Truyện ngắn của Bùi Việt Phương

Xưa, thầy đưa chị cả lên tới chân núi Khụ thì ở dưới làng Mè nền nhà bị sụt một góc. Năm ấy, trên Rú Khụ mưa lớn, lũ về cuốn phăng mấy nóc nhà. Những năm ấy, chị cả tốt nghiệp trung cấp sư phạm thì đã là người học cao nhất làng Mè. Hiềm nỗi, chị lên nhận quyết định làm giáo viên trên đó giữa lúc tang thương thế. Ở nhà, chẳng biết là điềm gì, u tôi lầm rầm khấn bái chỗ nền sụt, tôi nghe lỏm được chút ít, hình như u khấn: "đúng là đất có long mạch, xa cả trăm cây số vẫn tương thông”. Là con út trong nhà, tôi hay đi xem các bà hầu đồng, cũng từng lon ton chạy theo mấy anh địa chất về khoan thăm dò, đo đạc, trong cái đầu bé con mọi thứ cứ lơ lửng mơ hồ như sương khói.

Đùng cái, thầy từ Rú Khụ về, chưa kịp uống hớp nước đã hò mấy anh em tôi lấy đá chèn chống cái cột hiên sau nhà. Chèn mãi không được, cái hố cứ rộng dần. Thầy nằm nhìn đòn nóc nhà một đêm. Sáng sớm tinh mơ, nghe u bảo, thầy lấy lá sen bọc cái hòn đá hình hoa sen kê cột lén mang đi bán. 

Xế trưa hôm ấy, thầy về đến nhà đã thấy mọi người xúm đông, xúm đỏ quanh cái hố ngoắc miệng. Một cái bình quý phát lộ dưới hố nhưng tiếc là đã bị đám đá tảng "không có mắt” của mấy cha con đè vỡ. Ờ, chị cả đi khỏi nhà là vật báu phát lộ, nhưng mà cũng chả có duyên giữ được thì coi như của thiên trả địa. 

Nửa năm sau chị cả về chơi, chị không còn đen đúa, gày quắt như hồi ở nhà đi trâu. Từ hôm không cứu vãn được cột hiên sau, thầy gọi thợ đến mở rộng phía sau nhà ra hết hiên. Chị về chơi là có chỗ chong đèn ngồi đọc sách. 

Nhưng, từ hôm nhà rộng thêm một chút, anh Sửu không còn ngồi học bài nữa. Cái đèn bằng lọ mực của anh nằm chỏng chơ, bấc thối mục ở góc nhà. U không nuốt được cơm. Hai chục năm u không dám chê cơm vì sợ không có sức nuôi con mà giờ u ngồi nhìn anh chả dám nói gì. Tôi nhìn dáng thầy còm nhom nằm ở góc phản quay lưng ra sân. Tôi nhớ trưa hôm ấy, đi học về, lúc qua cầu, vào một ngày cô giáo thấy anh Sửu ghi đáp số các bài toán bằng không. Học về qua suối, anh ném sách vở xuống dòng suối. Những trang sách trắng cứ ngơ ngác giữa dòng nước rồi tan nát, một người đánh cá nhìn ngước lên cái cầu treo có bóng anh Sửu như một chấm đen lầm lũi.

Thầy mất đúng những năm người làng sôi sục khí thế làm nhà ống. Phòng khách phía ngoài, con cái tha hồ chuyện trò, xem đầu quay băng, thầy u bên trong vẫn kín cửa ngủ. Nhà tôi thì vẫn cứ 3 gian ngang phè phè thông thống tường vách thưng ván. Cũng có bữa thấy một chị theo anh Sửu đi ngắm ao cá nhưng chẳng dám vào nhà. Bờ bụi thì từ dạo cho đấu thầu người ta rào kín canh gác. Anh Sửu cứ vác mặt dày như mặt trống đi ăn cưới nhà nọ đến đầy tháng con người kia trong làng. 

Chị cả về nhiều nhất vào những năm ngoài 30 tuổi. Một trưa, chị ngó cái nhà rồi đi đi lại lại tính toán. Anh Sửu say rượu ngủ gáy o o trên phản gỗ chỗ thầy thường nằm. U bảo anh nằm đấy hay nói mê. Mười mấy năm nay anh chỉ vận độc có cái quần lửng đi xây, rồi một dạo người ta thấy anh mặc áo bộ đội đứng hò hét thợ đan sắt, đổ bê tông, lúc lại thấy đứng đếm cả cục tiền. Nhưng cứ hễ về đến nhà, anh lại đánh trần nấu nướng dọn dẹp rồi nằm xuống chỗ ấy như sợ mất đi cái dấu mồ hôi của thầy ngày nào. 

Chị cả như đã tính toán xong điều gì, giơ cái chân có móng tô nhũ bạc đạp cậu em cục mịch, anh Sửu cứ như hòn đá tảng nằm ì. Chị bực:
- Nhà nho nhe gì lại sinh ra giống này. 

Anh Sửu mở to đôi mắt nhìn chị. Chưa khi nào đôi mắt anh mở to đến thế. Anh ngồi dậy mặc áo, ra giếng rửa mặt rồi bước ra đường.

Năm ấy, bằng mọi cách, chị cả bán đứt ngôi nhà gỗ 3 gian rồi xây cho u một ngôi nhà mái bằng có hiên Tây. Nhìn đám trẻ lê la trên nền gạch men Tàu, u tôi cười ưng lắm, phụ nữ càng về già càng cẩn thận thì lại dễ tin người hơn. Anh Sửu vẫn ngày hai bữa nấu cơm cho u và em nhưng dọn ra ở gian bếp ngủ, anh bảo muốn như thế để lúc lấy vợ cho tiện, ngày đi làm mệt, ngáy to, nhà xây, vang lắm…

Bán xong nhà, chị cả ít về hơn. Từ ngày lấy một anh người xóm núi chị khôn ngoan ra, ngoài giờ đi dạy còn chỉ huy cả một đội thợ bắt ong và khai thác lâm sản. Có người đồn bán ngôi nhà thầy u đi chị được món tiền to lắm, chỉ mất phân nửa làm lại ngôi nhà này, lãi chán. Tôi lớn lên, chỉ thấy những bức tường kín gió, bóng điện sáng nhưng căn nhà vắng lặng, đến cả tiếng tặc lưỡi của thạch sùng cũng hiếm. U già đi nhiều. Ở cái làng Mè này giờ anh lên ông rồi, vẫn đánh trần nằm trên chỗ phản ấy, cái phản anh cũng đã đánh dấu bằng nước mồ hôi bóng nhẫy của thời trẻ trai.

Thu, tre trong vườn bắt đầu xào xạc rụng lá. Sen cũng tàn từ mấy độ. U đem đám tiền lẻ bán sen, bán hoa quả gói trong gói lá sen như thầy ngày nào ra đếm. Anh Sửu nhìn u nhếch mép cười, nụ cười thật lạ rồi vắt cái khăn tắm ra giếng. Tiếng nước rớt trong lòng giếng trong như tiếng cười trẻ thơ. Nghe tiếng nước u lại buồn nhìn mặt trời lặn phía cuối làng. Những ngôi nhà cao đã vội vã nuốt mặt trời của u làm u thẫn thờ. Tôi cũng sắp đến ngày đi thi, mà đỗ hay không đỗ cũng phải ra phố. Thời của tôi bây giờ có bằng đại học đi khắp làng khoe chắc cũng chẳng ai ngó. Phải đi để kiếm miếng cơm cho mình. Tôi là đứa con út của thầy, giống thầy từ cái "vai thờ” dúm dó không phải gồng gánh bao giờ, giống u ở cái tính ôn hòa chẳng muốn mất lòng ai, lại được cả nhà vun đắp cho học hành đầy đủ. Vậy mà, đến lúc này tôi lại thấy mình bị hút theo con đường của anh Sửu chứ không phải cái nghề nhàn nhã của chị cả. Anh Sửu không gói tiền lẻ trong lá sen, tiền chẵn cả cục anh nhét túi quần bước đi lầm lũi.

Tôi dắt xe ra ngõ, lại quên quay vào nhà gọi u đóng cổng, u nằm im, lay mãi mới tỉnh. Bỗng tôi thấy chị cả về mang theo một cơ số thuốc, mắt u cứ mờ đi húp qua loa mấy thìa cháo loãng. Anh rể nhìn chị, chị nhìn tôi, tôi vẫn còn lơ ngơ như dạo nào. Mà sao không thấy anh Sửu về, dạo này anh hung tính, chắt bóp và keo kiệt cả với u. Mỗi bữa anh nấu vừa đủ cho ba người ăn, đến cơm cho con vàng còn thiếu, nó đói nên cứ loanh quanh ngoài cổng sủa vu vơ người qua đường. Tiếng sủa cũng hụt hơi.
Anh Sửu về thì u đã nằm im chẳng chịu ăn uống gì. Giờ thì mọi người mới để ý, u không nhìn mặt trời đâu, u nhìn cái khoảnh đất hoa xuyến chi đang nở vàng. Ờ, nơi ấy ngày xưa là nền nhà. "Bé thế, chật thế mà năm người sống được cũng lạ”, anh rể nói rồi quay sang nhìn mọi người nhưng chẳng thấy ai bắt lời. Anh Sửu ném cái xà gỗ xuống sân. Lát sau là cái xe tải lù lù gỗ lạt. 

Hôm nay, dân làng Mè kháo nhau nhà bà giáo Thành dựng lại nếp nhà, thợ làm ca kíp không nghỉ, mà nghỉ sao được vì gỗ lạt đã được lo liệu vừa in với móng cũ. Tôi ngoái đầu nhìn lại phía cái ngõ thân quen, trên nền đất ấy thợ đang leo lên lợp mái ngói rồi, ngói mới nhưng trên khung nhà cũ. Một người phụ nữ tóc đã điểm bạc đang đứng phụ giúp thợ, người ấy giống chị cả vô cùng, từ cái dáng đi tất tả trong lần theo thầy lên núi Khụ ấy. Lúc này chẳng biết u còn nhìn ra nếp nhà đang dựng lại ấy không? Tôi phải đi, băng qua cả cây cầu treo trên dòng suối in bóng cậu bé Sửu ngày nào ném sách xuống dòng nước, đi cho kịp chuyến xe khách đang đợi tôi bước lên thì mới chuyển bánh rời làng. 

Các tin khác


Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục