(HBĐT) - Hoàng hôn dần buông trên những ngọn núi, ngọn đồi sau nhà và lan trên những cánh đồng bãi. Gió vi vút thổi qua những hàng cây trước nhà, khiến không gian đỡ cô quạnh. Vừa ở thị trấn về, ông Thái thấy cửa nhà vắng hoe nên gắt:

- Thằng Tùng, cái Vân đâu rồi… mà cả bà Thái nữa… Cửa nhà vắng hoe thế này…?

2 đứa trẻ chạy về ríu rít:

- Bố có mua cho con tem và giấy viết thư không? Có mấy cuốn truyện tranh hả bố. Lần này, cả 2 anh em đều viết thư cho anh Thái bố nhé.

Nhắc đến "anh Thái” lòng ông bỗng chùng lại. Một năm rồi… Ông cũng chợt bừng tỉnh: Hai đứa chạy đi tìm mẹ về ăn cơm thôi. Chẳng cần ai chỉ chỗ, chúng chạy ra một con dốc thoai thoải, qua một triền đê là đến dòng sông Vân Giang. Chớm thu, gió miệt mài thổi làm dạt những bờ lau bên mé sông và trườn trên những con sóng xanh mải miết vỗ bờ.

- Mẹ kia kìa… Mẹ ơi…

Chúng chạy đến. Bà Thái ngồi bên bờ sông, ánh mắt thao thiết nhìn xuôi về phía hạ lưu và bên kia sông, nơi có con đường huyết mạch nối đi muôn nẻo. Nghe tiếng gọi, bà vội lau mắt ngước lại, nhưng không giấu nổi trước các con.

- Sao mẹ lại khóc, nhớ anh Thái à. Cái Vân cất tiếng.

- Đâu có, gió thổi mạnh, cay đến chảy cả nước mắt. Tiếng bà Thái nhỏ chìm lẫn trong tiếng sóng và gió… Đúng là không qua nổi con mắt bọn trẻ. Đêm qua, bà lại lật giở lá thư duy nhất nhận được của Thái. Đó là hồi đóng chốt ở biên giới phía Tây Nam, nay thì nghe nói đã ngược phía Hà Giang. Trong thư, cậu cả lạc quan và vui vẻ lắm. Bảo con tăng được 4 ký chứ không cao lêu đêu, gầy gầy như trước nữa. Da đen hơn. Nó quan tâm đến việc học của 2 em, bảo mẹ đừng tiếc tiền, phải mua thêm sách, truyện cho các em đọc để tham khảo, mở mang. Nó còn nhắc tới cả con lu lu nhà mình. Hồi trước, mỗi lần Thái đi học về, mới nghe tiếng leng keng chuông xe ngoài cổng là nó đã phóng ra, đuôi ngoáy tít, hớn hở. Hôm cậu cả lên đường, nó cũng tiễn ra tận bờ sông đấy, cứ quấn lấy chân cậu ấy, kêu ư ử như muốn tạm biệt. Khi con thuyền rời bến rồi, nó vẫn đứng bên này nhìn theo mãi. Thái bảo, khi nào ra quân, lập gia đình sẽ đỡ đần để bố mẹ đỡ vất vả hơn; lo cho 2 đứa em học tốt, phải đỗ đại học, chứ học hành còn dang dở như con thời buổi này là không được. Bệnh tiểu đường của bố, bệnh thấp khớp của mẹ và cái bệnh ngủ hay mộng du của cái Vân đã đỡ chưa. Cuối cùng, nó nhắc về dòng sông, bến sông Vân Giang… Hình như nó cũng chưa có mối tình nào nên không thấy nhắc.

Sau những tâm tư đó của Thái, bỗng như có những làn gió ấm, mát, mạnh mẽ từ phía bờ sông thổi ào ạt về phía ngôi nhà. Bà chớp chớp mắt đón nhận và thấy như tuổi thơ của cậu con cả tràn về. Sinh nó, thời còn bao cấp vất vả, cũng ít khi được ăn bát cơm trắng. Cả nhà bám lấy dòng sông, đồng bãi để kiếm sống. Ông ấy câu, đánh bắt được những mớ tôm ngon, cá ngạch béo ươm vàng nhìn con mà thương không dám ăn, phải mang ra chợ bán. Nó cũng chả đòi. Hồi 7 tuổi, bà tần ngần định để lại con cá ngạch để nướng rồi hấp cơm cho cu cậu, nghe mẹ bàn với bố, nó giãy nảy: "Bố mẹ bán còn để đong gạo. Nhà mình còn mấy cân cá tép, rang gừng chả ngon à”… May mà cuộc sống có nhiều thay đổi. Thái hồi nhỏ cũng là đứa dễ "nhập môn” môn bơi lội đánh cá, vớt củi cùng bố. Nhưng cũng có lần nước lũ về đột ngột, 2 bố con bị dòng nước cuốn trôi mãi hạ lưu, sáng hôm sau mới dạt được vào bờ. Hú hồn. Gặp chồng con, bà thì tái dại khóc hu hu như trẻ con, còn Thái cười khì khì. Nước dâng nhanh, may thế nào 2 bố con bám được cái gốc cây to tướng bập bềnh. Cứ thế lao phăng phăng về xuôi. Nước đục ngầu. Thế mà còn cười được cơ chứ: "Ngồi trên gốc cây cổ thụ, mốc thếch chằng chịt rễ, trôi vun vút, cứ như đi du thuyền. Thấy thích hơn là hãi”.

Sau lần đó, Thái không phải đi sông cùng bố nữa. Mà nó cũng gan có tiếng, hồi con lu lu trượt chân xuống vũng nước xoáy. Nhìn mặt nước thì yên ả, nhưng xuống mới thấy dòng nước quá hiểm, cứ muốn tóm chân người hút xuống. May nó nhanh trí, ôm con lu lu cùng "hút” theo dòng nước và trồi lên chỗ không còn nguy hiểm… Chiều chiều, khi dòng sông hiền hòa hơn, nó lại cây chuối, chậu nước, dạy mấy thằng bé ở phía vũng nước lặng. Bọn trẻ cứ "anh Thái… anh Thái…” làm ồn cả khúc sông. Mãi khi mây dạt về dăng trắng triền đê chúng mới trở về nhà. Đứa nào đứa ấy mệt nhoài mà vẫn cười tươi: "Phải tập bơi chứ, không sau này đi bộ đội, công an… chả lẽ khi cả đơn vị vượt sông, mà mình ở lại trên bờ… ngượng”.

Vân Giang… một dòng sông lạ lắm. Một năm có đến mấy màu nước. Vào mùa thu, khi chiều về, thỉnh thoảng lại có những đám mây dạt về, bao phủ kín mặt sông chạng vạng nắng. Hiện tượng đó chỉ diễn ra trong vòng 1 giờ đồng hồ, sau đó, mây xô dạt về trời và trả lại cho mặt sông như vốn có. Những con thuyền thì như choàng tỉnh, còn những ai đang đứng bên bờ đê như tỉnh giấc mộng đẹp. Vân Giang là một phần của mỗi thành viên gia đình bà. Bao mùa ngô, mùa rau xanh ngát trên đất bãi. Hồi thằng Thái tầm 14 tuổi, trong một lần chơi trận giả, chính nó đã phát hiện và báo cho bác trưởng xóm tóm gọn lão Hậy mặt lưỡi cày trong vụ "xem trộm phụ nữ tắm sông”. Sau vụ đó, bọn trẻ hỏi: "Nhỡ lão ấy trả thù thì sao”, Thái cười ngất ngư: "Người xấu chả bao giờ dám đối mặt anh đâu”… Ừ, cũng chính đám trẻ đó bàn luận, mơ tưởng một ngày đẹp trời, có cây cầu bắc qua Vân Giang, đèn điện giăng rực rỡ… Nay ra gặp Vân Giang, bà thấy như gặp lại con mình. Thấy cả tuổi hoa niên của Thái trên dòng nước đung đưa, gợn sóng… Con phải về, phải trở lại dòng sông và bến quê này.

                           Truyện ngắn của Bùi Huy

Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục