(HBĐT) - Vẫn nhớ lần đó, đi tàu ngang qua vùng biển Đà Nẵng, một bạn đồng hành sau khi nhìn trời nhìn biển, khẽ nói đủ cho mọi người nghe: "Đúng là phục sát đất các thế hệ cha anh nhà mình… Thời chiến tranh khốc liệt, chỉ bằng thuyền, tàu cỡ nhỏ mà vận chuyển hàng trăm chuyến, chở vũ khí, khí tài vào Nam đánh giặc. Mà còn đêm hôm, chọn dịp có bão tố để đi, chưa kể tàu chiến, máy bay địch rình mò…"...

"Đúng là huyền thoại. Chỉ có dân tộc Việt Nam mình mới có những cách làm thông minh, quyết liệt như thế”. Câu nói đó được tất cả các thành viên trong đoàn "like” và bàn luận rôm rả. Hôm nay hòa bình rồi, trời yên biển lặng, đất nước thanh bình, không còn mùi đạn bom… thật biết ơn bao thế hệ người dân đất Việt đã cầm súng đánh giặc. Mà con đường huyền thoại "Đường Hồ Chí Minh trên biển” được coi như những chiến tích hào hùng của cả dân tộc trong thế kỷ XX. Năm nay, đúng 60 năm kỷ niệm "Đường Hồ Chí Minh trên biển” câu chuyện về con đường huyền thoại lại cứ mở ra mãi…

Một bạn kể rằng, năm học lớp 6 (hệ 10 năm), hôm đấy cô giáo dạy Văn trả bài viết lần trước, một bạn được cô chấm 7,5 điểm. Hồi đó, điểm văn đó là ngất trời. Điểm số cao đã đành, mà trong bài văn ấy, cậu bạn học giỏi kia đưa ra một số chi tiết cùng liên hệ bản thân khiến ai cũng phục và nể về trình độ của bạn khi nói về "đường Hồ Chí Minh trên biển” cùng tinh thần quả cảm của bao người trong đội quân vào trận đó. Những năm 70 của thế kỷ trước, khi cả xóm chỉ có 2 Radio Cửu Long, chả mấy khi có tờ báo, quyển sách, thì kiến thức bạn ấy thu lượm về đoàn tàu khống số thật đáng khâm phục. Rồi cậu còn kể về câu chuyện những năm tháng kháng chiến chống Pháp, cô Nguyễn Thị Định, nữ anh hùng LLVT nhân dân đã từng là thuyền trưởng chở vũ khí từ Bắc vào Nam, tạo tiền đề cho con đường Hồ Chí Minh trên biển sau này…

Một đồng nghiệp kể rằng, hồi vào đại học, khi cầm trên tay cuốn tiểu thuyết "Biển gọi” của nhà văn Hồ Phương, phản ánh về những con người trên đoàn tàu không số, gắn với sự kiện Vũng Rô bi tráng năm nào, bạn đọc liền một mạch, suốt một đêm… Cuốn tiểu thuyết dù có hư cấu, nhưng bám rất sát về những sự kiện xung quanh con đường huyền thoại; với những hy sinh, mất mát để con đường trên biển không thể đứt mạch. Để từ đó, tình yêu biển cả cứ lớn dần trong bạn, để rồi có dịp đi ra Trường Sa hát bài "Ngôi sao biển” (Phạm Minh Tuấn), nghĩ về bao con người đã ngang dọc trên biển Đông để làm nhiệm vụ (cả trước đây và hiện nay), bạn đã không cầm được lòng mình: "Tôi yêu biển, và tôi yêu em/Một mái chèo rẽ sóng trong đêm/ Một con tàu mang khát vọng trong tim/Về quê hương về quê hương, thuở còn bom đạn/Một tấm lòng đẹp ánh trăng soi/ Một con người tung lưới ngang trời/Vì quê hương vì quê hương/Hôm nay và mai sau.”…

  Có lần đến thăm Nhà truyền thống Học viện Hải Quân và thăm biển Đồ Sơn (Hải Phòng) khi chạm tay vào các hiện vật, được lưu gữi, được chạm tay vào làn nước biển ở bến K15… thấy như lịch sử con đường huyền thoại hiển hiện lên trước mắt. Những địa danh lịch sử, vùng biển khốc liệt bom đạn và những con người quả cảm… cứ nằm lòng mãi mãi, chẳng thể quên. Hòn Hèo (xã Ninh Vân - Khánh Hòa), bến Vàm Lũng (Cà Mau), bến Lộc An (Xuyên Mộc - Bà Rịa - Vũng Tàu), bến Lộ Diêu, bến Lộ Giao (thị xã Hoài Nhơn - Bình Định), bãi ngang (Đức Phổ -Quảng Ngãi), Vũng Rô (Phú Yên)… Những con tàu mang phiên hiệu: 43B, tàu 235, tàu 143, tàu 56, C41… gắn với những quyết tâm, mưu trí, dũng cảm sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ tính bí mật của con đường huyền thoại, ghi nên bản hùng ca trên biển. Nhiều cái tên anh hùng liệt sĩ và cả những người bình dị nhất như các má, các anh chị đón hàng, nhận hàng tại các bến cũng là một phần của con đường lịch sử đó… Từ năm 1961 - 1975, trên đường Hồ Chí Minh trên biển, đã có gần 1.900 lượt tàu, thuyền, vận chuyển gần 153.000 tấn vũ khí trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh và hơn 80.000 cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc chi viện cho miền Nam; góp phần to lớn vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước… Lịch sử mãi ghi và biển xanh vẫn nhắc mãi về những năm tháng khốc liệt và hào hùng đó.

Bùi Huy

Các tin khác


Đom đóm và hoa gạo

Tản văn của Đức Dũng


Chuyện của nắng mưa

Nắng sớm, mưa chiều là câu cửa miệng của cư dân miền nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều. Nói rộng ra là thế, còn nhìn gần, hình như nó giống với câu chuyện của một ngày mùa hạ. Đầu ngày là nắng đổ gay gắt và cuối ngày đong đầy những giọt mưa.

Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục