Nhớ ngày Nhiên nhận giấy báo nhập học vào trường đại học y, bạn bè, làng xóm đều ngỡ ngàng: Cái thằng suốt ngày say mê hát dân ca, học đánh chiêng, làm lịch đoi mà lại đi làm bác sỹ à? Nhiên chỉ cười và bảo: "Em nghĩ làm công việc gì thì cũng phải hiểu văn hoá, lịch sử, hiểu được tinh thần con người”. Với anh, tất cả đều gói gọn trong những gì yêu thương và gắn bó.

Tuần tới, Nhiên cùng các y, bác sỹ của Hoà Bình lên đường vào Nam hỗ trợ các đồng nghiệp trong TP Hồ Chí Minh khống chế các ổ dịch Covid-19. Cầm mấy cuốn sách về mo Mường, văn hoá Mường xếp lên giá sách, anh chợt nhớ đến Lành, người bạn gái có nụ cười tinh nghịch. 

Đêm anh trằn trọc mãi không ngủ được. Từ khi sinh ra, Nhiên đã được nghe mế hát ru bằng chất giọng dân ca Mường như cơn gió mát lành êm ả. Mế bảo cây lúa nước từ Mường mình mà được nhân ra bốn phương tám hướng làm no cái bụng, ấm lòng người. Người Mường mình bao đời nay hiền lành chất phác, yêu ruộng vườn nhưng cũng rất tinh tế trong lời ăn, tiếng nói đối    đáp giao duyên, dạy con cái bằng  thành ngữ… Nhiên không biết người con gái thành phố như Lành có chê anh, chê cuộc sống ở miên núi quê mùa, đơn sơ không?

Lần này, Lành vốn định lên đây ít hôm rồi quay về Hà Nội làm tiếp luận văn thạc sĩ, nhưng làn sóng dịch   Covid-19 mới bùng phát nên chắc cô còn phải ở lại đây khá lâu. Biết Lành làm đề tài về văn hoá Hoà Bình, Nhiên chợt nảy ra ý nghĩ: Hay là, mình rủ Lành về ở ít hôm với bố mế, vừa giúp cô ấy có điều kiện hiểu được văn hoá Mường, vừa có người trò chuyện để mế vui. 

Nghe Nhiên nói xong, Lành có vẻ trầm ngầm:
- Em sẽ làm theo lời anh nhưng phải kèm theo điều kiện giúp em thực hiện seri bài về Hoà Bình đấy nhé!
- Em định viết Hoà Bình trên con đường đổi mới phải không?
- Em muốn viết một cái gì quy mô hơn thế về mảnh đất này cơ. Phải là từ cội nguồn văn hoá, truyền thống cách mạng rồi mới đến những bước phát triển hôm nay. Như thế, người đọc mới cảm nhận hết được anh ạ.
- Thế thì cũng hơi khó đấy. Nếu hỏi về chuyện bây giờ anh có thể trả lời vanh vách. Này nhé: Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt 60,3 triệu đồng là cao hơn trung bình của các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc. Rồi đứng đầu các tỉnh vùng Tây Bắc về xây dựng nông thôn mới, có đến 286 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 8,6%... 
Lành lườm Nhiên tinh nghịch: Anh tưởng chỉ mình anh biết à, em còn thuộc đến từng con số về thành tựu phát triển vượt bậc trong mấy năm qua. Giờ em cần biết thêm lịch sử, văn hoá. Anh có tin điều đó là nền tảng để giúp Hoà Bình vươn lên không?
- Vậy thì anh sẽ giúp em.
Chiều thu Mường Vang trời xanh và cao vút. Hai người cùng rảo bước trên con đường nở đầy hoa đồng nội, chả mấy chốc đã đến nhà cụ Thịnh lúc nào không hay. Cụ Thịnh là cuốn từ điển sống về văn hoá, lịch sử của vùng này. Cụ đã già, mái đầu bạc trắng, giọng nói chậm rãi nhưng ấm áp: 
- Các cháu biết không, Hoà Bình là mảnh đất có truyền thống yêu nước từ lâu đời. Từ các ông Tổng Kiêm, Đốc Bang, Đốc Tam, Đốc Ngữ… dấy binh đánh Pháp, các cơ sở cách mạng đầu tiên được gây dựng như đồng chí Đào Gia Lựu ở châu Lạc Sơn, đồng chí Phan Long, phố Vãng (Mai Đà) cho đến khi Ban Cán sự Đảng đầu tiên được thành lập. Từ khi có cán bộ cách mạng, người Mường, Kinh, Thái, Dao… ở đây có đường hướng cùng đoàn kết đánh giặc.
Nghe từng lời cụ Thịnh nói, Lành có vẻ trầm ngâm rồi hỏi:
- Dạ thưa cụ, ngày ấy sống dưới chế độ phong kiến hà khắc, khi đi theo cách mạng, chắc các cụ phải có một niềm tin rất lớn và yêu quý nền văn hoá của mình phải không ạ?
Nghe Lành nói, đôi mắt cụ Thịnh ánh lên niềm tự hào:
- Các cháu thấy đó, người Mường có câu: "Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới…”, rồi có sử thi, truyện thơ, có hát đối để trai gái giao duyên, có chiêng, có sáo ôi…, đó là văn hoá truyền thống bao đời mà ông bà tổ tiên tạo dựng mới có được. Nếu để mất nước, mất Mường vào tay ngoại xâm, mất đi những giá trị ấy thì cuộc sống còn ý nghĩa gì nữa phải không các cháu?
Trong những ngày ở Lạc Sơn,   Lành được vào bếp làm những món    ăn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mường, cùng đến những địa danh     đẹp hứa hẹn thu hút khách du lịch      sau khi dịch bệnh được khống chế. Nhiên hỏi Lành:
- Em đã cảm nhận gì về mảnh đất này, đã đủ ấn tượng để bắt đầu trang viết của mình chưa?
Đôi mắt Lành hướng về phía xa xăm:
- Em được biết Hoà Bình đang chuyển mình mạnh mẽ. Công trình thủy điện Hoà Bình được mở rộng, các công trình giao thông, dự án đầu tư du lịch, nghỉ dưỡng… thu hút nhiều nhà đầu tư tiềm năng. Sau 135 năm được thành lập và phát triển đầy gian nan, khó khăn nhưng cũng rất tự hào về những gì mà thế hệ cha ông đã làm được anh ạ.
Nhiên nghe Lành nói anh thấy an lòng hơn trước khi bước vào cuộc  chiến mới: 
- Dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, sau những lần ủng hộ lương thực, thực phẩm, giờ anh cùng mọi người lên đường vào Nam sát cánh cùng các đồng nghiệp và đồng bào trong ấy.
- Anh và mọi người vững lòng nhé. Em nghĩ chống dịch cũng là nhiệm vụ quan trọng giống như thế hệ ông cha ngày xưa đánh giặc. Anh yên tâm, em sẽ giúp anh trông nom cụ và bố mẹ, tranh thủ tìm hiểu văn hoá của vùng đất này anh à.
Trong nắng thu dịu dàng của buổi sáng, bên dòng Đà Giang xanh êm ả, Nhiên và đoàn y, bác sỹ của tỉnh lên đường vào TP Hồ Chí Minh. Một chuyến đi thật đặc biệt bởi nó vừa thôi thúc anh đến với tuyến đầu chống dịch, vừa thêm yêu quý cuộc sống bình yên trên mảnh đất giàu truyền thống văn hoá tươi đẹp này. Sau lưng anh là quê hương, là một Hoà Bình đang trên đà khởi sắc, là người con gái Hà Nội đã đem lòng yêu thương, gắn bó. Nắng mới đã trải vàng trên những cánh đồng quê hứa hẹn mùa vàng, mùa của những yêu thương, mong đợi, mùa của hạnh phúc và tình yêu trên mảnh đất này.

                                                          Truyện ngắn của Bùi Việt Phương

Các tin khác


Đom đóm và hoa gạo

Tản văn của Đức Dũng


Chuyện của nắng mưa

Nắng sớm, mưa chiều là câu cửa miệng của cư dân miền nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều. Nói rộng ra là thế, còn nhìn gần, hình như nó giống với câu chuyện của một ngày mùa hạ. Đầu ngày là nắng đổ gay gắt và cuối ngày đong đầy những giọt mưa.

Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục