(HBĐT) - Mỗi tuổi, mỗi giai đoạn của đời người đều gắn kết với 1 bài hát, bài thơ hay một vở kịch, bộ phim? Không biết điều đó có đúng với tất cả mọi người? Nhưng mùa xuân đang về, nghe những khúc ca xuân, nghe những vần thơ, bài hát giữa mùa xuân vẫn thấy trào dâng những rạo rực, những nôn nao như tuổi hoa niên nào. Nên khá đồng cảm và cám ơn những câu thơ lay gợi lòng người của thi sĩ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ khi ông viết rằng: "17 tuổi lòng ai không hồi hộp/Khi ngồi trong rạp hát đợi màn lên”

Cũng chẳng cần ngồi trong một rạp hát quy chuẩn,  âm thanh sống động, ánh sáng huy hoàng, lộng lẫy… Bãi chiếu phim quê nhà thời hoa niên ghi dấu những háo hức của lớp trẻ về những bài hát, bộ phim, vở kịch  hay. Những năm 80 của thế kỷ trước, lớp trẻ phía Bắc như được thay một luồng gió mới mát lành về nhạc nhẹ khi bộ phim ca nhạc "Hát về đất nước” được công chiếu khắp nơi. Tất cả giới trẻ hồi đó hân hoan chào đón vì được "tắm” trong những âm thanh, tiết tấu, giai điệu mới, trẻ trung "lạ” với những ca sĩ đang nổi, bài hát đang được giới trẻ đón nhận. Trong đó, rất nhiều bạn trẻ cảm tình với ca sĩ Lệ Quyên, "nữ hoàng nhạc nhẹ” miền Bắc thập niên 80 (nay định cư nước ngoài) rộn ràng, say đắm với  bài hát"Mùa xuân gọi” của Trần Tiến. Hồi đó, Trần Tiến đang là một hiện tượng âm nhạc khi cho ra lò một loạt ca khúc được mến mộ như Mặt trời bé con, Điệp khúc tình yêu, Tạm biệt chim én…Thời mà bất cứ sâm khấu ca nhạc nào, đều có các bài hát của ông được trình diễn. Với "Mùa xuân gọi”, thật ấn tượng hình ảnh, Lệ Quyên mặc bộ đồ đỏ rực, nhảy đẹp, say đắm từng lời ca: "Mùa xuân nói với em câu gì/ Mà sao mắt em vui thế/ Tình yêu nói với em câu gì/ Mà sao tôi thấy em bâng khuâng/Mẹ ơi sang nay xuân về/Mẹ trông ra ngoài hiên nắng/Mẹ Mong đứa con xa nhà/Rồi mùa xuân anh ấy sẽ về”. Không biết vì ám ảnh bởi bộ phim ca nhạc nổi tiếng cùng bài hát đó, mà sau này, khi viết lưu bút cho bạn bè trước khi chia tay tuổi học trò, mấy bạn đều chép cho nhau bài hát "Mùa xuân gọi” như một sự nhắc nhở về tuổi hoa niên mộng mơ, như một lần cùng rung động, đồng cảm với lời ca, điệu nhạc một ca khúc hay một thời. Mãi sau này, mỗi mùa xuân, nhóm bạn lại cùng nhau hát lên những câu ca lay động lòng người đó, để cùng thêm yêu thanh xuân của đời người và động viên nhau trên đường đời tấp nập…Rồi khi đã trưởng thành, vào một chiều đông, sắp ngả tiết xuân, một mình đạp xe trên con đường đê dọc một sông đào, bắt gặp những bãi cỏ, bãi dâu xanh rờn bên sông, thấy những đứa trẻ nô đùa, tiếng cười trong trẻo dưới nắng vàng nhẹ, mây xanh ngắt.Chút heo may luồn lách theo gió. Thấy ấm áp vô cùng, khi vang lên câu hát từ ai đó:"Đi qua vùng cỏ non/Ngỡ mùa xuân đang đến/Bâng khuâng chiều ba mươi/Tóc em xanh màu trời…Đi qua vùng nhà em/Không còn em ở đó/Bỗng nhớ từng tiếng hát/Thiết tha yêu cuộc đời”. Không thể đi nốt con đường mùa đông heo may đó. Phải dừng lại để nghe hết, để thấy hết những trò chơi mà bọn trẻ đang cùng nhau. Lúc đó, sao thật nhớ một mùa vui nào: bạn bè thời sinh viên, ghi ta thùng cùng hát vang hành lang ký túc xá chờ xuân về, chờ về tết. Ngoài xa, tiếng tàu ga Hàng Cỏ réo gọi như những chuyến về các miền quê xa. Sau này, đi nhiều cung đường đời, qua những vấp ngã, buồn vui, qua những hạnh phúc…sao lại dám ít hát lại những câu hát nằm lòng đó? Chỉ có thời gian, chỉ có ký ức mới lý giải được. Có thể những câu ca đó nhắc về một thời đẹp nhất, nên đó như là một vùng ký ức thiêng liêng, đáng nhớ và trân trọng… Bản thân một câu thơ, một bài hát không tồn tại đơn thuần, đơn phương chỉ là giai điệu, lời ca mà nó "sống” cùng thời gian, sống trong lòng vì gắn bó với kỷ niệm buồn vui trong quãng thời gian đó của đời người, gắn với bạn bè, người thân yêu.

Còn mùa  Tết này, ông chú họ, từng có những năm tháng trong quân ngũ, mỗi khi tụ tập bạn bè hát karaoke "xóm”, hay uống chén rượu xuân cùng đồng đội, bao giờ cũng "Cùng hành quân giữ mùa xuân”, "Cuộc đời vẫn đẹp sao”, "Xuân chiến khu”, "Mùa xuân đầu tiên”... Khi vui lên có thể song ca cùng vợ rất tình tứ "Gửi em ở cuối sông Hồng”. Ông kể: Thời trẻ đã say mê hát, chép vội vàng cho bạn vào cuốn sổ nhàu nát, thơm mùi thuốc súng…Đồng cảm cộng khổ, lạc quan để đi qua những ngày gian khổ nhất. Cùng hướng đến mùa xuân chiến thắng”. Thế là thêm một ký ức đẹp về những bài hát hay gắn bó với mỗi đời người…



                 Bùi Huy

Các tin khác


Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục