Năm nào cũng vậy, vào dịp nghỉ lễ cuối tháng Tư, nhà ông Quân lại có khách. Nào là bạn chiến đấu với anh Sĩ con ông - là cựu binh xe tăng đánh vào Dinh Độc Lập; nào là bạn của Thắng, cháu đích tôn đang học ở Học viện Kỹ thuật Quân sự. Còn riêng ông, đến những ngày này, cứ nhắm mắt lại là hình ảnh xưa lại hiện về rõ như đang xem một thước phim tư liệu.

Cũng đã nhiều lần, con cháu đưa ông Quân về thăm lại chiến trường xưa. Khi về lại Noong Nhai, Hồng Cúm, Pha Đin… ông thấy giờ khác quá. Cuộc sống bình yên, no ấm khiến cảnh vật đổi thay rất nhiều, nhớ đồng đội nhưng cũng mừng cho dân bản. Thế mà năm nay, ông Quân thấy vợ chồng con có vẻ không hào hứng với chuyện thằng Thắng dẫn bạn gái về chơi. Tất cả cùng chỉ tại con bé ấy là người Thái và nhà ở tít trên Điện Biên. Cơm nước xong, ông Quân ngồi nhâm nhi chén trà bên chiếc radio. Trong căn nhà nhỏ, mỗi người có một góc riêng, ngăn nắp và ấm áp. Thắng và bạn gái ra chào ông để về Hà Nội, nhìn con bé có đôi mắt rất sáng và quen quen, bất giác, ông cất tiếng hỏi:
- Vậy nhà cháu ở chỗ nào trên đó?
- Dạ thưa ông, nhà cháu ở tận trong Thanh An - Điện Biên ạ.
Ông Quân bàng hoàng. Hai chữ "Thanh An” làm mắt ông nhòe đi…
Ngày đó, vào khoảng cuối năm 1953, nhờ được một người anh họ tuyên truyền, giác ngộ, Quân biết được cuộc chiến tranh đã bước sang giai đoạn khá quyết liệt. Mặc dù chỉ tập trung ở cứ điểm Điện Biên Phủ nhưng với máy bay ném bom và xe tăng, giặc Pháp vẫn chống trả quyết liệt trước các đợt tấn công của quân ta. Là con trai độc nhất trong gia đình, từ nhỏ lại được cha mẹ cho ăn học, Quân biết nếu nói ra ý đinh đi dân công hỏa tuyến, thế nào cũng bị bố mẹ cản trở. Đêm, trong màn sương lạnh cuối xuân, cậu lặng lẽ khoác tay nải, bên hông đeo con dao đi rừng, băng lối mòn tìm ra con đường số 6. 

Lên đến thị trấn Thuận Châu, Quân và mọi người được tin, máy bay Pháp đã ném bom cản bước tiếp tế của dân công, buộc các anh phải tải lương trong đêm tối để tránh bị máy bay địch phát hiện. Không thể dùng đèn đuốc, anh và những người trong đoàn phải buộc khăn trắng để làm dấu mà đi theo nhau trong bóng tối. Đất Thuận Châu mưa nhiều, đường trơn trượt, vắt, muỗi bám theo, có khi chỉ kịp gặm một củ khoai sượng cho đỡ đói nhưng ai cũng hào hứng. Trên lưng mỗi người tuy không phải súng đạn hay thuốc nổ, mà chỉ là 30 kg gạo trắng nhưng nhớ lời chỉ huy cặn dặn, họ thấy hồ hởi và mạnh mẽ: "Các đồng chí hãy nhớ, đù địch có súng ống, đạn dược nhiều hơn ta, có máy bay ném bom, có xe tăng nhưng chúng đã như kiến nằm trên chảo. Lòng quân và dân ta như ngọn lửa hừng hực khí thế, có Bác Hồ, có Tướng Giáp và T.Ư, Chính phủ luôn sáng suốt đề ra phương hướng. Giờ cái cần nhất đối với những người lính ngoài mặt trận là được ăn no để đánh thắng. Bởi thế, mỗi hạt gạo các đồng chí mang trên vai cũng có sức mạnh như súng đạn, như bộc phá. Nên nhớ, ở khắp các vùng quê, Nhân dân ta đang phải ăn sắn, ăn ngô, ăn rau rừng để nhường phần gạo trắng cho mặt trận. Nhiệm vụ tải lương cũng không kém phần quan trọng…”. 

Trong những lúc ngồi nghỉ, ông đã được bà con kể về trại tập trung Noong Nhai của giặc Pháp, cách trung tâm Mường Thanh chừng 5 km về phía Tây Nam. Chúng dồn đồng bào Thái về nơi đó với chính sách phá sạch, đốt sạch nhà cửa, hãm hiếp, đánh đập dân lành. Trưa một ngày tháng 4/1954, ông thấy trong đoàn có một cô gái ngồi lặng đi dưới gốc đa dưới chân đèo Pha Đin. Ông đến gần hỏi thăm:
- Nọng (em) làm sao vậy đó?
Cô gái ngước lên nhìn ông bằng đôi mắt đỏ và sưng húp vì nước mắt:
- Cả bản Huổi Cánh của em bị giặc giết rồi anh ơi. Bọn khu trục (B54) ném bom, ném cả bom napan thiêu cháy những ai bỏ chạy, đất còn bị cày xới nát huống chi là con người…
Quân lặng đi. Dẫu mới chỉ được tiếp xúc  với đồng bào Thái chưa lâu, nhưng ông cảm nhận một nỗi đau như mất đi những người thân của mình. 
- Thế nọng tên là gì?
- Em tên Thanh, tên em cũng là tên cánh đồng trời.
Chiến dịch càng vào giai đoạn cuối càng ác liệt, từng đoàn xe vận tải của ta nối đuôi nhau đưa hàng ra tiền tuyến. Cái tên Noong Nhai lại một lần nữa được người ta nhắc đến nhưng không phải với sự đau thương, mát mát mà là một trận đánh sinh tử giữa ta và địch. Cuối cùng, âm mưu "đâm nhát dao vào mạng sườn” của chúng đã thất bại. Những người lính Cụ Hồ không ngại hy sinh, "máu trộn bùn non” đã giữ vững Noong Nhai để đánh vào đồi A1 trong ngày toàn thắng… 
- Ông ơi ông nghĩ gì vậy? Chúng cháu chào ông để ra đón xe cho kịp - Thắng cắt ngang dòng suy nghĩ của    ông Quân.
- Khoan! Ông Quân như vừa tỉnh  một giấc mơ - cháu mời bố mẹ ra đây, ông bảo.
Khi tất cả đã ngồi xung quanh chiếc bàn, ông Quân nói trong niềm xúc động:
- Cháu gái cho ông hỏi một câu nữa nhé!
- Vâng, ông cứ hỏi ạ.
- Nếu nhà cháu ở đấy thì cháu có biết bà Thanh, bà ấy trước làm bên phụ nữ không?
- Bà Thanh ạ? Cháu không biết ai tên Thanh tầm tuổi ấy. 
- Vậy sao? (ông Quân có vẻ thất vọng).
- À, nhưng bà nội cháu cũng tên Thanh đấy ông ạ.
- Trời ơi…
Ông Quân vội lấy trong tủ ra môt tấm ảnh cũ, nước ảnh đã ố vàng. Trong ảnh là một người con gái Thái đang ngồi bên dòng suối. Phải mất một lúc cô gái trẻ mới nhận ra hình ảnh bà nội của mình thời trẻ. Cô ngước nhìn ông Quân với một ánh mắt vừa thân thiện lại vừa như một câu hỏi. Hiểu được điều đó, ông bắt đầu kể cho mọi người cùng nghe: Sau ngày giải phóng Điện Biên, bà Thanh được đi học rồi về làm cán bộ phụ nữ xây dựng quê hương. Còn ông, theo tiếng gọi của Tổ quốc tiếp tục gia nhập đoàn quân giải phóng cho đến ngày đất nước thống nhất. Chỉ có một điều ông không sao lý giải được là sau hơn 1 năm xa nhau, ông đã nghe tin Thanh có một đứa trẻ, không biết cha nó là ai? Trong khi, những lời thề hẹn của hai người vẫn đinh ninh như ánh trăng Mường Thanh soi trên dòng suối mát. 

- Nhiều lần, ta cũng định tìm gặp bà cháu nhưng rồi cuộc sống sau ngày hòa bình cuốn ta vào những công việc bận rộn. Giờ bà Thanh còn khỏe không cháu?
- Dạ, bà cháu mất được gần 10 năm rồi ông ạ.
- Trời! Ông Quân choáng váng. Vậy còn…
- Cháu cũng đoán được điều ông băn khoăn. Cả đời bà cháu ở vậy nuôi cha cháu. Cha cháu là đứa trẻ may mắn được các chú bộ đôi cứu sống trong trận thảm sát ở Noong Nhai năm 1954 đó ông. 
- Vậy ư? Mắt ông Quân nhòe đi không nói được gì.
Ông Sĩ nhìn cha rồi lên tiếng:
- Tâm à (tên cô gái), trong suốt cuộc đời bà cháu có nhắc đến kỷ niệm hay có kỷ vật gì đặc biệt không?
- Dạ thưa bác, cháu chỉ thấy bà luôn trân trọng lưu giữ một kỷ vật là cây sáo ôi của người Mường mà ai đó tặng bà. Tiếc là cha cháu lớn lên không được ai dạy nên cũng không biết thổi.
Tất cả mọi người đều xúc động. Ông Quân nghĩ đến cây sáo ôi hôm nào tặng Thanh. Vợ chồng ông Sỹ lặng lẽ nhìn nhau như vừa hiểu ra một điều gì. Thắng cất tiếng:
- Ông à, bà Thanh tuy không còn nhưng ông đừng buồn nữa nhé. Cháu nghĩ là ở trên đất nước mình dẫu là người Thái, người Mường, người Kinh, người Dao, Mông… thì đều là anh em. Khi có ngoại xâm cùng chung lòng bảo vệ đất đai tiên tổ. Tình cảm ấy chưa bao giờ là muộn, ông không có dịp về với bà Thanh nhưng cháu lại tìm được Tâm thì cũng là cái duyên…
Tâm khẽ quay sang nhìn và cấu nhẹ vào tay Thắng. Tất cả mọi người cùng cất lên tiếng cười trong căn nhà vui vẻ…

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương

Các tin khác


Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục