Truyện ngắn của Bùi Việt Phương 

Ông Phong lặng lẽ đi sau con bê vàng, thằng cháu Tình chạy lăng xăng phía trước. Mùa này, con đường đất đỏ mọc đầy cỏ non. Con bê chốc chốc lại dừng bước liếm một bụi cỏ mới còn ướt đẫm sương. Nó hệt như một đứa trẻ con, háu ăn và ham chơi. Mùa xuân, tiết trời còn lạnh nhưng ông Phong cảm nhận được những chồi non đang khấp khởi như niềm vui trong lòng người.

Cũng trên con đường này 2 năm trước, từ dưới thung lũng ngược lên, ông cũng dắt con bê đi với thằng cháu nội như thế. Ngày đó phải nói mãi, thằng Tình mới nghe theo ông. Ông biết nó rất ngưỡng mộ những người bạn của ông thường mặc quân phục, đeo quân hàm, quân hiệu, huân huy chương đến nhà chơi. Nhưng con bê mới 3 - 4 tháng này là người bạn thân thiết, chỉ thiếu nước là ôm bê đi ngủ. Thế nên phải xa con bê, nó nhớ lắm.

Ngày trước, ông và ông Tân là đồng đội cùng chiến đấu trong một đơn vị. Ra quân, rồi lên đây xây dựng quê hương mới, hai người vẫn qua lại. Nhà ông Tân ở trên đồi nên trồng trọt, chăn nuôi được thứ gì muốn đem xuống chợ bán cũng khó thành ra cứ lấn bấn mãi.

Một hôm, đang ngồi ăn cơm, thằng Tình bỗng hỏi:

- Ông ơi, sao anh Lâm không biết chăn trâu, chăn bò?

- Sao cháu biết?

- Tại cháu thấy anh ấy gặp đàn bò nhà mình mà sợ nép vào bên đường. Chắc vì chưa được đi chăn ông ạ. Mà bò nhà mình đẻ ra con nào cũng hiền…

- À (ông Phong đã nhớ ra), vì nhà anh ấy chưa có con trâu, con bò nào. Hai bác lại đi làm xa, anh Lâm cũng buồn lắm đó cháu.

Câu nói của thằng Tình khiến đêm ấy ông Phong trằn trọc không ngủ được. Ngoài kia, có nhà đã thức dậy giết lợn, chuẩn bị đón Tết, không khí mùa xuân càng náo nức, ông càng thấy sốt ruột. Ông Phong rón rén dậy, khoác thêm cái áo bước ra hiên, tay lần tìm ống điếu. Đêm xuân se lạnh, ông châm mãi mà thuốc không bắt lửa, ông giật mình thấy bà Thìn đứng sau lưng từ lúc nào.

- Ông lại mất ngủ à?

- Sao bà biết, chắc tại giao mùa nên tôi thấy khó ở.

- Bao năm sống với ông, tôi còn lạ gì, đúng là có đau nhức vết thương thật nhưng chắc ông ngại nói với mẹ con, bà cháu tôi…

Khẽ ngó vào gian trong, nơi anh em thằng Tình đang ngon giấc, ông Phong nhỏ nhẹ:

- Bà còn nhớ vết thương bên vai tôi bị ở chiến trường nào không?

- Thì… sao tôi quên được, ở mặt trận biên giới Tây Nam. Nhưng có chuyện gì?

- Mai là sinh nhật chú Tân, cái người đã cõng tôi dưới làn đạn ấy, nghĩ cũng tội. Vợ yếu, con đông tính lại khí khái, ai hỗ trợ gì cũng không nhận…

- Biết sao được ông, người cương trực bao giờ cũng có lòng tự trọng cao. Bao lần các ông thuyết phục, hỗ trợ, chú ấy chả nghe thì biết làm sao?

- Tôi đã có cách, nhưng khó là ở chỗ thằng Tình…

Sáng mùa xuân năm ấy, ông Phong đang mải đắm chìm trong suy nghĩ bỗng nghe tiếng thằng Tình gọi từ phía trước:

- Ông ơi, đến chỗ rẽ rồi đó ông. Ông định cho con bê ăn cỏ ở đồi nào?

- Tình à, nghe ông bảo.

Ông Phong bảo thằng cháu nội ngồi xuống gốc cây. Bao giờ cũng thế, cứ mỗi lần nghe ông kể chuyện nó đều rất hào hứng. Vậy mà, bữa nay nghe xong, mặt nó buồn thiu, đứng dậy ôm chặt con bê con.

- Không, cháu không chịu đâu. Ông mang cái gì đi cũng được, chỉ cần là đừng bắt nó đi, cháu đã chơi với nó từ bé, to đến thế này rồi…

- Cháu à, cháu có thương anh Lâm không? Nhà anh ấy cứ nghèo mãi làm sao biết chăn bò, cưỡi trâu, làm sao có áo mới… Để con bê lên đó hai năm, mình lại đón nó về.

Thằng Tình có vẻ chưa xuôi nhưng vẫn lặng lẽ đi theo ông. Đến cổng nhà ông Tân, nó nhất quyết không vào mà buộc con bê vào gốc xoan rồi đứng đợi.

Ông Tân rót chén nước chè xanh mời khách, miệng vẫn một mực từ chối.

- Em ở thế này ổn rồi bác ạ. Các bác giờ đã có tuổi, còn lo bao việc, cũng không nỡ phiền các bác…

Ông Phong thủng thẳng:

- Nhà tôi chúng nó đi vắng cả, nay thằng cháu Tình cũng lên lớp 6, phải xuống trường nội trú dưới huyện học, muốn chú giúp cho một việc. Có con bê cái, muốn mang lên nhờ chú nuôi giúp. Tôi thấy cỏ trên đồi xuân này lên xanh lắm.

- Bác lại làm khó em rồi. Bác còn mạnh chân, khoẻ tay sao không để nuôi.

- Tôi thấy thằng cháu Tình kể, cháu Lâm nó cũng muốn chơi với con bê, con nghé mà rón rén nhút nhát, nghĩ mà tội. Thời anh em mình bằng chúng nó là cưỡi trâu phi đuổi nhau rồi. Giờ cánh mình đã già, có cơ hội giúp nhau được còn may mắn. Cậu nghĩ xem, ngày xưa chúng mình chia nhau nắm cơm, hạt muối, cõng nhau chạy qua lửa đạn. Nay trước cái khó, cái nghèo chẳng lẽ mình chịu thua.

Ông Tân nhấp ngụm nước trầm ngâm:

- Thì mỗi người mỗi cảnh, đâu phải cùng mặt trận, cùng chiến hào như xưa.

- Không phải thế đâu Tân ạ. Mà do bọn mình chưa nghĩ ra cách. Mà thôi, gọi là gì cũng được.

- Thế bao giờ anh sẽ lên mang bò về.

- Thì… cậu cứ nuôi giúp tớ đã.

Thời gian thấm thoắt trôi đi, hôm lên nhà lấy con bê về, ông Tân rót chè xanh mời khách:

- Vậy là đã hai năm rồi bác nhỉ. Mà bác lên một mình mà dắt hai mẹ con nó về có vất không?

- Tân này, nay tớ lên nhận chú bê này về, cậu gắng trông nom bò mẹ nhé để nó lại sinh lứa mới.

- Ấy chết. Em chỉ giúp anh nuôi hộ thôi, cỏ trên đồi sẵn…

Ông Phong nheo mắt:

- Không, tớ đã bàn với anh em trong Hội Cựu chiến binh về chuyện giúp nhau nuôi bò.

Ông Phong đang mải chìm trong ký ức, bỗng thằng Tình lại gọi.

- Ông ơi, cháu bảo, cháu nghĩ rồi, hay mình lại mang bê con này sang nhà ông Hội ông nhé. Mùa xuân, cỏ bên nhà ông Hội cũng lên tốt lắm mà nhà ông ấy chưa có con bò nào. Bê nhà mình con nào cũng dễ ở, chóng lớn ông nhỉ?

Ông Phong cười rung chòm râu bạc.

- Chà, lên lớp 8 có khác. Cháu biết không, mình phải giúp người khác từ lúc mình cũng chưa có nhiều chứ mà đợi đến lúc khá giả rồi thì còn lâu lắm. Giàu hay nghèo đều từ trong tâm mình cháu ạ. Nếu biết chia sẻ, cái khó sẽ bớt đi.

Hai ông cháu về đến sân thì đã thấy bà Thìn đứng ngoài cửa đợi.

- Hai ông cháu đi đâu lâu thế. Không về trông nhà cho tôi còn đi việc chứ.

- Tết nhất đến nơi rồi bà còn đi đâu? - Ông Phong tỏ vẻ khó chịu.

- Ông tưởng các ông mới có việc à. Tổ Phụ nữ chúng tôi cũng có quỹ tiết kiệm đấy. Của ít lòng nhiều, Tết cứ ấm áp là được.

Bà Thìn đi rồi, ông Phong pha ấm trà ngon ngồi nhâm nhi. Ngoài sân những tia nắng ấm làm bừng sáng những nụ hoa đào đã hé nở. Hình như khi con người ta biết xua đi giá lạnh cho người khác thì ấm áp sẽ tìm về. Một mùa xuân thật nghĩa tình.


Các tin khác


Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục