tham nổi lên, sợ người khác trông thấy mà đến giành giật nên bà một tay che bát cơm lại, một tay bốc ăn. Bởi lòng tham độc ác trong tiền kiếp nổi lên nên cơm đưa vào miệng liền biến thành than hồng không ăn được. Ngài vô cùng thương xót mà không biết làm sao cứu nên quay trở về thưa với Phật, xin ngài từ bi chỉ dạy phương pháp cứu độ mẹ. Phật dạy rằng vào ngày trăng tròn tháng bảy, hãy sắm lễ vật và thỉnh chúng tăng để cúng dường, nhờ sự chú nguyện của chúng tăng thì mẹ ngài sẽ được giải thoát. Ngài Mục Kiều Liên tuân theo lời Phật dạy, thỉnh chúng tăng chú nguyện và nhờ đó mẹ ngài đã được về trời. Từ đó, lễ Vu Lan trở thành một lễ hội văn hóa tâm linh với ý nghĩa ca ngợi và nhắc nhở về tình mẫu tử, phụ tử thiêng liêng. Đây còn là lễ hội của lòng tri ân, báo ân đối với đấng sinh thành, phát huy truyền thống tốt đẹp “Uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc ta.
Với tinh thần báo hiếu thấm đẫm giá trị nhân bản, nhân văn sâu sắc, mùa Vu Lan đã vượt ra ngoài một lễ hội tôn giáo để trở thành nền tảng đạo đức, nét sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng cao đẹp của cả dân tộc. Đại lễ Vu Lan báo hiếu năm nay được chùa Phật Quang Hòa Bình tổ chức cùng với lễ ra hè, lễ hành đạo kéo dài trong 3 ngày (từ ngày 8-10/7 năm Bính Thân, tức 10 - 12/8/2016). Chương trình đại lễ sẽ diễn ra với các nội dung truyền thống và ý nghĩa như: khóa lễ sám nguyên; kinh Mục Liên sám pháp tụng kinh dược sư; cúng Phật, thánh; lễ ra hè; lễ tiếp triệu chư vong linh; lễ thỉnh Phật quy vong; tụng kinh cầu siêu phả độ chư vong linh và đặc biệt là lễ cài hoa hồng tưởng niệm.
Một điểm độc đáo, đặc biệt trong đại lễ Vu Lan đó là nghi lễ cài hoa hồng tưởng niệm. Chia sẻ về ý nghĩa nghi lễ này, Đại đức Thích Đức Nguyên cho biết: Hoa hồng là loài hoa được nhiều người yêu thích, tinh khiết và biểu hiện cho tình yêu thương của con người. Nếu ai còn mẹ sẽ được cài một bông hồng màu hồng trên áo và tự hào là mình vẫn còn mẹ. Nếu ai đã mất mẹ sẽ được cài lên ngực một bông hồng trắng như màu khăn tang xót đau của người con mất mẹ. Riêng với các bậc Chư Tôn Đức tăng ni thì sẽ được cài đóa hồng vàng, màu truyền thống của Phật giáo. Nghi lễ cài hoa hồng luôn được diễn ra trong không khí vô cùng trang trọng và xúc động, nhắc nhở con người về công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, về tình mẫu tử thiêng liêng.
Ngoài ra, với tinh thần từ bi cứu nạn của nhà Phật nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung, vào đúng ngày rằm tháng bảy, ngoài việc cử hành lễ Vu Lan, dân gian còn diễn ra một nghi lễ nữa đó là cúng cô hồn. Với quan niệm đây là ngày mở cửa địa ngục nên người trần chuẩn bị cháo hoa, vàng mã, bỏng gạo... cúng tế thức ăn cho những vong hồn chưa được siêu thoát, không nơi nương tựa, không có người thờ cúng. Đây cũng là dịp để mỗi người chúng ta có những việc làm ý nghĩa như phát tâm công đức, giúp đỡ người nghèo đói, tật nguyền và giáo dục con cháu biết hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, biết thờ cúng tổ tiên và làm nhiều việc thiện vào dịp lễ Vu Lan.
Tiếng chuông chùa vang lên trong mùa Vu Lan là hồi chuông đánh thức sự hiếu thuận trong mỗi con người. Ai còn có mẹ, có cha thì hãy mau chóng trở về và yêu thương, chăm sóc bằng tất cả tấm lòng để mỗi tháng 7 trôi qua lại là một mùa Vu Lan ấm áp.
Dương Liễu
(HBĐT) - Đang là mùa vải, xoài. Ngoài đường phố, các gánh hàng rong hai sọt vải màu đỏ tươi đi rong khắp các ngõ phố. Một vài anh xe thồ chở đầy xoài ửng vàng. Vào mùa xoài, mùa vải giá cả chỉ vài ba chục đồng một cân. Thế những trong bếp nhà chị Thảo thỉnh thoảng lại xuất hiện một rổ quả xoài, quả to lẫn quả bé, vừa xanh, vừa vàng và một vài chùm vải màu đỏ tươi bên mớ rau ngót, rau bí, lá lốt, hương nhu.
(HBĐT) - Trời đang nắng bỗng tối sầm. Mây đen từ đâu cuồn cuộn sà thấp xuống vườn mít mà lạ là không có gió. Cây cối cứ lặng thinh tròn mắt nhìn mây. Mùa hè quả là đỏng đảnh, thích nắng là nắng chói chang, thích mưa là kéo mây về ồn ã. Có một chú ve con lạc lối sà xuống trước mặt tôi, cánh nó xã, đôi mắt to tròn ngơ ngác. Chắc chú ta đang hoảng hốt lắm. Nằm gọn trong lòng bàn tay tôi rồi mà chú vẫn đập cánh xè xè muốn cất mình lên mà không nổi.
(HBĐT) - Nhà hàng nọ bữa nay đông khách hơn ngày thường. Các chị, các em phục vụ cứ gọi là chạy tít mù, mồ hôi, mồ kê nhễ nhại. Quãng gần 11h30, một đoàn khách đến. Trông long lanh, sáng ngời và tốt mã. Anh MM nay là “khổ chủ” của bữa tiệc khao đãi khách quý, bạn hữu gần xa vì mới “gặt hái” được một số thành quả. Anh vừa xuất ngoại một chuyến nên thỉnh thoảng chen một chút tiếng Hàn, tiếng Anh cho thêm gia vị. Hôm nay, anh mặc chiếc áo kiểu dáng In-đô. Vừa đến, anh đã nhướn mắt hỏi bà chủ nhà hàng:
(HBĐT) - Từ con đường rải nhựa cũ kỹ, mải miết theo những chiếc cột cây số nội tỉnh màu xanh lá cây về phía An Bình (Lạc Thủy), bất chợt gặp lại dòng sông Bôi lặng lẽ. Chiếc cầu gỗ đã cũ cứ bập bênh từng nan gỗ như đánh thức người khách phương xa trong giấc trưa của tiết trời dịu mát. Mùa hạ ở đây vẫn nắng nhưng nắng được pha với dịu dàng của nước xanh, lá biếc tạo nên một thứ men nồng. Sông Bôi tưới mát một vùng, dòng sông không ồn ào nhưng âm thầm gửi những mạch ngầm tưới mát những cánh đồng.
Ngày hè, nắng như một đứa trẻ nghịch ngợm đùa vui cả ngày. Từ lúc thức dậy cho đến lúc đi ngủ, nắng chiếu qua những hàng cây trước sân nhà, nắng trải vàng trên những bãi cỏ may, nắng long lanh trên con suối nhỏ hiền hòa. Nắng theo khắp những con đường đất bụi bặm đến thăm thẳm những ngọn đồi, nắng như tiếng chuông vàng vang vang của tiếng mõ trâu gặm cỏ dưới chân đồi. Nắng tan vào tiếng cười trong trẻo, hồn nhiên của đám trẻ thơ một thời để rồi một chiều bên con suối tuổi thơ, nắng ngẩn ngơ đậu trên đôi mắt ai ngậm ngùi thương nhớ về một miền xanh thẳm đã qua. Nắng thì thầm: Hình như con suối cũng biết già? Cỏ cũng như biết đi? Chỉ có nắng lúc nào cũng rực rỡ, tươi mới mỗi khi hè về.