Hải béo đứng sừng sững trước cửa nhà khiến Hội bất ngờ. Hội ú ớ như chỉ muốn kêu lên: "Tôi còn 2 cái báo cáo nữa và lát còn đi đón con…”. Thế nhưng trước nụ cười đầy ắp như phù sa của Hải, Hội không thể thốt ra được như thế.

Hội lại bị hắn "giam cầm” ở quán bia với lời đề nghị biên tập thơ cho hắn.

- Mà làm sao ông tìm thấy tôi ở cái ổ chuột này?

Hội tưởng một kẻ đi CX5 sẽ vênh mặt lên nhưng trái lại gã nhà thơ - bợm nhậu viển vông một thời bỗng thốt lên một câu đầy chất hiện thực mà không hề phê phán:

- Ông cứ bán quách cái lều thơ này cho tôi.

Chưa bao giờ Hội nghĩ đến một người thèm mua cái lều "cỏ” thế này. Gọi là nhà, thực chất chỉ là một gian cấp bốn được cơi nới, vá víu trên mảnh đất người ta đổ rác, chưa hề có sổ sách gì. Nhưng Hải cứ tưng tửng thế, chả rõ thực hay đùa.

Hội cũng thấy thấm thía. Hai vợ chồng lương ba cọc ba đồng, nhà hai đứa con đã loi choi học cấp II, nếu cứ cảnh nhà cửa bấp bênh mãi thế này cũng không ổn. Thực ra Hội đã từng liều vào hỏi vay anh chị, từng xin nghỉ việc một tuần để về Hà Nội kiếm mối nhưng tất cả những cánh cửa thoát nghèo đều đóng kín. Bỗng dưng có đứa đến hỏi mua nhà thì còn gì bằng.

Chiều về Hội nói với Ngân - vợ anh. Ngân nghe xong hỏi chồng:

- Thế anh ta giờ làm công việc gì?

- Nó thì đủ nghề, từ bất động sản đến tổ chức sự kiện, bán sầu riêng… Nhìn cái mặt nó anh nghi lắm.

- Em lại thấy anh Hải thân thiện, hiền lành, hồi xưa có đến phòng em đàn hát. Thế anh có tìm hiểu được anh ấy mua nhà mình vì lý do gì chưa?

Nghe đến chuyện cũ vợ nói, máu ghen trong Hội lại nổi lên. Ngày trước Hội đã từng đối xử không tệ với Hải. Có lần hắn sốt đến 40 độ, miệng co giật, Hội phải cõng hắn ra bệnh viện quận. Có dạo hắn bị đám thanh niên càn quấy trong làng đuổi đánh, chính Hội liều mình giấu hắn trong gầm giường. Thế mà ngày đó hắn lại lén tặng Ngân cái váy, suýt nữa hai thằng đấm nhau giữa sân ký túc xá.

Từ lúc cây cầu được hợp long, bọn cò đất ở đâu tập trung về "bu” lấy khu này. Người ta "ăn” đất, "ngủ” đất, nằm mơ cũng ú ớ về đất. Người già than thở làm lụng ngay thẳng cả đời cũng không bằng dăm ba phút ngã giá, chốt tiền. Nếu thực sự dưới đất có thổ công thì chắc ngài cũng phải bị cắt khúc ra rất nhiều lần rồi.

Cơn sốt đất không có "vaccine” đặc trị ấy lan đến khu nhà Hội. Nghe nói ở đầu dãy có con bé làm ngân hàng vừa mua 900 triệu tháng trước đã sang tay tỉ sáu như "người yêu cũ lật mặt”. Nó hiên ngang đi qua mặt bà chủ nhà cũ trong chiều lá me bay.

Hôm ấy Ngân đứng ở cửa nhìn theo dáng nó bước lên xe mà than:

- Ước gì nhà mình cũng có số đỏ để được sốt như người ta. Không lên không xuống, chẳng biết bao giờ bị hốt đi như đống rác.

Hội quặc lại:

- Bốn cái mạng đang ngoi ngóp trên đống rác đấy. Ngày nào cô chả make up từ cái đống rác này ngoi lên là gì? Hay lại nhớ cái váy đỏ xưa nhà thơ - cò đất tặng…

Ngân ức mà không biết nói gì. Ngày trước nhà cô bên kia sông, nơi mà đến 23 giờ đèn vẫn sáng và nhạc vẫn rộn rã trong các hàng quán. Sang cái bán đảo bên này làm dâu, đời cô như đoá hoa vừa nở rơi xuống dòng nước. Những sắc màu, hào quang cũ cứ bợt bạt, mục rữa ra trước khi chìm vào hư không. Cô không phải dạng bon chen, tham vọng nhưng cũng muốn vun vén, tạo dựng cơ nghiệp. Chỉ khổ nỗi cô yêu Hội quá, yêu cái gã thầy giáo nửa mùa còn nửa mùa đi làm truyền hình. Có lần mẹ Ngân bảo:

- Mẹ thì chả bao giờ xem cái chương trình ti vi nhà anh Hội làm cả. Nhưng ở bên này mẹ cứ nhìn thấy cái tháp truyền hình, mẹ lại có thêm một chút an ủi. Thôi thì con cũng là vợ nhà báo, dù là nhà báo nghèo nhất cái thị trấn miền núi này. Thôi con ạ, gia đình như cái tổ ong, mật ít, mật nhiều là do mình. Cứ thấy nó lủng lẳng, con bay ra con bay vào là hạnh phúc rồi.

Nghĩ đến thế Ngân thấy lòng thanh thản phần nào. Ngân ngước nhìn lên, một cái tổ ong to lù lù đang treo trên cành cây nhãn già ngay lối cửa ra vào. Ôi nguy hiểm quá, đến cả cái chỗ đất xó xỉnh này mà sự đen đủi vẫn không buông tha vợ chồng cô. 5 năm chạy chọt xin việc, hết chú này, bác nọ có lời vẫn quanh quẩn chỉ là cái hợp đồng bấp bênh trắng bợt. Ong với chả ve, mày đến làm cái "lầu” to thế để trêu ngươi bà à?

Chiều. Ngân vừa khóc vừa chạy đến bệnh viện vì được bà hàng xóm gọi điện nói con bé lớn thế nào lại bị ong đốt, sung húp cả mặt lên. Gọi cho chồng thì thấy Hội không nghe máy, Ngân vừa lao vào thang máy bệnh viên thì va phải một tấm lưng to uỵch. Ngước nhìn lên là cái mặt to bự, bóng nhẫy của Hải béo:

- Bà Ngân làm gì mà hốt hoảng thế, tôi không có sẵn 200k để bồi thường cho bà đâu nhé.

Nếu không vì vội chắc Ngân bổ lại hắn rồi. Nhưng khi vừa lao vào phòng điều trị thấy mặt Hội, cô hiểu ra chắc hắn đưa anh vào. Hội chả tỏ vẻ gì lo lắng:

- May quá, có mấy con ong…

- Là sao?

- Người ta kết mua nhà mình là vì cái tổ ong đấy. Em đừng gọi thợ đến bắt nữa.

Ngân ôm lấy con. Con bé cao, chân dài lộc ngộc. Thấy mẹ nó mừng ra mặt quên cả cơn sốt vì nọc ong:

- Bố bảo may quá mẹ ạ. Con bị ong đốt nhưng nhà mình được về nhà mới.

Ngân gắt lên:

- Bố con mày hâm à? Đang cuối tháng chả có tiền, nghịch ngợm làm sao lại để nó đốt.

Tuần sau, cho đến lúc Hội dẫn Ngân và hai đứa con lên căn hộ chung cư còn thơm mùi sơn mới Ngân vẫn chưa tin được. Nhưng tại sao nhất thiết phải là mảnh đất có cái tổ ong mật lộc tài gì đó, mà đất thì rõ là không có sổ mà người ta vẫn quyết mua bằng cái giá trả được quá nửa căn chung cư này nhỉ. Hay là…

Tháng sau, có dịp đi qua khu nhà cũ, Ngân thấy chỗ đất ấy được san bằng và láng bê tông thành cái sân cho bọn trẻ con chứ chả thấy nhà cửa gì. Ngân dừng xe lại hỏi, một bà hàng xóm bảo:

- Đấy, nhờ cái chú Hải béo đấy mà lũ trẻ con có chỗ chạy ra chạy vào. Người thì rõ lắm mồm nhưng tính thì lương thiện, gặp ai khó khăn đều giúp.

Trên vòm cây nhãn, tổ ong vẫn vo ve. Ngân về kể với Hội, anh bảo: "Chắc thằng Hải béo nó giả ơn tôi đấy”. Ơn gì thì Ngân chẳng hiểu, cô chỉ có một cảm giác rằng đằng sau những gì tưởng như cay đắng của cuộc đời này vẫn đầy mật ngọt…

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương

Các tin khác


Chuyện của nắng mưa

Nắng sớm, mưa chiều là câu cửa miệng của cư dân miền nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều. Nói rộng ra là thế, còn nhìn gần, hình như nó giống với câu chuyện của một ngày mùa hạ. Đầu ngày là nắng đổ gay gắt và cuối ngày đong đầy những giọt mưa.

Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục