(HBĐT)-Được đến trường học hành, trau dồi kiến thức, được gặp thầy cô, bạn bè để cùng xây lên những chân trời, khát vọng mới, đó là hạnh phúc thời học sinh, sinh viên. Nhưng  khi gặp được những người thầy, người cô - "người lái đò” thầm lặng tuyệt vời, thì hạnh phúc càng được nhân đôi… Mỗi đời người, có thể kể ra rất nhiều hình ảnh, kỷ niệm, tình huống gắn bó với thầy cô. Cho dù, thời buổi 4.0, chuyển đổi số, cho dù trong cuộc sống vẫn còn chuyện này, chuyện nọ liên quan đến đến mảng "sáng tối” của ngành, của nghề, nhưng những hình ảnh đẹp đó không bao giờ phai mờ.

Trong miền ký ức không nhiều về lớp vỡ lòng bên dòng suối nhỏ những năm đầu thập kỷ 70 của thế XX, bác M. không thể quên hình ảnh về thầy giáo già trong bộ đồ gụ giản dị mỗi lần lên lớp. Đi 4 - 5 km đường đồi núi để được đến lớp, nên một lớp học đơn sơ (bàn là ghế băng và ghế ngồi là ghế gỗ nhỏ, dùng để ngồi ăn cơm ở các gia đình)… cũng không làm giảm nhiệt tình học hành của các bạn cùng lớp. Ấn tượng về thầy chính là sự nhỏ nhẹ, hiền từ, mực thước. Toàn lũ lau nhau 6 - 7 - 8 tuổi khó bảo, nhưng thầy vẫn kiên trì rèn các em từng con chữ. Ấn tượng nữa là chữ thầy đẹp lắm, kiểu "rồng bay, phượng múa”. Nhìn những con chữ trên bảng của "ông giáo già”, cả lớp say mê "vẽ” theo bằng những mẩu bút chì nham nhở, ngắn tũn. Bác M. nhớ mãi lần bị ốm, vì mệt ngủ luôn ở lớp, trong mơ màng có cảm giác thầy chạm nhẹ bàn tay vào trán, kiểu như kiểm tra nhiệt độ, rồi nâng nhẹ đầu để lấy cuốn tập viết. Tối đó, dù mệt, bác vẫn ngồi miệt mài viết theo dòng chữ mực đỏ, đẹp mà thầy đã viết mẫu… Chỉ có mấy tháng học để "tốt nghiệp” lớp vỡ lòng và vào lớp 1, nhưng kỷ niệm về thầy thật khó quên. Sau này, tốt nghiệp nhiều trường lớp, cấp học…nhưng những ngày xưa thân ái ấy mãi ấm trong lòng và như một hành trang hạnh phúc của đời người. Tiếc là không giữ được cuốn tập viết hồi đó, có những dòng chữ của người thầy giáo già… 

Còn cháu K. học lớp 12 lại rất nhớ về cô giáo hồi mẫu giáo và tiểu học trường làng. Ở nông thôn nên các cô cũng vất vả hơn, nhưng chưa một lần thấy cô to tiếng với bé nào. Nhiều hôm mưa gió, chiều tối mịt mà có bạn chưa ai đến đón, thế là cô lại lóc cóc đạp xe đưa học trò về nhà. Lúc cô về, xóm làng đã lên đèn. Ngày 20/11, hoa cho cô chỉ là những cành hoa được hái ven đồi, ven rừng thế mà đẹp ấm áp lạ… Sau này, khi không còn ở thôn xóm, K. vẫn nhớ mãi lớp học nhỏ dưới dãy tre làng đó, cùng hình ảnh cô giáo chủ nhiệm năm lớp 5 hiền lành, giản dị đèo học trò về trung tâm xã để tham dự một cuộc giao lưu văn nghệ - thể thao. Hay chuyện cô đi "lùng” gia đình bạn nào đó không cho con trở lại lớp. Sau năm lần bảy lượt… bạn ấy cũng đã đi học trở lại. Không ồn ào, không nhiều những giỏ hoa đẹp, nhưng chắc chắn trong tâm hồn tuổi thơ có một hình ảnh đẹp, lung linh…

Còn chị H. lại nhớ về những năm tháng học đại học. Thời bao cấp, nhà nghèo, chưa bao giờ dám mơ tấm áo mới. Mấy năm đại học chả bao giờ được ăn một bát phở (may là còn được Nhà nước cấp gạo nuôi). Nên chị xúc động lắm chuyện thầy chủ nhiệm đi lùng giáo trình cũ để cho chị học; vận động các đồng nghiệp mua tặng chị chiếc áo (để chị mặc hôm bảo vệ luận văn tốt nghiệp). Còn cô hướng dẫn luận văn thì (nói đến chuyện này chị lại muốn rơi nước mắt)… 6 - 7 tháng giúp chị từng chút một, chăm chút cho chị từng trang luận văn, đọc sửa thâu đêm, rồi nhờ người chép giúp chị. Hồi đó, mấy ai có điều kiện đánh máy và in ấn. Dịp đó, mỗi lần về quê, chị chỉ có lạng chè, nải chuối biếu cô. Nhận lạng chè nhưng cô lại dúi vào tay trò một gói to quà quê của cô (nào lạc, cân gạo, gói bánh…). Cô mắng át: "Sinh viên như các em làm gì đã làm ra tiền mà bày vẽ quà cáp… Cứ bảo vệ cho tốt đã nhé”. Nói chuyện ở thời điểm này chắc có người cho là chuyện "cổ tích”. Thực tế còn nhiều câu chuyện cổ tích như thế. Cuộc đời này đẹp và đáng yêu cũng vì những câu chuyện đó.

Bùi Huy

Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục