(HBĐT) - Đêm rằm, chưa kịp ăn xong bữa tối ánh trăng đã dòm qua khung cửa sổ mời gọi. Dọn dẹp xong căn bếp, kéo chiếc ghế tựa cho mẹ xem ti vi, Khuê rảo bước về phía góc sân nhà. Thả mình vào chiếc ghế gấp được đan bằng mây êm ái, Khuê mở to đôi mắt ngắm nhìn trăng, sao vời vợi. 


Chừng vài phút cô khép nhẹ đôi mi, giữ đầu óc thư thái để tận hưởng dàn đồng ca mùa hạ: Tiếng ve kêu râm ran, tiếng ếch, nhái ộp oạp, tiếng róc rách từ con suối nhỏ gần nhà. Hết 10 phút dành cho thư giãn, Khuê bật nguồn chiếc iPad mi ni, lướt web để cập nhật thông tin giá cả, mẫu mã sản phẩm mới, biến động ở thị trường một số nước Nga, Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản. Từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, công việc làm ăn trở nên khó khăn hơn, nên ngày ngày Khuê chăm chỉ cập nhật tin tức nghiên cứu thị trường để mong giữ được nghề truyền thống và giữ được nguồn thu nhập cho các cô dì, chú bác ở xóm Sào Tre này.

- Hello! Cậu đang đọc sách đấy à? Có ngắm trăng không?
- Ừa! Vừa đọc vừa… ngắm. Trăng đẹp lắm cậu! Có nhớ… quê không?
- Có chứ! Nhớ mới nhắn! Cậu khỏe không? Công việc thế nào?
- Tớ khỏe. Còn công việc thì hơi chậm nên… lo!
- Vậy à? Cố lên! Tớ tin cậu sẽ vượt qua!
- Ừ! Thank nhé! Cậu làm việc đi. Bye!
Kết thúc cuộc hội thoại ngắn ngủi với Sơn trên messenger, Khuê tắt màn hình, vươn tay đặt iPad ra bàn, đan chéo mười ngón tay vươn lên phía đỉnh đầu khép nhẹ đôi mi thư giãn và suy ngẫm: Lối rẽ của mình đương nhiên không được êm thuận, thậm chí còn đầy chướng ngại, đó là sự phản đối quyết liệt của mẹ, sự dò xét, dèm pha của những người hàng xóm... nhưng cũng đáng để đi chứ nhỉ? Cố lên! Thành công sẽ không bao giờ đến với những người chỉ biết chờ đợi vận may mà không dám mạo hiểm. Khuê tự nhủ lòng mình như vậy.

Cùng sinh ra ở xóm nghèo bên chân núi Bứa, nhưng Khuê có phần thông minh, lanh lẹ hơn đám bạn cùng trang lứa. Có lẽ đó là bởi Khuê được thừa hưởng gien trội từ cả cha lẫn mẹ. Cha Khuê vốn là người miền xuôi theo cha mẹ lên xóm Sào Tre này xây dựng vùng kinh tế mới, còn mẹ Khuê là cô gái xinh đẹp, lanh lợi nhất làng. Muốn con thoát khỏi lũy tre, rặng nứa, bụi song mây lúp xúp của làng, 13 tuổi bố mẹ đã gửi Khuê đi học trường nội trú của tỉnh với lời dặn dò chất chứa niềm hy vọng: Con phải gắng thi đỗ vào trường đại học để bố mẹ còn mở mày, mở mặt. May mắn kiếm việc ở thành phố càng tốt, thi thoảng về thăm bố mẹ thôi chứ đừng quay về Sào Tre nữa.

Khuê cự nự: Nhưng con yêu Sào Tre mà! Con không thích ở phố đâu!

Nũng vậy, nhưng Khuê vẫn gắng học hành chăm chỉ và 7 năm sau cô mang tấm bằng cử nhân về để bố mẹ khoe với họ hàng nội ngoại, hàng xóm láng giềng. Chẳng gì Khuê cũng là đứa con gái đầu tiên trong làng học đến bậc đại học.  

Trở lại thành phố để tìm kiếm việc làm Khuê gặp lại Sơn, cậu bạn cùng lớp thời THCS khi cả hai cùng được nhận vào làm việc ở một toà soạn báo: Sơn làm phóng viên còn Khuê đảm nhận công việc ở bộ phận quảng cáo. Giữa phố thị ồn ã, xô bồ, phải mất đến hơn 2 năm Sơn mới thú nhận rằng đã dành tình cảm đặc biệt cho Khuê.

Một buổi chiều hè cùng sánh bước trong công viên, Sơn chủ động: Mình làm bạn với nhau nhé! Khuê tinh nghịch:
- Ơ thế bọn mình vẫn là bạn mà…!
- Ý tớ là… bạn cùng nhà!

Khuê nở nụ cười tươi rói chìa ngón tay út ra hiệu cho Sơn ngoắc giao kèo: Tớ đồng ý! Nhưng chúng mình cùng chờ nhau thêm một thời gian nữa nhé!

Sơn nắm nhẹ đôi bàn tay xinh xắn, nhìn sâu vào đôi mắt đẹp của Khuê xác nhận: Mình sẽ chờ!

Sơn ngỏ lời và Khuê nhận lời yêu một cách đơn giản như vậy là bởi hai người đã quá hiểu nhau. Sơn cũng biết bố mẹ Khuê mong muốn con gái có một công việc tốt rồi lấy chồng, sinh con ở thành phố nên có chút thiếu tự tin. Nhưng lời yêu không thể giữ mãi, Sơn đã để nó bung ra một cách tự nhiên và Khuê cũng đã đón nhận một cách lẹ làng. Sơn vui lắm và quyết tâm củng cố sự nghiệp để một vài năm nữa có thể đàng hoàng đến với Khuê.

Nhưng, mọi việc không như đã định. Bố Khuê sớm ra đi sau một cơn bạo bệnh. Cậu em trai lại đang vào năm đầu đại học, nhà chỉ còn có mẹ, Khuê nhất định trở về quê.

Ngày Khuê sách va li về nhà, mẹ càu nhàu mắng nhiếc: Sao số tôi khổ thế này, bao nhiêu công lo cho con ăn học giờ lại cuốn gói về quê lấy gì mà sống?!

Khuê hiểu tấm lòng, nỗi lo của mẹ. Mấy năm nay thanh niên Sào Tre bỏ xứ đi làm xa hết, ở nhà hầu như chỉ có người già, trẻ con, thế mà giờ Khê đùng đùng trở về. Ôm choàng bờ vai gầy của mẹ Khuê thủ thỉ: Mẹ yên tâm! Con gái mẹ sẽ làm giàu trên Sào Tre này.

Thấm thoắt đã 2 năm Khuê bỏ phố về làng. Giờ Khuê trở thành giám đốc Hợp tác xã mây tre đan, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Những lùm tre, rặng nứa, bụi song mây già nua được chặt tỉa đem về uốn, móc, đan thành những bát, đĩa đựng hoa quả, lẵng hoa, thùng đựng, làn và những con giống nhỏ xinh. Bằng sự lạnh lẹ và tâm huyết của mình, Khuê đã chắp cánh cho những sản phẩm mây tre đan của Sào Tre bay tới tận trời tây. Công việc mới vào guồng, lối rẽ của Khuê bắt đầu êm thuận thì vấp phải vật cản là dịch bệnh cô vy (Covid-19).

Miên man theo dòng suy nghĩ, khâu nối lại những việc đã làm, những chặng đường đã đi qua, Khuê chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Trong mơ, Khuê thấy mình bước đi trên con đường ngập tràn hoa và nắng, trên con đường đó có Sơn.  


Truyện ngắn của Lam Nguyệt

Các tin khác


Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục